Đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ là nguy cơ

Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội chưa được bảo đảm là lý do Nhóm Nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân vừa có hàng loạt khuyến nghị khẩn cấp.
KHÁNH AN
06, Tháng 09, 2021 | 15:17

Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng và an sinh xã hội chưa được bảo đảm là lý do Nhóm Nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân vừa có hàng loạt khuyến nghị khẩn cấp.

Empty

Chuỗi cung ứng thủy sản bị đứt gãy do thiếu lao động vì thực hiện giãn cách... Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Đ.T

Đứt gãy chuỗi cung ứng trong nhiều ngành, lĩnh vực

Không còn là những lo ngại, Nhóm Nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân đã nhìn thấy những đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Một là, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến - chế tạo như điện, điện tử, máy móc, thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như TP.HCM. Trong nhóm này, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ô tô…) bị ảnh hưởng về đáp ứng điều kiện lao động. Đặc biệt, chuỗi cung ứng ngành ô tô còn bị ảnh hưởng kép, bởi ngoài nguyên nhân do tác động của COVID-19, còn có nguyên nhân do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, hạn chế vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.

Hai là, chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản bị đứt gãy do lao động bị cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông. Nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển, dẫn đến đứt gãy.

Ba là, chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do thiếu lao động vì bị giãn cách, điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, hay “1 cung đường, 2 điểm đến”… chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau.

Điều đáng nói là, hệ quả của đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ là những khó khăn, bất an của doanh nghiệp. Nhóm Nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân đã có báo cáo riêng về thực trạng an sinh xã hội với nhiều lo ngại.

“Nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc…, nhưng không được hưởng chế độ kịp thời, do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly. Nhiều lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia, nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng bảo hiểm xã hội, nên không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 7/1/2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021”, Báo cáo của Trường đại học Kinh tế quốc dân viết.

Đặc biệt, nhiều lao động phi chính thức đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 16+, nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay. Nhiều người lao động phải điều trị và nghỉ cách ly do dương tính với COVID-19, nhưng chưa được giải quyết chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội do không hoàn thiện được các thủ tục.

Trong khi đó, việc kéo dài thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” tại các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn tới tâm lý, sức khỏe của người lao động...

Khuyến nghị chính sách cấp bách

Nếu không giải quyết được 2 điểm nghẽn là đứt gãy chuỗi cung ứng là an sinh xã hội, thì mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra khó có khả năng thực hiện được. Nhóm Nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân, gồm PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng; PGS-TS Bùi Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng; PGS-TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS-TS Tạ Văn Lợi; PGS-TS Giang Thanh Long đã nhấn mạnh điều này trong báo cáo công bố đầu tháng 9/2021.

Đây cũng là lý do để các khuyến nghị chính sách cấp bách, ngắn hạn được đề xuất tới Chính phủ, với mục tiêu tháo gỡ ngay các nguyên nhân gây ra đứt gãy.

Theo đó, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất được thông suốt.

“Cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ), cũng như cho phép những lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường, đặc biệt với những lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập, tách rời khu dân cư”, Báo cáo về chuỗi cung ứng của Nhóm Nghiên cứu đề xuất.

Nhóm cũng đề nghị bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16 và thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành; thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển ở các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh), nhưng quản lý chặt lái xe, không cho đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.

Như vậy, việc bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra sẽ không cần thiết. Thay vào đó, các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch sẽ nhận diện các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.

Đặc biệt, Nhóm Nghiên cứu xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố giúp lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.

“Chính phủ, chính quyền địa phương tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch COVID-19”, Nhóm Nghiên cứu đề xuất.

Nhóm Nghiên cứu đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương mời đại diện doanh nghiệp tham gia Tổ Tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ Chống đại dịch để có thông tin kịp thời về cả tình hình doanh nghiệp và các vấn đề của người lao động.

4 khuyến nghị dành cho doanh nghiệp

Một là, chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng điện tử. Tham gia các nền tảng dịch vụ bán hàng Tiki, Sendo… nhằm tránh đứt gãy thông tin và giao tiếp với khác hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tham gia các kênh Amazon, Alibaba, Indiamart…

Hai là, tăng cường các giải pháp quản trị thông minh và chuyển đổi số, như tăng cường camera giám sát, phân vùng đệm chuyển giao nguyên liệu bán thành phẩm, thiết lập cơ chế tự giám sát… Giãn cách không gian bằng cách tăng 2 ca, 3 kíp, giảm ít nhất 50% lực lượng lao động để đảm bảo 5K. Thậm chí, tổ chức phân tán hoạt động sản xuất phụ trợ, tăng cường mua ngoài, thuê ngoài…

Ba là, tận dụng thời gian giãn cách để nghiên cứu và phát triển các loại nguyên vật liệu mới, loại thay thế, nguồn dễ tìm kiếm... Tạo lập chuỗi cung ứng mới, đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh và có phương án lâu dài cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới.

Bốn là, huy động mọi nguồn lực để cùng Chính phủ và địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine...

(Theo Đầu tư)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ