Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ cuối: Tôi đã có Phố Wall

Nhàđầutư
Dư chấn tức thì của cuộc khủng hoảng Piggly là làn sóng thông cảm đối với Saunders. Trên khắp cả vùng, hình ảnh của ông trở thành hình ảnh của một nhà vô địch hào hiệp, của người yếu thế bị chèn ép một cách nhẫn tâm.
AN AN
01, Tháng 04, 2022 | 06:55

Nhàđầutư
Dư chấn tức thì của cuộc khủng hoảng Piggly là làn sóng thông cảm đối với Saunders. Trên khắp cả vùng, hình ảnh của ông trở thành hình ảnh của một nhà vô địch hào hiệp, của người yếu thế bị chèn ép một cách nhẫn tâm.

Vào tháng 6 năm 1925, hai năm sau vụ thao túng của Saunders, Sở giao dịch miễn cưỡng sửa đổi Hiến pháp của mình với một điều khoản nêu rằng “bất cứ khi nào xét thấy có một vụ thao túng đang diễn ra trên thị trường, Ủy ban quản trị có thể trì hoãn thời gian giao hàng trên các hợp đồng giao dịch chứng khoán”.

Bằng việc thông qua một quy chế cho phép mình làm như những gì Sở đã làm từ trước khi có quy chế đó, chí ít Sở giao dịch cũng đã bày tỏ lương tâm tội lỗi của mình.

Con rồng đã thắng

Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ 1: Piggly Wiggly Stores

Dư chấn tức thì của cuộc khủng hoảng Piggly là làn sóng thông cảm đối với Saunders. Trên khắp cả vùng, hình ảnh của ông trở thành hình ảnh của một nhà vô địch hào hiệp, của người yếu thế bị chèn ép một cách nhẫn tâm.

Thậm chí ở New York, tại chính Sở giao dịch chứng khoán, tạp chí Times thừa nhận trong một bài xã luận rằng trong tâm trí của rất nhiều người, Saunders đại diện cho Thánh George còn Sở giao dịch đại diện con rồng.

Tờ báo viết: “Sự thực cuối cùng ‘con rồng đã thắng’ là tin xấu cho một quốc gia với 66,67% dân số là ‘những người lép vế’, có thời khắc chiến thắng khi thông báo có một ‘người lép vế’ đã cưỡi lên cổ Phố Wall, còn những kẻ thao túng xấu xa đang trút hơi thở cuối cùng”.

Piggly Wiggly Price

Một quảng cáo của Piggly Wiggly trên tờ The Washongton Time ngày 30/6/1922. Ảnh Teletype

Không phải là người lờ đi những người ủng hộ thân thiện, Saunders đã hành động để tận dụng lòng tốt. Và ông cần họ bởi vị thế đang ngàn cân treo sợi tóc của mình. Vấn đề lớn nhất của ông đó là phải làm gì với 10 triệu đô-la nợ ngân hàng và các nhà tài trợ cũng như ông không có đủ số tiền đó.

Kế hoạch đơn giản đằng sau vụ thao túng của ông – nếu ông có bất kỳ kế hoạch nào – là kiếm thật nhiều tiền một cách nhanh nhất, lấy tiền lãi đó trả một khoản lớn trong phần nợ và lấy doanh thu từ việc bán cổ phiếu để trả số còn lại; sau khi đã trả hết nợ, ông có thể ra đi mà vẫn bỏ túi một số lượng cổ phiếu Piggly Wiggly lớn.

Mặc dù việc giảm giá cổ phiếu xuống còn 100 đô-la một cổ phiếu đã khiến ông thất thu kha khá so với mặt bằng chung (mặc dù không biết chính xác là bao nhiêu nhưng khoản đó có thể rơi vào khoảng nửa triệu đô-la hoặc hơn), nhưng vẫn chỉ là một phần trăm rất nhỏ của con số hợp lý mà ông kỳ vọng. Và bởi vì không được như thế nên toàn bộ “công trình” của ông sụp đổ.

Sau khi trả nợ cho ngân hàng bằng số tiền ông nhận được từ những người bán khống và từ việc bán cổ phiếu, Saunders thấy mình vẫn nợ khoảng 5 triệu đô-la, một nửa số nợ đó sẽ phải trả vào ngày 1 tháng 9 năm 1923 và phần còn lại phải trả vào ngày 1 tháng 1 năm 1924.

Hy vọng lớn nhất của ông để kiếm tiền là bán thêm nhiều cổ phiếu Piggly Wiggly mà mình đang sở hữu. Do không thể bán cổ phiếu trên sàn giao dịch nữa, ông sử dụng một phương tiện mình yêu thích đó là quảng cáo trên báo, lần này ông bổ sung thêm nếu đặt qua thư thì giá sẽ là 55 đô-la.

Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ 2: Hãy bắt tôi nếu có thể!

Công chúng cảm thông với ông là một chuyện, nhưng chuyện họ có sẵn sàng thể hiện sự cảm thông đó bằng việc bỏ tiền ra mua cổ phiếu không lại hoàn toàn khác. Mọi người ở New York, Memphis hay Texarkana đều biết về trò chơi khăm đầu cơ cổ phiếu Piggly Wiggly và về tình trạng tài chính thiếu minh bạch của vị giám đốc công ty. Thậm chí không ai trong số những người khờ khạo ủng hộ Saunders mua cổ phiếu của ông vào lúc này và chiến dịch đã thất bại.

Chấp nhận sự thật một cách buồn bã, Saunders nhờ đến sự giúp đỡ từ những người ở Memphis bằng cách thuyết phục họ rằng sự cố tài chính của ông là một vấn đề liên quan đến người dân thành phố. Ông nói nếu ông bị phá sản, nó sẽ phản ánh không chỉ đặc điểm và sự nhạy bén kinh doanh của Memphis mà còn của toàn thể khu vực miền Nam.

PinkPallace

Cung điện Hồng, Pink Palace của Clarence Saunders giờ là một địa điểm du lịch. Ảnh Don Morfe

“Tôi không kêu gọi từ thiện,” ông nêu trong một quảng cáo lớn như cách ông thường làm để kiếm tiền, “và tôi không yêu cầu ai phải gửi hoa cho đám tang kinh doanh của mình cả, nhưng tôi rất mong mọi người ở Memphis nhận ra và hiểu rằng đây là một lời nói nghiêm túc với mục đích thông báo cho những ai muốn hỗ trợ tôi trong vấn đề này, họ có thể làm việc với tôi, những người bạn, cũng như những người ủng hộ khác trong công ty của tôi. Trong chiến dịch Memphis này, mỗi người trong thành phố có thể sẽ trở thành đối tác của Piggly Wiggly bởi trước hết, đây là một sự đầu tư tốt và thứ hai, đây là quyền lợi của các bạn”.

Trong bài quảng cáo lần thứ hai, ông trình bày viễn cảnh của mình: “Để Piggly Wiggly bị phá sản là nỗi xấu hổ của toàn bộ miền Nam.”

Chỉ lý luận đanh thép rằng Memphis nên cố gắng cứu Saunders ra khỏi tình thế khó khăn thì thật là khó nói, nhưng một số phần trong lời lẽ của ông lại có lý và chẳng lâu sau thì tờ báo Commercial Appreal của Memphis đã thúc giục thành phố ủng hộ người đàn ông đang gặp rắc rối của mình. Phản ứng của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành phố đã thực sự truyền cảm hứng cho Saunders.

Một chiến dịch ba ngày đã được lập nên một cách nhanh chóng ở mục tiêu bán 50.000 cổ phiếu cho người dân thành phố Memphis với mức giá thần kỳ đã được áp dụng trước kia, 55 đô-la một cổ phiếu.

piggly-wiggly-montana-company

Cổ phiếu của Piggly Wiggly. Ảnh scripophily.net

Để giúp người mua thấy an tâm phần nào rằng họ sẽ không bị bỏ rơi về sau, ông đưa ra một quy định đó là trừ khi toàn bộ số cổ phiếu được bán hết trong ba ngày, nếu không tất cả các giao dịch mua bán sẽ bị hủy bỏ.

Phòng thương mại bảo trợ cho chương trình này; các công ty như American Legion, Civitan Club và Exchange Club cũng tham gia; thậm chí, các công ty đối thủ của Piggly Wiggly là Bowers Stores và Arrow Stores tại Memphis cũng không đứng ngoài cuộc. Hàng trăm người tình nguyện của thành phố đăng ký tham gia.

Vào ngày 3 tháng Năm, năm ngày trước khi bắt đầu chiến dịch, 250 doanh nhân của thành phố Memphis tập hợp tại khách sạn Gayoso để tham dự một bữa ăn tối, khởi động chiến dịch. Saunders được mọi người dành cho những lời tán tụng khi ông đi cùng vợ vào phòng ăn. Sau bữa ăn, một trong rất nhiều người phát biểu đã mô tả Saunders là “một người đàn ông đã đóng góp nhiều cho thành phố Memphis hơn bất cứ ai trong một ngàn năm qua”.

“Sự cạnh tranh trong kinh doanh và sự khác biệt cá nhân bị đẩy lùi xa như màn sương tan trong ánh nắng mặt trời,” phóng viên của báo Commercial Appeal mô tả bữa tiệc tối như vậy trong bài báo của mình.

Chiến dịch có một khởi đầu vô cùng tuyệt vời. Vào ngày bắt đầu chiến dịch, ngày 8 tháng 5, những người phụ nữ và chàng trai đeo huy hiệu diễu hành trên đường phố Memphis, trên huy hiệu là dòng chữ “Chúng tôi hết lòng ủng hộ Clarence Saunders và Piggly Wiggly”.

Các thương nhân trang trí cửa sổ của mình với các tấm áp phích có ghi khẩu hiệu “Cổ phiếu Piggly Wiggly có mặt ở mọi nhà.” Điện thoại và chuông cửa reo không ngớt. Tổng kết lại, 23.698 trong số 50.000 cổ phiếu đã được đăng ký.

Chính tại thời điểm mà hầu hết những người ở Memphis bị thuyết phục rằng việc rao bán cổ phiếu Piggly Wiggly là một hành động giúp đỡ những người khó khăn giống như việc hỗ trợ cho Hội chữ thập đỏ hay Quỹ dự án cộng đồng, cũng có những người hoài nghi, một số người xấu tính bỗng nhiên yêu cầu Saunders công bố tài liệu kiểm toán của công ty ngay lập tức.

Vì bất cứ lý do gì thì Saunders cũng từ chối nhưng lại xoa dịu những người này bằng cách nhường vị trí Chủ tịch của Piggly Wiggly nếu hành động đó “có thể hỗ trợ cho chiến dịch bán cổ phiếu”.

Công chúng không yêu cầu Saunders phải từ chức Chủ tịch nhưng đến ngày 9 tháng Năm, ngày thứ hai của chiến dịch, một ủy ban giám sát gồm bốn người trong đó có ba giám đốc ngân hàng và một doanh nhân được các giám đốc của Piggly Wiggly cử đến để giúp ông điều hành công ty trong thời gian sắp xếp ổn thỏa tình hình.

Cùng ngày đó, Saunders phải đối mặt với một tình huống khó chịu khác: những người lãnh đạo chiến dịch muốn biết tại sao ông vẫn tiếp tục xây dựng Cung điện Hồng trị giá triệu đô của mình trong khi cả thành phố đang làm việc không công cho ông? Ngay lập tức, ông trả lời rằng sẽ dừng việc xây dựng cung điện ngay ngày mai cho đến khi tình hình tài chính của ông trở lại tốt đẹp.

Những nghi ngờ về hai vấn đề trên dẫn đến việc chiến dịch bị dừng lại. Vào cuối ngày thứ ba của chiến dịch, tổng số cổ phiếu được đăng ký mua vẫn nằm dưới mức 25.000 cổ phiếu và tất cả giao dịch đã thực hiện đều bị hủy bỏ. Saunders phải thú nhận rằng chiến dịch đã thất bại.

“Memphis đã thất bại,” ông nói thêm dù rất đau lòng khi phải phủ nhận điều này một vài năm sau đó, khi ông cần thêm tiền từ Memphis để bắt đầu một dự án kinh doanh mới. Không có gì ngạc nhiên khi ông đưa ra những phát ngôn đó một cách bất cẩn; điều này có thể thông cảm được là do khi đó ông đang lo lắng và thể hiện sự căng thẳng.

Phá sản

Ngay trước khi công bố chiến dịch kết thúc không thành công, ông tham dự một cuộc họp kín với một số nhà lãnh đạo kinh doanh của Memphis và ra về với gò má tím bầm còn cổ áo bị xé toạc. Không ai trong số những người tham dự cuộc họp cho thấy có dấu hiệu bạo lực. Đó chỉ là một ngày không may mắn của Saunders.

Mặc dù chưa bao giờ có tin Saunders có những hành động không đúng đắn đối với công ty Piggly Wiggly cho đến khi ông thực hiện vụ thao túng, động thái đầu tiên sau nỗ lực bán cổ phiếu không thành đã cho thấy ông có ít nhất một lý do hợp lý để từ chối việc kiểm toán sổ sách công ty.

PWPin

Biểu tượng vui nhộn của Piggly Wiggly. Ảnh Pinterest

Bất chấp sự phản đối của Ủy ban giám sát, ông bắt đầu bán không chỉ cổ phiếu của Piggly Wiggly mà còn bán cả các cửa hàng Piggly Wiggly – để thanh toán một phần số nợ của công ty – và không ai biết khi nào ông sẽ dừng lại.

Các cửa hàng ở Chicago bị bán đầu tiên, ngay sau đó là các cửa hàng ở Denver và Kansas. Mục đích của ông là xây dựng ngân khố của công ty để có thể mua cổ phiếu mà công chúng đã từ chối nhưng có một số người nghi ngờ rằng ngoài cổ phiếu của Piggly Wiggly, cần phải đầu tư thêm một khoản tiền vào ngân khố đó.

“Tôi đã có Phố Wall và tất cả đã bị đánh bại,” Saunders vui vẻ thông báo vào tháng Sáu.

Nhưng vào giữa tháng Tám, trước mắt ông là thời hạn trả nợ hai triệu rưỡi đô-la vào ngày 1 tháng 9 trong khi ông không có một xu trong tay và cũng không có kế hoạch nào để kiếm được số tiền đó, ông từ chức Chủ tịch tập đoàn Piggly Wiggly và chuyển tài sản của ông, cổ phiếu trong công ty, Cung điện Hồng và toàn bộ số tài sản còn lại, cho chủ nợ.

Việc duy nhất phải làm còn lại là chính thức cộp dấu thất bại lên Saunders và tập đoàn Piggly Wiggly do ông quản lý.

Ngày 22 tháng 8, công ty đấu giá New York có tên Adrian H. Muller & Son, một công ty giải quyết rất nhiều cổ phiếu gần như vô giá trị và phòng bán hàng thường được gọi là “nghĩa trang chứng khoán”, ra giá 1.500 cổ phiếu của Piggly Wiggly 1 đô-la một cổ phiếu, mức giá truyền thống đối với những cổ phiếu gần như vô giá trị và mùa xuân năm sau,

Saunders phải giải quyết thủ tục phá sản. Nhưng đây vẫn chưa phải là đỉnh điểm của tình cảnh đen tối này. Điều thực sự tồi tệ trong sự nghiệp của Saunders chính là ngày ông bị buộc phải rời vị trí chủ tịch công ty, đỉnh cao của ông.

Khi ông xuất hiện trong bộ dạng kiệt sức nhưng vẫn ngạo mạn sau cuộc họp các giám đốc, ông tuyên bố với các phóng viên là mình từ chức thì một khoảng im lặng ập đến.

Sau đó, Saunders nói bằng giọng khàn khan: “Họ có được thể xác của Piggly Wiggly nhưng họ không thể có được linh hồn của nó.”

Nếu Saunders mượn linh hồn của Piggly Wiggly để nói về chính mình thì phần linh hồn đó vẫn tự do bước tiếp theo cách riêng của nó. Ông không bao giờ mạo hiểm chơi một trò chơi thao túng nào khác nữa nhưng tinh thần của ông thì không hề suy sụp.

Mặc dù chính thức bị phá sản, ông vẫn cố gắng tìm người thực sự tin tưởng sẵn lòng tài trợ và có thể giúp ông tiếp tục sống với mức sống chỉ thấp hơn một chút so với trước đây; chơi gôn ở câu lạc bộ tại Memphis thay vì chơi trong sân gôn riêng, ông vẫn “tip” cho những người mang vác gậy đánh gôn một khoản lớn mà những người lãnh đạo câu lạc bộ coi đó là tham nhũng.

Chắc chắn, ông không còn sở hữu Cung điện Hồng nữa nhưng đó là bằng chứng duy nhất gợi nhắc những người “đồng chí” về vận hạn đã xảy ra với ông.

Cuối cùng, lâu đài nguy nga vẫn còn xây dang dở của ông rơi vào tay của thành phố Memphis. Thành phố mất khoảng 150.000 đô-la để hoàn thành nó và biến cung điện thành bảo tàng lịch sử tự nhiên và nghệ thuật công nghiệp. Như vậy, cung điện đó vẫn tiếp tục là huyền thoại của Saunders ở thành phố Memphis.

Sau thất bại, Saunders dành khoảng ba năm để tìm cách sửa chữa những thiệt hại mà ông phải chịu trong cuộc chiến Piggly Wiggly, đương đầu với đối thủ và chủ nợ của mình nhưng tình thế vẫn không thuận lợi hơn là mấy.

Có thời gian, ông liên tục đe dọa sẽ kiện Sở giao dịch chứng khoán vì đã thông đồng và vi phạm hợp đồng, nhưng sau lần thất bại của vụ kiện do một số cổ đông nhỏ của Piggly Wiggly tiến hành, ông đã từ bỏ ý định này.

Sau đó vào tháng 1 năm 1926, ông biết được rằng một bản cáo trạng liên bang sẽ kết tội ông vì việc sử dụng thư để lừa gạt trong chiến dịch đặt hàng cổ phiếu Piggly Wiggly qua email.

Piggy-Getty

Saunders nhầm tưởng rằng John C. Burch, thủ quỹ của Piggly Wiggly, chính là người yêu cầu chính phủ kết tội ông. Minh họa của Getty Images

Ông nhầm tưởng rằng John C. Burch, thủ quỹ của Piggly Wiggly, chính là người yêu cầu chính phủ kết tội ông. Một lần nữa không thể bình tĩnh hơn, Saunders đến trụ sở chính của Piggly Wiggly và đối đầu với Burch.

Theo lời Saunders, “Burch lắp bắp phủ nhận” lời buộc tội, kết quả là Saunders đấm Burch một cú móc hàm khiến kính ông ta rơi xuống, ngoài ra thì không gây thêm bất cứ một thiệt hại nào khác.

Sau đó Burch nói giảm rằng đó chỉ là một cú đánh nhẹ và bổ sung thêm cái cớ mà bất cứ võ sĩ quyền anh nào thua cuộc cũng đưa ra: “Cú tấn công quá bất ngờ nên tôi không có thời gian hay cơ hội để đánh lại”. Burch từ chối kiện Saunders.

Khoảng một tháng sau, Saunders bị cáo buộc hành vi lừa đảo qua thư nhưng lần này, ông lại khá hài lòng vì Burch không hề dính líu đến vụ việc bẩn thỉu nào. Ông nói một cách thân thiện: “Tôi chỉ tiếc duy nhất một điều đó là việc tôi đã đánh John C. Burch”.

Vụ kiện tụng mới này không kéo dài lâu; vào tháng Bốn, toà án quận Memphis bác bỏ vụ kiện và cuối cùng Saunders và Piggly Wiggly hết nợ. Sau đó, công ty dần dần phục hồi và có sự thay đổi to lớn về mặt cấu trúc, phát triển nhanh chóng vào những năm 1960; các bà nội trợ tiếp tục đi dạo dọc theo các quầy hàng trong hàng trăm cửa hàng Piggly Wiggly tại Jacksonville, bang Florida mà hiện giờ các cửa hàng đó được điều hành dưới thoả thuận nhượng quyền kinh doanh với tập đoàn Piggly Wiggly.

Những nỗ lực cuối đời

Tình hình kinh doanh của Saunders cũng được cải thiện. Vào năm 1928, ông bắt đầu kinh doanh một chuỗi cửa hàng tạp hóa mới có tên “Clarence Saunders, người sở hữu duy nhất của tên tôi”.

Đây là cái tên mà chắc không có ai gọi nó, trừ ông ra. Các đại lý được biết đến rộng rãi với cái tên Sole Owner - “Chủ sở hữu duy nhất”, cái tên chắc chắn không đúng với thực tế vì nếu không có sự hỗ trợ của những người trung thành với Saunders, những cửa hàng này chỉ tồn tại trong suy nghĩ của ông thôi.

Tuy nhiên, cách Saunders chọn tên cho tập đoàn không nhằm mục đích khiến công chúng hiểu nhầm; hay chính xác hơn, đó là một cách nói mỉa mai để nhắc cả thế giới rằng sau cú đánh mà Phố Wall dành cho ông, tên của ông sẽ là thứ duy nhất mà ông có quyền về mặt pháp lý.

Tuy nhiên bao nhiêu khách hàng của Sole Owner – hay các nhà quản lý của Sở giao dịch chứng khoán – hiểu được điều ẩn ý đó vẫn còn là một câu hỏi. Các cửa hàng mới trở nên phổ biến nhanh chóng và kinh doanh rất tốt đến mức Saunders từ chỗ phá sản đã trở thành một người giàu có và ông mua một mảnh đất có giá triệu đô ngay gần Memphis.

Ông cũng tổ chức và tài trợ cho một đội bóng đá chuyên nghiệp có tên Sole Owner Tigers, như một sự đầu tư mới.

Lần thứ hai, vinh quang của Saunders chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Làn sóng suy thoái ập đến các cửa hàng Sole Owner khiến chúng bị phá sản vào năm 1930 và một lần nữa, ông rơi vào khánh kiệt. Nhưng ông lại tự vực dậy và vượt qua thất bại.

kedoozle

Clarence Saunders đã dành 20 năm cuối đời để hoàn chỉnh hệ thống bán hàng Keedoozle do ông phát minh ra. Ảnh BENJAMIN HOOKS CENTRAL LIBRARY 

Tìm kiếm người tài trợ, ông lên kế hoạch cho một chuỗi cửa hàng tạp hóa mới, nghĩ ra một cái tên lạ hơn bất cứ cái tên nào trước đây: Keedoozle.

Tuy nhiên, ông chưa kiếm được một khoản tiền lớn hay mua một biệt thự triệu đô nào khác, mặc dù đó chắc chắn là điều ông luôn mong muốn. Ông đặt hết hy vọng vào Keedoozle, một cửa hàng tạp hóa được điều khiển thông qua hệ thống điện và dành 20 năm cuối của cuộc đời mình để cố gắng hoàn chỉnh nó.

Trong cửa hàng Keedoozle, hàng hóa được bày phía sau các tấm kính và có một khe ngay bên cạnh giống như thức ăn bán trong các máy tự động. Đó là điểm giống nhau duy nhất giữa hệ Keedoozle và máy bán thức ăn tự động. Thay vì nhét đồng xu vào khe để mở tấm kính và lấy sản phẩm mình mua, khách hàng của Keedoozle nhét chìa khóa mà họ được trao để vào trong cửa hàng.

Hơn nữa, ý tưởng của Saunders tiến bộ hơn nhiều so với suy nghĩ mở các tấm kính bằng chìa khoá; mỗi lần nhét chìa khoá Keedoozle vào khe, món đồ được lựa chọn mua sẽ được đánh mã trên cuốn băng được dính vào chìa khóa và cùng lúc đó, món đồ sẽ được chuyển ra băng chuyền, đưa ra đến cửa phía trước cửa hàng.

Khi khách hàng mua xong, khách sẽ trả lại chìa khóa cho nhân viên ở cửa, nhân viên đó sẽ giải mã cuốn băng và cộng hóa đơn. Ngay khi khách hàng thanh toán tiền xong, hàng hóa sẽ được gói ghém, cho vào túi và quàng lên vai khách hàng bằng một thiết bị đặt ở cuối băng chuyền.

Có hai cửa hàng Keedoozle đã được đưa vào thử nghiệm – một ở Memphis và một ở Chicago – nhưng máy móc quá phức tạp và đắt đỏ nên không thể cạnh tranh với các siêu thị sử dụng hình thức xe đẩy.

Không hề nao núng, Saunders tiến hành nghiên cứu một hệ thống thậm chí còn phức tạp hơn tên là Foodelectric, hệ thống có thể thực hiện mọi việc mà Keedoozle có thể làm, kể cả tính hóa đơn. Hệ thống này chưa bao giờ thống trị thị trường thiết bị cửa hàng bán lẻ vì nó vẫn chưa được hoàn thiện khi Saunders mất vào tháng 10 năm 1953, 5 năm trước khi vụ thao túng Bruce xảy ra.

(Theo Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ