'Giá xăng dầu có thể tăng 40% do căng thẳng Nga - Ukraine'

Nhàđầutư
Trong báo cáo về tác động của xung đột Nga - Ukraine mới đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cuộc xung đột làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu trong nước, khiến giá mặt hàng này năm 2022 có thể tăng 30-40% so với bình quân năm 2021.
ĐÌNH VŨ
09, Tháng 03, 2022 | 16:59

Nhàđầutư
Trong báo cáo về tác động của xung đột Nga - Ukraine mới đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cuộc xung đột làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu trong nước, khiến giá mặt hàng này năm 2022 có thể tăng 30-40% so với bình quân năm 2021.

Empty

Ảnh: Trọng Hiếu

Trong báo cáo đánh giá tác động căng thẳng Nga - Ukraine mới đây, Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: 

Căng thẳng Nga, Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các biện pháp đáp trả của Nga tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới. Là nền kinh tế có độ mở lớn; Nga, Mỹ, EU… đều là những đối tác kinh tế quan trọng, lâu năm, Việt Nam có thể phải đối mặt với những tác động đáng kể.

Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.

Căng thẳng Nga, Ukraine và phương Tây và các biện pháp trừng phạt được dự báo làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ tạo sức ép cho các việc điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế của Việt Nam hiện nay (đặc biệt, cuộc xung đột này làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021).

Với kịch bản này, trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng 10% đối với tăng trưởng, lạm phát của TCTK; kết quả tính toán sơ bộ của Nhóm tác giả cho thấy: Thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021); CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2; GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1-1,3 điểm %; khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7-5,9% (so với mức dự báo 6,5-7% hồi đầu năm hay cuối tháng 2) và có thể thấp hơn, ở mức 4,5-5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra.

"Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay", Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Thứ hai, ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam.

Đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm đi, khiến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giảm tương ứng, tác động tiêu cực đến xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tiếp đến, do quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam (Nga chiếm khoảng 1% và Ukraina chiếm 0,1% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2021), nên những tác động tới ngoại thương của Việt Nam là không lớn trong ngắn hạn.

Những mặt hàng xuất khẩu chịu tác động hiện nay là điện thoại và linh kiện, điện tử và linh kiện, may mặc, nông – thủy sản. Về trung và dài hạn, các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây và bất ổn tại Nga lại làm ảnh hưởng tới những nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư của Việt Nam với Nga và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA). Các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư, tài chính, du lịch,…giữa Việt Nam với Nga và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt khi phương Tây loại Nga ra khỏi SWIFT.

Đối với đầu tư, đến tháng 2/2022, tổng vốn FDI đăng ký của Nga tại Việt Nam đạt 950 triệu USD, với 151 dự án, xếp thứ 24 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ukraina có 26 dự án, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, xếp thứ 69. Tuy nhiên, các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng - là lĩnh vực quan trọng, đóng góp nhiều vào ngân sách, lao động và đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Ví dụ, Vietsovpetro sản xuất 1/3 lượng dầu của Việt Nam, đạt doanh thu 1,7 tỷ USD và đóng góp hơn 920 triệu USD vào ngân sách của Việt Nam). Đây được cho là vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Về du lịch, trước đại dịch COVID-19, có khoảng 650 nghìn khách Nga đến Việt Nam mỗi năm. Với khủng hoảng này và dịch bệnh, lượng khách Nga đến Việt Nam tiếp tục ít đi. Chưa kể, các biện pháp cấm không phận, khiến đi lại khó khăn, thu nhập không tăng như kế hoạch, giá vé máy bay có thể tăng theo giá xăng dầu, khiến nhiều du khách quốc tế khác sẽ cân nhắc đi du lịch. Kế hoạch phục hồi du lịch sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. 

Thứ ba, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân trong nước.

Với doanh nghiệp, Nhóm tác giả nhận diện ít nhất có 5 tác động chính gồm:

Một là xuất khẩu hàng hóa sang Nga, Ukraine, Belarus khó khăn hơn nhiều do nhu cầu giảm, đồng Ruble mất giá nhiều trong khi đồng USD tăng giá đồng nghĩa với giá hàng xuất bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Hai là chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, vận tải, lưu kho bãi…) tăng nhanh trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng tương ứng.

Ba là rủi ro thanh toán (do các ngân hàng Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT), rủi ro tỷ giá khiến nhà nhập khẩu bên Nga yêu cầu chia sẻ, giảm giá.

Bốn là đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thiếu đầu vào, khâu trung gian bị kéo dài, đầu ra chậm tiêu thụ.

Năm là rủi ro pháp lý khi hàng giao chậm tiến độ, chậm thanh toán, tranh chấp hay vi phạm hợp đồng có thể xảy ra…

Với người dân, do tâm lý e ngại rủi ro, giá cả và lạm phát gia tăng, người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư và hướng tới các kênh tài chính an toàn như gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản, khiến dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh ít dồi dào hơn.

Thứ tư, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kiều bào, du học sinh tại Nga và Ukraine.

Theo thông tin từ Đại sứ quán, hiện nay có khoảng 80 nghìn người Việt đang sống, học tập và làm việc tại Nga; tại Ukraine là hơn 7 nghìn người. Tình hình tại Nga và Ukraine hiện nay tác động đến kinh doanh, việc làm, thu nhập, an ninh, tâm lý và kể cả dòng kiều hối từ cộng đồng người Việt này. Ngoài ra, nếu một phần lượng người này quay về nước, vấn đề an sinh, việc làm cũng cần quan tâm.

Thứ năm, mở ra một số cơ hội mới cho Việt Nam.

Khi căng thẳng Nga, Ukraina và phương Tây nổ ra, thị trường tại các nước này tiềm ẩn rủi ro, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư, tìm kiếm địa chỉ an toàn hơn. Đây lại là điểm mạnh của Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng được cải thiện, quy mô thị trường gần 100 triệu dân…, hấp dẫn các nhà đầu tư). Ngoài ra, việc Nga có thể đẩy mạnh hợp tác với Châu Á, cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác đối với Việt Nam trong trung – dài hạn.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị 5 vấn đề.

Một là, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine và và động thái, chính sách của phương Tây để có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.

Hai là, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022. Đồng thời, tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt Chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.

Ba là, về điều hành, kiểm soát giá xăng dầu. Do giá xăng dầu chịu tác động mạnh từ căng thẳng Nga - Ukraine, cũng như có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, do vậy: Bộ Công thương cần phối hợp cùng các cơ quan liên quan có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đề xuất tăng tần suất điều chỉnh giá xăng dầu (thay vì 10 ngày như hiện nay);

Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp đối với việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu (cân nhắc cả phương án có nên duy trì hay không, giải pháp thay thế…); về lâu dài, có chiến lược tăng tính tự cường, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, tăng năng lực dự trữ và năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở thông tin, dữ liệu và khoa học hơn.

Bốn là, về khắc phục khó khăn trong thanh toán quốc tế, chuyển tiền với Nga, NHNN phối hợp với cơ quan liên quan có đánh giá tác động của việc Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT, khả năng hệ thống thanh toán thay thế của Nga, để có chính sách, giải pháp hỗ trợ các định chế tài chính, doanh nghiệp XNK Việt Nam. Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển kênh thanh toán song phương Việt – Nga (có thể qua Ngân hàng LD Việt - Nga - VRB) một cách an toàn, hiệu quả.

Năm là, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức tài chính Việt Nam tăng cường tư vấn doanh nghiệp, thiết kế dịch vụ phù hợp bối cảnh mới. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ