Cựu Cục trưởng Quản lý Dược Trung Quốc bị tử hình và những vụ buôn bán thuốc giả đình đám thế giới

Nhàđầutư
Hàng loạt vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả trên thế giới được phát hiện và xét xử tương tự vụ VN Pharma ở Việt Nam. Trong đó có cựu Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc bị tử hình vì nhận hối lộ để cấp phép kháng sinh cấm lưu hành.
KHÁNH LINH
24, Tháng 09, 2019 | 16:59

Nhàđầutư
Hàng loạt vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả trên thế giới được phát hiện và xét xử tương tự vụ VN Pharma ở Việt Nam. Trong đó có cựu Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc bị tử hình vì nhận hối lộ để cấp phép kháng sinh cấm lưu hành.

Theo số liệu của WHO trong một bài báo của CNN vào năm 2015, hằng năm có khoảng 1 triệu người chết vì dùng phải thuốc giả. Cũng theo số liệu của WHO, thị trường thuốc giả trong năm 2012 đã đạt lợi nhuận 431 tỷ USD, chủ yếu sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Mỗi năm tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu một khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và là một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, khoản đầu tư 1.000 USD có thể giúp những kẻ bán thuốc giả thu về 500.000 USD.

WHO ước tính khoảng 10% lượng thuốc lưu hành trên thế giới là giả, trong đó dao động ở mức 30-40% ở những nước đang phát triển và khoảng vài phần trăm ở những nước phát triển. Tuy nhiên, lượng thuốc giả ở các nước phát triển cũng đang tăng lên.

Theo Tổng Giám đốc WHO, tình trạng này ảnh hưởng hầu hết đến các nước đang phát triển và kém phát triển. Có thể có khoảng 72.000-169.000 trẻ em tử vong do viêm phổi mỗi năm vì thuốc giả.

Thuốc giả còn có thể làm hơn 116.000 người chết vì sốt rét ở châu Phi, theo như nghiên cứu thuộc ĐH Edinburgh và Trường Y tế Vệ sinh và Nhiệt đới London (Anh).

Nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy 90% lượng thuốc mua trực tuyến có xuất xứ khác với quảng cáo trên mạng và thường số thuốc này được nhập từ những quốc gia có hệ thống kiểm định chất lượng thuốc lỏng lẻo.

Cấp phép sai, quan chức Trung Quốc bị tử hình

19035995-1504241978907

Bị cáo Zheng Xiaoyu bị tuyên án tử vào tháng 5/2007. Ảnh: CHINA DAILY.

Tháng 5/2007, dư luận Trung Quốc và thế giới chấn động khi Zheng Xiaoyu, 62 tuổi cựu Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia bị tuyên án tử hình. Ông Zheng kháng án bất thành và bị hành quyết trong tháng 7/2007.

Zheng Xiaoyu bị tuyên án tử vì nhận hối lộ để cấp phép cho một loại kháng sinh được cho là nguyên nhân làm 10 người chết và cấp phép cho nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn khác.

Zheng Xiaoyu giữ chức Trưởng Cục quản lý thuốc quốc gia từ 1994-1998; Trưởng Cục quản lý dược phẩm quốc gia 1998-2003 và Trưởng Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia 2003-2005.

Tân Hoa Xã trích cáo trạng xử Zheng Xiaoyu: "Hành vi của bị cáo giúp cấp phép cho nhiều loại thuốc đáng lẽ bị cấm hoặc rút khỏi thị trường, trong số này có 6 loại thuốc giả".

Hàng trăm người chết vì thuốc giả ở Pakistan

New_Picture_11

Công nhân chế biến thuốc giả ở Pakistan. Ảnh: CNN

BBC đưa tin, tháng 1/2012, tại Pakistan hơn 100 người chết và 250 người phải nhập viện vì dùng thuốc tim giả. Hầu hết nạn nhân đều là người nghèo vì đây là loại thuốc miễn phí phát không. 

Tổng cộng hơn 40.000 người đã uống loại thuốc này. Ngay khi xảy ra sự việc, chính phủ Pakistan đã bắt chủ của ba cơ sở sản xuất thuốc địa phương được cho là cung cấp loại thuốc này.

Theo điều tra, giấy phép sản xuất của một trong ba cơ sở này đã hết hạn từ tháng 4-2011 nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất thuốc, cung cấp cho các bệnh viện công cũng như đưa ra thị trường.

Trước tòa, quan chức của Cơ quan điều tra liên bang (Pakistan) cho biết toàn bộ số thuốc đều không ghi ngày sản xuất cũng như hết hạn.

Lĩnh án 19 năm tù do buôn lậu vaccine

xxchina-vaccine-web1-master768-1504242654843

Cảnh sát Trung Quốc tổng kiểm tra việc bảo quản vaccine tại các cơ sở y tế. Ảnh: EPA

Tháng 3/2016, Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ tổng cộng 37 người ở miền đông Trung Quốc vì liên quan đến bê bối vaccine. Trước đó một tháng, cảnh sát bắt và buộc tội hai mẹ con sống ở tỉnh Sơn Đông buôn bán bất hợp pháp lượng vaccine trị giá 88 triệu USD và không bảo quản lạnh đúng cách.

Đường dây vaccine kém chất lượng này được xác định đã hình thành từ năm 2011 và có đến hàng trăm người ở hơn 20 tỉnh tham gia. Ngoài ra, ba công ty dược cũng bị điều tra, trong đó công ty Shandong Zhaoxin Bio-tech Co. bị đóng cửa.

Tháng 1/2017, Reuters đưa tin hai mẹ con ở Sơn Đông đóng vai trò chính trong đường dây là Pang Hongwei và Sun Qi bị tòa tuyên án tù. Với hai cáo trạng về buôn bán vaccine bất hợp pháp, Pang Hongwei bị tuyên 19 năm tù giam còn Sun Qi bị tuyên 6 năm tù giam vì tội tiếp tay cho Pang Hongwei.

Triệu phú Úc bán thuốc giả

61e86b815887bd0a88f613d6bb761fcf-1504243380220

Triệu phú Mina Attia tại nhà ở Úc. Ảnh: DAILY TELEGRAPH

Tháng 2/2017, tòa án tại Sydney, Úc rút giấy phép hoạt động trong 22 tháng và rút giấy phép dược sĩ trong 12 tháng đối với triệu phú Mina Attia. Lý do là vì công ty của Mina Attia bán thuốc giả cho bệnh viện tại Sydney.

Sự việc đã xảy ra vào năm 2010 khi một bác sĩ tại Bệnh viện nhi Sydney trong khi tán nhỏ thuốc Viagra - được dùng để chữa cao huyết áp ở trẻ em - phát hiện bất thường. Khi liên hệ công ty sản xuất Pfizer, bệnh viện được Pfizer xác định đó là thuốc giả và không do họ sản xuất.

Tại tòa, Symbion - công ty cung cấp Viagra cho bệnh viện nhi – cho biết mua lại thuốc từ một nhà cung cấp khác, do Mina Attia đứng đầu. Trong thời gian tháng 6/2010, Symbion đã phân phối hơn 20.000 viên Viagra đến 260 hiệu thuốc và ba bệnh viện do đó phải tuyên bố thu hồi toàn bộ số sản phẩm này.

Trong tuyên bố sau tòa, Symbion cho biết bài học rút ra là không mua thuốc từ các công ty trung gian mà mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.

Thị trưởng Mexico mua thuốc ung thư giả

Đầu năm 2017, ông Angel Yunes, thị trưởng bang Veracruz, Mexico cáo buộc hai người tiền nhiệm, ông Javier Duarte và Fidel Herrera đã ký lệnh mua thuốc ung thư giả để sử dụng cho các bệnh viện công tại đây.

Các công tố viên còn cáo buộc cựu thị trưởng Duarte biển thủ và dùng sai mục đích hơn 2 tỷ USD trong giai đoạn cầm quyền.

Global News cho biết các điều tra viên tìm thấy 23 tấn thuốc quá hạn tại kho chứa của bang. Đồng thời, nhóm điều tra cũng phát hiện nhiều công ty cung cấp thuốc cho bang không có văn phòng tại địa chỉ như kê khai với chính quyền. Ông Yunes khẳng định khi hoàn tất công tác điều tra sẽ chính thức nộp đơn khởi kiện.

Cựu Tổng giám đốc Vinaca lĩnh 22 năm tù vì sản xuất thuốc giả

6

Bị cáo Nguyễn Xuân Thu (ngồi) và Nguyễn Văn Tuấn hầu tòa. Ảnh: Giang Chinh

Vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa trị ung thư Vinaca làm từ bột than tre của Công ty Vinaca bị cơ quan chức năng phát hiện vào năm 2018 đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng lẫn bức xúc.

Điều đáng nói, hơn 20 chi nhánh của Công ty TNHH Vinaca có mặt tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cùng nhiều tấn sản phẩm hỗ trợ chữa trị ung thư giả, không ai biết rõ, đã có bao nhiêu người bệnh từng sử dụng sản phẩm độc hại này.

Ngày 18/4/2019, TAND TP. Hải Phòng mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Xuân Thu (Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinaca) và đồng phạm Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong) về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh. 

HĐXX phạt bị cáo Thu 22 năm tù, buộc nộp tiền phạt 50 triệu đồng; bị cáo Tuấn nhận 17 năm tù, buộc nộp 20 triệu đồng tiền phạt.

Khi điều tra vụ án, Công an thành phố Hải Phòng đã ủy thác điều tra đến 27 cơ quan điều tra các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Điện Biên, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình,TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... để thu thập tài liệu liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Vinaca.

Kết quả mẫu sản phẩm giám định tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy tất cả các sản phẩm Vinaca là hàng giả về hàm lượng, không đúng với các thành phần trong đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và kiểm định chất lượng sản phẩm.

Hàng loạt lãnh đạo VN Pharma hầu tòa

71324629_543763676391594_1818275598762508288_n_vydt

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa vào sáng nay 24/9. Ảnh: Ngọc Dương

Sáng 24/9, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm lần thứ hai đối với các bị cáo trong vụ án Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Hầu tòa trong vụ án này gồm Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma), cùng 6 bị cáo khác. Các bị cáo cùng bị truy tố tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Trong số những người bị triệu tập tới phiên xử có cả 9 thành viên Hội đồng giám định Bộ Y tế (những người giám định 9.300 hộp thuốc ung thư mà VN Pharma nhập khẩu); đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường cùng 5/9 thành viên Hội đồng giám định thuốc (Bộ Y tế) lại vắng mặt.

Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2013, bị cáo Hùng và Cường phối hợp mua thuốc H-Capita (dùng chữa một số loại ung thư). Do chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên Hùng đã chỉ đạo làm giả hồ sơ để đề nghị cấp phép.

Tổng cộng đã có 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về (chưa đưa ra thị trường). Tham gia vào quá trình này có nhiều người vi phạm ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên Hùng và Cường bị xác định là chủ mưu.

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1 vào cuối tháng 8/2017 với tội danh “Buôn lậu” và “Làm giả giấy tờ”. Khi đó bị cáo Hùng và Cường cùng nhận mức án 12 năm tù giam về tội “Buôn lậu”, các bị cáo còn lại nhận từ 2 năm tù (án treo) đến 5 năm tù.

Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10/2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án, yêu cầu điều tra xét xử lại. Trong vụ xử tới đây, tội danh của các bị cáo đã được đổi thành “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” - có khung hình phạt lên tới tử hình.

Chỉ vì lòng tham kiếm được lợi nhuận cao mà nhiều người sẵn sàng buôn bán thuốc chữa bệnh hay thực phẩm chức năng giả. Hàng loạt vụ thuốc, thực phẩm chức năng giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện gây nhiều hoang mang trong dư luận.

Thế nhưng, tính mạng của rất nhiều người bệnh vẫn đang bị đe dọa bởi các sản phẩm sản xuất, kinh doanh gian dối này. Thiết nghĩ, nạn thuốc giả hơn bao giờ hết cần thiết phải có những giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ