Chủ tịch TCM tiết lộ lý do chi gần 500 tỷ mua nhà máy SY Vina

Nhàđầutư
Công ty dự kiến chuyển nhượng lại đất tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long và nhà máy may Trảng Bảng để mua nhà máy SY Vina. Việc phát triển trên nền sẵn có sẽ đem lại hiệu quả về mặt thời gian, chi phí so với đầu tư xây dựng mới.
MỸ HÀ
26, Tháng 03, 2024 | 17:24

Nhàđầutư
Công ty dự kiến chuyển nhượng lại đất tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long và nhà máy may Trảng Bảng để mua nhà máy SY Vina. Việc phát triển trên nền sẵn có sẽ đem lại hiệu quả về mặt thời gian, chi phí so với đầu tư xây dựng mới.

sy-vina

Dệt may Thành Công chi gần 500 tỷ mua nhà máy SY Vina. Nguồn: TCM

Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã: TCM) mới đây công bố quyết định HĐQT nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Dệt may SY Vina, công ty có liên quan thuộc sở hữu toàn bộ của cổ đông E-Land Asia Holdings Pte. Ltd. Giá trị nhận chuyển nhượng 468 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Trao đổi với nhadautu.vn, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT cho biết quyết định này nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Công ty SY Vina nằm tại khu công nghiệp Nhơn Trạch II, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích gần 7,5 ha. Việc mua SY Vina giúp TCM tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Sau khi mua lại và tiếp quản, nhà máy dệt thoi tại SY Vina với công suất trên 8 triệu mét vải/năm sẽ bổ sung thêm cho vải đan truyền thống tại TCM, nhà máy nhuộm với công suất hơn 19,5 triệu mét vải/năm và nhà máy may với công suất 69,6 triệu sản phẩm khăn/năm sẽ góp phần vào việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới.

Đồng thời, TCM cũng cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy tại quận Tân Phú trong tương lai sau khi TP.HCM có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành để thực hiện dự án dân cư và phức hợp theo quy hoạch.

Bên cạnh những tương đồng và thuận lợi về chuỗi sản xuất dệt may, tận dụng nguồn khách hàng và lực lượng công nhân sẳn có, vị trí của SY Vina cũng rất tiện lợi cho giao thông cũng như vận chuyển logistics để có thể tối ưu hóa chi phí...

Về mặt nguồn vốn cho việc đầu tư, ông Tùng cho biết công ty sẽ chuyển nhượng lại nhà máy may tại khu công nghiệp Trảng Bàng – Tây Ninh do năng suất hoạt động không hiệu quả, đồng thời, bán lại gần 7 ha đất tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long trước đây dự kiến đầu tư giai đoạn 3 & 4 để xây dựng nhà máy đan và nhuộm.

Công ty dự kiến việc chuyển nhượng lại đất tại khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long và nhà máy may Trảng Bảng sẽ mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể so với khoản đầu tư ban đầu.

Mặt khác, HĐQT và Ban điều hành xét thấy việc mua lại nhà máy SY Vina sẽ đem lại hiệu quả về chi phí, thời gian, tận dụng lợi thế sẳn có so với dự án đầu tư xây dựng mới.

“Việc mua lại thành công Công ty cổ phần SY Vina nhằm tăng năng lực sản xuất vải dệt thoi (woven) bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải thun (knit) và tối ưu hóa bài toán đầu tư, nâng cao hiệu quả M&A”, Chủ tịch TCM nói.

Dệt may Thành Công là một trong số ít những doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có quy trình sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm – may. Sản phẩm của công ty có mặt tại thị trường nội địa và xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Canada, UK…, doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng hơn 90%.

Trong 2 tháng đầu năm, với sự phục hồi chung của ngành, công ty ghi nhận doanh thu lũy kế 25,2 triệu USD (~ 622,4 tỷ đồng), tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 1,65 triệu (40,7 tỷ đồng), tăng 40%.

Công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch 2024 gồm doanh thu 3.707 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện 2023.

Tính đến cuối tháng 2, công ty cho biết doanh thu ước tính cho đơn hàng quý I cao hơn cùng kỳ, đã nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II. Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam 2024 và tiếp nhận đơn hàng, công ty hy vọng tình hình đơn hàng xuất khẩu 2024 của công ty sẽ khả quan hơn và đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ