Khách hàng ứng phó với ngân hàng: Có 'con kiến nào kiện được củ khoai?'

Nhàđầutư
Liên quan tới vụ 50 tỷ đồng bỗng nhiên 'bốc hơi' tại Eximbank Chi nhánh Vinh (Nghệ An), khi không thể rút tiền tiết kiệm của mình, khách hàng (nạn nhân) đã nghĩ tới việc ủy quyền cho 10 người/1 số tiết kiệm tới 'trồng cây si' tại ngân hàng để yêu cầu rút tiền cho bằng được.
ĐÌNH VŨ
26, Tháng 03, 2018 | 16:58

Nhàđầutư
Liên quan tới vụ 50 tỷ đồng bỗng nhiên 'bốc hơi' tại Eximbank Chi nhánh Vinh (Nghệ An), khi không thể rút tiền tiết kiệm của mình, khách hàng (nạn nhân) đã nghĩ tới việc ủy quyền cho 10 người/1 số tiết kiệm tới 'trồng cây si' tại ngân hàng để yêu cầu rút tiền cho bằng được.

Eximbank

 

Chưa đầy 2 tháng có 3 "án" lớn tại Eximbank

Liên tục trong 2 tháng qua, tại Eximbank đã xảy ra tới 3 vụ khách hàng tố bị mất tiền, mất vàng gửi tại ngân hàng này. Cụ thể, gần đây nhất là vụ 50 tỷ đồng bốc hơi tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An). Trước đó là vụ 1 khách hàng tố mất 3 lượng vàng khi gửi tại Eximbank Hà Nội. Đáng chú ý là hai vụ nói trên xảy ra trong bối cảnh vụ 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình gửi tại ngân hàng này bỗng nhiên "không cánh mà bay" vẫn đang gây ồn ào và chú ý của dư luận. 

Trong vụ 50 tỷ đồng "bốc hơi" gần đây, 13 sổ tiết kiệm của ông Nguyễn Tiến Nam - 1 trong 6 nạn nhân của Nguyễn Thị Lam - nhân viên tín dụng của Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) - đã bị Lam rút ruột gần 27,8 tỷ đồng, chỉ để lại hơn 195,9 triệu đồng. Ngay khi vụ việc được phát hiện nạn nhân đã yêu cầu Eximbank tất toán tất cả các sổ tiết kiệm của mình, tuy nhiên phía Eximbank trả lời vụ việc cần được điều tra làm rõ và khi có kết luận của cơ quan pháp luật thì sẽ trả lại tiền. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, tại Bản kết luận điều tra số 05/PC46 ngày 23/8/2017, nêu rõ: 'Đối với khách hàng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án là ông Nguyễn Tiến Nam, vì tin tưởng nhân viên Eximbank chi nhánh Vinh, tin tưởng Nguyễn Thị Lam, họ đã có lỗi không cảnh giác nên đã ký trên lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê rút tiền chi, Lam đã sử dụng các loại giấy tờ này rút tiền trong hệ thống Eximbank. Quá trình điều tra không có căn cứ xác định họ đồng phạm với Lam để rút tiền trong hệ thống ngân hàng. Hành vi này của họ không xử lý bằng pháp luật hình sự'. Công An tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Eximbank giải quyết những đề nghị của 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm và buộc Nguyễn Thị Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Eximbank.

Mặc dù đã có kết luận của cơ quan điều tra nhưng Eximbank cho tới giờ vẫn "chưa thể thực hiện", "chưa thi hành" và yêu cầu khách hàng "chờ". Ứng xử lại với cách hành xử của Eximbank, ông Nam cho rằng ngân hàng chối bỏ trách nhiệm và ông có thể phải thực hiện "biện pháp riêng" để đòi tiền như "ủy quyền cho 10 người/1 sổ tiết kiệm để họ đến Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Vinh và các phòng giao dịch khác của Eximbank trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thậm chí là vào tận hội sở chính của ngân hàng này tại TP.HCM để yêu cầu rút tiền trên sổ tiết kiệm. Nếu Eximbank không cho rút tiền thì sẽ cho người đứng chờ liên tục tại đó ngày này qua ngày khác để thông báo cho các khách hàng đến giao dịch với Eximbank biết về sự việc này.

"Nếu bạn và tôi là người mất tiền, chúng ta sẽ làm gì?"

Mang câu hỏi trên đi hỏi một vị luật sư nhiều năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực ngân hàng, câu trả lời mà nhadautu.vn nhận được là: "Bó tay thôi, làm gì có con kiến nào kiện được củ khoai !"

Theo vị này, các quy định của luật pháp hiện khá đầy đủ nhưng lại đang bị làm cho méo mó trong quá trình thực hiện. Trong các vụ tiền bỗng dưng biến mất tại ngân hàng gần đây, đáng ra phải quy trách nhiệm cho ngân hàng thì chúng ta lại chuyển hướng thành quan hệ dân sự, thành vụ án lừa đảo liên quan giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng.

"Nếu không thống nhất quan điểm rằng, nhân viên ngân hàng chính là ngân hàng và quy trách nhiệm cho ngân hàng để ngân hàng buộc phải thắt chặt lại các quy định và giảm thiểu rủi ro đạo đức, rủi ro mất tiền của khách hàng thì khách hàng luôn ở thế tuyệt vọng", vị này nhấn mạnh.

So sánh hình ảnh khách hàng kiện ngân hàng như "con kiến kiện củ khoai" có vẻ đúng trong trường hợp này. Bởi rút cục một khách hàng so với một ngân hàng thì cũng chỉ giống như một "con kiến" nhỏ, còn cách hành xử của ngân hàng với khách hàng, cụ thể ở đây là ngân hàng Eximbank, cũng giống như một "củ khoai" ba "không": Không nghe, không thấy, không thấu hiểu. 

Số tiền 28 tỷ đồng, 50 tỷ đồng hay 3 lượng vàng với một ngân hàng có lợi nhuận mỗi năm là hơn 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 100 nghìn tỷ đồng là một con số không lớn. Nhưng dù lớn hay nhỏ thì trong trường hợp này đều không có ý nghĩa, bởi lẽ khách hàng có thể mất cả sản nghiệp, hoặc một phần thành quả mà họ đã nỗ lực nhiều năm mới có được, trong khi cái mất lớn hơn lại thuộc về ngân hàng, những cổ đông góp tiền, góp sức tạo nên ngân hàng. Bởi kinh doanh ngân hàng là 'kinh doanh niềm tin'. Một khi niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng bị giảm sút, vào hệ thống pháp luật bị mai một, thì ngân hàng sẽ khó mà tồn tại.

Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra với vụ 50 tỷ đồng bốc hơi tại Eximbank, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: "Luật pháp ở đâu mà để khách hàng phải dùng đến "luật rừng" để đòi lại chút công bằng, đòi lại tiền của mình như vậy?"

Cơ quan chủ quản ở đâu?

Còn nhớ khi vụ việc mất 300 tỷ đồng tại Eximbank gây sóng gió trong dư luận, Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng - đã đánh tiếng sẽ ban hành một thông tư thể hiện rõ quan điểm về việc "mở" hay "đóng" quy định giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại nhà - một thực trạng của hệ thống ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay đã quá hạn cho việc ra đời thông tư này, cũng đã có thêm 2 vụ việc nữa xảy ra tại Eximbank được đưa ra ánh sáng, nhưng NHNN vẫn im hơi lặng tiếng. Vậy vai trò quản lý của NHNN ở đây là gì và ở đâu?

NHNN là cơ quan Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương, có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ.

Trong 2 năm trở lại đây, NHNN đã nhận được nhiều lời tán dương vì đã điều hành tốt chính sách tiền tệ, góp phần vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. NHNN đã thực hiện được nhiệm vụ quan trọng nhất của mình, nhưng không vì thế mà bỏ lơ những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền.

Niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng là rất quan trọng, đừng để những mồi lửa nhỏ bùng phát thành một đám cháy lớn. Bởi ở Việt Nam, tiền gửi của người dân rất quan trọng với nền kinh tế, khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc phần lớn vào vốn tín dụng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ