[Gặp gỡ thứ Tư] 'Phát triển trái phiếu doanh nghiệp tạo thế chân kiềng vững chắc cho thị trường tài chính'

Nhàđầutư
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đánh giá mặc dù đã có sự phát triển tích cực trong thời gian gần đây, nhưng thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
KHÁNH AN
29, Tháng 12, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đánh giá mặc dù đã có sự phát triển tích cực trong thời gian gần đây, nhưng thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

3-do-ngoc-quynh-2

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam. Ảnh VBMA.

11 tháng đầu năm, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp với trên 495.000 tỷ đồng TPDN phát hành thành công. Trong đó TPDN có tài sản đảm bảo (TSĐB) chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%.

Trước bối cảnh tăng nóng của thị trường này trong thời gian vừa qua, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) kiêm Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect.

Bên cạnh các tác động tích cực giúp doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN cũng tiềm ẩn một số rủi ro, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” - không có tài sản đảm bảo, không định hạng tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành, ông nghĩ sao về thực tế này?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trước hết, tôi phải nói rằng trái phiếu nói riêng hay bất kỳ sản phẩm đầu tư nào nói chung đều sẽ luôn có cơ hội tạo ra lợi nhuận gắn liền với những rủi ro khác nhau. Hay nói cách khác là không có sản phẩm đầu tư nào mà không có rủi ro, chỉ là mức độ rủi ro ít hay nhiều theo các tiêu chí và góc nhìn khác nhau mà thôi.

Thị trường trái phiếu cũng có nhiều sản phẩm khác nhau với tiềm năng sinh lời gắn với các mức độ rủi ro khác nhau. Trái phiếu “3 không” cũng chỉ là một trong nhiều loại sản phẩm trái phiếu khác nhau trên thị trường và với đặc điểm “3 không” thì loại trái phiếu này có rủi ro cao hơn các sản phẩm trái phiếu có TSĐB, có định hạng tín nhiệm, có tổ chức uy tín bảo lãnh phát hành và vì vậy thường sẽ có mức lãi suất cao hơn. Hiện nay, hầu hết các TPDN trong nước đều chưa có định hạng tín nhiệm vì luật chưa bắt buộc. Ngoài ra, luật hiện hành cũng không qui định bắt buộc tất cả các TPDN phải có TSĐB hay tổ chức bảo lãnh phát hành.

Tóm lại, khi xem xét đầu tư vào sản phẩm trái phiếu có đặc điểm “3 không” này, nhà đầu tư cần phải có khả năng đánh giá rủi ro một cách kỹ càng, hiểu về tình hình tài chính doanh nghiệp, hiểu về uy tín - năng lực và sự chính trực của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hiểu được mục đích cũng như hiệu quả tiềm năng của việc sử dụng vốn, khả năng kiểm soát dòng vốn đi đúng mục đích của doanh nghiệp… Có thể nói, đây là sản phẩm không dành cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Về định hạng tín nhiệm, chúng ta đã nói nhiều đến vai trò của tổ chức này trên thị trường trái phiếu Việt Nam, song dường như sự hiện diện của các tổ chức tài chính này còn rất khiêm tốn. Ông cho rằng đâu là nguyên nhân?  

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Mỗi thị trường đều có lịch sử, quá trình hình thành và phát triển riêng. Trong quá trình đó, chúng ta cần từng bước xây dựng nhiều cấu phần của thị trường. Ở Việt Nam, hoạt động định hạng tín nhiệm trong nước mới phát triển được hơn một năm với chỉ 2 công ty trong nước được cấp phép và luật cũng chưa bắt buộc các tổ chức huy động vốn phải có định hạng tín nhiệm nên năng lực của tổ chức định hạng tín nhiệm và nhu cầu sử dụng dịch vụ này chưa cao. Do đó, vai trò của hoạt động định hạng tín nhiệm trong nước còn khiêm tốn là đương nhiên.

Với việc tiếp tục cấp phép cho các tổ chức trong nước liên doanh với các tổ chức định hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới như Moody’s cùng việc từng bước thực thi chính sách yêu cầu các tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có định hạng tín nhiệm từ năm 2023 thì tôi tin hoạt động hạng tín nhiệm độc lập trong nước sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Chỉ hai ba năm nữa tình hình sẽ khác hẳn, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp có định hạng tín nhiệm độc lập thì lúc đó sẽ có các chuẩn mực rõ ràng, minh bạch để giúp nhà đầu tư so sánh, đánh giá, định giá chính xác, hợp lý hơn về các TPDN được phát hành, giao dịch trên thị trường.

Thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ “chia lửa” với thị trường tín dụng, là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên sau 3 năm tăng trưởng nóng, có một thực tế là thị trường trái phiếu hiện vẫn chỉ là cuộc chơi chính của các tập đoàn tư nhân hàng đầu, trong khi mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nhìn chung TPDN là kênh huy động phù hợp cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu, thông tin minh bạch, quản trị chuyên nghiệp và khả năng sử dụng vốn hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính minh bạch khá hạn chế, nếu như bạn là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, bạn có kiểm toán quốc tế, bạn có đánh giá hạn mức tính dụng, bạn có cáo bạch đầy đủ và có dự án rõ ràng để đầu tư thì nhà đầu tư sẽ đánh giá bạn giống các công ty lớn.

Tuy nhiên, để làm tất cả điều đó thì chi phí huy động vốn sẽ không thấp, do vậy trái phiếu chưa hoàn toàn là kênh huy động vốn thuận tiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cũng đúng cho các thị trường đã phát triển.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian tới?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Việc định kỳ tổ chức thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm (nếu có) sẽ đảm bảo hoạt động của thị trường nói chung và giúp các thành phần tham gia trên thị trường nói riêng tuân thủ đúng các qui định của pháp luật, chuẩn mực chuyên nghiệp của thị trường, hướng tới các mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững. Đây là điều hết sức cần thiết và là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển.

Các hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hiệu quả một mặt giúp cho thị trường tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp, ngăn chặn các nguy cơ rủi ro nhưng đồng thời cũng kịp thời nhận diện và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, cản trở… trong quá trình tham gia hoạt động của các thành phần thị trường giúp từng bước lành mạnh hóa thị trường. Vì vậy, đây là một tin tốt. Việc thanh tra có thể gây ra một số bất tiện trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, nếu làm tốt việc thanh tra sẽ giúp thị trường phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động bền vững, viễn cảnh về bức tranh thị trường tài chính sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Thị trường tài chính có 3 chân kiềng quan trọng là tín dụng ngân hàng, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Mặc dù đã có sự phát triển tích cực trong thời gian gần đây, nhưng thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu song song với việc tái cấu trúc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ thúc đẩy sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế hiệu quả, thu hút và dẫn được các dòng vốn tạm thời nhàn rỗi của mọi thành phần tham gia thị trường trong và ngoài nước đến với các chủ thể sử dụng vốn hiệu quả trong nền kinh tế, bao gồm cả Chính phủ và các loại hình doanh nghiệp trong nước, giúp cho nền kinh tế phát triển hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ