Hình bóng một group "lạ" trong thương vụ 2-4-6 Hai Bà Trưng

Nhàđầutư
Hai tập đoàn bất động sản hàng đầu hiện nay tại TP.HCM xét cho cùng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp trong thương vụ tư nhân hoá hơn 6.000 m2 "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1.
NGHI ĐIỀN
12, Tháng 11, 2018 | 05:00

Nhàđầutư
Hai tập đoàn bất động sản hàng đầu hiện nay tại TP.HCM xét cho cùng chỉ là nhà đầu tư thứ cấp trong thương vụ tư nhân hoá hơn 6.000 m2 "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1.

sabeco-2-4-6-hai-ba-trung-nhadautu.vn

Dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng liên quan tới nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu. Ảnh: TTO

Sai phạm hình sự

Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ngày 8/11 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan đất khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đồng thời khởi tố bị can đối với hàng loạt cựu quan chức TP.HCM như nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hữu Tín, nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt cùng ba quan chức cấp dưới.

2-4-6 Hai Bà Trưng là từ khoá "hot" bậc nhất ở TP.HCM trong một năm trở lại đây. Người ta đồn đoán và bắt đầu mường tượng ra những sai phạm liên quan đến khu đất đắc địa này. Dù vậy, không có nhiều dữ liệu được xác tín.

Trong một thông tin mang tính công khai hiếm hoi, báo cáo tài chính một tập đoàn bất động sản đình đám có trụ sở tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3, TP.HCM) cho thấy đến giữa năm 2016, doanh nghiệp này nắm giữ 74% vốn dự án thông qua ba công ty thành viên là CTCP Attland, CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Hà An và CTCP Đầu tư Mê Linh. Tỷ lệ này sau đó được nâng lên 100% sau khi mua nốt sổ cổ phần của Sabeco.

Cần nhấn mạnh rằng tập đoàn này chỉ mới tham gia vào dự án (sau khi mua lại phần vốn trong Attland, Hà An và Đầu tư Mê Linh) vào trung tuần tháng 6/2015. Hay nói dễ hiểu hơn, tập đoàn của tỷ phú từng đứng trong Top đầu những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam không phải nhà đầu tư đầu tiên hợp tác với Sabeco trong dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Cuối năm 2016, tập đoàn này đồng loạt bán cả ba công ty thành viên cho nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới một tập đoàn lớn khác, có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Mối quan hệ khăng khít giữa hai tập đoàn này đã được Nhadautu.vn đề cập tại các dự án 152 Trần Phú (Quận 5), 78 Tôn Thất Thuyết (Quận 4), Số 1 Công trường Quốc tế (Quận 3).

Việc các nhà đầu tư chuyển nhượng, mua đi bán lại dự án không có gì đáng bàn, miễn là họ tuân thủ quy định pháp luật. Đối với hai tập đoàn vừa đề cập, sẽ là công bằng và khách quan hơn nếu nhìn nhận họ ở vai trò nhà đầu tư thứ cấp. 

Trong khi đó, cái tên đầu tiên tham gia hợp tác với Sabeco đến nay vẫn nằm trong màn bí ẩn. Dẫu vậy, có thể vượt mặt loạt "đại gia" sừng sỏ để giành được quyền phát triển lô đất vàng này từ đầu với tỷ lệ chi phối 74%, không khó để hình dung phần nào vai vế của nhóm nhà đầu tư này ở TP.HCM.

Nguồn cơn

Khoảng giữa năm 2014, quá trình lựa chọn đối tác tham gia cùng Sabeco ở lô đất rộng 6.080,2 m2 ngã ngũ. Ngày 11/2/2015, Sabeco ký hợp đồng hợp tác với CTCP Attland, CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Hà An và CTCP Đầu tư Mê Linh. Các bên thành lập doanh nghiệp dự án CTCP Đầu tư Sabeco Pearl, trong đó ba doanh nghiệp tư nhân chia nhau sở hữu 74% vốn, còn Sabeco - chủ sở hữu lô đất - chỉ nắm vỏn vẹn 26% vốn, dù tổng công ty này là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước với tổng tài sản ngót nghét 1 tỷ USD.

Đối với con số 26%, để hiểu thêm, độc giả có thể tham khảo một bài viết cách đây không lâu của Nhadautu.vn cũng về một thương vụ tư nhân hoá đất vàng với "motip" tương tự của Sabeco. (Xem thêm: Về dự án 76 Tôn Thất Thuyết).

Mục đích của các bên là thực hiện khu phức hợp thương mại, văn phòng, khách sạn 6 sao quy mô hai toà tháp đôi 36-48 tầng. Sabeco theo kế hoạch sẽ chuyển trụ sở từ Quận 5 về đây.

Tuy nhiên khi tham vọng (ít nhất trên giấy tờ) vẫn chưa thực hiện được, tổng công ty này tháng 6/2016 công bố thoái nốt 26% vốn trong Sabeco Pearl. Việc đấu giá được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công thương, xem chừng chỉ như một thủ tục để Sabeco hoàn tất rút chân khỏi dự án, không có nhiều ý nghĩa khi  tập đoàn bất động sản đề cập ở trên đã nắm tới gần 3/4 cổ phần. Kết quả cuộc đấu giá thể hiện “ông lớn” này (thông qua Attland) đã hoàn tất mua lại lô cổ phần của Sabeco và sở hữu 100% vốn của Sabeco Pearl.

Hà An, Attland hay Đầu tư Mê Linh lúc này đã đổi chủ. Câu hỏi là nhóm này đã mua lại Sabeco Pearl từ ai?

Lạ mà quen

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, cả ba pháp nhân Attland, Hà An và Mê Linh thời điểm đầu tư vào Sabeco Pearl có nhiều liên hệ với nhau, điểm cuối là một tập đoàn kín tiếng khác ở TP.HCM.

Đơn cử, một trong hai đại diện của Attland tham gia vào HĐQT Sabeco Pearl lúc thành lập là ông Hoàng Việt Tùng. Ông Tùng hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Synova, từng có trụ sở tại 14 Ngô Văn Năm, Quận 1. Đây cũng chính là địa chỉ nhà riêng của bà Lê Thị Bích Hồng - Thành viên HĐQT Sabeco Pearl (đại diện cho CTCP Đầu tư và Thương mại Hà An).

Một cổ đông lớn, từng nắm 85% vốn của Attland là bà Phạm Thị Trang cũng có thời kỳ là Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty Hà An. Hay như bà Lê Thị Bích Hồng từng là Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Xây dựng địa ốc Trường Thịnh Phát - nơi đại diện còn lại của Attland trong Sabeco Pearl là bà Lê Thuý Hương từng làm Thành viên HĐQT.

Nêu trên là một vài minh hoạ về "sợi dây" giữa Attland và Hà An. Liên hệ xa hơn, đại diện còn lại của Công ty Hà An trong Sabeco Pearl là ông Hoàng Hà. Ông Hà hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vietnam Land SSG - một thành viên của Tập đoàn S.S.G.

Đối với CTCP Đầu tư Mê Linh, tại thời điểm đầu tư vào Sabeco Pearl, doanh nghiệp này có người đại diện theo pháp luật là ông Trần Quang Hào. Ông Hào sinh năm 1975, hiện là Giám đốc CTCP Bệnh viện Đa khoa Ngọc Việt - doanh nghiệp có các cổ đông sáng lập là ông Hoàng Ngọc Tuấn (5%), CTCP Tập đoàn S.S.G (40%) và Thành viên HĐQT Tập đoàn S.S.G bà Nguyễn Thị Tường Giang (20%).

Bốn tháng sau khi thành lập (tháng 2/2015), các cổ đông sáng lập trung tuần tháng 6/2015 đã nhanh chóng nhượng lại toàn bộ vốn trong Attland, Hà An và Mê Linh cho nhóm nhà đầu tư liên quan đến tập đoàn bất động sản trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (sau này mới chuyển trực tiếp cho tập đoàn đứng tên).

Trong thời kỳ điều hành trước đây, 2-4-6 Hai Bà Trưng cùng 76 Tôn Thất Thuyết là hai trong số những lô đất vàng được Sabeco bằng nhiều cách thức, nhượng lại cho tư nhân với mức giá "nhẹ nhàng". Một số trường hợp đáng chú ý sẽ tiếp tục được Nhadautu.vn đề cập trong thời gian tới.

Ngày 10/4/2015, UBND TP.HCM có Quyết định 1660/QĐ-UBND phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl với giá trị 997,3 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Quyết định 3553/QĐ-UBND TP.HCM ngày 19/7/2011 và Thông báo số 119/TB-KTNN ngày 4/2/2015 của Kiểm toán Nhà nước, giá trị thị trường của lô đất là 1.236,8 tỷ đồng. Khoản chênh gần 240 tỷ đồng giữa hai lần định giá sẽ là một nội dung đáng chú ý trong vụ án 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ