Hai 'cơn gió ngược' và hai 'vòng gió xoáy' của kinh tế Việt Nam

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 cơn gió ngược từ bên ngoài và 2 vòng gió xoáy từ nội tại bên trong.
ĐÌNH VŨ
26, Tháng 07, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 cơn gió ngược từ bên ngoài và 2 vòng gió xoáy từ nội tại bên trong.

Pho-thong-doc-dao-minh-tu-25.7

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Thoibaonganhang.

Ngày 25/7, Thời báo Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp nhằm đi sâu phân tích những lý do khiến cho sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, đề xuất giải pháp.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn; cuộc cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng rất nhanh, kéo dài.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất/nhập khẩu lớn truyền thống của Việt nam đều gặp khó khăn từ sau dịch COVID-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

"Những diễn biến này đã và đang khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp", Phó Thống đốc nói.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, "Khó khăn, trắc trở" là 2 từ thể hiện rõ nhất tình cảnh của Việt Nam. Theo đó, những khó khăn nền kinh tế phải đối mặt đã dẫn lộ diện từ quý III/2022. Cho đến thời điểm hiện tại, báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế đều tỏ ra kém lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam. "Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2023 cũng đã rất khó khăn", ông Thành nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Thành cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với 2 cơn gió ngược từ bên ngoài và 2 vòng gió xoáy nội tại trong nước.

Cụ thể, cơn gió ngược thứ nhất là vấn đề suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt là ở nhiều đối tác chính của Việt Nam. "Cho đến hiện tại, liệu sự ảm đạm của kinh tế thế giới sẽ ít hay nhiều, mức độ phục hồi của kinh tế thế giới và Trung Quốc là nhanh hay chậm vẫn còn là một dấu hỏi", ông Thành chia sẻ.

Cơn gió ngược thứ 2 là điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo. Chưa bao giờ chính sách tài chính tiền tệ lại căng thẳng như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, xác suất cao là sự ngặt nghèo này sẽ dịu đi khi lạm phát bắt đầu giảm nhanh hơn kỳ vọng (lạm phát Mỹ còn khoảng 3%), chính sách thắt chặt tiền tệ đã giảm dần.

Từ bên trong, theo ông Thành, Việt Nam phải đối mặt với 2 vòng gió xoáy. Thứ nhất là vấn đề tài chính tiền tệ. Từ cuối năm ngoái thị trường tài chính đã phải đối mặt với áp lực lãi suất, tỷ giá, lạm phát tăng cao; thanh khoản thiếu hụt cả trong hệ thống ngân hàng và trên thị trường; sự rung lắc thị trường chứng khoán và TPDN rơi mạnh, cùng với đó là sự đình đốn của thị trường bất động sản khiến niềm tin thị trường sụt giảm nghiêm trọng.

"6 tháng qua với nỗ lực của cơ quan quản lý và chút may mắn từ bên ngoài, thanh khoản ngân hàng dồi dào trở lại, lãi suất qua đêm có thời điểm gần bằng 0%. Tuy nhiên, nhưng xử lý trên thị trường bất động sản, vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp kết quả còn khá hạn chế", ông Thành nói.

Vòng xoáy thứ 2 là kinh tế thực khó khăn khi xuất nhập khẩu giảm tốc nhanh. "Đây là hiện tượng rất đang suy ngẫm trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu quá lớn so với quy mô GDP của Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.

Tăng cường vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết, thống kê cho thấy, DN đang rất khó khăn, đặc biệt là DNNVV.

Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục thống kê thì chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định, và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. "Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là DNNVV do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh", ông Thân nói.

Ngoài vấn đề về tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế nhằm trụ vững doanh nghiệp trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào Quý III/2023.

Đại diện Hiệp hội DNNVV đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công; Cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay… 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay có khoảng 24 Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV ở các tỉnh thành phố nhưng gần như không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Bản thân quỹ hỗ trợ DNNVV hoạt động cũng rất hạn chế. Theo đó, ông Hùng đề nghị cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV ở các địa phương, coi đây như một giải pháp quan trọng để hỗ trợ, phát triển DNNVV ở từng địa phương.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, chính sách tiền tệ cần nghiên cứu chuyển trọng số cao hơn sang hỗ trợ sản xuất kinh doanh qua giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng. Cần làm rõ lý do xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều đánh giá, dự báo năm 2023 thương mại quốc tế vẫn tăng trưởng dương. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hơn nữa về hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tài khoá (giãn, giảm thuế, phí...), kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy du lịch; linh hoạt đối tác, thị trường; cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo....

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ