Kỳ vọng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ thúc đẩy thị trường

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức vận hành vào 19-7-2023 được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhưng để thị trường thực sự sôi động trở lại thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
VÂN PHONG
19, Tháng 07, 2023 | 08:41

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức vận hành vào 19-7-2023 được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhưng để thị trường thực sự sôi động trở lại thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nỗ lực “phá băng” thị trường

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua nhiều biến động trong hơn một năm qua với những sai phạm lớn ở một số doanh ​nghiệp, đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư và thành viên tham gia thị trường. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dần đuối sức do phải xoay xở nguồn lực để trả nợ trái chủ trong bối cảnh nền kinh tế tồn tại nhiều khó khăn, khiến giá trị phát hành mới liên tục sụt giảm.

7-4-e1675909083620

Bất động sản là một trong hai nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều trái phiếu nhất. Ảnh: N.K

Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho biết hoạt động phát hành riêng lẻ vẫn trầm lắng.

Cụ thể, chỉ có 29 đợt phát hành TPDN trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỉ đồng, giảm 34,4% so với quí 1-2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu tổng hợp của VNDirect từ trang thông tin của HNX. Với 29 đợt phát hành, có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỉ đồng – chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 48.687 tỉ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỉ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ.

Đại diện VNDirect đánh giá, sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3-2023, thời điểm ngay sau khi Nghị định số 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế có hiệu lực, thì hoạt động phát hành riêng lẻ trong quí 2-2023 tiếp tục rơi vào trạng thái trầm lắng.

Nguyên nhân chính là niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Trong bối cảnh trên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ, dự kiến chính thức vận hành vào ngày 19-7-2023, với hơn 1.600 mã TPDN riêng lẻ sẽ lên sàn. Hệ thống này có năng lực xử lý khoảng 15.000-20.000 lệnh mỗi giây, tương ứng 20-30 triệu lệnh mỗi phiên.

Đại diện HNX cho biết việc giao dịch TPDN riêng lẻ trước đây được thực hiện tại các tổ chức lưu ký, với hình thức giao dịch chủ yếu là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và chuyển nhượng giữa nhà đầu tư và tổ chức lưu ký. Nói các khác, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu riêng lẻ muốn bán phải qua trung gian gồm ngân hàng, công ty chứng khoán với phí cao, hoặc phải “ôm” trái phiếu chờ đến ngày đáo hạn.

Nhưng theo quy định mới tại Nghị định 65/2022 thì tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán. Điều này, kết hợp cùng sự ra đời của hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ, sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN, theo đại diện HNX.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), cho rằng việc đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam thiếu một thị trường giao dịch thứ cấp tập trung.

Theo đó, việc sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành sẽ giúp nền kinh tế có thêm một kênh huy động vốn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp Việt Nam dần có một hệ thống tài chính chuyên nghiệp hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng buộc phải minh bạch và chuyên nghiệp hơn khi muốn huy động vốn trên thị trường trái phiếu.

“Sàn giao dịch sẽ tạo kênh mua – bán cho nhà đầu tư, giúp thanh khoản thị trường cải thiện, đưa trái phiếu doanh nghiệp trở lại thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng”, ông Ngọc nói.

Cũng theo chuyên gia này, hệ thống giao dịch TPDN thứ cấp vận hành và việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, sẽ là các yếu tố nền tảng, giúp kênh phát hành TPDN có thể vận hành theo đúng nguyên tắc và mục tiêu mong muốn là trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Để thị trường trái phiếu thoát cảnh “chợ chiều”

Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành với kỳ vọng gia tăng thanh khoản trên thị trường, nhưng để thị trường thực sự thoát cảnh giao dịch ảm đạm thì cơ quan quản lý cần ưu tiên thực hiện các giải pháp lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư và các thành viên tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Công thương (Vietinbank Securities), cho rằng cơ quan quản lý cần kiểm soát việc “đại chúng hóa” ở thị trường trái phiếu thứ cấp với các quy định nêu rõ tổ chức tài chính, cá nhân đủ điều kiện, có giấy phép hành nghề mới được thực hiện nghiệp vụ phân phối trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Còn các tổ chức, cá nhân phân phối, tư vấn cần nâng cao vai trò của mình trong việc giúp nhà đầu tư hiểu đâu là trái phiếu ra công chúng, đâu là trái phiếu riêng lẻ, qua đó nhận biết được những lợi ích, cũng như rủi ro gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu.

Cơ sở để đưa ra đề xuất này, theo ông Tuấn Anh, là dù các luật và nghị định đều có quy định về việc phát hành ra công chúng, cũng như phát hành riêng lẻ tại thị trường sơ cấp, nhưng bỏ quên thị trường thứ cấp. Điều này dẫn tới rủi ro là nếu việc cho phép mua đi – bán lại, “đại chúng hóa” diễn ra ở thị trường thứ cấp, thì bản chất của trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ là gần như giống nhau.

Tương tự, một báo cáo được Fiingroup công bố vào quí 1-2023 cho thấy hơn 33% trái phiếu doanh nghiệp do cá nhân nắm giữ, phần còn lại là của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sau khi mua trái phiếu, có hiện tượng một số ít các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại tiến hành mời chào, bán lại cho nhà đầu tư cá nhân, hoặc hợp thức hóa dưới dạng hợp đồng “hợp đồng hợp tác chiến lược” hoặc “gửi tiết kiệm linh hoạt”, vô hình trung một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp lại đang nằm trong tay những nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

“Việc kiểm soát, giám sát phạm vi, khối lượng, đối tượng nhà đầu tư tham gia nắm giữ là hết sức cần thiết. Điều này đã được quy định với nhóm cổ phiếu, tuy nhiên nhóm trái phiếu lại chưa có những quy định tương tự”, ông Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, cần khuyến khích và định hướng dòng tiền của nhà đầu tư tới việc mua TPDN phát hành ra công chúng để giảm thiểu rủi ro, trong khi trái phiếu riêng lẻ chỉ được phép cung cấp hoặc phân phối lại cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Tuấn Anh vẫn nhấn mạnh tới vai trò quản lý, giám sát việc có hay không “đại chúng hóa” trái phiếu riêng lẻ của các tổ chức tài chính của các cơ quan quản lý và giám sát thị trường tài chính, từ đó đưa ra các phương án xử lý, ngăn chặn kịp thời tránh ảnh hưởng lớn tới nhà đầu tư, cũng như đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch của thị trường.

TS Cấn Văn Lực cho rằng cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp phát hành TPDN. Ngoài ra, sớm xem xét cấp phép cho 2-3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực và khuyến khích xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Theo định hướng của Thủ tướng, các cơ quan quản lý sẽ có kế hoạch cấp phép cho 3 đơn vị trong thời gian tới để đảm bảo kế hoạch có 5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đến năm 2030.

Bên cạnh những vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với thực tiễn, bám sát hơn nữa xu hướng và thông lệ quốc tế. Thực tế, hiện chưa có sự phân biệt giữa TPDN phát hành riêng lẻ bởi các định chế tài chính và các loại hình doanh nghiệp khác do Nghị định 08/2023 và Nghị định 65/2022 đều quy định chung cho hai loại hình này.

“Điều này dẫn đến thị trường trái phiếu riêng lẻ được phát hành bởi các định chế tài chính chất lượng như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán bị ảnh hưởng ít nhiều”, ông Tuấn Anh cho biết.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ