Để trái phiếu doanh nghiệp vận hành đúng bản chất

Bên cạnh góc độ tích cực, trước sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về mức độ rủi ro của loại hình chứng khoán này, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân - những người thiếu nguồn tin cũng như khả năng phân tích rủi ro.
MINH TRANG
26, Tháng 01, 2020 | 07:00

Bên cạnh góc độ tích cực, trước sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về mức độ rủi ro của loại hình chứng khoán này, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân - những người thiếu nguồn tin cũng như khả năng phân tích rủi ro.

Screen Shot 2020-01-24 at 11.05.11 PM

 

Vẫn là sân chơi của các ông lớn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển khá nhanh. Năm 2018, quy mô thị trường đạt 9,01% GDP, tăng 58% so với năm 2017 (6,29% GDP) và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 (3,4% GDP). 10 tháng đầu năm 2019, thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.

Một báo cáo gần đây của SSI Retail Research cho thấy, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 94.000 tỷ đồng, chiếm 45,5% toàn thị trường; các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 71.312 tỷ đồng, chiếm 34,5%.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, đưa tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm là 206.680 tỷ đồng, bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Tổng lượng mua sơ cấp của nhà đầu tư ngoại trong 11 tháng đầu năm 2019 là gần 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 7% khối lượng phát hành.

Thị trường trái phiếu được xác định sẽ là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, bên cạnh hệ thống tín dụng và thị trường vốn (cổ phiếu). Trái phiếu doanh nghiệp càng có thêm dư địa trong bối cảnh tín dụng trung và dài hạn đang bị siết dần. Sự phát triển của thị trường thị trường trái phiếu cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh góc độ tích cực, trước sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về mức độ rủi ro của loại hình chứng khoán này, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân - những người thiếu nguồn tin cũng như khả năng phân tích rủi ro như các tổ chức chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, có một góc độ mà chưa nhiều người đề cập, là trái phiếu doanh nghiệp dường như vẫn chỉ là sân chơi chính của khối bất động sản và ngân hàng. Các thương vụ trái phiếu tính bằng đơn vị nghìn tỷ, ở Việt Nam, khó có tổ chức nào ngoài các ngân hàng có thể thu xếp được. Minh chứng qua số liệu của Bộ Tài chính, trong hai năm qua, dù có xu hướng tăng lên, song khối lượng phát hành trái phiếu ra công chúng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 3% tổng khối lượng phát hành. 97% còn lại được thực hiện theo hình thức riêng lẻ, là "câu chuyện" riêng của nhà phát hành và các trái chủ. Dù khối lượng phát hành rất lớn song nhiều đợt phát hành, nhà đầu tư có nhu cầu không thể tìm thấy thông tin về đợt chào bán.

Và nếu thực trạng đúng như vậy, thì hình thức này không khác gì tín dụng bất động sản, thậm chí còn nguy hiểm hơn khi các trái chủ cho "giải ngân một cục" mà không kiểm soát chặt chẽ dòng tiền như tín dụng ngân hàng. Đã từng có thời kỳ, các ngân hàng thoải mái bơm vốn cho các tập đoàn bất động sản "sân sau". Vài năm trở lại, khi các quy định trở nên chặt chẽ hơn, thực trạng này vẫn tiếp tục, nhưng với nhiều hình thức tinh vi hơn. Các khoản vay nghìn tỷ không khó được luân chuyển khi chỉ cần rửa nguồn thông qua một tổ chức trung gian, thường là các công ty chứng khoán. Hiện nay, một số công ty chứng khoán nổi lên rất mạnh với vai trò thu xếp các thương vụ lớn trên thị trường như VPS hay TCBS.

Yêu cầu tiên quyết là phải tăng cường quản lý, siết chặt hình thức tín dụng "trá hình" này, đồng thời tăng cường tính minh bạch của thị trường trái phiếu nhằm thu hút nguồn lực thực sự từ người dân.

Minh bạch thị trường trái phiếu, trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu?

Nghị định 163 được ban hành cuối năm ngoái với mục tiêu đẩy mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhằm biến đây trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, bên cạnh tín dụng ngân hàng và thị trường cổ phiếu.

Như đã đề cập, chủ thể chính trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chỉ là ngân hàng và các tập đoàn bất động sản, với những khoản vay rất nhạy cảm đối với vấn đề công khai thông tin hoạt động.

Điểm a Khoản 2 Điều 24 Nghị định 163 quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán (nếu có); báo cáo tài chính chưa kiểm toán được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận các số liệu.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu phải công bố báo cáo tài chính định kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có 151 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu. Tuy nhiên theo ghi nhận của chỉ có lác đác một số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính đầy đủ như: CTCP Bông Sen, CTCP Thiết kế và Trang trí nội thất NORAH, CTCP Đầu tư Con Cưng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lý Khương... Còn phần lớn tới nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính bán niên theo quy định, dù đã hết năm tài chính 2019.

Cá biệt hơn, có một vài trường hợp đã đăng báo cáo tài chính công khai, song không rõ lý do gì mà bị xoá trắng không lâu sau đó, ví dụ như trường hợp của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc hay CTCP Tập đoàn Sunshine. Điểm chung của bộ đôi này là nợ vay rất lớn và kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo không mấy khả quan.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính dưới dạng tóm tắt, với chỉ một ít thông tin cơ bản như: nguồn vốn, lỗ/ lãi, hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu. Những công ty này bao gồm: CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, Công ty TNHH BĐS Hoa Anh Đào, Công ty TNHH BĐS Hoa Phượng, Công ty TNHH BĐS Lan Việt, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Tổng hợp An Thịnh, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An, CTCP BĐS Nova Lexington, CTCP Dịch vụ Hòn Một, CTCP Du lịch Thiên Minh, CTCP Phát triển Du lịch Vinasia.

Những số liệu ít ỏi nêu trên rõ ràng không thể cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư. Đáng chú ý, gần như tất cả các bản báo cáo tài chính tóm tắt đều có chung một mẫu trình bày, không khỏi dẫn tới nghi ngại các doanh nghiệp này đã được "mách nước" để lách quy định công bố thông tin.

Hoạt động công bố thông tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi vậy đang rất cần sự quan tâm sát sao của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và cả HNX - tổ chức đang vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ có một cơ chế quản lý, vận hành minh bạch, tuân thủ pháp luật thì mới mong nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, là nền tảng căn bản nhất để phát triển trái phiếu doanh nghiệp trở thành một cột trụ của thị trường tài chính.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ