[Gặp gỡ thứ Tư] Trưởng ban Pháp chế VCCI: 'Doanh nghiệp là tế bào quan trọng, nhưng khi 'chết' lại không ai quan tâm'

Nhàđầutư
"Đối với một doanh nghiệp là một thực thể, một tế bào quan trọng trong nền kinh tế khi rời khỏi thị trường thì lại không có ai quan tâm, không ai hỏi xem họ gặp vấn đề gì, họ gặp trở ngại gì", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
NGUYỄN TRANG
07, Tháng 11, 2018 | 06:00

Nhàđầutư
"Đối với một doanh nghiệp là một thực thể, một tế bào quan trọng trong nền kinh tế khi rời khỏi thị trường thì lại không có ai quan tâm, không ai hỏi xem họ gặp vấn đề gì, họ gặp trở ngại gì", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

45569196_510015959479915_5393585205506211840_n

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Nguyễn Trang

Hàng năm, nước ta công bố hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản. Nhưng không công bố hoặc thiếu thông tin vì sao các doanh nghiệp đó phá sản. Để tìm hiểu nguyên nhân và chính sách đối với doanh nghiệp hiện nay, PV Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 72.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và phá sản, tăng hơn 18.000 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức tăng khoảng 34%). Ông nghĩ gì về con số này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc doanh nghiệp thành lập, doanh nghiệp vào thị trường sau đó doanh nghiệp bị phá sản, giải thể là quy luật bình thường của nền kinh tế, nước nào cũng có. Nhưng nếu tỉ lệ tăng cao so với nhiều năm thì điều này rất đáng chú ý vì nó phát ra những tín hiệu như là doanh nghiệp (DN) tư nhân làm ăn không hiệu quả, có thể DN tư nhân đang gặp khó khăn. Đó là những câu hỏi cho những nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý DN tư nhân cần phải đặt ra và cần phải trả lời.

Một trong những đánh giá của báo cáo vừa rồi trước kỳ họp Quốc hội là tỉ lệ DN thành lập mới đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Tức là, mặc dù số lượng vẫn cao nhưng tỉ lệ tăng DN mới đang giảm dần. Đây là cũng là thách thức lớn cho Chính phủ khi Nghị quyết 35 của Chính phủ hay là Nghị quyết TW5, Nghị quyết 10 của TW Đảng ra đời, cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến 2020 có 1 triệu DN. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay chỉ có hơn 600.000 DN.

Như vậy, trong vòng 2 năm tới thì phải thành lập gần 300.000 DN, đây là con số rất thách thức cho Việt Nam. Việc thành lập DN mới, tất nhiên con số 1 triệu DN cũng là một con số tương đối, nhưng nó thể hiện mục tiêu của Chính phủ là ngày ngày càng có thêm DN, đằng sau đó là tăng thu ngân sách, tăng việc làm cho người lao động, vấn đề an sinh xã hội…

Chính vì vậy, tỉ lệ DN rời khỏi thị trường tăng lên, tỉ lệ DN mới có xu hướng giảm đi. Đây là một câu hỏi cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá và phân tích một cách thấu đáo.

Đáng lo hơn là số doanh nghiệp ngừng hoạt động, không tiếp tục đăng ký kinh doanh, chờ giải thể tăng 46%, doanh nghiệp phá sản tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Những ‘chỉ số’ này phần nào nói lên sự bế tắc của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường?

Ông Đậu Anh Tuấn: Không hẳn, tỉ lệ DN rời khỏi thị trường tăng phải có yếu tố tác động đến họ. Một là, có thể bối cảnh kinh doanh khó khăn, kỹ năng điều hành quản trị của người DN chưa được chuẩn bị tốt nhưng cũng có thể là do khó khăn về chính sách. Họ khó tiếp cận nguồn lực kinh doanh, họ có thể gặp những khó khăn không xin được những loại giấy phép. Chính vì vậy cần phải tách biệt ra, câu hỏi quan trọng nhất là bao nhiêu phần trăm DN rời khỏi thị trường do họ kinh doanh không đúng kế hoạch, hay do bối cảnh không thuận lợi. Bao nhiêu phần trăm DN rời khỏi thị trường do rào cản về chính sách. Cần phải nhận định rõ hai nhóm đối tượng trên và cần phải có giải pháp khác nhau.

Đối với DN rời khỏi thị trường do bối cảnh kinh doanh thì đó là chuyện bình thường, nhưng nếu tỉ lệ DN rời khỏi thị trường do những vấn đề liên quan đến chính sách, quy định thì đó là tín hiệu đáng lo. Rõ ràng, việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi là phải giảm thiểu được tỉ lệ DN gặp thất bại trong kinh doanh vì rào cản, quy định pháp luật, nhấn mạnh ở đây là người kinh doanh đúng pháp luật.

Chúng ta chỉ thống kê con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa, nhưng chưa bao giờ phân tích rằng sau sự đóng cửa của doanh nghiệp là gì, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là câu hỏi tôi thấy rất đáng suy nghĩ. Chẳng hạn nếu một người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, như là người sử dụng điện thoại thông minh gỡ một ứng dụng trên điện thoại của mình thì bao giờ nhà cung cấp cũng sẽ hỏi về việc đánh giá phản hồi gì về chất lượng sản phẩm của họ. Thế nhưng, đối với 1 DN là một thực thể, một tế bào quan trọng trong nền kinh tế khi rời khỏi thị trường thì lại không có ai quan tâm, không ai hỏi xem họ gặp vấn đề gì, họ có gặp trở ngại gì.

Chẳng hạn, tôi có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu những nghị định, quy định đặt điều kiện kinh doanh rất cao như là nghị định kinh doanh gas trước đây phải có 100.000 bình gas. Sau đó, khi nghị định có giá trị áp dụng thì bao nhiêu phần trăm DN kinh doanh gas lặng lẽ rời khỏi thị trường?

Những câu hỏi và đánh giá đó phải được phân tích rất kỹ càng, đáng tiếc là đến nay ngay cả hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thì mới ghi nhận những thông tin mà DN đăng ký và DN giải thể thôi. Chưa có một đánh giá, phân tích nào, tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới. Tức là, ngay cả cơ quan nhà nước cũng cần phải có quy trình đánh giá, tìm hiểu thông tin phân tích lý do thực sự của những DN phải đóng cửa. Có thể họ đóng cửa DN này để thành lập DN khác, nhưng cũng có thể họ đóng cửa để chuyển nghề khác hay trốn nợ có lẽ cần phải nắm rõ và phân tích sâu.

Theo ông, những lý do chính mà doanh nghiệp dừng hoạt động thời qua là gì?

Ông Đậu Anh Tuấn: Dựa trên phỏng đoán cũng không thể đưa ra một khẳng định nào nhưng cũng có thể đưa ra một số giả định để tìm hiểu thêm. Chẳng hạn, trong số liệu 8 tháng đầu năm thì tỉ lệ DN phá sản nhiều nhất vẫn là các DN bán lẻ, liệu có những hãng bán lẻ lớn đang bành trướng thị trường, hoạt động mạnh mẽ có ảnh hưởng đến hãng bán lẻ truyền thống hay không? Nhiều DN bán lẻ truyền thống phải đóng cửa hoặc hoạt động không hiệu quả hay không? Hay do yếu tố khác?

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phân tích bên ngoài thì không thể khẳng định được lý do.

Nhiều doanh nghiệp bị ‘khai tử’ là những công ty có tuổi đời trẻ, tuổi ‘mầm non’. Ông đánh giá thế nào nếu các chính sách thiết yếu thiếu linh động, cứng nhắc, khi những doanh nghiệp 'mầm non' này sẽ tác động như thế nào đến sự sống của những ‘đứa trẻ’ như vậy?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây cũng có thể là một tín hiệu tốt của nhiều người trẻ Việt Nam, thay vì chọn con đường làm công chức trong những bộ hành chính thì chọn con đường thành lập DN, theo đuổi các hoạt động khởi nghiệp. Thực ra, đây là một tín hiệu tốt, thể hiện sự chuyển đổi rất lớn của xã hội Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây.

Trước đây, hầu như kiếm một chỗ trong bộ máy hành chính là ước mơ lớn nhất của người trẻ, nhưng hiện nay đang thay đổi, có nhiều người sẵn sàng tham gia kinh doanh. Đã có kinh doanh thì phải có thành công và thất bại, nhưng đằng sau đó cũng có thể nhiều người theo phong trào khởi nghiệp nhưng chưa có sự chuẩn bị kĩ về kiến thức, tìm hiểu quy định pháp luật, nền tảng kinh nghiệm…

Để kinh doanh thành công thì ở các nước hầu như đều có hệ thống hỗ trợ, đào tạo nhưng Việt Nam hiện nay chưa có. Hệ thống hỗ trợ kinh doanh của nước ta chưa hoạt động hiệu quả.

Điều này đưa ra 3 tín hiệu, một là tín hiệu tích cực tinh thần kinh doanh của Việt Nam đang đi lên, hai là chưa có sự chuẩn bị kĩ của người trẻ để khởi nghiệp thành công, ba là hệ thống hỗ trợ kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Số doanh nghiệp phá sản tập trung lớn vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo ngừng hoạt động trong năm nay cũng khá nhiều (theo số liệu công bố là 1.300 DN). Như vậy, nguy cơ đóng cửa không chỉ hiện hữu ở ngành dịch vụ mà nó có thể ‘lây lan’ qua các lĩnh vực khác như con số thống kê nói trên?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là việc đúng quy luật vì ngành này đăng ký kinh doanh nhiều nhất, việc ra khỏi thị trường chiếm tỉ lệ nhiều nhất cũng không phải điều ngạc nhiên. Nhưng cần tìm hiểu xem, liệu những nghị định gần đây như Thông tư 20, NĐ36 về điều kiện kinh doanh ô tô về những ràng buộc cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng có tạo hiệu ứng khiến DN không đáp ứng đủ điều kiện hay không.

Một lần nữa, Nhà nước cần phải quan tâm bao nhiêu DN rời khỏi thị trường từ những vấn đề về chính sách để có những điều chỉnh, đánh giá, phát triển DN nhỏ và thúc đẩy sự kinh doanh hiệu quả của DN nhỏ cũng là mục tiêu quan trọng hiện nay của Chính phủ.

Bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu đang là ưu tiên cho vay của các tổ chức tín dụng, trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất, đứng ngoài các lĩnh vực trên thì rất khó vay vốn ngân hàng và thiếu vốn cũng là nguyên nhân để doanh nghiệp tự chết. Ông có nghĩ đang có sự mất cân bằng trong việc đối xử với khách hàng ở đây không?

Ông Đậu Anh Tuấn: Ngân hàng cũng là một DN, nên ngân hàng sẽ thiên về cho vay những nơi có khả năng hoàn trả cao, thấy tin cậy về độ ổn định và trình độ quản lý tốt. nhìn lại thì ngân hàng sẽ tìm những dự án nào phù hợp với mình nhất. tôi không nghĩ có sự phân biệt đối xử ở đây, chỉ có điều thường những DN trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất là những DN nhà nước muốn khuyến khích thường là rủi ro cao. Có thể đối với DN tư nhân trình độ quản trị kém, nên mức độ tin cậy đối với ngân hàng chưa lớn.

Hơn nữa, muốn thúc đẩy lĩnh vực này, muốn tiếp cận vốn thì vai trò của nhà nước rất lớn. Cũng như các quỹ hỗ trợ tín dụng, quỹ bảo lãnh cần hoạt động và thúc đẩy thiết chế thị trường. Như là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần khuyến khích thành lập. Hiện nay, luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đưa ra thông điệp là muốn phát triển những quỹ đó nhưng cần pháp chế cụ thể hơn. Việt Nam cũng có thời kỳ ra quyết định thành lập các quỹ hỗ trợ tín dụng, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng hoạt động chưa hiệu quả.

Chính vì vậy, hệ thống hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa về mặt vốn cần phải có những chuyển động thực chất hơn và thúc đẩy các quỹ của thị trường hình thành. Về mặt DN cần phải có những chương trình hỗ trợ cho DN nâng cao trình độ quản trị, lập sổ sách tốt, hệ thống quản trị tốt thị khi đó ngân hàng mới tin cậy và cho vay. Về mặt Nhà nước, cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì thường để có những khoản vay ngân hàng thì cần phải có tài sản thế chấp. Nếu tài sản DN đó không có giấy chứng nhận quyền sử dụng về những lý do về thủ tục hành chính thì về mặt gián tiếp đó cũng đang gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn của DN.

Có nhiều việc Nhà nước có thể phải làm, tuy nhiên nhìn chung ở Việt Nam cần thúc đẩy hình thành những kênh huy động vốn khác, không nên chỉ phụ thuộc vào ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ