[Gặp gỡ thứ Tư] Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao

Trao đổi về định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho giai đoạn phát triển mới, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần lựa chọn, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
TUẤN MINH
07, Tháng 03, 2018 | 07:00

Trao đổi về định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho giai đoạn phát triển mới, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần lựa chọn, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

samsung-nha-may

Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế 

Thưa Bộ trưởng, tháng 12 năm 2017 đánh dấu tròn 30 năm ngày ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu đánh giá một cách khái quát nhất, Bộ trưởng sẽ nói gì về kết quả 30 năm thi hành đạo luật này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể nói trong 30 năm qua, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đồng hành cùng công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế của đất nước, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Từ chỗ còn xa lạ và mới mẻ, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế.

Tôi cho rằng, nếu không có FDI, nền kinh tế Việt Nam không thể có một diện mạo, quy mô và trình độ phát triển như ngày nay. Trong 30 năm qua, hơn 169 tỷ USD vốn FDI đã chảy vào Việt Nam, được triển khai thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ô tô – xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…

Qua đó, FDI đã góp phần hết sức quan trọng trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả, đóng góp tích cực, quá trình thu hút FDI cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, tiêu cực cần sớm được khắc phục. Đó là sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, điện tử; số dự án công nghệ cao do các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư còn ít, một số dự án gây ô nhiễm môi trường, trong đó có những sự cố môi trường nghiêm trọng như trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, Vedan Đồng Nai; việc sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn lãng phí; tại một số dự án đã và đang xảy ra hiện tượng chuyển giá, làm thất thu thuế…

Về cơ cấu đầu tư, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và kết cấu hạ tầng của nền kinh tế còn rất ít, đầu tư từ các nước phát triển như Hoa Kỳ và EU vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng.

Vậy sắp tới, chúng ta phải làm gì để phát huy hơn nữa tác động tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của FDI như Bộ trưởng vừa nêu?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây là thời điểm để tổng kết, phân tích sâu về những mặt được và chưa được của FDI, từ đó đề ra định hướng và giải pháp cho thời gian tới. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài. Đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá 30 năm thu hút FDI của ngành và địa phương mình.

Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị trong Bộ và với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã và đang tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên đề nhằm đánh giá sâu những vấn đề đặt ra đối với FDI; tiến hành khảo sát thực tế một số địa phương, khu công nghiệp, khu công nghệ cao để có thêm thông tin và cơ sở đánh giá những mặt tích cực, hạn chế của FDI và nguyên nhân. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và IFC, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang xây dựng chiến lược thu hút FDI. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tôi tin rằng, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ đánh giá đúng những mặt tích cực, hạn chế, nguyên nhân và xác định đúng định hướng thu hút FDI cho giai đoạn phát triển mới.

Theo Bộ trưởng, trong định hướng cho thời gian tới, chúng ta cần thu hút FDI vào những lĩnh vực nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, sẽ xác định những lĩnh vực, ngành nghề và đối tác cần ưu tiên thu hút FDI. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi là chúng ta phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh.

Đó cũng phải là các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, low-carbon và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta cũng sẽ ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Như Bộ trưởng đã nói, đầu tư từ các nước phát triển còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy chúng ta cần làm gì để thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển như Mỹ, EU?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trên thực tế dòng vốn FDI từ Mỹ và EU đã vào Việt Nam nhưng còn ít và chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của chúng ta. Điều này do nhiều yếu tố như khoảng cách về địa lý, do văn hóa. Các nhà đầu tư từ Mỹ và EU đòi hỏi môi trường đầu tư, nhất là môi trường pháp lý, thủ tục hành chính phải minh bạch, thuận lợi, nhất quán; tài sản của nhà đầu tư phải được đảm bảo. Mặt khác, đối với một số sản phẩm, thị trường chúng ta còn bé, ví dụ như ô tô, thị trường nhỏ lại phân tán nên thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Tôi cho rằng, để tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ và EU, điều quan trọng nhất là chúng ta phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi, nhất quán, có quy hoạch rõ ràng về các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phù hợp.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện phân cấp triệt để quản lý FDI cho các địa phương. Điều này đã tạo ra được sự chủ động của các địa phương nhưng cũng đem lại không ít hệ lụy. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việc phân cấp là một xu thế tất yếu mà chúng ta không thể phủ nhận. Còn một số bất cập phát sinh thì chúng ta phải khắc phục thông qua việc nâng cao năng lực quản lý FDI của địa phương và các bộ, ngành. Trong câu chuyện phân cấp, vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch. Khi chúng ta có quy hoạch đúng và quản lý tốt quy hoạch thì sẽ tạo tiền đề để phân cấp có hiệu quả.

Trên thực tế, quy hoạch của ta vừa thiếu, vừa yếu về chất lượng, dễ bị phá vỡ hoặc thay đổi, nên dẫn đến sự tùy tiện trong việc quyết định đầu tư. Thứ hai là năng lực kinh nghiệm của cán bộ ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc xem xét, thẩm định lựa chọn các dự án chưa chuẩn xác. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho nhiều dự án sau khi được cấp phép không triển khai được, hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây ra hệ lụy môi trường.

Tóm lại, bản thân việc phân cấp không sai, cần tiếp tục duy trì, nhưng phải tăng cường công tác quy hoạch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, coi trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý FDI.

Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy mô hình đặc khu kinh tế… Theo quan điểm cá nhân ông, phải làm gì để thu hút đầu tư nước ngoài vào  các đặc khu kinh tế một cách hiệu quả nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực tế đang đòi hỏi phải tạo ra những động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra sân chơi mới với thể lệ mới, đáp ứng được cuộc chơi của các nhà đầu tư. Việc hình thành các khu kinh tế - hành chính đặc biệt nhằm tạo không gian phát triển mới với môi trường đầu tư tốt nhất, đảm bảo tính vượt trội so với luật pháp hiện hành trong nước và cạnh tranh được với nước ngoài.

Đối với 3 đặc khu đã được xác định là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, chúng ta lựa chọn thu hút đầu tư vào các ngành nghề phù hợp với tiềm năng và vị trí địa lý của từng khu.

Mong muốn của chúng ta là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu. Tuy nhiên, để tìm được nhà đầu tư chiến lược đúng nghĩa không phải là đơn giản.

Nhà đầu tư chiến lược không chỉ là những nhà đầu tư có vốn lớn, mà phải có tầm nhìn, năng lực hoạch định kế hoạch phát triển trong tương lai, có khả năng giải quyết các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tổ chức, kêu gọi đầu tư. Thành công của các đặc khu kinh tế sẽ tùy thuộc rất lớn vào chất lượng của Luật và khả năng tổ chức thực hiện của chúng ta.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ