Khơi thông sông Cổ Cò: Mở lối cho du lịch phát triển

Nhàđầutư
Việc khơi thông sông Cổ Cò không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch của Quảng Nam và Đà Nẵng, mà còn đánh thức tiềm năng liên kết của cả vùng kinh tế trọng điểm.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
08, Tháng 01, 2021 | 06:58

Nhàđầutư
Việc khơi thông sông Cổ Cò không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch của Quảng Nam và Đà Nẵng, mà còn đánh thức tiềm năng liên kết của cả vùng kinh tế trọng điểm.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch trên sông

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng - Quảng Nam (cụ thể là Đà Nẵng - Hội An) được xác định là địa bàn trọng điểm của du lịch duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Kết nối giữa hai địa danh nổi tiếng này là vùng đệm Điện Bàn, nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch.  

Xác định phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch hiện đại, trong bức tranh du lịch chung khu vực Đà Nẵng - Hội An và xác định sông Cổ Cò là cầu nối thương mại, du lịch, văn hóa giữa hai địa phương, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng đã thấy được sự cần thiết phải hồi sinh dòng sông lịch sử để gắn kết hai thành phố trong tổng thể kinh tế vùng nói chung và du lịch nói riêng.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch. Theo Chủ tịch Quảng Nam, chính quyền quyết tâm sớm hoàn thành việc nạo vét, khơi thông dòng sông này nhằm góp phần phát triển liên kết giữa hai địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Khi khơi thông sông Cổ Cò sẽ mở ra những cơ hội phát triển du lịch, giúp khơi thông điểm nghẽn liên kết du lịch Đà Nẵng - Hội An, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó đặc biệt sẽ đẩy mạnh được du lịch Đà Nẵng - Hội An bằng đường thủy - loại hình du lịch tưởng như đã bị quên lãng do sự bồi lắp của dòng Cổ Cò. Ngoài ra, tạo lực đẩy thúc đẩy phát triển hạ tầng - kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Quảng Nam. Khơi thông dòng Cổ Cò sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy, tạo cơ hội phát triển cho các tour du lịch đường sông phát triển. 

anh-bai-2

Khơi thông sông Cổ Cò sẽ mở lối cho du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay lãnh đạo hai địa phương đang rất quyết liệt trong việc nạo vét và khai thông sông Cổ Cò. Nạo vét và khơi thông sông Cổ Cò đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của cả 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

“Hiện nay Đà Nẵng và Quảng Nam đang có những liên kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, việc nạo vét và khai thông sông Cổ Cò hoàn thành sẽ phát triển du lịch đường sông kết nối giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Phát triển du lịch đường sông sẽ hỗ trợ, làm giàu công trình di sản văn hóa kết nối giữa hai địa phương”, ông Bình nói.  

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An cho rằng, du lịch giữa Đà Nẵng và Quảng Nam có nhiều kết nối, nhưng kết nối qua đường sông Cổ Cò thì là một kết nối rất thú vị. Qua đó, sẽ tạo sự đột phá về sản phẩm du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam, mở ra một không gian rộng lớn để khai thác dịch vụ du lịch.

“Khách từ Đà Nẵng vào Hội An và lên tận Mỹ Sơn theo đường sông hay ngược lại, người ta có thể chiêm ngưỡng cảnh quan hai bên bờ, có thời gian để đàm đạo, trao đổi, tìm hiểu du lịch sinh thái, văn hoá. Đặc biệt, người dân địa phương có thể mở các làng nghề truyền thống tại một số điểm ven bờ sông để du khách có không gian trải nghiệm, khám phá”, ông Sự nhận định.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, khơi thông sông Cổ Cò mang lại tiềm năng rất lớn, nhất là khai thác được nhiều sản phẩm du lịch trên sông, kết nối lại lịch sử để tạo những sản phẩm du lịch có tính kế thừa con đường vận chuyển hàng hóa trên sông từ Hội An đi Đà Nẵng và ngược lại từ quá khứ. Tạo được sự phát triển tốt các vệt đất ven sông. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, chính quyền hai địa phương cần có giải pháp bền vững về độ thông thoáng của thuyền di chuyển, bến bãi, cầu cảng phải chuẩn, phù hợp phát triển du lịch...

Cơ hội cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp là rất lớn ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, để tìm ra những dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng đáp ứng trọn vẹn mọi tiêu chí đặc thù của loại hình du lịch độc đáo này chưa bao giờ dễ dàng.

Về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định 3 trụ cột lớn cho phát triển trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển, đồng thời chú trọng đầu tư với 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó mũi nhọn đầu tiên là phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.

Đà Nẵng trong những năm gần đây cũng là một trong những điểm đến được lựa chọn nhiều cho loại hình du lịch kết hợp sự kiện (MICE) - loại hình du lịch mà các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn và nếu phát triển sẽ là đối thủ đáng ngại của Singapore. Đà Nẵng có nhiều lợi thế cho khách MICE với những bãi biển dài và đẹp, nhiều thắng cảnh, cơ sở hạ tầng hiện đại cùng nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng...

Trong định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng về hướng Đông - Nam, Đà Nẵng cũng đã xác định ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nạo vét dòng sông Cổ Cò để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch gắn liền với du lịch văn hóa tâm linh, tạo nên quần thể du lịch đa dạng với nhiều loại hình resort ven bờ sông, tham quan, nghỉ dưỡng, du thuyền. Để đáp ứng ứng đủ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của du lịch, hiện hai bên bờ dòng sông Cổ Cò đã hình thành nhiều khu đô thị và biệt thự nghỉ dưỡng ở cả hai địa phận Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông. Như vậy, các chủ đầu tư cũng có cơ hội để thúc đẩy thị trường này và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, dựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng.

Ông Đặng Hữu Lên, Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho hay, việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ mang ý nghĩa về phát triển giao thông đường thủy mà còn tạo nên năng lực mới cho ngành du lịch dịch vụ phát triển. Khơi thông dòng Cổ Cò sẽ mở ra một tuyến giao thông thủy kết nối Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An; khi dự án hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ từ Đà Nẵng đi vào các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam và ngược lại từ các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng.

“Dòng sông Cổ Cò sẽ là điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc và tạo điều kiện, động lực để đẩy mạnh phát triển đô thị ven sông, ven biển và thu hút đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch khu vực sông Cổ Cò. Đây cũng là nét đặc trưng khác biệt, có sức hấp dẫn phát triển du lịch mà Điện Bàn đang hướng đến”, ông Lên khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ