Đường về tay đại gia Malaysia của Fico Tây Ninh

Nhàđầutư
Thương vụ kín tiếng có dấu ấn đậm nét của phu nhân ông Nguyễn Hoài Nam và luật sư danh tiếng Trần Duy Cảnh.
XUÂN TIÊN
22, Tháng 10, 2019 | 07:02

Nhàđầutư
Thương vụ kín tiếng có dấu ấn đậm nét của phu nhân ông Nguyễn Hoài Nam và luật sư danh tiếng Trần Duy Cảnh.

nguyen-hoai-nam-fico-tay-ninh

Vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Hoài Nam - Nguyễn Thị Thu Hương

Lô trái phiếu nghìn tỷ

CTCP Đầu tư Như Anh vừa thông báo về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Theo đó, 1.012 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 13/12/2018 kỳ hạn 3 năm, lãi suất 7%/năm nay được chuyển đổi sang cổ phần với giá 10.000 đồng/CP.

Việc chuyển đổi được thực hiện theo Nghị quyết HĐQT số 10/NQ_HĐQT/NhuAnh ngày 23/11/2018. Ngày chuyển đổi là 16/10/2019.

Ba nhà đầu tư là trái chủ và đã trở thành chủ sở hữu mới của hơn 100 triệu cổ phần Như Anh là YTL Cement (Vietnam) PTE LTD chiếm 50%; Concrete Star Limited nắm 30,04% và Industrial Procurement Limited có 19,96%.

Thương vụ trái phiếu nghìn tỷ rất đáng chú ý, nhất là khi Như Anh gần như không có tên tuổi trong giới kinh doanh ở TP.HCM, dù doanh nghiệp này đóng trụ sở tại 34A Phạm Ngọc Thạch, Quận 3 - vị trí sầm uất bậc nhất Sài Thành.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Đầu tư Như Anh được thành lập tháng 6/2016 với tên gọi ban đầu là CTCP Cà phê và Trà Như Anh với ngành nghề chính là bán lẻ các sản phẩm chè, trà, cà phê. Vốn điều lệ là 2,3 tỷ đồng với ba cổ đông sáng lập, trong đó có hai cái tên nổi bật là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hương và luật sư có tiếng Trần Duy Cảnh.

Bà Thu Hương sinh năm 1979, là Tổng giám đốc CTCP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương - một "ông kẹ" trong lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam, vừa qua vướng lùm xùm nhận 18 tỷ đồng hoa hồng trong gói tài trợ của Vinamilk cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đã được Nhadautu.vn đề cập cách đây chừng ba tháng. (Đọc thêm: Thực hư chuyện VFF bị “cắt xén” 18 tỉ đồng)

Đáng chú ý hơn cả, nữ doanh nhân năm nay bước qua tuổi 41 là phu nhân của ông Nguyễn Hoài Nam - người từng được biết đến rộng rãi trong giới đầu tư với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS); Tổng Giám đốc Berjaya Việt Nam (thành viên Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad – Malaysia); Tổng giám đốc Công ty TNHH Berjaya Bờ Biển Dài, thành viên HĐQT Công ty TNHH Trung Tâm Tài chính Việt Nam Berjaya. Là một doanh nhân có ảnh hưởng vượt qua ngoài biên giới Việt Nam, ông Nam mới đây còn nhận được sự chú ý lớn từ truyền thông khi xuất hiện trong vai cổ đông lớn của CLB Sarajevo - đội bóng hàng đầu Bosnia & Herzegovina. Trước đó, ông cũng gây ồn ào khi được ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đề cử vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ VIII (2018 - 2022).

Trong khi đó, ông Trần Duy Cảnh sinh năm 1973, là một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, đặc biệt là M&A cho các khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Ông Trần Duy Cảnh được các danh bạ luật sư quốc tế như Asia Pacific Legal 500, Chamber Global nhiều năm liền đánh giá là một trong những luật sư kinh doanh và tranh tụng hàng đầu tại Việt Nam. Niên giám ngành luật Chamber Global – The World’s Leading Lawyers for Business trong nhiều năm đã nhấn mạnh: “Hiểu biết nghề nghiệp của ông Trần Duy Cảnh bao trùm trong các lĩnh vực tranh tụng và các giao dịch kinh doanh khác nhau”.

Tại sao một doanh nghiệp nhỏ buôn bán cà phê, trà lại có mặt bộ đôi nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh? Câu trả lời phần nào được hé lộ khi cả ba cổ đông sáng lập thoái hết vốn và Như Anh bắt đầu xuất hiện những cái tên ngoại quen thuộc, lần lượt là YTL Cement (Vietnam) PTE LTD nắm 50% vào tháng 11/2018, để rồi tới tháng 9/2019, Industrial Procurement Limited và Concrete Star Limited hoàn tất quá trình ngoại hóa Như Anh khi đồng loạt nắm giữ 20% và 30% cổ phần còn lại.

Hiện nay, HĐQT 4 người của Như Anh ngoài Chủ tịch Trần Quốc Khánh, những cái tên còn lại là ông Yeoh Sock Siong, ông Yeoh Keong Junn và ông Joseph Benjamin Seaton. Cả ba đều là lãnh đạo cốt cán trong YTL Group - Tập đoàn lớn nhất Malaysia. Cụ thể, ông Yeoh Sock Siong phụ trách mảng vật liệu xây dựng, là em trai của Chủ tịch YTL Group Yeoh Sock Ping - con trai cả của người sáng lập tập đoàn - cố tỷ phú Yeoh Tiong Lay; ông Joseph Benjamin Seaton là Giám đốc điều hành của YTL Cement BHD trong khi Yeoh Keong Junn sinh năm 1989, là con trai thứ ba của Chủ tịch Yeoh Sock Ping.

fico-ytl

YTL Group đã bước chân vào thị trường xi măng Việt Nam qua Fico Tây Ninh

Tham vọng của YTL Group

Hồi giữa năm 2019, YTL Cement Bhd - công ty con 98% của YTL Corp Bhd đã mua lại 51% cổ phần Cement Lafarge Malaysia Bhd ở một thương vụ trị giá 396 triệu USD, trong khi YTL Cement Singapore PTE Ltd cũng mua lại 91% trong Holcim Singapore Ltd với giá 66,85 triệu USD.

Sự hiện diện mạnh mẽ của YTL Group tại Như Anh phần nào mang tới hình dung về một khoản đầu tư lớn của tập đoàn Malaysia ở Việt Nam, dĩ nhiên là trong lĩnh vực xi măng.

Thương vụ này, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, chính là việc mua lại cổ phần chi phối trong CTCP Xi măng Fico Tây Ninh - một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất phía Nam. Cuối năm ngoái, Như Anh đã mua 99,775 triệu cổ phần Fico Tây Ninh với nguồn vốn được hậu thuẫn từ YTL Group.

Dù vậy, sự xuất hiện của YTL tại Fico Tây Ninh đã bắt đầu từ trước đó ít lâu, khi Industrial Procurement Limited trung tuần tháng 1/2018 xuất hiện trong danh sách cổ đông của Fico Tây Ninh với 22,67% cổ phần nắm giữ, nhiều khả năng có nguồn gốc từ các cổ đông cá nhân và từ đợt thoái vốn của Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang cuối năm 2017. Sau khi nắm quyền chi phối, YTL đã đổi tên thương hiệu Fico Tây Ninh từ TAFiCO thành Fico - YTL, đồng thời nâng vốn từ 750 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Việc mua lại Fico Tây Ninh có thể là bước tiến quan trọng của YTL Group để gia nhập thị trường Việt Nam, bởi Fico Tây Ninh hiện là một trong những công ty xi măng hàng đầu phía Nam với thị phần 12%, có nhà máy chính đặt tại Tây Ninh và các trạm nghiền tại Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM. Thương hiệu xi măng này sở hữu 3 nhà máy, gồm: Nhà máy Xi măng Tây Ninh, công suất 1,4 triệu tấn clinker và 1,1 triệu tấn xi măng/năm; Nhà máy Xi măng Fico, công suất 800.000 tấn xi măng/năm và Nhà máy Xi măng Bình Dương, công suất 300.000 tấn xi măng/năm.

Sản phẩm Xi măng Fico hiện có gần 100 nhà phân phối, phân bố rộng khắp các thị trường cả trong và ngoài nước. Tháng 4/2018, dây chuyền 2 của Xi măng Fico, công suất 1,4 triệu tấn đã được khởi công xây dựng tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.800 tỷ đồng. Dự án dây chuyền 2 có thời gian hoàn thành dự kiến vào cuối năm 2021, nâng tổng năng lực sản xuất hàng năm của Fico vượt 3 triệu tấn clinker và hơn 4,5 triệu tấn xi măng các loại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ