Gỡ khó cho thoái vốn, cổ phần hoá

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên không thể lấy đây là cái cớ để trì hoãn chủ trương thoái vốn - cổ phần hoá của Đảng và Nhà nước.
HUY NGỌC
19, Tháng 10, 2020 | 13:00

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên không thể lấy đây là cái cớ để trì hoãn chủ trương thoái vốn - cổ phần hoá của Đảng và Nhà nước.

nhadautu - go kho cho thoai von co phan hoa1

Gỡ khó cho thoái vốn, cổ phần hoá (Ảnh: Internet)

Thoái vốn, cổ phần hoá đã chậm nay càng thêm khó

Theo thống kê tại hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HoSE), từ đầu năm đến cuối tháng 9/2020 đã có 43 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần, trong đó số thành công, bao gồm bán được một phần, chỉ vỏn vẹn ở con số 10. Không ít cái tên quen mặt trên website công bố thông tin với nhiều lần đấu giá bất thành như CTCP Vĩnh Sơn, Nhiệt điện Hải Phòng, CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam...

Ở góc nhìn tổng quan hơn, số liệu cung cấp từ Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 639,5 tỷ đồng, thu về 1.166 tỷ đồng.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2020, các doanh nghiệp đã thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 102 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.964 tỷ đồng, thu về 9.643 tỷ đồng.

Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg được đánh giá là còn chậm.

Với cổ phần hóa, lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 8/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch (đạt 28%), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 4 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: TP. Hà Nội 13 doanh nghiệp (14% kế hoạch); TP. Hồ Chí Minh 38 doanh nghiệp (40% kế hoạch); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Dù vậy, dữ liệu từ HNX và HoSE thì chỉ có một số đơn vị nhỏ được tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong 9 tháng đầu năm, và kết quả cũng không mấy tích cực, chẳng hạn trường hợp của Công ty TNHH MTV Giống Gia súc Hải Dương.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa trong những tháng đầu năm 2020 chậm do sự bùng phát và diễn biến khó lường của dịch COVID-19, qua đó ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và hoạt động của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu... gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn, nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn.

Cần hành động quyết liệt

Nhìn nhận nguyên nhân chậm trễ tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong một hội nghị vào đầu tháng 8/2020 cho rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa. Việc này có thể do hiểu không đúng pháp luật hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán. Phải chăng do những quy định của chúng ta đối với thị trường chứng khoán chưa thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự sôi động, bởi đây như hàn thử biểu đánh giá sự sôi động của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp những tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cần phải nỗ lực phấn đấu cao nhất nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để nỗ lực phấn đấu cao nhất trong việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xây dựng nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện các nghị định, khẩn trương trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và triển khai theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội, các chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ