Kinh tế Trung Quốc nặng nỗi lo gián đoạn

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã chuyển biến xấu đi trong tháng 11/2022 trước khi chính quyền nước này đột ngột gỡ bỏ chính sách Zero-Covid. Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ bị gián đoạn nhiều hơn do số ca nhiễm gia tăng.
VIỆT LÂM
21, Tháng 12, 2022 | 09:17

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã chuyển biến xấu đi trong tháng 11/2022 trước khi chính quyền nước này đột ngột gỡ bỏ chính sách Zero-Covid. Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ bị gián đoạn nhiều hơn do số ca nhiễm gia tăng.

Tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Trung Quốc được dự báo sẽ khó đạt 3%. Ảnh: Bloomberg.

Tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Trung Quốc được dự báo sẽ khó đạt 3%. Ảnh: Bloomberg.

Gián đoạn sản xuất và tiêu dùng là khó tránh

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/12 cho thấy, mức sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 11 đã tăng lên 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tệ hơn so với dự báo mức giảm trung bình 4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm còn 2,2%, từ mức tăng trưởng 5% trong tháng 10, trong khi tăng trưởng đầu tư tài sản cố định trong 11 tháng đầu năm giảm xuống 5,3%.

Cả hai chỉ số trên đều không như kỳ vọng của giới phân tích. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng lên 5,7%, cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ, nhận định rằng với việc Trung Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm đầu tiên sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, thì tình hình kinh tế sẽ không được cải thiện trong tháng 12/2022.

Như vậy, sự phục hồi kinh tế trong quý III/2022 mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau khi lệnh phong tỏa thành phố Thượng Hải - trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu của Trung Quốc - được gỡ bỏ. Do đó, tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc sẽ khó đạt mức 3%.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 0,4% vào lúc 11:04 sáng ngày 15/12 (theo giờ địa phương) khi thị trường chứng khoán châu Á suy giảm trên diện rộng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 2,89%. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ tại thị trường nội địa trượt giá 0,1% và giao dịch ở mức 6,9607 CNY đổi 1 USD.

Dịch Covid tiếp tục bùng phát tại Trung Quốc trong tháng 11 với số ca nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh và các địa phương khác đều tăng mạnh, buộc chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế đi lại và hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Tuy nhiên, các nhà chức trách sau đó đã đột ngột hủy bỏ chiến lược phòng chống dịch Zero-Covid vốn được áp dụng nghiêm ngặt trong thời gian qua và gây ra nhiều bất ổn đến triển vọng tăng trưởng.

Chang Shu và Eric Zhu, hai chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics, cho biết: “Việc gỡ bỏ nhanh chóng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid sẽ giải phóng các hoạt động kinh tế, đưa chúng dần phục hồi trở lại.

Thế nhưng, hai chuyên gia của Bloomberg cảnh báo, những cú sốc ngay lập tức từ các đợt bùng phát dịch lan rộng sẽ khiến hoạt động kinh tế trở nên rất khó khăn trong những tháng tới.

Số ca nhiễm Covid gia tăng nhanh chóng khiến người dân rơi vào trạng thái bị “giam lỏng” tại nhà để phòng tránh dịch bệnh. Ngoài ra, việc gián đoạn sản xuất và tiêu dùng do dịch bệnh cũng là điều khó tránh khỏi. "Chúng tôi thấy rất ít triển vọng cứu trợ ít nhất là cho đến khi số ca nhiễm đạt đỉnh", hai chuyên gia của Bloomberg nêu.

Theo đánh giá của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã chịu nhiều áp lực bất ngờ trong tháng 11/2022 và "duy trì đà phục hồi, hoạt động tổng thể trong một phạm vi hợp lý".

"Tuy nhiên, môi trường toàn cầu đang trở nên ngày càng khắc nghiệt và phức tạp, trong khi nền tảng phục hồi của nền kinh tế trong nước không vững chắc", báo cáo của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc nêu; đồng thời kêu gọi củng cố niềm tin của thị trường và thực hiện các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng từ chính phủ.

Doanh số ô tô, vốn là điểm sáng hiếm hoi trong chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, đã giảm 4,2% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên trong 6 tháng và báo hiệu triển vọng không tích cực đối với hoạt động sản xuất trong những tháng tới. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy sản lượng ô tô cũng lần đầu tiên sụt giảm kể từ tháng 5/2022, với mức giảm 9,9% trong tháng 11.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dịch Covid bùng phát trên khắp Trung Quốc đồng nghĩa với việc mọi người đi ra ngoài ít hơn và cắt xén chi tiêu. Do đó, doanh số bán hàng may mặc, giày dép, sản phẩm dệt may, đồ gia dụng và thiết bị truyền thông đều giảm ở mức hai con số. Dữ liệu cho thấy doanh thu dịch vụ ăn uống đã giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái do việc ăn uống tại các nhà hàng bị hạn chế ở một số nơi.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà tại Trung Quốc trong tháng 11 giảm tại 31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức giảm 23% trong tháng 10. Ngoài ra, giá nhà mới ở 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 0,25% so với tháng 10. Như vậy, có thể thấy thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục suy giảm, bất luận các chính sách hỗ trợ được công bố gần đây.

Tương tự, doanh số bán vật liệu xây dựng và trang trí trong tháng 11 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư bất động sản lao dốc gần 20%.

Phục hồi vào nửa cuối 2023

Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ vấp phải những gián đoạn trong vài tháng tới và có thể phục hồi vào nửa cuối năm sau.

Một số chuyên gia đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm tới do việc quốc gia này đã mở cửa trở lại, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời chính phủ có thể sẽ bổ sung thêm nhiều biện pháp kích thích.

Thực tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) đã tuyên bố bơm tiền vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn so với dự báo trong nỗ lực điều tiết thanh khoản hàng tháng nhằm giảm bớt căng thẳng trên thị trường tiền tệ trong bối cảnh trái phiếu bị bán tháo.

Việc bơm ròng 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 22 tỷ USD) sẽ tạo điều kiện cho vay trong nền kinh tế Trung Quốc, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán quốc tế Guotai Junan International Holdings, cho rằng: “Số liệu hoạt động kinh tế suy yếu cho thấy chính sách cần được nới lỏng hơn nữa để phục hồi đà tăng trưởng. Ông Zhou Hao hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ 10 điểm cơ bản lãi suất cho các khoản vay kỳ hạn 1 năm trong quý I/năm 2023.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng trọng tâm trong năm tới sẽ là thúc đẩy nền kinh tế nước này, thay vì kiểm soát các ca nhiễm Covid; do đó rất có thể Bắc Kinh sẽ có thêm các động thái chính sách tài chính và tiền tệ.

Tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc được dự báo chỉ đạt 3,2%, mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ những năm 1970, trừ giai đoạn sụt giảm do đại dịch Covid trong năm 2020.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ