Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thiếu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp vùng nông thôn

Nhàđầutư
Với đà hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19, ngành du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt ra mục tiêu thu hút ít nhất 46 triệu lượt du khách trong năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch khu vực này cũng đề ra nhiều giải pháp phát triển ngành "công nghiệp không khói" này.
PHÚ KHỞI
27, Tháng 05, 2023 | 15:13

Nhàđầutư
Với đà hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19, ngành du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt ra mục tiêu thu hút ít nhất 46 triệu lượt du khách trong năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch khu vực này cũng đề ra nhiều giải pháp phát triển ngành "công nghiệp không khói" này.

cau tre

Ðiểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (An Giang) vừa lọt vào danh sách "Điểm du lịch tiêu biểu" do MDTA bình chọn. Ảnh Như Quyên

Thêm nhiều điểm đến hấp dẫn

Trong những tháng đầu năm nay, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL (MDTA) đã tiến hành khảo sát, đánh giá, bình chọn công nhận thêm 10 điểm đạt tiêu chuẩn "Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL" tại 7 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trong đó, tỉnh Bến Tre có 4 điểm du lịch lọt vào danh sách "Điểm du lịch tiêu biểu", đó là: Khu di tích quốc gia đặc biệt mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu; điểm du lịch nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ, TTC Palace Bến Tre và Khu ẩm thực TTC Bến Tre.

Tỉnh Trà Vinh có thêm 2 điểm được công nhận là "Điểm du lịch tiêu biểu", là: Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ao Bà Om và điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha.

Các địa phương còn lại, mỗi nơi có thêm một điểm du lịch lọt vào danh sách "Điểm du lịch tiêu biểu", đó là: Ðiểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (An Giang); Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng (Bạc Liêu); Ðền thờ Vua Hùng (TP Cần Thơ); Khu di tích Gò Tháp (Ðồng Tháp).

Bên cạnh đó, MDTA cũng xét tái công nhận 4 điểm đạt các tiêu chí "Điểm du lịch tiêu biểu năm 2023": Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ðồng Tháp); Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Bảo tàng Vĩnh Long (Vĩnh Long). 

Như vậy, đến nay MDTA đã công nhận và tái công nhận 53 "Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL".

Theo Chủ tịch MDTA Trần Việt Phường, việc khảo sát, bình chọn "Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL" được thực hiện theo định kỳ 3 năm khảo sát 1 lần. Tiêu chí bình chọn "Điểm du lịch tiêu biểu" được xây dựng nhằm hướng đến nâng cao chất lượng của ngành du lịch, chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng và làm mới sản phẩm hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách.

"Việc bình chọn, công nhận "Điểm du lịch tiêu biểu" cũng nhằm giúp du khách thuận tiện trong việc lựa chọn điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng; góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu du lịch của vùng", ông Phường nhấn mạnh.

den tho vua hung

Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ vừa được MDTA công nhận là "Điểm du lịch tiêu biểu". Ảnh Trung Phạm

Đón 46 triệu lượt khách trong năm 2023

Theo MDTA, năm 2023, ngành du lịch khu vực ĐBSCL đặt ra mục tiêu thu hút ít nhất 46 triệu lượt khách du lịch đến với khu vực này; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 45.000 tỷ đồng.

Chủ tịch MDTA Trần Việt Phường cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngành du lịch ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm thế mạnh đặc thù của địa phương. Đồng thời, các địa phương trong vùng cũng cần đẩy mạnh hợp tác với TP. HCM về việc trao đổi thông tin; kết nối tour, xúc tiến, quảng bá, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, xu hướng du lịch hậu COVID-19, khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho du lịch ĐBSCL nhất là các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

"Mặc dù tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái còn rất dồi dào nhưng do chưa có nhiều cơ sở du lịch được đầu tư bài bản, chủ yếu là các hộ nông dân mở thêm dịch vụ du lịch bên cạnh làm nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản nên sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu chỉ mới đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm nhưng thiếu dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhất là dành cho khách có yêu cầu dịch vụ cao cấp dạng nghỉ dưỡng vùng nông thôn.

TP. HCM có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế, do đó việc liên kết giữa TP. HCM với vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch sẽ góp phần rất lớn trong thúc đẩy phát triển du lịch khu vực ĐBSCL", ông Huê đề xuất.

Đồng quan điểm đó, theo ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Vĩnh Bình (Trà Vinh), bên cạnh thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp thì vùng ĐBSCL còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.

"Sản phẩm du lịch là cốt yếu cho sự phát triển của ngành. Các tỉnh ĐBSCL đều có những thế mạnh và đặc thù riêng về văn hóa bản địa, cho nên ngành du lịch địa phương nên xây dựng cho riêng mình sản phẩm đặc thù để tránh tình trạng trùng lắp, khó liên kết với nhau. Hiện tại du khách đến ĐBSCL không lưu trú lâu ngày như ở miền Trung, miền Bắc. Trung bình du khách chỉ lưu trú khoảng 1 - 2 ngày tại mỗi địa phương vì hết chương trình tham quan. Do đó, các địa phương lân cận nhau cần xây dựng tour liên kết có thể 3 – 4 địa phương liên kết thành chuỗi sản phẩm du lịch kéo dài thời gian khách lưu trú từ 4 ngày, 3 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm, sau đó khách sẽ sang Phú Quốc hoặc Campuchia", ông Nghiệp đề xuất.

Theo báo cáo của MDTA, năm 2022, khu vực ĐBSCL thu hút 44 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 12 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu du lịch chỉ đạt khoảng 34.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, số lượng du khách lưu trú thấp và mức tiêu tiền của du khách để sử dụng các dịch vụ du lịch tại khu vực ĐBSCL còn rất khiêm tốn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ