Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: 'Thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn tiếp tục phát triển tích cực'

Nhàđầutư
Chủ tịch UBCKNN nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực, chương trình phục hồi kinh tế đã được thông qua, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...
HUY NGỌC
07, Tháng 02, 2022 | 09:27

Nhàđầutư
Chủ tịch UBCKNN nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực, chương trình phục hồi kinh tế đã được thông qua, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...

NDT - Ong TRAN VAN DUNG

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: D.T.

Bất chấp làn sóng đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, VN-Index năm qua tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, vượt qua các mốc điểm quan trọng là 1.200, 1.300, rồi vượt 1.500 điểm vào phiên 25/11. TTCK Việt Nam vươn lên đứng đầu  khu vực ASEAN về tăng trưởng chỉ số; thanh khoản thị trường cũng đạt ngưỡng kỷ lục với nhiều phiên xấp xỉ 2 tỷ USD trên 3 sàn, tiệm cận mức thanh khoản của thị trường hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan.

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Nhâm Dần, Tạp chí Nhà Đầu tư có cuộc phỏng vấn với ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

TTCK tiếp tục có một năm tăng trưởng tốt khi tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới (vượt 1.500 điểm ngày 25/11/2021). Ông đánh giá thế nào về tình hình TTCK trong năm 2021 và các yếu tố nào giúp TTCK tăng trưởng?

Ông Trần Văn Dũng: Năm 2020 và 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội của đất nước nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, huy động vốn và số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới.  

Trên thị trường cổ phiếu, VN-Index có sự phát triển bứt phá với chỉ số thiết lập mức đỉnh lịch sử đạt 1.500,81 điểm. Chốt phiên giao dịch 31/12, VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với thời điểm cuối năm và đứng trong top các chỉ số tăng mạnh nhất trên thế giới. Thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.603 tỷ đồng/phiên, tăng 259% so với bình quân năm 2020, ghi nhận phiên giao giao dịch kỷ lục trên 2,3 tỷ USD, xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong năm 2021 đạt hơn 1,5 triệu, bằng con số trong cả giai đoạn 2015-2020 cộng lại, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Thị trường trái phiếu Chính phủ duy trì ổn định với quy mô niêm yết của đạt 1,48 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11,26 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2020. Thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng đa dạng sản phẩm, sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 190 nghìn hợp đồng/phiên, tăng 22% so với năm trước.

Trong 11 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu , trái phiếu doanh nghiệp  và đấu giá cổ phần hóa ước đạt 143.924 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần; Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy TTCK tiếp tục là là kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân trong nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Kết quả ấn tượng trên đạt được nhờ các yếu tố sau:

Thứ nhất, cần nhấn mạnh đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và sự ổn định về vĩ mô của Việt Nam. Trong điều kiện dịch bệnh, hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu kép, với các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã giúp giữ được mức tăng trưởng GDP 2,58% trong năm 2021.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp dẫn đến dòng tiền tiết kiệm của người dân và tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp chưa đầu tư vào sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 tạm thời dịch chuyển vào thị trường tài sản, nhất là TTCK và thị trường bất động sản; cùng với đó là sự gia tăng kỷ lục số lượng nhà đầu tư với 1,5 triệu tài khoản mở mới;

Thứ ba, những nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh bình thường mới, theo thống kê chưa đầy đủ, trên 80% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán vẫn có kết quả kinh doanh khả quan với sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận với mức lãi tăng 33% so với năm 2020;

Thứ tư, là sự triển khai kịp thời và đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã góp phần tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi; các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN như miễn giảm phí, lệ phí, giá dịch vụ trên TTCK.

Theo ông trong năm 2022, thị trường sẽ đối mặt với những cơ hội và thách thức nào?

Ông Trần Văn Dũng: Năm 2022, tôi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi những yếu tố tích cực. Thứ nhất, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%/năm, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đều tin tưởng vào khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thứ hai, chương trình phục hồi kinh tế đã được Quốc hội thông qua với thời gian áp dụng tập trung trong hai năm 2022-2023 với 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công; cải cách hành chính sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, phát triển, qua đó hỗ trợ TTCK Việt Nam giữ được đà phát triển bền vững trong thời gian tới. Thứ ba, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, dẫn tới dòng tiền tiếp tục có khả năng vẫn thu hút vào TTCK.

Ngoài ra, dư địa phát triển của thị trường vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tác động của các gói kích thích kinh tế, và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022… Bên cạnh đó, các tính năng mới dự kiến sẽ được triển khai, đưa hệ thống giao dịch của hệ thống KRX vào triển khai theo kế hoạch chung sẽ tạo cơ hội cho thị trường phát triển các sản phẩm mới. Với các yếu tố kể trên, TTCK trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn phải đối mặt với những thách thức khi nguy cơ của đại dịch COVID-19 vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp kéo dài và tiếp tục tác động đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng; chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, các gói kích thích kinh tế siết lại, lạm phát tăng cao. Cùng với đó, việc gia tăng của giá nguyên vật liệu cũng là những thách thức với hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Đó là những yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để quản trị rủi ro.

UBCKNN sẽ tập trung vào các giải pháp nào để thúc đẩy TTCK phát triển trong năm 2022?

Ông Trần Văn Dũng: Như đã phân tích, triển vọng TTCK Việt Nam được đánh giá có nhiều điểm sáng tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, để TTCK tiếp tục phát triển, trong năm 2022, UBCKNN đặt ra các mục tiêu trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, UBCKNN sẽ trình các cấp ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển Thị trường Chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn. Chiến lược mới sẽ khẳng định quan điểm phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu nhằm hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính, tăng tính liên kết giữa thị trường vốn dài hạn với thị trường tiền tệ tín dụng, thị trường bảo hiểm. Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, nhưng phải chuyển hướng chú trọng nhiều hơn về chất lượng và tính bền vững để thị trường chứng khoán khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.

Thứ ba, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để tạo điều kiện triển khải các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chúng đầu tư.

Thứ tư, đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán. Trên cơ sở cơ cấu mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã hình thành sẽ bắt tay thực hiện lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Thứ năm, tham gia chỉ đạo xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chuyên biệt tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trên cơ sở đó sẽ tái cấu trúc toàn diện thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hoàn thiện cơ cấu thị trường tài chính tại Việt Nam.

Thứ sáu, phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường.

Thứ bảy, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.

Thứ tám, triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng mới nổi (frontier market) lên hạng cận biên (emerging market) trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ