Làm gì để phát triển golf xanh, bền vững?

Để hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển golf theo hướng xanh, bền vững, các chuyên gia cho rằng, mỗi địa phương cần thận trọng, có quy hoạch bài bản và tránh phát triển golf, xây sân golf theo phong trào.
NGUYỄN TRI
25, Tháng 06, 2023 | 08:40

Để hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát triển golf theo hướng xanh, bền vững, các chuyên gia cho rằng, mỗi địa phương cần thận trọng, có quy hoạch bài bản và tránh phát triển golf, xây sân golf theo phong trào.

san-golf-tai-da-nang

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đang trở thành điểm hấp dẫn về du lịch golf. Ảnh: Nguyễn Trình

Cân nhắc quỹ đất, tránh làm sân golf ồ ạt

Hiện nhiều địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đang đẩy mạnh việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào sân golf. Bởi, từ môn thể thao này có thể đón dòng khách hạng sang đến địa phương, kết hợp chơi golf và tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống.

Đà Nẵng thời gian qua đang trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch golf, thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc. Thành phố biển này cũng định hướng trở thành đích đến cho khách du lịch golf, là nơi mang đến trải nghiệm cao cấp, sang trọng bậc nhất Châu Á, tương tự như các điểm du lịch golf nổi tiếng như Bali, Phuket...

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, với hệ thống các sân golf đẳng cấp thế giới trong bộ sưu tập Signature Collection, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung đang nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch golf tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, việc đầu tư xây dựng sân golf cần có quy hoạch đầy đủ và được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, các địa phương không nên đầu tư làm sân golf theo phong trào, vì diện tích sân golf rất lớn, cần phải căn cứ vào nhu cầu phát triển du lịch, nhu cầu của người sử dụng.

Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng sân golf cũng phải căn cứ vào địa hình địa phương và quỹ đất liệu có đáp ứng. Các địa phương không nên cố làm sân golf trong khi quỹ đất không đảm bảo, loại đất không phù hợp. "Theo quy định, sân golf chỉ phát triển ở những khu vực đất không thể phát triển các loại hình khác như nông nghiệp, lâm nghiệp...", Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thông tin.

Ngoài ra, TS. Đặng Việt Dũng cho rằng, việc lựa chọn vị trí đặt sân golf và phát triển sân golf phải đảm bảo quy định về hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo về môi trường.

"Khi làm sân golf, các địa phương phải yêu cầu nhà đầu tư có thiết kế phù hợp. Vì, bản thân sân golf cũng là một công trình, trong trường hợp thiết kế tốt, đẹp, có tỷ lệ cây xanh hợp lý và có khoảng không gian cho các công trình kiến trúc thì sân golf cũng là một công trình đem lại không gian cho đô thị", TS. Đặng Việt Dũng chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho hay, cần có chỉ tiêu diện tích làm sân golf tại mỗi tỉnh, thành và không nên vượt quá chỉ tiêu đó, không nên phát triển golf theo kiểu "xây dựng càng nhiều sân golf càng tốt".

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhận định rằng nhìn "sân golf rất xanh nhưng không phải xanh", bởi vậy mỗi địa phương trước khi làm sân golf phải tính đến tác động môi trường.

"Khi sân golf khi đi vào hoạt động, để giữ cỏ luôn xanh phải cần dùng một lượng lớn thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu sẽ không mất đi ngay mà thấm vào đất, vào mạch nước ngầm..., theo nước mưa thải ra sông ngoài, kênh rạch xung quanh và sẽ tác động môi trường. Vì thế, cần phải tính tới tất cả các nguy cơ để xây dựng giải pháp xây dựng sân golf phù hợp", ông Sơn dẫn chứng.

Phát triển golf "xanh", tạo vành đai xanh cho đô thị

Theo TS. Đặng Việt Dũng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phải phát triển du lịch để ngành này đóng góp lớn vào GDP của đất nước. Trong đó, golf đang là một trong những dịch vụ du lịch được nước ta quan tâm, phát triển.

"Phát triển sân golf là phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao phải cân đối giữa việc phát triển sân golf với phát triển các ngành kinh tế khác, đòi hỏi các nhà quy hoạch phải cân nhắc", TS. Dũng nói thêm.

Để phát triển golf bền vững, vừa phát triển kinh tế vừa tránh các tác động đến môi trường, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị, các địa phương không nên khuyến khích làm nhiều sân golf ở khu vực nội thành, nên quy hoạch đẩy ra khu ngoại vi.

Dẫn chứng một sân golf ở nội thành tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TSKH- KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, sân golf nằm trong đô thị sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về môi trường.

"Di dời các sân golf ra khu vực ngoại vi thành phố vừa tạo mảng xanh - vành đai xanh cho các đô thị, vừa nhường được diện tích đất lớn ở khu vực nội đô để phát triển các mảng xanh như công viên. Điểm chung của việc làm trên là đều tạo không gian xanh cho đô thị, nhưng khác biệt là rất lớn khi tận dụng được tối đa quỹ đất mà vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường, đời sống của người dân...", ông Sơn nói.

Hiện, trong phát triển các sân golf, nhà đầu tư cũng đang đặt yếu tố "xanh" lên hàng đầu. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, với mục tiêu phát triển du lịch Golf trở thành thế mạnh của Việt Nam, hướng tới đối tượng khách du lịch cao cấp, Tập đoàn luôn dựa trên nguyên tắc sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái, tạo cảnh quan, phong cảnh đẹp, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng cư dân.

Đối với Bình Định, địa phương coi du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển, trong đó, du lịch golf đang là một trong những lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi đầu tư. Tuy vậy, địa phương luôn ưu tiên yếu tố "xanh" khi thu hút bất kỳ dự án nào.

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho hay, Ban quản lý luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp (KKT, KCN).

Các dự án được thu hút đều quy định phải sử dụng công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường và phải được xem xét đánh giá, thẩm định sơ bộ về mặt tác động môi trường ngay trong quá trình lập thủ tục đầu tư, phê duyệt quy hoạch nhằm phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường từ các dự án này ngay từ đầu.

Đặc biệt, đối với các dự án du lịch ven biển, Ban Quản lý sẽ yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường hiện hành, sau đó tuần hoàn tái sử dụng 100% vào mục đích tưới cây, rửa đường, không xả ra môi trường biển ven bờ để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

"Mặc dù công tác thu hút đầu tư của khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng còn rất khó nhưng Ban Quản lý luôn mạnh dạn từ chối các dự án có tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến môi trường", ông Sơn nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ