Dừng các dự án điện gió, điện mặt trời có lãng phí?

Nhàđầutư
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp Chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhưng chưa triển khai đến thời điểm ngày 26/1/2022 để chờ Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.
PHÚ KHỞI
14, Tháng 02, 2022 | 11:53

Nhàđầutư
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp Chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhưng chưa triển khai đến thời điểm ngày 26/1/2022 để chờ Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.

dien gio 2

Nhiều dự án điện gió bị ảnh hường bởi dịch COVID-19 chậm tiến độ không kịp đưa vào vận hành thương mại, hưởng giá FIT. Ảnh QB

Dự án ‘lỡ nhịp’ chưa biết được số phận như thế nào

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 31/10/2021, tức thời hạn cuối cùng để được xét công nhận dự án vận hành thương mại và được hưởng giá hỗ trợ (FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 84 dự án được công nhận vận hành thương mại (COD).

Khi được công nhận COD, các dự án điện gió sẽ được hưởng giá FIT bán điện cho EVN với giá 8,5 Uscents/kWh đối với dự án trên đất liền và 9,8 UScent/kWh đối với dự án trên biển trong thời hạn 20 năm.

Cũng theo EVN, trong hệ thống điện quốc gia đã có 88 dự án điện gió hòa lưới nhưng chỉ có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000MW được công nhận COD.

Tính chung từ trước đến nay có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, trong đó có 84 dự án đã COD, còn lại 62 dự án chưa COD tính đến ngày 31/10/2021. Trong số 84 dự án COD chỉ có 69 dự án COD toàn phần, 15 dự án còn lại chỉ COD một phần.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay chủ đầu tư 62 dự án điện gió "lỡ nhịp" như “đang ngồi trên lửa” vì không biết số phận của dự án sẽ đi về đâu, giá bán điện như thế nào, thời gian bao lâu có thể thu hồi vốn.

Liên quan đến phương án "giải cứu" các dự án điện gió không kịp hưởng giá FIT, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho rằng chủ đầu tư nào cũng muốn dự án mình sớm hoàn thành để vận hành thu hồi vốn. Tuy nhiên, do phần lớn thiết bị nhập khẩu và điều kiện thi công khó khăn trong suốt thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó Sở cũng đã đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét gia hạn thời gian cho các dự án này được hưởng giá FIT có thể đến hết quý I năm nay.

Không riêng gì tỉnh Sóc Trăng, hầu hết các địa phương có dự án đầu tư điện gió dở dang đều đồng loạt có đề xuất gia hạn thời gian hưởng giá FIT cho các dự án điện gió bằng với thời gian phải giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận vào chiều ngày 6/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá hỗ trợ (giá FIT) điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc áp dụng biểu giá ưu đãi cho dự án điện gió dở dang hoặc đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh COVID-19 là một trong những giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào chiều ngày 9/11/2021, phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư. 

Việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý bởi không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ. 

"Ngoài ra, hiện nay giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

dien gio

Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá có tiềm năng phát triển diện gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh TN

Có lãng phí của trời cho?

Vào thời điểm cuối năm 2021, sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp các đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt để Bộ Công Thương tổng hợp, chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Chỉ trong thời gian ngắn đã có 55/63 tỉnh, thành gửi đề xuất tới Bộ Công Thương để bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất hơn 440.000MW, trong đó có hàng trăm dự án điện gió với tổng công suất lên đến hàng trăm ngàn MW, vượt xa so với dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho rằng, việc các tỉnh "đua" nhau đề nghị bổ sung năng lượng tái tạo vào quy hoạch tiềm ẩn rủi ro cho đầu tư khi lưới truyền tải không đáp ứng, chính sách cho điện gió, điện mặt trời chưa rõ ràng.

Theo EVN, tính đến thời điểm hiện tại tổng công suất nhà máy điện gió đã đầu tư nhưng chưa COD là hơn 3.479MW (62 dự án).

Còn đối với công suất các dự án điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW. Các dự án, phần dự án đã được EVN công nhận ngày vận hành thương mại (COD) đến hết ngày 31/12/2020 (được hưởng giá FIT theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg) là 148 dự án với tổng công suất hơn 8.652 MW, ngoài ra còn nhiều dự án đã đầu tư xong nhưng chưa COD được vì cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cho rằng hiện nay nhà đầu tư đang phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó có rủi ro về chính sách.

Ông Tiến nêu ví dụ cụ thể như: Đối với điện mặt trời, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 và hết hiệu lực ngày 30/6/2019 (sau 2 năm). Mãi 10 tháng sau mới có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6 /4/2020 ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 nhưng cũng hết hạn sau hơn 7 tháng (31/12/2020), chính sách có thời gian áp dụng quá ngắn đã gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Tương tự như vậy, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá FIT cho điện gió, có hiệu lực từ 1/11/2018 và cũng đã hết hạn vào 31/10/2021. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió dở dang như "ngồi trên lửa" vì không biết dự án có COD được không và giá mua điện sẽ như thế nào trong khi nguồn vốn đã đầu tư vào dự án không hề nhỏ, lãi vay đang được tính từng ngày.

"Tài nguyên điện gió, điện mặt trời là của ‘trời cho’, việc chậm khai thác nguồn năng lượng này một ngày là lãng phí thêm một ngày đối với nguồn tài nguyên này. Do đó, các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ cần có chính sách dài hạn và ổn định trong thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, có như thế thì nhà đầu tư mới an tâm ‘rót vốn’ khai phóng của ‘trời cho’ phát huy nội lực làm giàu cho đất nước", nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này nêu kiến nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ