Hậu COVID: Cần thiết kế và vận hành mô hình sống chung an toàn với COVID

Nhàđầutư
Có lẽ trong vòng một vài năm nữa, nhân loại sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19. Chiến thắng ở đây không có nghĩa là loài người sẽ tiêu diệt được con virus được đặt tên là COVID, mà chỉ có nghĩa là loài người sẽ thành công trong việc biến nó trở thành một loại cúm mùa thông thường.
TS. NGUYỄN SỸ DŨNG (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
21, Tháng 09, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Có lẽ trong vòng một vài năm nữa, nhân loại sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19. Chiến thắng ở đây không có nghĩa là loài người sẽ tiêu diệt được con virus được đặt tên là COVID, mà chỉ có nghĩa là loài người sẽ thành công trong việc biến nó trở thành một loại cúm mùa thông thường.

Khi các loại vaccine và thuốc điều trị được cung ứng đầy đủ trên thị trường, khi cách thức chữa trị được chuẩn hóa, thì COVID không còn nguy hiểm nữa. Vấn đề là chúng ta cần phải sống như thế nào trong khoảng thời gian từ đây đến đó. Dưới đây là một vài suy nghĩ về những vấn đề nóng bỏng nhất của quản trị nhà nước trong gian đoạn này.

Nhan vien samsung

Cán bộ công nhân viên và người lao động Công ty Samsung Việt Nam được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc.

Vấn đề đầu tiên Nhà nước cần quan tâm nhất là thiết kế và vận hành mô hình sống chung an toàn với COVID. Sống chung với COVID thì không có nghĩa là sống chung với đại dịch. Không ai có thể sống chung với tình trạng dịch bệnh bùng phát; các bệnh viện, các cơ sở y tế đều bị quả tải; các ca tử vong vì dịch bệnh tăng cao. Sống chung với COVID chỉ có nghĩa là nâng cao sức đề kháng của toàn dân và thực hiện các giải pháp cần thiết để khống chế sự lây lan của dịch bệnh ở mức số ca phát bệnh không làm quá tải các bệnh viện và các cơ sở y tế, số ca tử vong được giảm thiểu tối đa. Sống chung với COVID còn có nghĩa là không để các giải pháp phòng chống dịch cực đoan làm cho nền kinh tế của bị tê liệt an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.

Để nâng cao sức đề kháng cho toàn dân, thì quan trọng nhất là cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về COVID và cách thức phòng chống nó. Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra, hiểu biết cũng làm gia tăng sức đề kháng. Cần tránh cách làm truyền thông gây ra sự hoảng loạn và tuyệt vọng. Đây không khéo là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong vì COVID tăng cao.

Thứ hai là cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân. Đây là việc Chính phủ ta đang tập trung mọi nỗ lực để triển khai và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vì nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế, cho nên vẫn cần tiếp tục xác lập ưu tiên cho tốt.

Thứ ba, là cần nhanh chóng giảm tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế. Theo số liệu thống kê của nhiều quốc gia, số người nhiễm COVID phát bệnh chỉ chiếm 20%. Số người tự nhiễm và tự khỏi chiếm đến 80%. Như vậy, tập trung tất cả những người dương tính (F0) vào các bệnh viện và các cơ sở y tế để điều trị là bất hợp lý.

Với cách làm này, chắc chắn, các bệnh viện và cơ sở y tế đều sẽ bị quá tải nặng nề. Hậu quả là nhiều ca F0 phát bệnh nhưng không còn chỗ để được chữa trị. Trong lúc đó, nhiều ca F0 được đưa vào bệnh viện lại chưa chắc đã được chăm sóc đầy đủ và chữa trị kịp thời vì các y bác sĩ bị quá tải, trang thiết bị t y tế bị thiếu hụt.

Giải pháp chính sách ở đây là cần tổng kết kinh nghiệm thành công của Quận 6, Huyện Củ Chi trên cơ sở đó thực hiện chủ trương nhất quán là các ca F0 không phát bệnh tự điều trị ở nhà. Nếu các ca F0 không triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà, thì các ca F1 cũng không cần phải cách ly tập trung. Cũng như đối với các cá F0, điều quan trọng là trang bị cho họ kiến thức, thuốc men và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn để tự cách ly. Cách ly tập trung các ca F1 không chỉ gây ra những tốn kém vô kể cho Nhà nước, mà còn có thể để xảy ra lây nhiễm chéo. Đó là chưa nói tới việc sức khỏe về thể chất và tâm lý của những người bị cách ly cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Hiện nay, Nhà nước đang đứng ra đảm nhận toàn bộ tất cả các khâu của công việc phòng chống dịch từ xét nghiệm, cung ứng vaccine, thuốc chữa bệnh,  đến tiêm chủng, cách ly tập trung, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID… Đây là một khối lượng công việc khổng lồ và vô cũng tốn kém. Không sớm thì muộn, chắc chắn Nhà nước sẽ hụt hơi. Như vậy, quan trọng là ngay từ bây giờ phải tìm cách xã hội hóa những phần có thể được từ khối lượng công việc khổng lồ nói trên. Nếu áp dụng cơ chế thị trường cho việc chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch bệnh, hoàn toàn có thể sẽ hình thành nên một ngành kinh tế thật sự ăn nên, làm ra. Khi thị trường đã đảm nhận bớt một phần công việc, Nhà nước sẽ có điều kiện hơn để tập trung lo những khâu mà thị trường không đảm nhận được và lo cho những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.

Vấn đề thứ hai, Nhà nước cần cân đối giữa phòng chống dịch, bảo tồn nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Để làm được như vậy, cần phải duy lý tối đa khi đề ra các giải pháp phòng chống dịch. Một phản ứng chính sách cực đoan sẽ rất giống với sốc phản vệ. Những vấn đề mà nó gây ra thường bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với vấn đề mà nó hướng tới để giải quyết. Hậu quả là chúng ta phải đối mặt với rủi ro là chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì thiếu đói và vì nền kinh tế bị đổ vỡ.

Tất cả các nước phương Tây đều thành công trong việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm ở họ vẫn ở mức cao. Lý do là vì họ rất duy lý. Các giải pháp phòng chống dịch của họ không bao giờ vượt quá mức cần thiết. Chúng ta cũng chắc chắn phải làm như vậy. Những giải pháp phòng chống dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chỗi sản xuất toàn cầu chắc chắn cần phải sớm được sửa đổi. Những giải pháp tạo ra tình cảnh thất nghiệp, thiếu đói cho hàng triệu người dân chắc chắn cũng cần phải sớm được sửa đổi như vậy. Trước lúc các giải pháp như vậy được sửa đổi và phát huy tác dụng, thì Nhà nước cần thực hiện chương trình an sinh xã hội đã được đề ra một cách hiệu quả hơn. Và có lẽ, cần thiết phải bổ sung thêm kinh phí cho chương trình này.

Ngoài ra, cần nhanh chóng cho phép những người đã khỏi bệnh, những người đã tiêm chủng đầy đủ trở lại làm việc. Để thực hiện được điều này, mô hình thẻ xanh quốc gia là rất cần thiết. Một ứng dụng công nghệ duy nhất của quốc gia cho thẻ xanh là rất cần thiết để giảm thiểu chi phí và trách ách tắc cho người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề thứ ba, Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề lao động và phục hồi kinh tế. Nghịch lý lớn nhất của vấn đề lao động là chúng ta phải đối mặt với tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa.

Các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ thiếu hụt lao động một cách nghiêm trọng. Sự thiếu hụt này là hệ quả của việc hàng trăm ngàn lao động đã tháo chạy về quê để tránh dịch. Thế nhưng, lao động nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Nơi thiếu thì làm cho sản xuất bị đình trệ, nơi thừa thì gây ra tình trạng thất nghiệp. Hình thành nên đội ngũ thất nghiệp là đông đảo những người chạy trốn dịch về quê, những người bị mất việc làm do các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc cắt giảm quy mô để vượt qua khó khăn vì đại dịch. Một nguồn bổ sung to lớn khác là đội ngũ những người dân lao động tự do làm 1001 nghề để kiếm sống như bán hàng rong, kinh doanh nhỏ lẻ… bị mất việc vì phong tỏa. Một điều tra gần đây do VnExpress tiến hành và được hơn 69.000 người lao động trả lời cho thấy 62% trong số họ đang mất việc làm.

Với tình thế lưỡng nan như trên, một chương trình kích cầu kinh tế là rất cần thiết. Để kích cầu thì quan trọng là phải tăng cường đầu tư công. Đây là thời điểm Quốc hội nên nới trần nợ công để tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ số. Cách làm này vừa giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, vừa tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ số chắc chắn sẽ là nền tảng không thể thiếu để kinh tế nước ta có thể phát triển vượt bậc về lâu, về dài.

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn “Vượt qua COVID”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ