Khơi thông sông Cổ Cò: Thúc đẩy phát triển bất động sản liên kết vùng

Nhàđầutư
Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, kiến trúc độc đáo, tựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng. Dòng Cổ Cò hồi sinh sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông, với đòn bẩy từ 2 đầu cầu Hội An và Đà Nẵng.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
08, Tháng 01, 2021 | 06:59

Nhàđầutư
Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, kiến trúc độc đáo, tựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng. Dòng Cổ Cò hồi sinh sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông, với đòn bẩy từ 2 đầu cầu Hội An và Đà Nẵng.

Hình thành vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông

Năm 2003, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông nhiều thăng trầm này. Tuy nhiên, đến tận năm 2019, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mới tiếp cận được các nguồn vốn để thực hiện chủ trương khơi thông sông Cổ Cò.

Nhiều chuyển biến trong công tác tổ chức thi công đang được thực hiện, mở ra thời cơ mới cho dòng sông Cổ Cò hồi sinh. Theo đó, dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng chiều dài 28 km, đoạn qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,7 km, đoạn qua TP. Đà Nẵng có chiều dài 8,3 km; trên tuyến sông quy hoạch 15 cầu, phía Đà Nẵng đầu tư 3 cầu, phía Quảng Nam đầu tư 12 cầu với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng, dự án khơi thông sông Cổ Cò khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực rộng lớn có hàng trăm nghìn dân, kéo theo sự phát triển giao thông, môi trường, bất động sản, du lịch, dịch vụ...

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đã có sự thống nhất giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam và dự án này sẽ triển khai đúng tiến độ. Ông Chinh cũng cho rằng, đối với Đà Nẵng và Quảng Nam, dự án khớp nối sông Cổ Cò có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đó là vừa xây dựng đô thị mới, hình thành mối liên kết vùng vững chắc, vừa dịch chuyển mạnh nền văn hóa du lịch lên những con sông. Dòng chảy vô hình này đồng thời đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế giữa một bên là áp lực mà đô thị cổ Hội An đang cần được chia sẻ, một bên là đô thị mới Đà Nẵng đang muốn bứt phá. 

anh-bai-3

 

TS. Nguyễn Hồng Ngọc, Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nếu để TP. Đà Nẵng và phố cổ Hội An tự tồn tại riêng lẻ sẽ không phát huy được thế mạnh của mình, đồng thời không thể giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa mà hai đô thị đang gặp phải.

TS Ngọc phân tích, thế mạnh của Hội An là một đô thị có bản sắc, là thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Thế mạnh của Đà Nẵng là một thành phố có cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, có cảnh quan thiên nhiên đa dạng và hấp dẫn. Nhưng Đà Nẵng và Hội An không thể đứng riêng. Đà Nẵng cần đa dạng hóa hơn nữa cơ cấu kinh tế của mình, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch như hiện nay. Hội An ngược lại cần phải có nơi hấp thu bớt áp lực xây dựng. Lời giải cho bài toán này là xây dựng tại một nơi nào đó giữa Hội An và Đà Nẵng, một nơi vừa hấp thu áp lực phát triển cho Hội An vừa là một động lực kinh tế cho Đà Nẵng và toàn vùng bắc sông Thu Bồn.

“Xây dựng một thành phố mới ven sông nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An tạo ra một tác động qua lại và lan tỏa, giúp tạo nên động lực cho sự phát triển vùng đô thị Đà Nẵng - Hội An. Đô thị đó không nơi nào thích hợp hơn là đô thị ven sông Cổ Cò”, TS. Nguyễn Hồng Ngọc khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thiện sẽ là động lực để liên kết, liên vùng, tạo sức bật cho khu vực Điện Bàn phát triển. Dự án này sau khi được nạo vét thông thương giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư bất động sản, từ đó hình thành nên vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông.

Còn ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì mong muốn, khi dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn thành, các nhà đầu tư bất động sản sẽ tham gia vào khu vực này, qua đó, đem lại sức bật, sức hút mới cho dọc hai bên bờ sông Cổ Cò. Khi đạt được điều này thì kinh tế của các khu vực quanh sông chắc chắn sẽ khởi sắc.

Sẽ hình thành nên chuỗi đô thị liên kết ven sông

Dự án khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo chuỗi đô thị ven sông, hiện đang chuyển động và dần hình thành lên một vùng đô thị mới rộng lớn, sôi động, trải dài từ Đà Nẵng đến Hội An. Để hiện thực hóa chuỗi đô thị kết nối giữa TP. Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, những năm qua dọc tuyến sông Cổ Cò chạy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều dự án đô thị được triển khai xây dựng. Việc thu hút nhiều dự án đầu tư đã kích hoạt sự phát triển nhanh chóng của vùng đất ven sông Cổ Cò này.

 Trên thực tế, ngay khi hai địa phương đẩy nhanh tiến độ nạo vét đã khiến thị trường bất động sản trong khu vực trở nên sôi động. Tại Đà Nẵng, những dự án nghỉ dưỡng, sân golf được triển khai nhanh chóng. Phía Quảng Nam, hàng loạt các dự án khu đô thị nằm ở khu vực giáp ranh đang thúc đẩy hạ tầng phát triển… Hàng chục dự án bất động sản ven sông được đầu tư số vốn lớn hiện đang hoàn thiện các hạng mục hạ tầng và đủ điều kiện để bán hoặc huy động vốn theo quy định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ TP. Đà Nẵng qua thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư. Sau khi hình thành chuỗi đô thị ven sông cần phải có sự phát triển bền vững và xứng tầm.

Ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Khu Du lịch biển VinaCapital Đà Nẵng cho biết, các khu đô thị sinh thái và điểm du lịch sẽ phát triển mạnh bởi hiếm có dòng sông nào gần biển, và có nhiều lợi thế như Cổ Cò. Trong tương lai, ngoài phát triển du lịch thì đô thị ven sông cũng sẽ phát triển mạnh theo hướng đô thị sinh thái khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ TP. Đà Nẵng đến TP. Hội An.

“Phát triển đô thị ven sông là một điều rất độc đáo và sinh động. Tuy nhiên muốn phát triển được chuỗi đô thị xung quanh sông Cổ Cò ngoài yếu tố phát triển du lịch cần phải bơm thêm những ngành công nghiệp khác vào khu vực này. Đặc biệt, phía Nam Đà Nẵng cần phát triển thêm giáo dục, trong đó chú trọng đến giáo dục chất lượng cao để đáp ứng các nhà đầu tư khó tính”, ông Phúc đề xuất.

Ông Trần Xuân Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Việt cho rằng, việc khơi thông dòng sông Cổ Cò được 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau cải tạo sẽ có đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội hai địa phương. Khi sông Cổ Cò được khơi thông toàn tuyến sẽ mở ra cơ hội cho du lịch đường sông rất là thuận tiện và đẹp. Cũng như bất động sản hai bên bờ dòng sông sẽ được nâng tầm giá trị.

“Mở rộng vùng đô thị là bài toán đang đặt ra cho Đà Nẵng và Quảng Nam, tuy nhiên, để tạo được liên kết vùng bền vững, cần hình thành chuỗi đô thị tại khu vực giáp ranh này, chính sông Cổ Cò là sẽ mang lại sự hình thành đó. Nhưng điểm mấu chốt của sự hình thành chuỗi đô thị đó là việc hai địa phương phải khơi thông thành công toàn tuyến sông Cổ Cò. Nếu khơi thông được toàn tuyến sông, các dự án ven sông của hai địa phương mới có ý nghĩa và phát triển”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ