Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ 2: Hãy bắt tôi nếu có thể!

Nhàđầutư
Điều thú vị là nhiều người thậm chí cả những người đã từng mất tiền cho những kế hoạch quảng cáo của Clarence Saunders vẫn tin rằng ông là một tấm gương về sự trung thực.
AN AN
31, Tháng 03, 2022 | 09:33

Nhàđầutư
Điều thú vị là nhiều người thậm chí cả những người đã từng mất tiền cho những kế hoạch quảng cáo của Clarence Saunders vẫn tin rằng ông là một tấm gương về sự trung thực.

Những người biết rõ Saunders có rất nhiều nhận xét khác nhau về ông, ví dụ có người nói ông là “người đàn ông có trí tưởng tượng và năng lượng vô biên,” người khác lại bảo ông “ngạo mạn và tự phụ không ai bằng,” hay “như một đứa trẻ 4 tuổi, đùa giỡn với mọi thứ,” và “là một trong những người đàn ông xuất sắc trong thế hệ ông”.

Xem lại: Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ 1: Piggly Wiggly Stores

Nhưng chắc chắn nhiều người thậm chí cả những người đã từng mất tiền cho những kế hoạch quảng cáo của ông, vẫn tin rằng ông là một tấm gương về sự trung thực.

Người đàn ông ngạo mạn

Ông sinh năm 1881 trong một gia đình nghèo tại hạt Amherst, bang Virginia. Khi còn nhỏ, cũng giống như câu chuyện về cách khởi nghiệp của các tỷ phú tương lai, ông làm việc cho một cửa hàng tạp hóa tại địa phương với đồng lương ít ỏi, 4 đô-la một tuần.

Rất nhanh sau đó, ông làm việc tại một công ty thực phẩm bán buôn tại Clarksville, bang Tennessee, tiếp đến là một công ty tại thành phố Memphis và đến khoảng 20 tuổi, ông đã gây dựng nên một chuỗi các cửa hàng bán lẻ thức ăn quy mô nhỏ mang tên United Stores.

Sau một vài năm, ông bán lại chuỗi các cửa hàng này và tự quản lý một cửa hàng bán buôn của mình. Đến năm 1919, ông bắt đầu xây dựng một chuỗi các cửa hàng bán lẻ tự phục vụ đặt tên là Piggly Wiggly Stores. (Khi một hiệp hội kinh doanh Memphis hỏi tại sao ông chọn cái tên đó, ông trả lời vì “mọi người cũng sẽ hỏi tôi y như anh vừa hỏi”).

Piggy Wiggly Memphis

Bên trong cửa hàng Piggly Wiggly đầu tiên được mở ở Memphis. Ảnh Wikimedia Commons

Chuỗi cửa hàng phát triển nhanh chóng đến mức vào mùa thu năm 1922, toàn bộ hệ thống đã mở rộng lên đến hơn 1.200 cửa hàng. Trong số các cửa hàng này, khoảng 650 cửa hàng do công ty Piggly Wiggly Stores trực tiếp sở hữu, số còn lại thuộc sở hữu độc lập, nhưng những người chủ cửa hàng phải trả tiền khai thác cho công ty mẹ để sử dụng phương thức kinh doanh do công ty mẹ nắm quyền sở hữu.

Năm 1923 là thời kỳ cửa hàng tạp hóa trở thành nơi mua sắm tiện lợi cho mọi gia đình và có tầm ảnh hưởng lớn. Tờ New York Times mô tả phương thức bán hàng này với sự ngạc nhiên: “Khách hàng trong cửa hàng Piggly Wiggly đi lại tự do giữa các lối đi, hai bên là các kệ hàng. Khách hàng tự lựa chọn hàng hóa mà mình muốn và trả tiền khi ra về.” Saunders không hề biết chính ông là người đã phát minh ra siêu thị.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng, công ty Piggly Wiggly Stores được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và trong vòng 6 tháng, cổ phiếu của Piggly Wiggly được biết đến là loại cổ phiếu trả cổ tức đáng tin cậy, không “giật gân”, dạng cổ phiếu dành cho “bà quả phụ và trẻ mồ côi” mà các nhà đầu cơ rất dửng dưng giống như thái độ của người gieo “xúc xắc” trong trò chơi brit.

Tuy nhiên, danh tiếng này không kéo dài lâu. Vào tháng 11 năm 1922, một số công ty nhỏ điều hành các cửa hàng tạp hóa tại New York, New Jersey và Connecticut dưới tên Piggly Wiggly bị thua lỗ và bị thụ lý tài sản.

Nhưng đây không phải là vấn đề mà Saunders quan tâm; ông ta chỉ bán quyền sử dụng cái tên thương mại rất hấp dẫn của công ty mình cho họ, cho họ thuê một số thiết bị của công ty mẹ và sau đó là hết trách nhiệm với công ty này.

Đầu cơ giá hạ

Nhưng khi các công ty Piggly Wiggly độc lập này ngừng hoạt động, một nhóm người buôn bán chứng khoán (danh tính của các nhà điều hành này chưa bao giờ được tiết lộ vì họ giao dịch thông qua các nhà môi giới rất kín tiếng) chớp thấy từ thực trạng đó là một cơ hội từ trên trời rơi xuống để thực hiện cuộc đột kích của những người đầu cơ giá hạ.

Theo lập luận của nhóm người này, nếu các cửa hàng Piggly Wiggly tư nhân bị phá sản thì tin đồn có thể lan truyền, dẫn đến công chúng không thường xuyên cập nhật tình hình cũng tin là công ty mẹ Piggly Wiggly cũng đang phá sản.

Để củng cố niềm tin này của công chúng, họ bắt đầu bán khống các cổ phiếu của Piggly Wiggly nhằm ép giá cổ phiếu xuống thấp. Dưới sức ép đó, giá cổ phiếu phải từ từ hạ xuống và chỉ trong vài tuần, các cổ phiếu mới hồi đầu năm còn có giá 50 đô-la giờ giảm xuống chỉ còn dưới 40 đô-la.

Tại thời điểm này, Saunders công bố với giới truyền thông rằng ông ta sắp “đánh bại các chuyên gia Phố Wall trong cuộc chơi của chính họ” bằng chiến dịch mua vào.

Bản thân ông ta cũng không phải là một người chơi chứng khoán chuyên nghiệp; trên thực tế, trước khi cổ phiếu của Piggly Wiggly được niêm yết, ông ta chưa từng sở hữu bất kỳ một cổ phiếu nào được định giá trên Sở giao dịch chứng khoán New York.

Thật không hợp lý khi cho rằng ngay từ khi khởi sự chiến dịch mua của mình, ông đã nuôi ý định tìm cách thao túng thị trường. Có vẻ như động cơ trợ giá giá cổ phiếu lên cao nhằm bảo vệ tiền đầu tư của riêng mình và của các cổ đông khác của Piggly Wiggly là tất cả những gì có trong đầu ông lúc bấy giờ.

Trong bất cứ trường hợp nào, ông ta đều chống chọi với những người đầu cơ giá hạ bằng một niềm thích thú đã thành bản chất, bổ sung thêm cho quỹ của mình một khoản tiền khoảng 10 triệu đô-la vay từ nhóm các ngân hàng tại Memphis, Nashville, New Orleans, Chattanooga và St. Louis.

Theo những “truyền thuyết”, ông nhét hơn 10 triệu đô-la các tờ tiền mệnh giá lớn vào trong một chiếc vali, đáp một chuyến tàu hỏa đến New York và túi quần của ông ta phồng lên đầy tiền vì không thể nhét hết vào trong vali. Ông sải bước trên Phố Wall, sẵn sàng cho cuộc chiến.

Những năm về sau, ông dứt khoát bác bỏ những tin đồn trên và khẳng định ông chỉ ở Memphis, điều khiển chiến dịch của mình bằng điện đàm và gọi điện đường dài cho nhiều nhà môi giới của Phố Wall.

Bất cứ khi nào có dịp, ông đều tập hợp một nhóm các nhà môi giới lại, trong số đó có Jesse L. Livermore, trưởng nhóm nhân viên của ông.

Livermore

Jesse L. Livermore được coi là một huyền thoại chứng khoán Mỹ. Ảnh Famouspeople

Livermore là một trong số các nhà đầu cơ người Mỹ nổi tiếng nhất thế kỷ, khi ấy mới 45 tuổi nhưng đôi khi ông vẫn bị mỉa mai bằng biệt danh mà ông có từ hai thập kỷ trước: “Con bạc” Phố Wall.

Do Saunders vẫn coi những người ở Phố Wall nói chung và những người đầu cơ nói riêng như là những tên côn đồ ăn bám, luôn tìm cách hạ giá cổ phiếu của ông xuống, nên việc ông coi Livermore là đồng minh chỉ là một quyết định bất đắc dĩ với âm mưu lôi kéo tên đầu sỏ của kẻ thù về phía mình.

Trong ngày đầu tiên của cuộc đấu tranh với những kẻ đầu cơ giá hạ, dưới mặt nạ của các nhà môi giới, Saunders mua 33.000 cổ phiếu của Piggly Wiggly, chủ yếu là từ những người bán khống; trong vòng một tuần, ông đã mua được tất cả là 105.000 cổ phiếu, hơn một nửa trong số 200.000 cổ phiếu còn tồn lại.

Trong khi đó, ông cho chạy một loạt quảng cáo nói với các độc giả các trang báo khu vực phía Nam và phía Tây biết những suy nghĩ của ông về Phố Wall. “Con bạc có thể thống lĩnh thị trường không?”, ông hỏi trong một số báo. "Trên con ngựa trắng mà ông cưỡi. Sự lừa bịp là áo giáp che chắn một trái tim vàng. Mũ của ông là sự lừa dối, đinh thúc ngựa có tiếng của sự bội bạc và tiếng vó ngựa vang lên sự tàn phá. Một công ty tốt có chạy trốn không? Công ty đó có run sợ không? Đó có phải là tiền của các nhà đầu cơ?"...

Trên Phố Wall, Livermore vẫn tiếp tục mua cổ phiếu của Piggly Wiggly.

Chiến dịch mua vào của Saunders đem lại hiệu quả rất rõ ràng; vào cuối tháng 1 năm 1923, giá cổ phiếu tăng lên đến 60 đô-la một cổ phiếu, cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Sau đó, để làm tăng mức độ ảnh hưởng cuộc đột kích của những kẻ đầu cơ giá hạ, từ Chicago, nơi giao dịch cổ phiếu Piggly Wiggly, xuất hiện tin đồn rằng tập đoàn Piggly Wiggly đã bị thao túng và những người bán khống không thể hoàn trả số cổ phiếu họ đã vay mượn nếu không đến mua từ Saunders.

Các tin đồn trên lập tức bị Sàn giao dịch chứng khoán New York phủ nhận, họ công bố rằng nguồn cung trôi nổi của Piggly Wiggly rất dồi dào. Nhưng nguồn tin này đã nhồi vào trong đầu Saunders một ý tưởng, kết quả là Saunders đã có một động thái gây tò mò và bí ẩn vào giữa tháng Hai khi trong một quảng cáo trên báo được phát hành rộng rãi, ông đề xuất bán 50.000 cổ phiếu của Piggly Wiggly cho công chúng với giá 55 đô-la một cổ phiếu.

Một cách thuyết phục, bài quảng cáo đó chỉ ra rằng một khoản lợi tức trị giá một đô-la sẽ được trả 4 lần trong một năm, tức là khoảng hơn 7%. “Đây là một đề xuất ngắn hạn, có thể sẽ được rút lại mà không báo trước,” bài quảng cáo tiếp tục một cách bình tĩnh nhưng cũng rất gấp gáp. “Đây là cơ hội tuyệt vời nhưng chỉ dành cho vài người và cơ hội chỉ đến một lần trong đời”.

Bất cứ ai, thậm chí kể cả những người không quen với nền kinh tế hiện đại cũng không thể ngừng phân vân rằng Ủy ban chứng khoán và Thị trường chứng khoán Mỹ (SEC), đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi và đảm bảo tất cả các quảng cáo tài chính phải thực tế và khách quan, không cảm tính, sẽ nói gì về những lời quảng cáo mang tính thúc ép người mua như trong hai câu cuối.

Nếu bài quảng cáo bán cổ phiếu đầu tiên của Saunder khiến các giám sát viên của Ủy ban chứng khoán và Thị trường chứng khoán phải tái mặt thì trong bài quảng cáo thứ hai được phát hành bốn ngày sau đó, họ đã tức giận. Một bài quảng cáo nguyên một trang báo kêu gọi mọi người bằng các dòng chữ to, in đậm:

CƠ HỘI ĐÂY! CƠ HỘI ĐÂY!

Cơ hội đã đến! Cơ hội đã đến! Cơ hội đã gõ cửa! Cốc cốc cốc!

Bạn có nghe thấy không? Bạn có lắng nghe không? Bạn có hiểu không?

Bạn có chờ đợi không? Bạn có hành động ngay bây giờ không?…

Có phải một chàng Daniel thời hiện đại đã xuất hiện và những con hổ có ăn thịt chàng không?

Có phải một chàng Joseph thời hiện đại đã xuất hiện và khiến những câu đố trở nên dễ dàng?

Có phải hoàng tử Moses thời hiện đại vừa được sinh ra trên một miền đất hứa mới?55

Hãy hỏi những người hoài nghi, tại sao CLARENCE SAUNDERS lại có thể hào phóng đến vậy?

Sau khi làm rõ vấn đề là mình đang bán cổ phiếu phổ thông chứ không phải đang quảng cáo dầu rắn đa năng, Saunders nhắc lại lời đề nghị bán 55 đô-la một cổ phiếu và tiếp tục giải thích lý do ông ta rất hào phóng là với tư cách là một nhà kinh doanh có tầm nhìn dài hạn, ông ta rất nóng lòng muốn chủ nhân của cổ phiếu của Piggly Wiggly là khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ của ông chứ không phải là những con “cá mập” Phố Wall.

Mánh khóe phản đòn

Mặc dù vậy, đối với nhiều người, họ cho rằng Saunders đang hào phóng một cách ngu ngốc. Giá cổ phiếu của Piggly Wiggly trên Sàn giao dịch chứng khoán New York sau đó được đẩy lên tới 70 đô-la một cổ phiếu; có vẻ như Saunders đang tạo cơ hội cho những người có 55 đô-la trong túi sinh lời 15 đô-la mà không chịu bất cứ rủi ro nào. Người ta có thể nghi ngờ sự xuất hiện của các Daniel, Joseph hay Moses thời hiện đại, nhưng cơ hội thì thực sự đang gõ cửa.

Trên thực tế, có người hoài nghi nhưng cũng có người mắc lưới. Để bài quảng cáo nghe thật đắt giá nhưng lại không giống một vụ làm ăn, Saunders đã nghĩ ra một trò xảo quyệt chưa từng có trong cuộc chơi.

Một trong những hiểm họa lớn của thị trường chứng khoán đó là mặc dù một người chơi có thể chiến thắng đối thủ của mình nhưng đó lại là một chiến thắng Pyrrhic (ám chỉ một kiểu chiến thắng phải trả giá đắt).

Khi những người bán khống đã mất hết tiền, người thao túng thấy rằng các cổ phiếu được tích lại trong quá trình mua bán là một gánh nặng đè lên cổ anh ta; bằng cách đẩy tất cả cổ phiếu ra thị trường, anh ta có thể khiến giá cổ phiếu hạ xuống tới mức gần bằng 0.

Và nếu, giống như Saunders, ngay từ đầu anh ta đã phải vay mượn quá nhiều để dấn thân vào cuộc chơi, người chủ nợ của anh ta có thể vây bắt và có thể không chỉ giành khoản lợi nhuận mà anh ta thu được mà còn đẩy anh ta vào thế phá sản.

Rõ ràng Saunders lường trước được hiểm họa này ngay khi thấy một vụ thao túng sắp xảy ra và theo đó, ông ta lập các kế hoạch đẩy đi một số cổ phiếu của mình trước khi thắng cuộc chơi thay vì để đến sau khi thắng cuộc.

Vấn đề của Saunders là ông ta giữ cổ phiếu mình bán không quay lại nguồn cung luân chuyển bởi như thế sẽ phá vỡ kế hoạch thao túng của ông; giải pháp của ông là bán cổ phiếu với giá 55 đô-la theo hình thức mua trả góp.

Trong các bài quảng cáo vào tháng Hai, ông quy định rằng công chúng có thể mua cổ phiếu chỉ cần trả ngay 25 đô-la, còn 30 đô-la còn lại có thể trả từng lần một vào ngày 1 tháng 6, 1 tháng 9 và 1 tháng 12.

Quan trọng hơn, ông sẽ không cấp giấy chứng nhận mua cổ phiếu cho người mua cho đến khi người mua đã thanh toán đủ số tiền. Bởi người mua không thể bán giấy chứng nhận khi trong tay chưa có chúng nên cổ phiếu không thể được sử dụng để tái bổ sung vào nguồn cung luân chuyển. Do đó, Saunders có thời gian đến tận ngày 1 tháng 12 để kiếm chác cùng kiệt từ những người bán khống.

Chỉ sau khi vỡ nhẽ, người ta mới nhìn thấu kế hoạch của Saunders, bởi thủ đoạn khi ấy của ông ta khác hẳn với những gì chính thống đến mức trong một khoảng thời gian các nhà quản lý của Sở giao dịch chứng khoán lẫn Livermore đều không thể biết chắc người đàn ông ở Memphis này sẽ làm gì tiếp theo.

Sở giao dịch chứng khoán bắt đầu mở một cuộc điều tra chính thức và Livermore bắt đầu thấy bất trắc; nhưng ông ta vẫn tiếp tục mua cổ phiếu cho tài khoản của Saunders và đã đẩy giá cổ phiếu của Piggly Wiggly lên đến hơn 70 đô-la thành công.

Tại Memphis, Saunders vẫn ung dung tự tại; tạm thời ông ta ngừng tán tụng cổ phiếu của Piggly Wiggly trên các bài quảng cáo và nhường chỗ cho những táo, bưởi, hành, thịt nguội và bánh ngọt hiệu Lady Baltimore.

Tuy vậy vào đầu tháng Ba, ông chạy một quảng cáo tài chính khác, nhắc lại lời đề xuất mua cổ phiếu và mời bất cứ độc giả nào muốn trao đổi với ông đến văn phòng tại Memphis. Ông ta cũng nhấn mạnh rằng cần hành động nhanh chóng vì thời gian không còn nhiều nữa.

Đến giờ, rõ ràng Saunders đang cố thâu tóm thị trường và trên Phố Wall, không phải chỉ có những người muốn hạ giá cổ phiếu của Piggly Wiggly cảm thấy lo lắng.

Cuối cùng, Livermore đã không thể chịu đựng được hơn nữa: vào năm 1908, ông ta đã mất gần một triệu đô-la khi cố gắng thao túng thị trường bông. Ông ta yêu cầu Saunders đến New York và trao đổi một cách kỹ lưỡng.

Sáng ngày 12 tháng 3, Saunders đến New York. Như ông trao đổi với các phóng viên sau cuộc họp với Livermore, hai bên có quan điểm khác nhau; ông nói bằng một giọng khá thất vọng: “Tôi cảm thấy Livermore có vẻ dè dặt trước tình hình tài chính của tôi và ông ta không muốn dính líu đến bất cứ một vụ sụp đổ của thị trường nào nữa”.

Kết quả của cuộc họp báo là Livermore rút lui khỏi việc xoay xở của Piggly Wiggly, tách khỏi Saunders để tự mình kinh doanh.

Sau đó, Saunders đáp chuyến tàu tới Chicago để tham dự một số thương vụ. Ở Albany, ông nhận được một cuộc điện đàm từ một thành viên của Sở giao dịch chứng khoán, người mà ông coi như một người bạn trong thế giới đầy sự lừa bịp và giả dối.

Qua cuộc điện đàm, ông nhận được tin rất nhiều người trong hội đồng chứng khoán không đồng tình với những chiêu trò mà ông đã tung ra và họ yêu cầu ông dừng ngay việc tạo thị trường thứ hai bằng việc quảng cáo giảm giá cổ phiếu xuống mức thấp hơn nhiều so với giá niêm yết trên thị trường.

ClarenceAd

Một trong những quảng cáo trên báo của Clarence Sauders vào năm 1924. Ảnh Facebook

Ở ga tiếp theo, Saunders điện lại với câu trả lời khá lãnh đạm. Ông cho biết nếu Sàn giao dịch lo lắng về nguy cơ của một vụ thao túng, ông có thể đảm bảo với các nhà quản lý trên Sàn rằng họ có thể gạt bỏ nỗi sợ sang một bên vì chính ông đang duy trì nguồn cung luân chuyển bằng cách cho vay cổ phiếu với số lượng tùy thích. Nhưng ông không cho biết ông sẽ tiếp tục làm việc đó trong thời gian bao lâu.

Một tuần sau, vào thứ Hai, ngày 19 tháng 3, Saunders ra thông báo trên một tờ báo rút lại lời đề nghị bán cổ phiếu của mình, đó là thông báo cuối cùng.

Sau đó, ông cho biết đã thu về tổng cộng 198.872 trong tổng số 200.000 cổ phiếu của Piggly Wiggly đang lưu hành trên thị trường, ngoại trừ 1.128 cổ phiếu ông làm chủ sở hữu một phần và phần còn lại thì ông “kiểm soát”: chính là những cổ phiếu được mua trả góp với giấy chứng nhận ông vẫn đang cầm trong tay.

Thực ra, con số này gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận rằng Saunders có trong tay từng cổ phiếu của Piggly Wiggly được tung ra giao dịch và nhờ đó, ông có thể thao túng.

Cũng vào ngày đó, Saunders gọi điện cho Livermore và hỏi xem Livermore có thể cầm cự đủ lâu để xử lý cho xong dự án Piggly Wiggly; nói cách khác, Livermore có thể “bật bẫy” để hoàn tất chiêu bài của dự án không. Livermore trả lời bản thân mình không dính líu gì đến việc này. Do vậy vào buổi sáng ngày hôm sau, thứ Ba, ngày 20 tháng 3, Saunders tự mình “bật bẫy” để thực hiện nốt chiêu bài đã đề ra.

Đó là một trong những ngày hoang mang nhất ở Phố Wall. Piggly Wiggly mở phiên giao dịch với giá 75,5 đô-la, cao hơn 5,5 đô-la so với giá đóng phiên của ngày hôm trước. Sau một tiếng, có tin đồn rằng Saunders đã yêu cầu giao hết cổ phiếu của Piggly Wiggly.

Theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán, trong trường hợp như vậy, việc giao hàng phải được thực hiện vào lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày hôm sau. Nhưng Saunders biết chắc rằng, Piggly Wiggly không cần phải làm như vậy trừ khi Saunders muốn.

Để chắc chắn, một số cổ phiếu vẫn do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ và những kẻ bán khống điên cuồng muốn các nhà đầu tư kia nhả ra thì càng cố gắng chào giá cao hơn.

Nhưng nhìn chung, không có nhiều giao dịch thực sự của Piggly Wiggly vì chỉ còn một số lượng nhỏ cổ phiếu Piggly Wiggly được giao dịch.

Nơi diễn ra mua bán trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán trở thành trung tâm của cảnh tượng hỗn loạn khi hai phần ba số nhà môi giới tụ họp với nhau, một vài trong số đó là để đấu giá, nhưng hầu hết chỉ đến để giục giã, hò reo hay tham gia vào cuộc vui.

Những người bán khống không còn con đường nào khác phải mua cổ phiếu Piggly Wiggly với giá 90 đô-la, sau đó là 100 đô-la rồi tới 110 đô-la. Các báo cáo về những khoản lợi nhuận cực lớn khiến mọi người chao đảo.

Trong khi kẻ đầu cơ giá hạ kêu khóc thì nhà đầu tư đến từ Providence, người mua 1.100 cổ phiếu với giá 39 đô-la vào mùa thu trước đã bán cổ phiếu của mình với giá trung bình là 105 đô-la và trở về nhà ngay chiều hôm đó với khoản tiền lãi hơn 70.000 đô-la.

Dù vậy, anh ta đã có thể ăn lãi nhiều hơn nếu anh ta chờ được đúng thời cơ; vào buổi trưa hoặc muộn hơn một chút, giá cổ phiếu của Piggly Wiggly tăng lên đến 124 đô-la và dường như còn muốn leo “xuyên mái nhà”.

Khi giá vừa đạt 124 đô-la, xuất hiện tin đồn rằng các nhà quản trị của Sở giao dịch đang họp để cân nhắc đình chỉ những giao dịch cổ phiếu và trì hoãn thời hạn giao hàng của những người bán khống. Động thái này giúp những kẻ đầu cơ giá hạ có thời gian để tìm kiếm cổ phiếu nhằm làm suy yếu, nếu không thể phá vỡ, ý đồ thao túng của Saunders.

Do có tin đồn như vậy, cổ phiếu Piggly Wiggly giảm xuống còn 82 đô-la khi Sở giao dịch đóng cửa, kết thúc phiên giao dịch hỗn loạn.

Tin đồn có vẻ là đúng sự thật. Sau khi đóng phiên giao dịch, Ủy ban quản trị của Sở giao dịch tuyên bố dừng giao dịch cổ phiếu Piggly Wiggly và kéo dài thời hạn giao hàng của người bán khống “đến khi Ủy ban có hành động tiếp theo”.

Không có một lý do chính thức nào được đưa ra giải thích cho quyết định này, nhưng một số thành viên của Ủy ban tiết lộ không chính thức rằng họ sợ xảy ra tình cảnh tương tự như trường hợp Bắc Thái Bình Dương nếu vụ thao túng này không được giải quyết.

Mặt khác, những người đứng ngoài cuộc có vẻ phân vân là liệu Ủy ban quản trị có bị lay động trước hoàn cảnh khó khăn của những người bán khống bị thao túng không trong khi rất nhiều người trong số họ có thể là thành viên của Sở giao dịch giống như trong trường hợp Stutz Motor hai năm trước.

Mặc dù vậy, vào buổi tối ngày thứ Ba, Saunders đang ở Memphis với một tâm trạng hân hoan và cởi mở. Chốt lại, lợi nhuận trên giấy của ông rơi vào khoảng vài triệu đô-la. Vấn đề là ở chỗ chúng chỉ toàn trên giấy tờ, không thể lấy ra được.

Khi lên giường đi ngủ, ông tin chắc rằng ngoài việc tạo ra một mớ hỗn độn nhất từ trước đến nay tại Sở giao dịch, ông đã kiếm được một khoản kếch xù và thể hiện được rằng một cậu bé phương Nam nghèo đói có thể dạy cho những kẻ thành thị ma lanh một bài học như thế nào.

Nhưng cảm giác đó không kéo dài lâu. Vào tối thứ Tư, khi Saunders phát biểu về cuộc khủng khoảng Piggly, tâm trạng của ông chuyển sang pha lẫn bối rối, bất chấp dư âm hào hứng từ chiến thắng đêm hôm trước.

“Nói ví von thì con dao lam đã kề vào cổ (bị đe dọa) chính là lý do tại sao bỗng dưng tôi hành động nhằm vào Phố Wall, những kẻ chơi cờ bạc và thao túng thị trường,” ông tuyên bố trong một bài phỏng vấn báo chí.

“Đó quả thật là một câu hỏi liệu tôi có nên tồn tại, cả công việc kinh doanh của tôi và cơ đồ của những người bạn của tôi nữa, hay liệu tôi có đáng bị Tennessee đánh từ phía sau và coi là một kẻ ngốc nghếch không. Và kết quả là ban quản trị Phố Wall hay khoe khoang và mạnh mẽ đã tìm ra được phương pháp của họ từ những kế hoạch kỹ lưỡng và hành động nhanh chóng”.

Saunders kết thúc bài phát biểu của mình bằng thông báo: mặc dù Sở giao dịch chứng khoán kéo dài thời hạn nhưng ông hy vọng sẽ được thanh toán toàn bộ cổ phiếu bán khống vào 3 giờ chiều của ngày hôm sau, tức là thứ Năm, với giá 150 đô-la/cổ phiếu, còn sau đó giá của ông đưa ra sẽ là 250 đô-la/cổ phiếu.

Vào thứ Năm, Saunders ngạc nhiên khi biết rằng chỉ một vài người bán khống đến để thanh toán; có thể những người đó không thể chịu đựng được sự bấp bênh.

ClarencePW

Clarence Saunders bên cạnh logo thương hiệu Piggy Wiggly nổi tiếng của mình. Ảnh Teletype

Nhưng sau đó, Ủy ban quản trị vạch mặt Saunders bằng cách thông báo cổ phiếu của Piggly Wiggly bị tác động mạnh và các nhà bán khống được gia hạn thêm 5 ngày kể từ thời hạn cũ – tức là đến 2 giờ 15 của ngày thứ Hai tới – để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tại Memphis, Saunders không thể bỏ lỡ những thông tin này, giờ ông ta đang mất mọi thứ. Ông không nhầm khi thấy rằng việc trì hoãn thời hạn cho những người bán khống là một vấn đề sống còn.

“Tôi hiểu vấn đề,” ông nói trong một phát biểu khác với các phóng viên vào buổi tối ngày hôm đó, “người môi giới không thể thanh toán nợ qua Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm được yêu cầu cũng giống như một ngân hàng không thể thanh toán được nợ, tất cả chúng ta đều biết chuyện gì sẽ xảy đến với ngân hàng đó. Điều tra viên của ngân hàng sẽ dán lên cửa ngân hàng bảng thông báo ‘Đóng cửa’.

Tôi không thể tin được là Sở giao dịch chứng khoán đáng kính và đầy quyền lực là một kẻ thất hứa. Do đó, tôi tiếp tục tin rằng… số cổ phiếu người ta vẫn nợ tôi trên hợp đồng sẽ được thanh toán”.

Một bài xã luận trên tờ Commercial Appeal của Memphis hậu thuẫn cho lời phát biểu của Saunders như sau: “Sự việc này giống như điều mà những người chơi cờ bạc gọi là ‘chạy làng’. Chúng tôi hy vọng chàng trai tỉnh lẻ này sẽ đánh cho họ tơi tả.”

Vào cùng ngày thứ Năm đó, một cách trùng hợp, báo cáo tài chính thường niên của các cửa hàng Piggly Wiggly được công bố. Đó là một bản báo cáo rất tốt: doanh số, lợi nhuận, tài sản lưu động và tất cả những con số quan trọng khác đều tăng cao trong vòng một năm qua; nhưng không ai chú ý đến bản báo cáo đó cả. Lúc đó, giá trị thực sự của công ty không phải thứ quan trọng, quan trọng là “cuộc chơi”.

Sáng thứ Sáu, quả bong bóng Piggly Wiggly vỡ tung. Nó nổ vì Saunders, người đã từng tuyên bố giá cổ phiếu của ông ta sẽ tăng lên đến 250 đô-la một cổ phiếu sau 3 giờ chiều ngày thứ Năm, đã đưa ra tuyên bố sốc là sẽ chốt lại giá 100 đô-la một cổ phiếu.

Người ta chất vấn ông E. W. Bradford, vị luật sư người New York của Saunders, là tại sao Saunders bỗng nhiên lại hạ giá bất thường như vậy. Saunders làm vậy vì sự hào phóng, Bradford trả lời, nhưng sự thật nhanh chóng được tiết lộ: Saunders nhượng bộ là do ông ta buộc phải làm như vậy.

Sở giao dịch ra quyết định trì hoãn thời hạn cho những người bán khống và môi giới để họ có cơ hội rà soát lại danh sách các cổ đông của Piggly Wiggly, từ đó tìm ra những cổ phiếu mà Saunders không thao túng.

Những người khờ dại nắm giữ cổ phiếu tại thành phố Albuquerque và Sioux không biết gì về bán khống và thao túng đã quá vui mừng nên khi được thúc ép, họ về lục tung nhà và két để bán ra thị trường ngoài Sở giao dịch (OTC) bởi lẽ chúng không thể được giao dịch trên Sàn – 10 đến 20 cổ phiếu Piggly Wiggly với giá ít nhất là gấp đôi giá mua vào.

Kết quả là, thay vì phải mua cổ phiếu từ Saunders với giá 250 đô-la và đưa trả lại ông ta để thanh toán nợ, rất nhiều nhà bán khống có thể mua cổ phiếu trên thị trường OTC với giá khoảng 100 đô-la để trả cho đối thủ người Memphis của mình không phải bằng tiền mặt mà bằng chính cổ phiếu Piggly Wiggly, thứ mà khi ấy ông ta không mong muốn nhất.

Vào đêm thứ Sáu, những người bán khống đã thanh toán xong hết nợ nần bằng cách mua cổ phiếu trên thị trường OTC hoặc trả tiền mặt cho Saunders với giá do ông ta giảm bất ngờ, 100 đô-la một cổ phiếu.

Buổi tối hôm đó, Saunders đưa ra một lời phát biểu khác, vẫn với thái độ ngang ngạnh nhưng rõ ràng là chất chứa một sự buồn rầu.

“Phố Wall bị đốn gục và sau đó phải gọi ‘mẹ’ đến ứng cứu. Trong số tất cả các cơ quan trên nước Mỹ, Sở giao dịch chứng khoán New York là hung thần có quyền hành nhất trong việc sử dụng quyền lực của mình để hủy hoại tất cả những ai dám chống lại. Nó có một bộ luật của riêng, một nhóm người tự xưng quyền mà không vị vua hay người chuyên quyền nào dám đảm nhận: đưa ra một quy định áp dụng một ngày trên hợp đồng, chấm dứt vào ngày hôm sau và để ‘sổng’ một loạt kẻ ‘chạy làng’. Cả cuộc đời tôi, kể từ ngày này, sẽ dành để bảo vệ công chúng khỏi sự cố tương tự. Tôi không sợ đâu. Phố Wall hãy bắt tôi nếu có thể”.

Nhưng dường như Phố Wall đã bắt được Saunders; kế hoạch thao túng của ông ta bị phá sản khiến ông ta trở thành con nợ của một nhóm chủ ngân hàng ở phía Nam và phải hứng chịu một núi cổ phiếu mà tương lai của chúng rất gian nan.

Sự nổi giận của Saunders không phải là không được chú ý tại Phố Wall và kết quả là Sở giao dịch cảm thấy buộc phải thanh minh cho mình.

Vào thứ Hai, ngày 26 tháng 3, ngay sau thời hạn dành cho những người bán khống cổ phiếu Piggly Wiggly và sự thao túng của Saunders đã chết, Sở giao dịch đưa ra một lời biện hộ dưới dạng rà soát lại cuộc khủng hoảng từ đầu đến cuối.

Trong bản biện hộ này, Sở giao dịch nhấn mạnh đến mối nguy hiểm tới cộng đồng có thể xảy ra nếu vụ thao túng này không được giải quyết, giải thích rằng: “Việc thực thi tất cả hợp đồng để thu hồi cổ phiếu sẽ đẩy giá cổ phiếu lên đến bất cứ mức giá nào mà ông Saunders đưa ra và việc đấu giá cạnh tranh đối với nguồn cung không đủ có thể gây ra những tình huống đã xảy ra trong các vụ thao túng khác, như vụ Bắc Thái Bình Dương vào năm 1901”.

Sau đó, họ tiếp tục với giọng điệu nhân nhượng mộc mạc hơn: “Một tình huống như thế này không chỉ gây nản lòng cho những ai trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các hợp đồng chứng khoán mà còn gây ảnh hưởng liên đới đến toàn bộ thị trường”.

Nhấn mạnh vào hai hành động cụ thể đã thực hiện, tạm dừng việc giao dịch cổ phiếu Piggly Wiggly và kéo dài thời hạn cho những người bán khống, Sở giao dịch chứng khoán giải thích rằng cả hai quyết định đó đều nằm trong giới hạn của Hiến pháp và quy định của Sở, do đó không thể trách cứ họ. Sở giao dịch nói cũng có lý vì trong những ngày này, các quy định của Sở chỉ xoay quanh việc kiểm soát giao dịch cổ phiếu mà thôi.

Vậy câu hỏi, liệu những kẻ mánh khóe có chơi “đẹp” với những kẻ khờ dại không vẫn là một cuộc tranh cãi trong nghiên cứu về tài chính.

Có một bằng chứng có cơ sở là chính những kẻ mánh khóe sau này cũng cảm thấy có những nghi ngờ. Không có gì phải bàn cãi về quyền của Sở giao dịch chứng khoán trong việc đình lại giao dịch mua bán cổ phiếu vì đó là quyền được nêu trong Hiến pháp của Sở, theo như Sở giải thích. Nhưng quyền trì hoãn thời hạn đối với những người bán khống để tạo điều kiện cho họ thực hiện hợp đồng lại là một chuyện khác.

(Theo Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh)

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc đời của Clarence Saunders, kẻ thao túng túng 'vĩ đại' thị trường chứng khoán Mỹ-Kỳ cuối: Tôi đã có phố Wall

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ