Khi các đại gia Việt làm nông nghiệp

Nhàđầutư
Những đại gia bất động sản, thép, ô tô hay dịch vụ và thương mại mặc dù rất thành công trong lĩnh vực của mình nhưng vẫn đua nhau tham gia vào sân chơi nông nghiệp.
PHƯƠNG LINH
01, Tháng 06, 2020 | 18:28

Nhàđầutư
Những đại gia bất động sản, thép, ô tô hay dịch vụ và thương mại mặc dù rất thành công trong lĩnh vực của mình nhưng vẫn đua nhau tham gia vào sân chơi nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp dường như được xem là một miếng bánh hấp dẫn đang đợi các ông lớn có tiềm lực tài chính khai phá. Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới nhưng tình trạng manh mún và điệp khúc được mùa mất giá của các hộ nông nghiệp nhỏ vẫn đang tiếp diễn. Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam tuy được quan tâm nhưng vẫn thiếu sự chuyên nghiệp và chiến lược phát triển cụ thể.

Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng màu mỡ, nhiều đại gia đình đám của Việt Nam đã quyết định đổ tiền vào nông nghiệp, thậm chí bỏ đi cả mảng bất động sản sang trọng để làm một “nông dân” trong thời đại mới.

Đã có hàng tỷ USD đổ vào nông nghiệp, thành công có nhưng thất bại cũng nhiều, tuy vậy các đại gia vẫn không ngừng rót tiền để quyết tâm hướng đến xây dựng một hệ thống nông nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại.

Trào lưu doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myamar.

Sau doanh nghiệp của bầu Đức, loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát và gần nhất là Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới.

Phần lớn các doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.

Bầu Đức rút lui khỏi thị trường bất động sản, "sống chết" với nông nghiệp

Mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai từng giúp bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong những năm 2009-2010. Sang năm 2013, khi thị trường bất động sản khó khăn, bầu Đức đã từ bỏ lĩnh vực này và chuyển hướng sang nông nghiệp, thủy điện, khai khoáng.

Tuy nhiên, con đường làm “nông dân” của bầu Đức không hề dễ dàng. Thời gian đầu, ông đặt cược vào đường, cao su, dầu cọ... với sự tự tin rằng giá của các mặt hàng này ở mức cao nên không thể “chết” được, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.

photo-1-1498467056667

 

Với đường, bầu Đức đã rót 100 triệu USD để xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu nằm trên nông trường rộng hơn 10.000. Tuy nhiên, năm 2017, bầu Đức phải bán lại cơ ngơi này cho một đại gia ngành đường là ông Đặng Văn Thành với giá 1.330 tỷ đồng.

Còn với cao su, bầu Đức từng đưa ra tuyên bố: "Bán nhà cũng phải trồng cao su" hay "Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận thu được của tôi sẽ là 450 triệu USD". Tuy nhiên, ngay sau khi HAGL đầu tư vào cao su, giá mặt hàng này đã liên tục sụt giảm từ mức 4.000 - 5.000 USD xuống chỉ còn 1.650 USD/tấn vào năm 2016. Doanh thu và lợi nhuận của HAGL từ cao su cũng không được là bao.

Năm 2014, bầu Đức lại quyết định nuôi bò số lượng lớn tại Lào và khẳng định "HAGL nuôi bò thì thế giới không đâu bằng". Mặc dù chưa đem lại kết quả xuất sắc, nhưng 2 năm sau, doanh thu từ bò đã cứu lại bầu Đức trong giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, phải cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn.

Đến 2017, lợi nhuận từ kinh doanh bò giảm sút, thậm chí lỗ, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định tập trung toàn lực vào mảng cây ăn trái.

Năm 2019, doanh thu của HAGL Agrico đạt 1.810 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm trước. Công ty tiếp tục lỗ sau thuế 2.325 tỷ đồng, cao gấp hơn 3,5 lần số lỗ trong năm 2018, đồng thời cũng là năm lỗ kỉ lục từ khi lên sàn.

Sau cái bắt tay với Thaco, khó khăn với bầu Đức vẫn còn rất lớn. Trong một diễn biến mới nhất, để tăng cường tập trung vào nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức đã chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99,4% vốn điều lệ. Quyết định này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của Bầu Đức chính thức chấm dứt mảng thủy điện sau khi đã nói lời chia tay mảng bất động sản (bán trong nước và cả ở Myanmar) cũng như mảng chăn nuôi bò đầy kỳ vọng trước đó.

Tỷ phú Trần Bá Dương bắt tay với bầu Đức làm nông nghiệp

Nhìn thấy tiềm năng ở mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, tỷ phú USD Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO Trường Hải đã quyết định bắt tay với bầu Đức để phát triển lĩnh vực này. THACO đã quyết định rót cả chục ngàn tỷ đồng vào công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai với quyết tâm tái cơ cấu và xây dựng doanh nghiệp này trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp hiện đại.

thaco

 

Cụ thể, ngày 8/8/2018, Thaco và HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó Thaco cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vay 2.464 tỷ đồng, mua 35% cổ phần HAGL Agrico với giá 3.949 tỷ đồng. Công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp của Thaco là Thadi đồng thời chi 7.626 tỷ đồng mua 3 công ty cao su của HAGL Agrico. 

Trước đó vào năm 2017, THACO cũng đã đầu tư mở Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Đầu năm 2018, nhà máy này đã đưa ra thị trường 3000 máy nông nghiệp các loại.

Đại gia oto Thaco “giải cứu” Hùng Vương

Tháng 1/2020, Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi đã mua vào hơn 53,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 24,28% vốn HVG, giao dịch này diễn ra từ ngày 8-10/1/2020.

Sau động thái này, Thadi chính thức trở thành cổ đông lớn tại Hùng Vương - doanh nghiệp của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh. Trước giao dịch, Thadi không nắm giữ cổ phiếu HVG nào.

hvg_gxif-1543-1409

 

Trước đó vào ngày 9/1/2020, THACO và Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược, theo đó, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn Hùng Vương và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và Thadi để phát triển mảng sản xuất heo giống. Đồng thời, Thaco cũng sẽ hỗ trợ Hùng Vương trong tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược và giải quyết khó khăn tài chính trong thời gian tới.

Động thái này được xem là ông Trần Bá Dương ra tay “giải cứu” Hùng Vương khi công ty này vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ.

“Vua thép” Hòa Phát bán trứng gà, Vingroup bán rau củ quả

Năm 2015, Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long cũng đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ đổ một số vốn lớn để nhảy vào mảng nông nghiệp, cụ thể là mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, công ty này còn trực tiếp mở thêm một công ty chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

anh4-1527134106-5529-1527134648_1200x0

 

Năm 2016, mảng nông nghiệp chiếm 4,4% tổng doanh thu của Hòa Phát, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Năm 2018, Hòa Phát còn dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, bên cạnh đó còn gia tăng đàn bò ở Australia.

Một đại gia khác cũng lấn sân vào nông nghiệp đó là Vingroup với VinEco. Công ty này được thành lập vào 2015 và tập trung vào sản xuất rau củ quả sạch các loại. Dù đi sau nhưng Vingroup có một lợi thế to lớn mà nhiều đại gia khác không có chính là đầu ra sản phẩm dễ dàng nhờ 2 hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ rộng khắp cả nước.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết gia nhập sân chơi nông nghiệp

Tập đoàn FLC gia nhập lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) với thương hiệu FLC FAM, các sản phẩm mà công ty định hướng tập trung sản xuất bao gồm các loại cây ăn trái, các loại rau màu và dược liệu.

Theo đó, FLC xác định NNCNC là một trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2020 và quỹ đất lên tới 15.000 ha trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

101233457_176182647144461_3641549014744170496_n

 

Bên cạnh hoạt động trực tiếp gieo trồng, chế biến và phân phối, việc xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng vùng miền cũng là một chiến lược phát triển trọng tâm của FLC FAM. Theo đó, Tập đoàn sẽ thực hiện liên kết với các hợp tác xã, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào quy trình sản xuất, đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ cuối năm 2017, FLC FAM đã bắt tay triển khai kế hoạch sản xuất với nhiều nông trường quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành Việt Nam như Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Định… 

Năm 2020, Công ty dành 90% diện tích các nông trường vào việc sản xuất các loại cây ăn quả ngắn ngày và 10 % cho cây ăn quả trong nhà màng, phấn đấu trở thành đơn vị đẫn đầu thi trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Dự kiến đến 2020, FLC FAM sẽ cung cấp cho thị trường 3.500.000 tấn rau quả, trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu nông sản, tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững với trình độ chuyên môn hóa cao, qua đó góp phần hình thành một hệ sinh thái nông nghiệp xanh, sạch, bền vững cho tương lai.

Thực tế, những kế hoạch gia nhập thị trường đã được Tập đoàn FLC ấp ủ từ lâu, điển hình là FLC đã mua 100% vốn của Công ty CP Nông dược H.A.I với truyền thống 30 năm sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Trước đó, ngày 20/10/2017, FLC bất ngờ trình phương án sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM vào CTCP Tập đoàn FLC theo hình thức phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần, thay thế cho phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ tại tờ trình công bố ngày 12/10.

FLC cho biết, nhằm cơ cấu lại hoạt động của Tập đoàn, với định hướng mở rộng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch trên quy mô lớn. Công ty FAM có địa chỉ trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, tương đương 160 triệu cổ phiếu.

Theo phương án sáp nhập, FLC sẽ nhận sáp nhập FAM thông qua hoán đổi cổ phần. Tỷ lệ hoán đổi cổ phần dự kiến 1:1,07 (1 cổ phần FLC đổi lấy 1,07 cổ phần FAM), FLC sẽ phải phát hành thêm 149,5 triệu cổ phiếu hoán đổi với cổ phiếu của FAM. Cổ phần phát hành để hoán đổi với cổ phần của cổ đông công ty FAM không bị hạn chế chuyển nhượng.

Sau sáp nhập, FAM chấm dứt tồn tại, FLC hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của FAM.

Thông qua việc sáp nhập Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản FAM, Tập đoàn FLC đã chính thức phát triển mảng sản xuất để chủ động sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó sẽ thực hiện mô hình liên kết với các hộ dân.

Việc Tập đoàn FLC nêu định hướng mở rộng đầu tư này đã khiến thị trường bất ngờ bởi một “đại gia” trong ngành dịch vụ và thương mại tưởng như “ngoại đạo” trong lĩnh vực nông nghiệp giờ đây lại tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông sản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Tập đoàn FLC đang sở hữu quỹ đất nông nghiệp lớn tại những khu vực được đánh giá là có thời tiết thuận lợi để phát triển những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ