Doanh nhân sẽ dựng xây nên thương hiệu mới của đất nước

Nhàđầutư
Người làng Chùa của tôi có câu nói: “Không có cái ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Đấy là câu nói của những người nông dân từ xa xưa, nhưng lại chứa đựng một chân lý. Chân lý này giống như biển chỉ đường trong sự phát triển cho mọi quốc gia ở mọi thời đại.
Nhà Văn NGUYỄN QUANG THIỀU
13, Tháng 10, 2019 | 09:22

Nhàđầutư
Người làng Chùa của tôi có câu nói: “Không có cái ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Đấy là câu nói của những người nông dân từ xa xưa, nhưng lại chứa đựng một chân lý. Chân lý này giống như biển chỉ đường trong sự phát triển cho mọi quốc gia ở mọi thời đại.

Nếu không có cái ăn, con người không thể tồn tại và thực hiện những hành động của mình, nhưng nếu không có chữ, tức là tri thức, văn hóa, thì con người không biết mình phải đi đâu. Sự phân biệt gianh giới duy nhất giữa người và vật, là văn hóa. 

Văn hóa và sự cân bằng tối cần thiết trong phát triển 

Chúng ta đã và đang bàn nhiều đến chủ đề “Doanh nhân văn hóa”. Thực sự, từ ngày Đổi mới đến nay, đã xuất hiện không ít những doanh nhân làm thay đổi đất nước và mang lại niềm tự hào cho đất nước. Nhưng cũng phải nói thật rằng: Bên cạnh đó, có những người giàu lên nhưng thế giới đồng tiền đã thống trị họ. Họ đã lợi dụng những khe hở lớn trong quản lý, trong luật pháp và chộp lấy thời cơ đó và phất lên.

Có những người chỉ sau một cơn “xáo trộn” thời thế, đã trở nên rất giàu có. Sự giàu có đó không bền vững. Không bền vững ở đây chính là sự không bền vững trong việc bảo toàn an ninh môi trường và văn hóa. Có những công ty, tập đoàn mà sự phát triển “lệch” của họ lại trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa của đất nước. 

Nhiều ý kiến phân tích của những nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, nhà báo có uy tín đã cho thấy sự cần thiết tối quan trọng của việc cân bằng trong sự phát triển đất nước. Có người hỏi tôi: “Quan hệ giữa doanh nhân và nhà văn là thế nào?”. Tôi đưa ra một hình ảnh so sánh, cho dù đơn giản, nhưng chạm vào bản chất của mối quan hệ này.

Đó là: Doanh nhân xây lên một ngôi nhà, còn nhà văn, các nhà trí thức, nghiên cứu sẽ bổ sung, làm ra đời sống tinh thần trong ngôi nhà đó. Nếu một ngôi nhà không có một đời sống tinh thần mang ánh xạ văn hóa lớn ở bên trong thì nó chỉ giống như một cái chuồng nuôi gia súc mà thôi.

Càng ngày càng nhiều hơn những doanh nhân nhận ra văn hóa là nền tảng cho mọi phát triển của quốc gia. Họ đã tham gia vào việc tài trợ cho những hoạt động văn hóa và gián tiếp tạo ra một đời sống văn hóa cho cộng đồng. Với những doanh nhân, hạnh phúc của họ là một phép trừ trong tài khoản của họ.

Nếu họ chỉ nghĩ đến duy nhất một điều là làm cho tài khoản của họ mỗi ngày một lớn lên thì thực sự họ sẽ không tìm thấy hạnh phúc cho chính cá nhân họ. Vì nếu tài khoản của họ có 1.000 tỷ, họ sẽ tham vọng có 1.500 tỷ, rồi 2.000 tỷ, rồi 5.000 tỷ… Cứ như thế, họ sẽ lao đầu cả đời để làm cho tài khoản của họ được cộng thêm cho tới khi chết cũng không thỏa mãn tham vọng của họ.

Nhưng nếu họ biết trừ đi 20 tỷ, 50 tỷ… trong tài khoản của họ để trồng một cái cây, mua một cuốn sách, nghe một bản nhạc, xem một bức tranh, chia sẻ với một người nghèo khó và bất hạnh... thì hạnh phúc đích thực sẽ bắt đầu xuất hiện trong con người họ.

Đối với một quốc gia cũng vậy. Nếu tất cả chỉ lao vào “kinh doanh” mà quên đi việc xây dựng một đời sống tinh thần thì quốc gia đó không có hạnh phúc và cũng không phát triển một cách bền vững được. Các quốc gia được thừa nhận là những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới đều không phải là những quốc gia giàu có nhất. Tất nhiên, nếu một quốc gia còn chưa thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, thì cũng không thể tìm thấy được hạnh phúc.

Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều đại doanh nhân như bây giờ

Tôi đã từng viết về hai doanh nhân Việt Nam trước đây. Đó là hai nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà và Trịnh Đình Kính. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà là người đã làm ra sơn và sản phẩm sơn của cụ đã đánh bại ngành công nghiệp sơn của người Pháp trên thị trường Đông Dương. Trong Tuần lễ vàng đầu tiên, cụ đã hiến tặng cho Chính phủ cách mạng hàng ngàn lượng vàng và dâng tặng đứa con trai đầu tiên của cụ gia nhập Vệ quốc quân ngay trong những ngày đầu nổ ra Toàn quốc kháng chiến.

Sau này, cụ đã mang hết sức lực và của cải để phục vụ Chính phủ cách mạng và nhân dân mà không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi nào. Cụ Trịnh Đình Kính là người làm ra thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam. Cụ đã “nuôi” và lo quần áo mặc cho gần một nửa các đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cả hai cụ đã bước vào thương trường với ý chí tự chủ và tinh thần độc lập cao nhất và đã dâng hiến cho đất nước nhiều nhất những thành công tích lũy trong thương trường của mình.

Những doanh nhân như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính… từ đầu thế kỷ 20, dưới chế độ cũ, đã kinh doanh thành công, đã làm nên những thương hiệu lớn.

Mỗi thương hiệu cá nhân sẽ làm nên thương hiệu gia đình và tạo ra thương hiệu quốc gia. Nhưng phải hiểu rằng, thương hiệu là thứ nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh. Giữ được thương hiệu là điều quan trọng. Trong thương hiệu là sự trung thực, là sự chân thành, là vì người tiêu dùng, là văn hóa cá nhân của người chủ thương hiệu.

Trong thời đại này, với trí tưởng tượng của một nhà thơ, hai mươi năm trước, tôi cũng không thể nào hình dung nổi, đến một ngày chúng ta có những doanh nhân với tài sản gần chục tỷ đô la như doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Rồi tiếp đến là nhiều cái tên khác nữa… Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều đại doanh nhân như bây giờ. Những người như Phạm Nhật Vượng, như những doanh nhân hàng đầu của chúng ta hiện nay mà thế giới đã phải kể đến, đấy thật sự là những bậc kỳ tài của đất nước, là niềm tự hào của chúng ta.

Trước đây, chúng ta đã có một thương hiệu lớn nhưng nó lại đặt trong lịch sử, đó là các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập cùng với bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu gian khó và vật lộn.

Bây giờ, chúng ta phải có một thương hiệu khác cho đất nước thời kỳ mới, là biểu trưng cho sức mạnh của nền kinh tế, cho tinh hoa của vẻ đẹp đầy quyền lực của văn hóa cộng lại.

Những doanh nhân hàng đầu của chúng ta hiện nay, cùng với những người tiếp theo, đã và đang nối tiếp xuất hiện, càng ngày càng đông đảo hơn, với ý thức sâu sắc về văn hóa và sự cần bằng trong phát triển, sẽ là những người dựng xây nên thương hiệu mới cho đất nước trong thời kỳ mới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ