Dòng tiền vào chứng khoán: Ngập ngừng chờ tín hiệu tiền tệ

Áp lực từ nguy cơ lạm phát, lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp, trong khi room tín dụng chờ được cấp mới... là các yếu tố đang kìm nén dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
PHAN HẰNG
10, Tháng 06, 2022 | 05:47

Áp lực từ nguy cơ lạm phát, lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp, trong khi room tín dụng chờ được cấp mới... là các yếu tố đang kìm nén dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.

z-a-1032

Dự báo, sang tháng 7/2022 mới có thể có các tín hiệu, thông tin rõ hơn về nới room tín dụng

Quan sát các diễn biến mới

Ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng trong bối cảnh xung đột địa chính trị Nga - Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung một số nguyên liệu thiết yếu là những yếu tố khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát sẽ gia tăng, qua đó lãi suất được điều chỉnh tăng nhằm kiềm chế lạm phát là áp lực đang đè lên các kênh đầu tư.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, điều kiện tài chính thế giới thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.

Lãi suất USD tăng gây áp lực lên lãi suất trong nước, theo đó, lãi suất tiền gửi VND dự kiến sẽ tăng thêm 0,2 - 0,4%/năm trong những tháng cuối năm 2022. USD mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, mặc dù tác động không lớn vì các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng vẫn duy trì như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao. Ngoài ra, USD mạnh lên cũng làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.

Về thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng từ động thái giảm dần quy mô các gói kích thích kinh tế của không ít ngân hàng trung ương lớn như Fed. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động đến thị trường sẽ ở mức vừa phải do thị trường có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn sang câu chuyện lạm phát mà EU và Mỹ đang đối mặt, áp lực đến từ phía cung là chủ yếu, bởi chi phí đầu vào tăng cao. Về phía cầu thì nhu cầu tiêu dùng tăng sau khi bị kìm nén bởi dịch Covid-19, dẫn tới giá tăng.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Maybank Investment Bank cho biết, nếu hạ nhiệt lạm phát bằng đánh thẳng vào “cầu” như tăng lãi suất, thì yếu tố lạm phát do “cung” vẫn còn đó, bởi xung đột Nga - Ukraine không dễ giải quyết. Kịch bản đang được thảo luận nhiều là Fed sẽ có 2 lần tăng lãi suất từ nay đến tháng 9/2022, với tổng mức tăng 0,5%/năm. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nhu cầu phục hồi sẽ tạo áp lực lên giá hàng hoá. Các ngân hàng trung ương rơi vào tình thế khó, cùng lúc phải xử lý lạm phát cả từ phía cung và cầu. Theo đó, các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các diễn biến mới có ảnh hưởng như thế nào và phản ứng trên thị trường ra sao.

Bớt áp lực trái phiếu, nặng tâm lý thị trường

Theo ước tính của ông Thành, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) từ mức 230.000 tỷ đồng cuối quý I/2022 cho đến nay đã giảm hơn 30%, xuống dưới 160.000 tỷ đồng.

Hạn mức cho vay margin còn nhiều, nhưng nhà đầu tư hạn chế sử dụng, bởi lo ngại câu chuyện thị trường, vĩ mô, chứ không còn nằm ở câu chuyện về thanh khoản như giai đoạn trước là siết trái phiếu doanh nghiệp, siết tín dụng chứng khoán, bất động sản. Các môi giới cũng đều khuyến nghị khách hàng giảm tỷ trọng margin, nhằm giữ tài khoản được an toàn hơn.

Bình luận về thông tin Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của 8 ngân hàng thương mại, ông Thành đánh giá, đa số ngân hàng bị thanh tra có quy trình quản trị rủi ro tốt, việc bảo lãnh phát hành trái phiếu giống quy trình cấp khoản vay trung và dài hạn, đều phải thẩm định rủi ro, đánh giá rủi ro…

Nếu có vấn đề gì đó thì khả năng xảy ở khâu phân phối trái phiếu tới nhà đầu tư cá nhân, tức thực hiện không đúng quy định.

Quay lại thị trường chứng khoán, trước thông tin cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, thanh tra khối công ty chứng khoán từ nay đến cuối năm, việc đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động, tỷ lệ cho vay margin đúng chuẩn sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn. Các đội “tạo lập” thường sử dụng đòn bẩy lớn sẽ chưa vội đẩy mạnh hoạt động trên thị trường.

Nhìn chung, dòng tiền không quá mạnh mẽ xuất phát từ yếu tố tâm lý nhiều hơn, bao gồm cả sự chờ đợi để đánh giá vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, hoạt động “thanh lọc” thị trường.

Kỳ vọng nới room tín dụng

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2022 đến nay đạt khoảng 7,7% trong bối cảnh kinh tế phục hồi là tín hiệu tích cực…, dù tín dụng tăng một phần là do một số ngân hàng phải “ôm” lại trái phiếu đã phân phối tới nhà đầu tư cá nhân trước đó.

Ông Thành phân tích, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các cá nhân nắm giữ có con số ước tính cao nhất khoảng 30% lượng trái phiếu trong 2 năm, khoảng 160.000 - 170.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 1% quy mô tín dụng.

Trong kịch bản xấu nhất, toàn bộ lượng trái phiếu được các cá nhân nắm giữ bán lại hết cho ngân hàng, thì hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) ngân hàng năm nay giảm khoảng 1%, vẫn còn 13%. Như vậy, áp lực từ thị trường trái phiếu không quá lớn.

“Con số tăng trưởng tín dụng vừa qua là con số thực, phản ánh nhu cầu tín dụng thực của doanh nghiệp”, ông Thành nói và cho rằng, các ngân hàng đang đề xuất nới room tín dụng, nhưng Ngân hàng Nhà nước có các bài toán phải tính toán, cân nhắc trong việc phân bổ hạn mức tín dụng để đảm bảo mức tăng cả năm là 14 - 15%.

Đồng thời, cơ quan này phải cân nhắc yếu tố lạm phát để quyết định có nên đẩy nhanh tín dụng ra thị trường hay không. Song song đó là các công việc rà soát, đánh giá lại các vấn đề của thị trường trái phiếu. Dự báo, sang tháng 7/2022 mới có thể có các tín hiệu, thông tin rõ hơn về nới room tín dụng.

Một trong những nhóm ngành gặp thách thức lớn nhất về vốn là bất động sản. Qua số liệu tháng 4 và 5/2022, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chững lại, sau khi các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời xây dựng dự thảo sửa đổi các quy định pháp lý.

Tuy nhiên, để chuẩn bị nguồn tiền vận hành trong ít nhất 6 tháng tới, ông Thành cho biết, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, còn vốn để thực hiện các dự án lớn hay thâu tóm quỹ đất sẽ chậm lại một chút. Nói cách khác, không thấy rủi ro về nguồn vốn vận hành và trả nợ trong ngắn hạn.

Để đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư cho tầm nhìn 1 năm trở lên thì doanh nghiệp cần chờ khung pháp lý sửa đổi, như Nghị định 153/2020/NĐ-CP, để lên kế hoạch phát hành trái phiếu trở lại.

Nhưng thị trường cũng có tín hiệu tích cực, như Novaland vừa huy động được 5.800 tỷ đồng trái phiếu. Một số doanh nghiệp bất động sản khác như Đất Xanh có khả năng phát hành thành công cao. Điều đó cho thấy, nếu hồ sơ phương án đầu tư tốt, doanh nghiệp địa ốc vẫn huy động vốn trái phiếu thành công.

“Tôi cho rằng đã tìm được vùng đáy, nhưng từ đáy đi lên và lên mạnh hay yếu thì phải giải quyết được 2 câu chuyện đó là lạm phát và vận hành thị trường trái phiếu, vì thị trường trái phiếu ảnh hưởng lớn tới bất động sản, ngành này lại có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng”, ông Thành nói.

(Theo Đầu tư chứng khoán)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ