Gói kích thích phục hồi kinh tế hậu COVID 19 - Bài 4: Trung Quốc và 'bài toán' sử dụng tiền hiệu quả

Nhàđầutư
Mặc dù chi ra 4.000 tỷ nhân dân tệ (559 tỷ USD), nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng cách tiếp cận hạn chế trong các chính sách kích thích nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước đồng thời tránh gây ra các rủi ro về mặt tài chính.
THANH TRẦN
25, Tháng 09, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Mặc dù chi ra 4.000 tỷ nhân dân tệ (559 tỷ USD), nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng cách tiếp cận hạn chế trong các chính sách kích thích nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước đồng thời tránh gây ra các rủi ro về mặt tài chính.

2aa8b0f6-a0e9-11ea-8055-0ae12e466049_image_hires_092249

 

LTS: Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang tung ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế 'khổng lồ' nhằm chặn đà suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, tạo thêm công ăn việc làm và tái khởi động các hoạt động xã hội. Liệu các gói kích thích kinh tế này có mang lại hiệu quả lâu dài hay chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời? Nhadautu.vn khởi đăng đăng loạt bài về các gói kích thích kinh tế của một số nước trên thế giới từ 22/9/2020 như một kênh tham khảo, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý và bạn đọc có thêm thông tin học hỏi cách khắc phục kinh tế thời hậu đại dịch.

*** 

Gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 559 tỷ USD) của Trung Quốc sẽ bù đắp các chi phí cho các nhà máy, doanh nghiệp, cũng như các thương nhân đang phải vận lộn với những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Không chỉ vậy, gói kích thích còn được tung ra với hy vọng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho các lao động bị mất việc vì đại dịch tại Trung Quốc.

Một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch sẽ bao gồm miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện.... Được biết, tất cả sẽ tiêu tốn cho chính phủ Trung Quốc khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ, trong kế hoạch chi tiêu tài khóa bổ sung và phát hành trái phiếu chính phủ.

Kế hoạch cứu trợ lần này hoàn toàn ngược lại so với gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc ban hành năm 2008 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn tập trung vào chi tiêu nhà nước với các khoản nợ và khiến đất nước phải gánh một khoản nợ lớn.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh rằng các biện pháp cứu trợ mới là nhằm hỗ trợ tăng trưởng, tập trung chủ yếu vào các việc như "tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân và giúp đỡ các thực thể kinh tế".

"Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không làm ngập thị trường với thanh khoản quá mức. Nhưng thời điểm đặc biệt sẽ cần những nỗ lực đặc biệt. Hiện chúng tôi đang cung cấp nước để cá có thể tồn tại - cá sẽ chết nếu không có đủ nước, nhưng sẽ có bong bóng nếu chúng tôi cung cấp quá nhiều nước", Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh về các biện pháp hỗ trợ kinh tế, thông qua hình ảnh ẩn dụ của những con cá.

Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường cũng cho biết rằng Bắc Kinh hiện có nhiều chính sách tài khóa, tài chính và an sinh xã hội, và họ sẽ sớm triển khai hỗ trợ chính sách bổ sung mà không cần phải do dự quá nhiều.

Ông nói: "Việc làm là vấn đề lớn nhất đối với sinh kế của mọi người. Trung Quốc có lực lượng lao động tới 900 triệu người. Đây sẽ là 900 triệu cái miệng ăn nếu không có việc làm, nhưng cũng có thể là 900 triệu đôi tay tạo ra của cải nếu có việc làm".

"Nếu có thể đạt được các mục tiêu về bảo vệ công ăn việc làm, sinh kế và các thực thể thị trường, chúng tôi sẽ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực vào năm 2020 và chúng tôi đang cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng khá đáng kể để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển", Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố.

Hiện Trung Quốc vẫn còn tới 600 triệu người có thu nhập bình quân hàng tháng tầm 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD), hoặc ít hơn, dù cho thu nhập bình quân đầu người của nước này vào năm ngoái đã đạt mức 30.733 nhân dân tệ ( 4.300 USD).

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nói thêm là nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc giờ đã thêm phần nặng nề vì sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến không ít người Trung Quốc trở lại tái nghèo.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã tung ra gói kích thích kinh tế 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) nhằm thêm vào cho các chi tiêu bổ sung, giúp tăng thêm 0,8% cho tỷ lệ thâm hụt tài chính của chính phủ trung ương, cùng với 1.000 tỷ nhân dân tệ từ việc bán các trái phiếu kho bạc đặc biệt.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho phép các chính quyền địa phương của nước này phát hành thêm 1.600 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo nhận định của các chuyên gia, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận hạn chế trong chính sách kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước đồng thời tránh gây ra các rủi ro về mặt tài chính. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể áp dụng một biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nếu GDP không thể phục hồi trong nửa cuối năm 2020.

Vì sao Trung Quốc ngừng tung ra gói kích thích kinh tế?

c849d27c0427429bb8cc85a6330dd78d

Trung Quốc vẫn áp dụng cách tiếp cận hạn chế trong các chính sách kích thích nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước đồng thời tránh gây ra các rủi ro về mặt tài chính.

Các gói kích thích về tiền tệ và tài khóa của Trung Quốc vẫn thua xa về cấp độ so với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ - nơi mà các gói kích thích có trị giá lên tới 2 nghìn tỷ USD với các khoản thanh toán cho cá nhân, tăng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản vay cho các ngành đang gặp khó khăn.

Các nỗ lực của chính quyền nhằm giảm bớt 'nỗi đau' do suy thoái kinh tế chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính, chẳng hạn như cắt giảm thuế và phí của chính phủ, đồng thời gây áp lực buộc chủ nhà phải giảm tiền thuê và các công ty hạn chế sa thải. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính, giảm lãi suất vay, cho phép chính quyền địa phương bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng và phát phiếu mua hàng giảm giá ở một số thành phố để thúc đẩy tiêu dùng.

Nhưng bất chấp những dự đoán thảm khốc về hàng chục triệu việc làm bị mất và suy thoái kinh tế toàn cầu tê liệt có thể cản trở lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay, Bắc Kinh vẫn chưa hề dùng đến các giải pháp mạnh như chi tiêu lớn của chính phủ vào hạ tầng, hoặc cắt giảm mạnh lãi suất cho vay. 

Lúc đầu, cũng có quan chức đặt câu hỏi liệu các biện pháp kích thích kinh tế có phát huy được hiệu quả không, khi mà người tiêu dùng đối diện với tình cảnh hạn chế chi tiêu vì COVID-19. Nay có dấu hiệu cho thấy kinh tế đang phục hồi mà chưa cần tới biện pháp mạnh. 

Thế nhưng điều quan trọng nhất có thể là do nhà chức trách nhận thấy rằng một gói kích thích 'khổng lồ' sẽ đẩy nền kinh tế phát triển nóng, đặc biệt là thị trường bất động sản vốn đã có biểu hiện tăng ảo với niềm tin phổ biến trong dân chúng Trung Quốc cho rằng nhà đất là kênh đầu tư an toàn, hàng thập kỉ qua giá cơ bản chỉ có tăng. 

Tại siêu đô thị Thâm Quyến, bất chấp suy giảm kinh tế lịch sử, chính quyền vẫn đang phải vật lộn để chống nạn đầu cơ bất động sản. Giá nhà tại đây đã tăng 5,2% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong số các thành phố lớn nhất của Trung Quốc. 

Giới điều hành lo ngại, bởi giá nhà tại Thâm Quyến bùng nổ một phần là do chủ các doanh nghiệp lợi dụng nguồn tín dụng giá rẻ thời COVID-19, tìm cách lái các khoản vay nhẽ ra được dùng để hỗ trợ, vực dậy sản xuất của doanh nghiệp sang thị trường nhà đất.

"Chúng ta phải nhất quyết sửa sai lầm trong việc để các khoản vay không đúng mục đích đổ vào thị trường bất động sản", ông Xiao Yuanqi, người đứng đầu bộ phận quản lý rủi ro tại Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cho biết.

Giờ đây, khi Trung Quốc cơ bản kiểm soát được COVID-19, câu hỏi đặt ra là: Liệu người tiêu dùng Trung Quốc có đủ sức để tạo ra bước phục hồi kinh tế mạnh mẽ mà không cần đến nhiều gói kích thích kinh tế lớn?

Nhưng cũng có lý do để tin rằng nếu đà phục hồi được duy trì tốt, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không viện tới các biện pháp tài khóa lớn. Đó là bởi giới hoạch định chính sách lo sợ các biện pháp kích thích quy mô lớn hơn có thể sẽ đổ thêm quá nhiều tiền vào phục hồi kinh tế, xóa đi thành quả chiến dịch hơn một năm qua về giảm nợ công và nợ hộ gia đình. 

Trung Quốc cũng là nước có mức tiết kiệm hộ gia đình cao. Một số nhà kinh tế tin rằng chính điều này đã ngăn cản việc chính phủ cấp thêm tiền vào mỗi công dân, vì đằng nào họ cũng chẳng chi tiêu nhiều. Theo ông Li-Gang- Liu, kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại tập đoàn Citigroup, xét tới yếu tố người tiêu dùng Trung Quốc có tâm lý tiết kiệm phòng thân rất cao, sẽ có một lượng lớn tiền đổ vào tài khoản trong các ngân hàng và nằm chết tại đó. 

Còn một lý do khác khiến giới lãnh đạo Trung Quốc ngại tung ra gói kích thích quy mô lớn: Đơn giản là họ đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2020 do những cú sốc đặc biệt lớn từ COVID-19.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại

6d385bd49b6b439fa7691c57e65b8a0e

Nền kinh tế Trung Quốc đang dần khởi sắc sau đại dịch COVID-19.

Trong quý II/2020, Trung Quốc báo cáo rằng GDP của nước này đã tăng 3,2%, so với một năm trước, vượt qua mức dự báo của các nhà phân tích.

Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được thúc đẩy trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và Bắc Kinh đang triển khai các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự đoán ​​tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,5% trong quý II/2020.

GDP quý I/2020 của Trung Quốc đã suy giảm đến 6,8% so với một năm trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị giáng một đòn mạnh từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đây là lần giảm GDP đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 1992, thời điểm mà báo cáo GDP hàng quý được Trung Quốc bắt đầu công bố.

Số liệu GDP chính thức của Trung Quốc được theo dõi như là một chỉ số quan trọng về 'sức khoẻ' của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù nhiều chuyên gia quốc tế từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo của Trung Quốc.

"Nói chung, nền kinh tế quốc gia đã dần khắc phục được những tác động bất lợi của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 và đang bắt đầu tăng trưởng trở lại và phát triển", Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Nhằm nhanh chóng khắc phục các hậu quả từ đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay cũng như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Dữ liệu gần đây của Trung Quốc đã cho thấy một số dấu hiệu phục hồi. Số lượng giao dịch trong tháng 6 cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu bằng đồng USD bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, hoạt động sản xuất trong tháng 6 cũng đã nhiều hơn so với tháng 5.

Ông Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard tại Trung Quốc cho biết các hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại do quốc gia này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả sớm hơn các nước khác.

Nhà kinh tế trưởng cho biết ông hy vọng sự phục hồi GDP của Trung Quốc ít nhất sẽ được duy trì trong hai quý tới. Hiện tại, quốc gia này đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy du lịch nội địa. Không chỉ vậy, ông Zhuang cũng tự tin rằng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong 2 quý cuối năm nay.

Cục thống kê Trung Quốc đã công nhận các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian sắp tới và cho rằng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trên toàn cầu, các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu và thách thức bên ngoài sẽ gây ra những áp lực mới cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Dữ liệu được công bố cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu ở Trung Quốc. Doanh số bán lẻ đã giảm 1,8% trong tháng 6 so với một năm trước, tồi tệ hơn so với mức dự đoán tăng trưởng 0,3% từ các nhà kinh tế được Reuters khảo sát. Trong khi đó, những lo ngại về thị trường việc làm và các vụ phá sản của doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế nước này.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự phục hồi không đồng đều ở Trung Quốc. Hiện tại, một câu hỏi lớn đang được quan tâm đó là liệu nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề hàng tồn kho trong khi nhu cầu tại các thị trường bên ngoài vẫn còn rất yếu?", bà Johanna Chua, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực châu Á tại Citigroup cho biết.

Nền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay khi nhiều chính phủ trên toàn cầu đã áp đặt các lệnh phong toả và hạn chế hoạt động kinh doanh. Do đó, tăng trưởng chậm trong nhu cầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ làm tổn thương sâu sắc đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ