Cổ đông ủng hộ MB giải cứu ngân hàng yếu kém

Nhàđầutư
Lãnh đạo MBB khẳng định việc sáp nhập sẽ giúp ngân hàng có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5-2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
KHÁNH AN
25, Tháng 04, 2022 | 12:28

Nhàđầutư
Lãnh đạo MBB khẳng định việc sáp nhập sẽ giúp ngân hàng có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5-2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

20220425_091014

Toàn cảnh ĐHĐCĐ MBB sáng 25/4. Ảnh KA

Sáng ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng vốn và phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Theo đó, trong năm 2022, ĐHĐCĐ MBB đã thông qua mục tiêu lãi trước thuế 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện năm 2021. Ở trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, ngân hàng dự kiến lãi trước thuế khoảng 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, MBB đề ra kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng 15%, lên mức 700.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 16%, đạt 472.600 tỷ đồng. Cùng với đó, ngân hàng dự định tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ, ESOP và chia cổ tức.

Cụ thể, ngân hàng sẽ triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ năm 2021 đã thông qua, trong đó dự kiến phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP và 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (tối đa 43 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu).

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.206,6 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% và phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Với tổng số vốn tăng thêm 9.099 tỷ đồng, MBB dự kiến dùng 5.811 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực (bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, trụ sở tại khu vực TP. HCM…) và 3.288 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác.

Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Đáng chú ý, 91,03% cổ phần có quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ ngày 25/4 cũng đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Cụ thể, căn cứ Luật các TCTD, sau khi MBB nhận chuyển giao bắt buộc TCTD thì MBB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MBB.

MBB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: MBB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MBB; MBB và TCTD được chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Ban lãnh đạo MBB cho biết, với nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, ngân hàng kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng này, mở ra cơ hội để tăng tốc từ 1,5 – 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng và mạng lưới khách hàng.

“Phương án chuyển giao bắt buộc mang tính dài hạn và khó khăn, tuy nhiên điều này sẽ giúp ích cho xã hội và nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của MBB trên thị trường, do vậy cần sự đồng thuận cao của các cổ đông”, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBB nói.

Liên quan đến vấn đề trên, một cổ đông năm nay 77 tuổi và tham gia chứng khoán từ 1996 chia sẻ rằng báo cáo của ông Lưu Trung Thái rất chi tiết, tạo sự yên tâm, do vậy cổ đông này hoàn toàn ủng hộ việc giải cứu ngân hàng yếu kém.

“Nếu không giải cứu sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền và MBB sẽ bị ảnh hưởng. Theo ý kiến cá nhân của tôi, chúng ta phải giải cứu thì thị trường ngân hàng mới tốt lên. Tôi tin MBB nắm đằng chuôi trong dự án này”, cổ đông của MBB nêu quan điểm.

Dù vậy, cũng có những cổ đông bày tỏ ý kiến lo ngại trước việc MBB nhận chuyển giao một ngân hàng yêu kém. “Chúng tôi rất vui khi đọc kế hoạch đến năm 2026 vốn điều lệ ngân hàng sẽ nâng lên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng việc bắt buộc chuyển nhận một TCTD yếu kém sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chia cổ tức. Đề nghị ban lãnh đạo nghiên cứu kỹ vấn đề này bởi nếu nhận chuyển giao sẽ rất nguy hiểm”.

Giải đáp thắc mắc của các cổ đông, ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh việc nhận chuyển giao này là bắt buộc.

"MBB là một trong 7 ngân hàng được mời đến tham gia dự án chuyển giao bắt buộc, Vietcombank cũng có một phương án, và MBB cũng được lựa chọn vì chúng ta có khả năng tốt, cần đóng góp cho ngành ngân hàng. Dự án này cũng là tự nguyện của MBB bởi hàng năm, nhu cầu tăng trưởng của chúng ta lớn hơn khả năng đang được NHNN cho phép. Hiện MBB hàng năm tăng trưởng 20-25% nhưng ta có thể tăng trưởng 30-35% mà vẫn an toàn. Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, MBB sẽ được nhận ưu tiên mở rộng không gian tăng trưởng", ông Thái nói.

Theo Tổng giám đốc MBB, lộ trình sáp nhập và nhận chuyển giao MBB không phải bỏ tiền để mua lại ngân hàng này. HĐQT đề nghị cổ đông cho phép nhận TCTD này, hiện chưa công bố danh tính song lỗ lũy kế của TCTD được nhận chuyển giao sẽ không vượt quá 20.000 tỷ đồng. Biện pháp lớn nhất để tái cấu trúc là TCTD này sẽ được vay một khoản tiền với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu, 7-8 năm sẽ giải quyết xong lỗ lũy kế của TCTD. Sau khi triển khai tái cơ cấu, hai phương án có thể thực hiện là sáp nhập vào MBB hoặc bán TCTD này như một khoản đầu tư của MBB.

Liên quan đến câu hỏi việc nhận chuyển giao này có ảnh hưởng đến chuyển đổi số không, thì câu trả lời của lãnh đạo MBB là có, tuy nhiên ảnh hưởng sẽ theo chiều hướng tốt khi được mở rộng các kênh thu hút khách hàng đến giao dịch, MBB sẽ có thêm 100 chi nhánh giao dịch mới.

Với cổ đông hiện hữu của TCTD được nhận chuyển giao, lãnh đạo MBB cho biết hiện nay TCTD này thuộc sở hữu của Nhà nước, do đó MBB không có trách nhiệm giải quyết vấn đề lợi ích với cổ đông của ngân hàng này.

“Đã là kinh doanh chắc chắn có rủi ro về kinh tế, nhưng vấn đề là nó diễn ra nhanh hay chậm thôi. Chúng tôi sẽ rà soát các hồ sơ, các khoản vay, khoản nợ, TSĐB đồng thời thuê kiểm toán quốc tế kiểm tra tài sản của TCTD được nhận chuyển giao. Thủ tục rất chặt chẽ, chúng tôi sẽ giảm thiểu mức thấp nhất về rủi ro kinh tế”, Tổng giám đốc MBB khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ