Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 6: Gốm sứ Minh Long và hành trình vươn lên từ bờ vực phá sản

Nhàđầutư
Quá trình đưa Minh Long trở thành thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam của doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh trải qua không ít chông gai, thậm chí có thời điểm tưởng chừng phải đóng cửa.
KHÁNH AN
12, Tháng 10, 2019 | 05:54

Nhàđầutư
Quá trình đưa Minh Long trở thành thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam của doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh trải qua không ít chông gai, thậm chí có thời điểm tưởng chừng phải đóng cửa.

Làm giàu từ tài nguyên bản địa

Ông Lý Ngọc Minh sinh năm 1953 tại Sông Bé (Bình Dương ngày nay), nơi được coi là cái nôi của gốm sứ miền Nam. Tình yêu gốm sứ trong ông được truyền lại từ đời ông nội, vốn là người Phúc Kiến, Trung Quốc, đã sinh sống ở Bình Dương từ thủa khai sinh lập địa. Ông nội để lại cho cha ông mấy căn lò ở ngã ba Cây - thị xã Chính Nghĩa. Cha mất sớm, mẹ phải vừa làm gốm, vừa tảo tần buôn bán nuôi các con nhỏ dại. Ban ngày đi học, ban đêm về mấy anh em phải cắt giấy hoa kiếm tiền phụ mẹ. 

Năm 12 tuổi, Lý Ngọc Minh được cha dượng dẫn đến một buổi triển lãm gốm sứ của một người bạn. Lần đầu tiên ông được nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo, khác hẳn đồ gốm sứ đơn giản, thô sơ vẫn thấy hàng ngày, điều này khiến ông đã nhen nhóm một ước mơ.

“Cuộc triển làm đó làm cho tôi rất ấn tượng bởi vì sản phẩm Việt Nam lại được triển lãm với sản phẩm của Nhật và Trung Quốc. Chính điều này đã làm tôi có một suy nghĩ là lớn lên mình sẽ làm một cuộc cách mạng gốm sứ để biến ước mơ của mình thành sự thật”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.

Câu chuyện ấy tưởng chừng như rất trẻ con, nhưng tới năm ông 18 tuổi, cùng với người bạn ít hơn 2 tuổi là Dương Văn Long đã bắt đầu khởi sự nghề gốm. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Minh nghỉ học từ năm lớp 3 nên tất cả những điều về gốm, men, màu đều do ông và bạn tự mày mò, nghiên cứu. Sau 2 năm miệt mài, hai nhà sáng lập đã tìm ra được màu men mới sáng bóng hơn hẳn màu men thường gặp nhưng lại gặp trở ngại về sản xuất khi không có máy móc, nhà xưởng. Năm 1970, sau khi người bạn hết nghĩa vụ quân sự, nhờ 3 chỉ vàng dành dụm của mẹ cho, ông Minh đã dùng nó làm vốn để lập công ty lấy tên của hai người, và thế là Gốm sứ Minh Long ra đời.

lnm

Ông Lý Ngọc Minh

Thuở mới thành lập, theo lời mô tả sau này của vị doanh nhân sinh năm 1953 thì Công ty Minh Long lúc đó “thầy, thợ, chủ, tớ chỉ có hai người”. Ông Minh và ông Long mặc dù có hiểu biết về men nhưng để làm đồ mỹ nghệ họ phải học từ đầu, từ ghép khuôn cho tới tiện phôi.

Sau khi đất nước giải phóng, việc sản xuất kinh doanh gốm có phần gián đoạn, ông Minh chuyển sang làm nhiều nghề đề mưu sinh như sản xuất kem đánh răng, làm tương, nấu rượu cho đến nông nghiệp. Vốn là người đam mê nghiên cứu, ông Minh đưa giống đu đủ của Đài Loan về trồng tại Bình Dương, cho quả sát đất, thơm ngon, ruột đặc hơn hẳn giống truyền thống. “Tôi trồng và bán đu đủ mà dư tiền mua vàng”, ông Minh từng kể lại.

Sau khoảng thời gian gián đoạn cùng những khó khăn chung của cả nước, đến năm 1980 niềm đam mê với gốm sứ thôi thúc ông quay về với nghề cũ, Minh Long đã tái khởi động sản xuất thương mại, có lẽ những nghệ nhân gốm sứ thời ấy chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẽ được ứng dụng sản xuất sản phẩm gốm sứ mang thương hiệu Minh Long, có được điều đó chính là nhờ ông Lý Ngọc Minh luôn đi đầu trong việc chủ động học hỏi cải tiến thiết bị ngành gốm ở khắp nơi trên thế giới.

Cụ thể, năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng. Đến năm 1994, Minh Long chuyển sang tập trung vào thị trường nội địa. Sau này, Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, trong đó ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp, còn ông Lý Ngọc Minh đi theo hướng gốm sứ mỹ nghệ.

Ngay từ năm 1994-1995, ông Minh đã lựa chọn công nghệ nung 2 lần của Đức và sản phẩm của Minh Long lọt qua vòng kiểm tra của đối tác lớn khiến họ đồng ý bán lò nung cho công ty. Trong khi các sản phẩm gốm sứ châu Á thường chỉ nung được ở nhiệt độ từ 1.250-1.320 độ C thì gốm sứ Minh Long đạt mức 1.380 độ C, điều này khiến lớp men có độ cứng chắc, độ bóng cao, ít bám bụi và không chứa chất độc hại đồng thời tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm.

Đột phá để vực dậy một thương hiệu trước bước đường phá sản

Dẫu vậy, cũng như đại đa số những doanh nghiệp khác, trong quá trình hình thành và phát triển, Minh Long vẫn không thể tránh khỏi những lần lao đao.

15 năm trước, Minh Long gặp phải khó khăn lớn khi đầu tư quá sâu vào hiện đại hóa máy móc thiết bị, sản phẩm làm ra tuy rằng đáp ứng được nhu cầu khách hàng nhưng cũng gặp phải khó khăn do giá thành đầu tư máy móc thiết bị cao, việc nung tới 2 lần làm tiêu tốn lượng gas rất lớn cùng với đó nhà nước lại điều chỉnh tăng lương công nhân tối thiểu. Công ty đứng trước bờ vực phá sản nếu không tìm thấy lối thoát.

“Lúc đấy ban lãnh đạo đã họp bàn với nhau và tôi mới nói rằng chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là đẩy qua công nghệ nung 1 lần. Tuy nhiên lúc đấy, mọi người đều phân vân và cảnh báo tôi rằng rất có thể sẽ mất luôn thị trường. Cho nên mới nói, số phận ngặt nghèo nó đưa mình vào đường cùng, nhưng mà cũng không còn cách nào khác nữa”, người sáng lập Minh Long kể về quyết định táo bạo của mình.

Cũng chính nhờ quyết định có phần may rủi này lại giúp cho Minh Long vốn đã mạnh lại còn mạnh hơn. Việc chuyển qua công nghệ nung 1 lần đã giúp cho Minh Long tiết kiệm tối đa chi phí và cải tiến được chất lượng. Hiện nay, thương hiệu Minh Long đã phủ sóng trên mọi phân khúc thị trường, với hàng nghìn mẫu mã khác nhau không chỉ dùng trong khách sạn hay hộ gia đình, gốm sứ Minh Long còn được dùng để làm quà tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia trong các sự kiện trọng đại của Việt Nam.

Đáng nói, ông Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh của dòng tộc. Em kế ông là Lý Ngọc Bạch thành công khi chuyển sang sản xuất gốm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản và IKEA, em gái cùng mẹ khác cha Phùng Thị Vạn chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành gốm sứ. Bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1. Trong đó, vai trò của ông Lý Huy Sáng nổi bật hơn cả khi được giao phụ trách nhiều công ty thành viên trong Group như Công ty TNHH Minh Sáng, Công ty TNHH Chiếc thìa Vàng; Công ty TNHH Green Age; Công ty TNHH Greenie Scoop.

Pháp nhân lõi của Group - Công ty TNHH Minh Long 1 có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc chiếm 21%, bà Lý Ngọc Dung (19%), ông Lý Huy Sáng - Phó Tổng giám đốc( 15%), bà Lý Kha Trân (15%), ông Lý Huy Đạt (15%) và ông Lý Huy Bửu (15%).

Công ty có trụ sở chính tại số 333 khu phố Hưng Lộc, Phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24740.00 24760.00 25080.00
EUR 26308.00 26414.00 27583.00
GBP 30666.00 30851.00 31801.00
HKD 3120.00 3133.00 3235.00
CHF 26909.00 27017.00 27853.00
JPY 160.43 161.07 168.53
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18091.00 18164.00 18700.00
THB 662.00 665.00 693.00
CAD 18025.00 18097.00 18630.00
NZD   14596.00 15086.00
KRW   17.69 19.30
DKK   3533.00 3663.00
SEK   2275.00 2363.00
NOK   2254.00 2342.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ