Doanh nghiệp Nhà nước mang 'đất vàng' đi góp vốn làm dự án: Người thu nghìn tỷ, kẻ trắng tay

Nhàđầutư
Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất được nhiều doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất dồi dào (như Sabeco, Tín Nghĩa, Vinafor...) áp dụng nhằm 'bắt tay' với các đơn vị có năng lực tài chính, thành lập một pháp nhân mới, đầu tư dự án bất động sản nhà ở, thương mại.
ANH MAI
14, Tháng 12, 2018 | 08:19

Nhàđầutư
Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất được nhiều doanh nghiệp Nhà nước có quỹ đất dồi dào (như Sabeco, Tín Nghĩa, Vinafor...) áp dụng nhằm 'bắt tay' với các đơn vị có năng lực tài chính, thành lập một pháp nhân mới, đầu tư dự án bất động sản nhà ở, thương mại.

3 mảnh đất vàng của Sabeco

Trước khi chính thức cổ phần hóa vào năm 2008, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã kịp đưa một số khu đất đi góp vốn đầu tư ở các công ty liên kết.

Trong đó, khu đất 66 Tân Thành rộng 4.000 m2 ở Quận 5 (TP.HCM) và số 4 Thi Sách rộng 476,2m2 (Quận 1) hợp với số 3 Thái Văn Lung rộng 1.600 m2 (Quận 1) được đưa đi góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Tân Thành (nay là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tân Thành) để thực hiện các dự án bất động sản.

Cổ đông của Tân Thành hiện nay, ngoài Sabeco nắm giữ 29% vốn, một cổ đông khác là Công ty TNHH Đầu tư Thành Tạo chiếm đến 71% cổ phần. 

Dù vậy, hiện Tân Thành vẫn đang nợ tiền của Sabeco. Cụ thể, để góp vốn vào Tân Thành, Sabeco đã đem gần 350 tỷ đồng gồm 72,5 tỷ đồng (tương đương 29% vốn điều lệ) và giá trị còn lại của 2 khu đất số 4 Thi Sách và 66 Tân Thành là 275,9 tỷ đồng để góp vốn đầu tư. Trong khi đó, các cổ đông khác góp vốn điều lệ 177,5 tỷ đồng (71%) và góp vốn đầu tư 675,6 tỷ đồng.

Dù Sabeco đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ từ năm 2009, các cổ đông khác vẫn còn "ì ạch" trong việc góp vốn điều lệ và vốn đầu tư. Tính đến hết tháng 9/2018, Sabeco còn phải thu của Tân Thành số tiền 277 tỷ đồng.

Khu đất 66 Tân Thành hiện được giới thiệu là nơi xây dựng Dự án Khu căn hộ cao cấp Ventosa do Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomrel) làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 1 tòa cao ốc cao 22 tầng, cung cấp khoảng 340 căn hộ. Đến tháng 10/2018, dự án đã hoàn thành phần móng và đang thi công tầng thương mại.

Phoi-canh-can-ho-Ventos

Phối cảnh Dự án Khu căn hộ cao cấp Ventosa tại 66 Tân Thành.

Trong khi đó mảnh đất 'vàng' số 4 Thi Sách hợp số 3 Thái Văn Lung được làm dự án Vietcomreal Tower, cũng do chủ đầu tư Vietcomreal thực hiện.

Khu 4 Thi Sách hiện không còn nằm trong danh mục quỹ đất của Sabeco. Vừa qua, trong báo cáo về Sabeco, Kiểm toán Nhà nước cho rằng khu đất này đang trong tình trạng không được sử dụng gây lãng phí.

Tổng công ty Tín Nghĩa 'đút túi' nghìn tỷ

Tổng công ty Tín Nghĩa (Timexco) có tiền thân Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai - một doanh nghiệp nhà nước ra đời năm 1989. Tổng công ty được cổ phần hóa vào năm 2016. Hai chủ sở hữu lớn nhất của Tín Nghĩa hiện nay là Tỉnh ủy Đồng Nai với tỷ lệ sở hữu 48,1% và Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành với tỷ lệ sở hữu 33,6%. 

Là "đứa con cưng" của Tỉnh ủy Đồng Nai, Tổng công ty Tín Nghĩa sở hữu quỹ đất hàng chục triệu m2.

Trong đó, khu đất đáng kể nhất là nơi thực hiện Khu đô thị mới Đông Sài Gòn (Đông Saigon New City) rộng 942ha, nay là dự án Swan Park, nằm ở vị trung tâm của Đô thị mới Nhơn Trạch, thuộc cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. 

swan park

Khu đất đáng kể nhất trong quỹ đất của TCT Tín Nghĩa là nơi thực hiện Khu đô thị Đông Sài Gòn rộng 942ha, nay là dự án Swan Park do Tập đoàn CFLD và Tín Nghĩa phát triển.

Dự án này ban đầu do Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch (NIC) - công ty con của Tổng công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2017, dự án được đem "hợp tác góp vốn" với tập đoàn bất động sản Trung Quốc - China Fortune Land Development (CFLD).

Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch và đối tác nước ngoài là VNIC 2 Pte., Ltd (công ty con của CFLD) thành lập liên doanh là Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch (vốn điều lệ 566,25 tỷ đồng) để thực hiện dự án này.

Trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch góp 20% vốn điều lệ, tương đương 113,25 tỷ đồng. Tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng khu đất có tổng diện tích là 1.061.928m2 (tương đương 106ha). Các bên nhất trí xác định giá trị quyền sử dụng khu đất này là 1.045,57 tỷ đồng. Phần giá trị quyền sử dụng đất cao hơn phần góp vốn của công ty là 932,3 tỷ đồng sẽ được Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch thanh toán lại bằng tiền. 

Như vậy, chỉ với việc mang 106ha đất đi hợp tác góp vốn làm dự án bất động sản đã mang về cho Tín Nghĩa 932 tỷ đồng lợi nhuận.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Tín Nghĩa cho biết, tại thời điểm 31/12/2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch đang thực hiện thủ tục bàn giao và sang tên khu đất cho Công ty TNHH Công nghiệp Thành phố mới Nhơn Trạch.

Tính đến cuối tháng 6/2018, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch đã hoàn tất việc góp vốn và một phần chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch, theo đó giá trị của phần quyền sử dụng đất này và giá gốc tương ứng được ghi nhận vào thu nhập khác và chi phí khác trong kỳ. Theo đó, thu nhập từ hợp đồng liên doanh này được ghi nhận là 875 tỷ đồng.

Nhờ ghi nhận lãi từ hợp đồng liên doanh này nên lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Tín Nghĩa gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Vinafor 'trắng tay'?

Theo dự tính, khi góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để đối tác thực hiện dự án chung cư cao cấp Tokyo Tower trên "đất vàng" Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) sẽ nhận lại 3.100 m2 sàn căn hộ hoàn thiện tầng 11+12.

Tuy nhiên, dự án Tokyo Tower (tên cũ là chung cư Vinafor hay Landmark 51) do liên danh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) làm chủ đầu tư đã bị Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) siết nợ. Nguyên do là chủ đầu tư và đơn vị phân phối không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

tokyo tower

Dự án Tokyo Tower do liên danh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) làm chủ đầu tư đã bị PVcombank siết nợ.

Đất để xây dựng dự án Tokyo Towerban đầu thuộc quyền sử dụng của Vinafor. Năm 2011, SJC đề xuất “bắt tay” với Vinafor triển khai xây dựng dự án chung cư cao cấp theo hướng Vinafor đóng góp bằng quyền sử dụng đất, SJC lo tìm nguồn vốn triển khai dự án. Tháng 12/2012, UBND TP Hà Nội chấp nhận chủ trương đầu tư dự án này.

Tháng 12/2015, dự án chính thức mở bán ra thị trường. Tuy nhiên, ngay từ khi ra mắt, dự án đã bị "tố" nhiều vấn đề, từ vai trò chủ đầu tư, đến việc SJC đang nợ nần lớn và thế chấp chính dự án khi chưa thành hình để lấy tiền triển khai.

Do tình trạng khiếu kiện kéo dài và nhiều lý do khác, dự án sau đó bị chậm tiến độ trong thời gian dài. Đến đầu năm 2018, dự án bất ngờ tái xuất với tên gọi mới là Tokyo Tower. 

Đến ngày 25/9/2018, do chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết về thanh toán với ngân hàng, PVcomBank đã tiến hành thu giữ tài sản là Dự án Tokyo Tower để xử lý nợ theo quy định.

Tại báo cáo tài chính quý III/2018, Vinafor khi đề cập đến dự án này cho biết, dự án được Tổng Công ty và Công ty Sông Đà 1.01 ký kết và thực hiện theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 26/2011/HĐHTĐT ngày 20/1/2011.

Theo đó, Vinafor góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để đối tác thi công thực hiện dự án này và sẽ nhận lại 3.100 m2 sàn căn hộ hoàn thiện tầng 11+12 của dự án. Giá trị của khoản hợp tác đầu tư này được xác định với số tiền là 54,1 tỷ đồng căn cứ theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinafor.

“Hiện tại dự án này đang tạm dừng thi công. Theo thông báo số 9256/PVB- QL&TCTTS ngày 4/9/2018 của ngân hàng PVcombank gửi Công ty CP Sông Đà 1.01 về việc thu giữ tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản còn lại của dự án gồm tài sản chưa bán/cho thuê (bao gồm cả phần tài sản là 31.00 m2 sàn căn hộ hoàn thiện Vinafor được hưởng) và quyền phải thu của tài sản đã bán/cho thuê. Tổng công ty đang làm việc với Ngân hàng PVcombank để đảm bảo quyền lợi được hưởng tại dự án này”, Vinafor cho biết.

Ngoài dự án Tokyo Tower, Vinafor còn góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở số 32 Đại Từ, Hoàng Mai (Hà Nội) để xây dựng Dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Eco Lakeview”.

Dự án này do đối tác là Công ty Sông Đà 1.01 và Công ty Cổ phần Ecoland thực hiện. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ