Dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam

Trong thời gian 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam.
HỒ MAI
22, Tháng 02, 2018 | 11:10

Trong thời gian 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam.

Theo nguồn tin của VietNamNet, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bị bệnh nặng trước Tết. Sau thời gian điều trị ở nước ngoài, ông vừa được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy. Lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã xác nhận việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đang điều trị tại đây. 

Ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng vào tháng 9/1997, tái nhiệm vào tháng 7/2002, đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm.

Ông Phan Văn Khải được bổ nhiệm làm Thủ tướng, kế vị ông Võ Văn Kiệt giữa lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới. Ông xem là người đã dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.

phan van khai

 Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Năm 2000, tốc độ trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm.

Nội các của Thủ tướng Phan Văn Khải ngoài các vị Phó thủ tướng như Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Tấn Dũng - người sau này kế nhiệm ông, còn gồm nhiều vị Bộ trưởng ấn tượng như Trương Đình Tuyển, Lê Huy Ngọ, Trần Xuân Giá...

Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Thời ông Phan Văn Khải, trước khi Chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, Thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Hầu hết các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã về hưu. 

Bà Phạm Chi Lan, người có mặt trong cả Tổ tư vấn đổi mới và Ban nghiên cứu sau này kể lại: các thành viên đều có tài sản rất lớn là chế độ “5 không”: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.

phan van khai

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu.

Trong năm 2000, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, công cuộc cải cách hành chính trong bộ máy Nhà nước đã triển khai tích cực hơn trước. Kết quả rõ nhất là đã tiến hành những cải cách về thể chế kinh tế, nổi bật là việc Chính phủ dưới thời ông Phan Văn Khải đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ 1/7/2006.

Sự kiện này đánh dấu một chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam mới có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Từ năm 2000 đến năm 2005 là thời điểm kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được những bước tiến dài. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và tự do hóa hoạt động đầu tư.

Cũng dưới thời ông Khải, nhiều dự án công trình lớn được khởi công xây dựng như cầu Cần Thơ (năm 2004), Cầu Vĩnh Tuy (năm 2005, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng),...

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hai nước, ông Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

phan van khai

Cái bắt tay lịch sử giữa cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hoá.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những trở ngại về sự khác biệt văn hóa, những vấn đề hậu quả chiến tranh, cũng như cách tiếp cận một số vấn đề nhạy cảm.

Cuộc gặp với tinh thần đúng như lời Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh: “Sự hiện diện của ngài Thủ tướng tại Washington chứng tỏ những nước từng ở 2 chiến tuyến có thể trở thành đối tác bạn bè”.

phan van khai 45

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chụp hình chung với tỷ phú Bill Gates. 

Chuyến đi này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. 

Trong chuyến thăm Mỹ năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ tỷ phú Bill Gates - nhà sáng lập hãng công nghệ Microsoft. Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Peter Peterson trong một cuộc phỏng vấn về sự kiện Thủ tướng Phan Văn Khải thăm hữu nghị chính thức nước Mỹ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải là cực kỳ quan trọng từ trước đến nay. Thậm chí còn quan trọng hơn cả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton. Cựu đại sứ Mỹ cho rằng chỉ có người lãnh đạo của Việt Nam mới có thể giúp dân Mỹ hiểu về Việt Nam. 

Ngay sau chuyến thăm chính thức Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Những cam kết, những hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp cao mới, hợp tác giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp hai nước đã được ký kết nhân chuyến thăm này.

Hai chuyến thăm lịch sử này của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại thành công về nhiều mặt: nâng cao vị thế của Việt nam trong công tác đối ngoại trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư (theo báo cáo của VCCI, tổng giá trị các hợp đồng mà doanh nghiệp các bên đã ký kết đạt hơn 1,4 tỷ USD), thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam; tạo ra mối quan tâm cao đối với dư luận chung và dư luận tại Mỹ, Canada về Việt Nam; tăng cường các quan hệ hợp tác về nhân đạo, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng... Một thành quả quan trọng nữa là Việt Nam đã đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong đàm phán gia nhập WTO.

Đặc biệt, chuyến thăm này cũng là lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại với quy mô đông đảo, đa dạng nhất cùng các mối liên kết hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước, mở ra triển vọng trao đổi mậu dịch và đầu tư vào Việt Nam tăng cao.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ