Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo, cơ hội nào cho Việt Nam?

Nhàđầutư
Việc các thị trường như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia được dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
PGS.TS. ĐOÀN NGỌC THẮNG - NCS. LƯƠNG VĂN ĐẠT
27, Tháng 03, 2024 | 13:30

Nhàđầutư
Việc các thị trường như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia được dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

xuat-khau-gao-du-kien-dat-tren-75-trieu-tan-trong-nam-2023-650d2b8b4f645

Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: VnEconomy.

Chủ trương của Chính phủ Indonesia về tăng cường nhập khẩu gạo

Vào tháng 2/2024, Chính phủ Indonesia đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường dự trữ quốc gia và giảm giá gạo trong nước bằng cách tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng hạn ngạch lên 3,6 triệu tấn. Đây là năm thứ hai liên tiếp chính phủ ban hành hạn ngạch nhập khẩu khá lớn và Indonesia được dự báo sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai toàn cầu với 3,5 triệu tấn.

Quyết định này được thực hiện bởi một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tính đến tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thiếu hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá bán lẻ gạo trên thị trường lên tới 80.000 Rp (tương đương 5,17 USD)/5kg so với mức giá trần của Chính phủ chỉ 69.500 Rp (tương đương 4,45 USD)/5kg. Tổng sản lượng gạo sản xuất trong tháng 1 đến tháng 3/2024 của Indonesia sẽ là 5,81 triệu tấn. Với tổng nhu cầu tiêu thụ gạo quốc gia là 7,62 triệu tấn trong 3 tháng đầu năm, Indonesia vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo 1,81 triệu tấn.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc chậm trễ gieo trồng vụ chính trong năm do thiếu nước phục vụ canh tác, chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino năm 2023. Theo dự kiến, vụ thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Thứ ba, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát giá lương thực, công ty hậu cần nhà nước Indonesia, BULOG, đã tăng cường phân phối gạo trợ cấp vào năm 2023, tìm cách hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất và giảm giá gạo trước cuộc bầu cử năm 2024.

Tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo tiêu dùng năm 2024 của Indonesia là 3,6 triệu tấn. Trong số giấy phép nhập khẩu đã được cấp cho 2 triệu tấn gạo để tiêu dùng, tính đến ngày 23/2/2024, chỉ có 16,43% hay 328.626 tấn được thực hiện. Ngoài ra, còn có một khoản hạn ngạch bổ sung cho nhập khẩu gạo trong năm 2024 là 1,6 triệu tấn vừa được ban hành từ cuộc họp của Bộ Kinh tế Indoneisa kết luận ngày 5/2/2024. Tuy nhiên, số lượng hạn ngạch bổ sung này chưa được cấp giấy phép.

Tác động, ảnh hưởng đến thị trường XNK gạo của khu vực ASEAN

Trong khi nhập khẩu chiếm chưa đến 10% lượng tiêu thụ trong nước, nhập khẩu gạo của Indonesia có tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu, chiếm gần 7% thương mại toàn cầu vào năm 2023. Nhu cầu gạo ngày càng tăng của Indonesia đặc biệt có tác động đáng kể lên thị trường toàn cầu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đã thắt chặt nguồn cung toàn cầu và dẫn đến giá tăng cao.

Do đó, Indonesia đã tiếp cận nguồn cung từ các nước láng giềng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng nhanh. Năm 2023, 3/4 lượng gạo nhập khẩu của Indonesia được cung cấp bởi Thái Lan (40%) và Việt Nam (34%). Một điểm đáng chú ý là Pakistan nổi lên là nhà cung cấp lớn nhất vào tháng 12, sau vụ mùa bội thu năm 2023 và chiếm 11% tổng lượng nhập khẩu của Indonesia năm 2023.

Sự ổn định của thị trường gạo, loại lương thực chính của gần 690 triệu người Đông Nam Á, đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong bối cảnh xung đột quốc tế gần đây, và biến đổi khí hậu. Các yếu tố bao gồm El Nino ngày càng gia tăng, xung đột ở Ukraine cũng như các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng trên khắp châu Á đã dẫn đến thâm hụt nguồn cung gạo toàn cầu, hạn chế nguồn cung gạo đã và đang là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á.

Với tỷ lệ lạm phát cao trên khắp Đông Nam Á, khó khăn tài chính đang trở nên phổ biến đối với hàng chục triệu người trong khu vực. Tỷ lệ lạm phát cao một phần là do giá gạo leo thang. Đáng chú ý, Philippines đã trải qua tỷ lệ lạm phát cao tới 4,1% vào cuối năm 2023, trong đó 50% đến 70% lạm phát là do chi phí lương thực tăng cao. Trong khi đó, Myanmar đã đưa ra mức giá trần cho nông dân trồng lúa vào cuối tháng 9, và chính phủ Malaysia cũng làm theo ngay sau đó.

Tiêu thụ gạo chiếm khoảng 50% lượng calo trong chế độ ăn của người Đông Nam Á; sản xuất nông nghiệp chiếm trên 10% nền kinh tế khu vực. Với sự phụ thuộc cao vào ngũ cốc, sự thiếu hụt nguồn cung gạo sẽ làm tăng các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và tình trạng nghèo đói ở người dân Đông Nam Á. Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Đông Nam Á tiếp tục gia tăng hàng năm, khiến tình trạng thiếu gạo trở nên đặc biệt bất lợi.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh thị phần ở Indonesia

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 dự báo đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng tiêu thụ là 525 triệu tấn. Điều đó có nghĩa là thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 7 triệu tấn gạo vào năm 2024. Nguồn cung gạo toàn cầu dự báo không còn dồi dào khi nguồn cung từ Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu thế giới, sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia cũng được dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 8,3 triệu tấn vào năm 2023, cao nhất kể từ khi bắt đầu xuất khẩu gạo vào năm 1989, trong đó tỷ lệ gạo đặc sản và giá trị cao tăng lên, thu về 4,7 tỷ USD, tăng 38,4% về giá trị từ năm 2023. Châu Á được coi là thị phần chính trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Australia đã nổi lên là những nhà nhập khẩu gạo mới của Việt Nam trong năm gần đây. Philippines trở thành nước nhập khẩu lớn nhất khi chiếm 34% (2,87 triệu tấn) kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào năm 2023.

Bộ Công Thương Việt Nam dự báo sẽ có một năm xuất khẩu gạo khởi sắc do nhu cầu lớn từ Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và một số nước châu Phi trước lo ngại El Nino có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Ngay trong tháng 1, Indonesia đã mở thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo để tăng cường dự trữ lương thực trong nước, trong đó các công ty Việt Nam trúng thầu cung cấp gần 400.000 tấn. Điều này báo hiệu triển vọng tích cực cho một năm thành công của ngành lúa gạo. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, Việt Nam xuất khẩu 1,02 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 708 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 49,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nước nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng tới 992% về giá trị so với năm 2022. Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tình trạng thiếu gạo hiện nay ngày càng trầm trọng hơn do mùa thu hoạch chính vẫn chưa bắt đầu và tháng chay Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3/2024 và kéo dài trong vòng 1 tháng, trong khi nhu cầu lương thực vẫn tiếp tục duy trì tăng mạnh. Dự đoán Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải mở thầu để mua thêm gạo, bên cạnh đợt mở thầu mới đây là mua 500.000 tấn gạo vào ngày 17/1/2024.

Những tháng đầu năm 2024, diễn biến phức tạp trên thị trường gạo khu vực và thế giới đã ảnh hưởng tới tâm lý của một số doanh nghiệp và nông dân. Hiện tại, tại các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa Đông Xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ giá lúa xuống trong khi người dân muốn bán lúa giá cao như những tháng cuối năm 2023; Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội xuất khẩu gạo và ảnh hưởng tới sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Một thách thức nữa là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa nông dân, nhà xuất khẩu và quốc gia. Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng về vốn để dự trữ lúa gạo. Một mặt, cần tăng cường cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý để mua gạo, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu và thiết lập mối quan hệ với nông dân. Mặt khác, nông dân cũng cần được hỗ trợ về thanh toán phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

Đối với Việt Nam, việc thành lập sàn giao dịch gạo nói riêng và nông sản nói chung là vô cùng cần thiết bởi nó sẽ giúp hàng hóa Việt Nam hội nhập với xu hướng thương mại thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. Thứ nhất, chỉ có 5-7 doanh nghiệp nhà nước lớn chiếm ưu thế và gần như độc quyền trong thị trường gạo nên chúng ta không thực sự muốn mua bán qua sàn. Thứ hai, muốn mở sàn giao dịch thì phải đầu tư trung tâm giao nhận quốc tế vì dù giao dịch trên sàn là hợp đồng tương lai nhưng khi cần thì phải giao hàng ngay, nhưng cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn còn thiếu.

Một số giải pháp cho Việt Nam

Nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống thị trường biến động, hướng tới phát triển ngành lúa gạo bền vững, hiệu quả cao và tăng thu nhập cho người trồng lúa, Thủ tướng vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Việt Nam cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, các công ty, doanh nghiệp trong ngành cần tập trung vào các vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, ngành lúa gạo Việt Nam cần phát triển sản phẩm mới. Hợp tác đưa sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến, chính thức, có uy tín cao trong nước như Facebook, Lazada, Amazon, Ebay, Alibaba, v.v…Các doanh nghiệp gạo cần tích cực chủ động làm việc thông qua VITAS và Bộ Công Thương với các kênh tham tán thương mại tại các thị trường xuất khẩu để giúp sản phẩm thâm nhập và phát triển tại các thị trường tiềm năng.

Thứ hai, doanh nghiệp phải thực sự quan tâm, chú ý đến sản phẩm mình làm ra trước khi đưa ra thị trường và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng, và cần có kế hoạch đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài càng sớm càng tốt, nếu không thương hiệu của mình sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp.

Thứ ba, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, doanh nghiệp nên đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư phát triển sàn giao dịch lúa gạo để tăng tính minh bạch và hiệu quả của ngành gạo.

Thứ tư, đối với người sản xuất lúa gạo: Để nâng cao năng lực cho nông dân, cần áp dụng các giải pháp: đổi mới tư duy trong đời sống và làm việc của nông dân, tập trung đào tạo, cải tiến kỹ thuật, trau dồi kiến thức về canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức về kỹ năng quản lý  tài chính; nâng cao trình độ sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ, máy móc trong nông nghiệp.

Thứ năm, đối với thương nhân, doanh nghiệp: Hướng đầu tư nâng cao kỹ năng đàm phán, tiếp thị của thương nhân và nhân viên tại doanh nghiệp cần thực hiện như: cơ cấu lao động cần đảm bảo cân đối giữa các loại lao động theo ngành nghề có trình độ đào tạo khác nhau như nhân viên kỹ thuật, quản lý và công nhân kỹ thuật ở các trình độ đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết hợp đầu tư hợp lý giữa các phương pháp đào tạo và đào tạo lại, phù hợp với tốc độ tăng trưởng và trình độ công nghệ hiện đại của ngành lúa gạo.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ