[Gặp gỡ thứ Tư] 'Động thái của Khánh Hòa trong vụ Hòn Thị có thể ảnh hưởng quan hệ Việt Nam - EU'

Nhàđầutư
Liên quan đến việc Công ty Hòn Thị (Nha Trang) kêu cứu sau khi tỉnh Khánh Hòa đưa ra các quyết định gây bất lợi đối với hoạt động đầu tư của công ty này, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
THU PHƯƠNG
31, Tháng 07, 2019 | 09:14

Nhàđầutư
Liên quan đến việc Công ty Hòn Thị (Nha Trang) kêu cứu sau khi tỉnh Khánh Hòa đưa ra các quyết định gây bất lợi đối với hoạt động đầu tư của công ty này, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

gs-nguyen-mai-1507716240

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Trước những diễn biến đang xảy ra đối với Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (Khánh Hoà), theo ông, Chính phủ cần có hướng giải quyết như thế nào đề đảm bảo quyền lợi các bên và tránh được các tranh chấp quốc tế?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Câu chuyện về Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị (Khánh Hoà) đã bắt đầu từ năm 2018. Ngày 30/10/2018, ông Patrick McKillen, Tổng giám đốc Powerscreen Indo-china Ltd – công ty nắm giữ 81% vốn của Hòn Thị đã có Đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Ngày 28/11/2018, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã gửi thư đến Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc này. Trong văn thư này, VAFIE đã lưu ý với Chủ tịch Khánh Hòa rằng việc Khánh Hòa xử lý Công ty Hòn Thị là trái với pháp luật Việt Nam, nhất là trái Điều 9 về bảo đảm quyền sở hữu tài sản và Điều 13 về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật của Luật Đầu tư năm 2014.

Hai điều này nói rất rõ, trong trường hợp của Hòn Thị, nếu không được hưởng ưu đãi thì Nhà nước phải thực hiện khấu trừ thiệt hại của nhà đầu tư vào thu nhập tính thuế, điều chỉnh mục tiêu hoạt động dự án…

Trong văn bản này, VAFIE cũng kiến nghị với Khánh Hòa 3 nội dung chính: Thứ nhất, xem lại quyết định của tỉnh với Hòn Thị để có giải pháp xử lý phù hợp với luật pháp của nước ta cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thứ hai là xem xét các quyết định khám xét chỗ ở, nơi làm việc, tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với ông Ole Bollingtoft – công dân Đan Mạch, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác đá Hòn thị; thứ ba là đề nghị ông Chủ tịch Khánh Hòa gặp ông Tổng giám đốc Hòn Thị để trao đổi.

Chính vì có văn bản của VAFIE nên đến tháng 6/2019, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra lệnh tạm đình chỉ việc xử lý ông Ole. Như vậy là đã giải quyết được một việc nhưng những việc khác chưa được xử lý. Sau đó, đến đầu tháng 7/2019, đã có một cuộc họp giữa tỉnh Khánh Hòa, các sở, ban ngành với ông Ole và luật sư của ông ấy về vấn đề này. Sau cuộc họp đó, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa vẫn không thay đổi quyết định thu hồi đất và hủy bỏ quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Công ty TNHH Khai thác đá Hòn thị là chủ đầu tư của dự án Khu đô thị.

Ngày 16/7 vừa qua, ông Ole khiếu nại lên Thủ tướng. Trước đó, mấy ngày, ông Ole có xin gặp lãnh đạo Hiệp hội VAFIE và thông báo về việc Chủ tịch HĐQT Công ty đã tiếp cận với một số quan chức cấp cao EU, thông qua đại diện EU, đại sứ Ailen, Đan Mạch tại Việt Nam để can thiệp với Chính phủ Việt Nam và dự định thuê một công ty luật để tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa trọng tòa quốc tế.

Trong cuộc gặp gỡ đó, tôi đã nói với ông Ole rằng nên làm theo trật tự pháp luật Việt Nam sẽ có lợi cho công ty hơn vì nếu kiện ra tòa trọng tài quốc tế chắc chắn sẽ kéo dài 3-5 năm không có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi khuyên ông gửi khiếu nại bằng văn bản đến Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp Công ty không đồng tình với cách xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 29/7, VAFIE đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trình bày quan điểm của Hiệp hội đối với vụ việc này.

Trong đó, VAFIE kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hai điểm: chỉ thị Công an thỉnh Khánh Hòa đình chỉ chứ không phải tạm đình chỉ điều tra hình sự đối với một số cá nhân của Công ty Hòn Thị; chỉ thị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện quyết định đúng nhất là cho phép Công ty Hòn Thị khai thác và chuyển sang xây một khu đô thị.

Đây là một quyết định rất đáng tiếc của Khánh Hòa trong điều kiện Việt Nam và EU đã quan hệ rất tốt. Thủ tướng luôn luôn yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, các bộ đều phải cải thiện môi trường đầu tư. Trong lúc, các nhà đầu tư làm tốt, làm đúng, nộp thuế đầy đủ, thậm chí năm 2018 còn được khen thưởng về nộp thuế 20 tỷ cho Khánh Hòa, không vi phạm gì về môi trường, hành chính, lại có quan hệ rất tốt với địa phương, thì lại xảy ra sự việc như vậy.

Hơn nữa, Việt Nam và EU vừa ký kết hiệp định EVFTA và bây giờ đang cần để phê chuẩn hiệp định ấy. Những hoạt động như vậy của Khánh Hòa sẽ không góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU. Việt Nam mong có hiệp định này để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư của EU vào Việt Nam nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm.

Hiệp hội mong Thủ tướng sẽ có quyết định sáng suốt để giải quyết nhanh chóng vụ việc này theo đúng luật pháp Việt Nam và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét toàn bộ các quyết định của tỉnh này.

Cơ sở nào Khánh Hòa lại đưa ra những kết luận như vậy đối với nhà đầu tư, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Lúc đầu Khánh Hòa đã cho phép nhà đầu tư rồi, không chỉ cho phép họ từ khai thác đá sang làm khu đô thị, mà còn cho phép thực hiện theo quyết định bản đồ 1:500, có nghĩa đã chi tiết rồi và nhà đầu tư đã làm đúng. Nhưng Khánh Hòa lại cho rằng nhà đầu tư đã làm sai vì đáng lẽ phải qua đấu thầu nhưng nhà đầu tư lại chưa qua đấu thầu nên ông đã rút quyết định ấy. Khánh Hòa cũng cho rằng nhà đầu tư đã sai phạm trong việc chưa nộp thuế nhưng sau này tỉnh cũng đã phải thừa nhận nhà đầu tư đã nộp rồi và thậm chí năm 2018 còn được khen.

Khi chuyển từ khai thác đá, lợi nhuận không nhiều nhưng chuyển từ dự án khai thác đá sang khu đô thị trên nền dự án cũ, không giải phóng mặt bằng, do đó xây dựng khu đô thị có thể mang lại lợi nhuận khá. Vì tính toán của một nhóm đó mà họ xen vào, gây ra những áp lực để một công khi khai thác liên doanh với nước ngoài không được tham gia liên doanh khai thác dự án đó. Đó là điều không thể chấp nhận được trong điều kiện Thủ tướng và Chính phủ đang kêu gọi tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Giáo sư đánh giá thế nào về hiện tượng không ít các doanh nghiệp phải “cầu cứu” Thủ tướng?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Đây không phải một trường hợp. Thực tế, mỗi năm, thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng có 5-7 trường hợp như vậy, và nguyên nhân chủ yếu chính là do các UBND tỉnh/thành phố vì một lợi ích nào đó mà không làm đúng theo luật pháp, theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã nhiều lần ý kiến về các trường hợp trên nóng dưới lạnh và nhiều bộ, nhiều ủy ban vẫn án binh bất động. Và chẳng những án binh bất động mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư của Việt Nam, xấu đi những cố gắng để làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên có lợi thế hơn.

Trong nhiều buổi thảo luận, chính Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã nói rất nhiều, nếu không có sự chuyển hướng một cách tích cực, đặc biệt là tỉnh/thành phố theo hướng chính phủ kiến tạo thì mong muốn của trung ương có cao đến đâu cũng khó tạo cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể hoạt động tốt hơn trong bối cảnh chúng ta có thách thức nhưng có hội thì lớn hơn nhiều.

Cảm ơn Giáo sư!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ