Chính phủ xin rút quy định ngày 27/7 là ngày nghỉ

Nhàđầutư
Trước những ý kiến trái chiều về việc đưa ngày 27/7 là ngày nghỉ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ xin Quốc hội chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
THẮNG QUANG
13, Tháng 06, 2019 | 08:20

Nhàđầutư
Trước những ý kiến trái chiều về việc đưa ngày 27/7 là ngày nghỉ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ xin Quốc hội chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến trái chiều về quy định ngày 27/7 là một ngày nghỉ lễ chính thức trong năm.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng bổ sung một ngày nghỉ lễ là ngày thương binh liệt sỹ 27/7 dương lịch là hợp lý để người lao động có thêm một ngày nghỉ, thực hiện các hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước

Đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, nhằm bao quát được đối tượng người có công và phù hợp với mục đích quy định của ngày nghỉ này, bà đề nghị đặt tên ngày nghỉ là ngày tri ân người có công với nước.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) góp ý về ngày nghỉ, ngày lễ, ngày nghỉ tuần như hiện tại là hợp lý. Do vậy, ông cho hay nên giữ nguyên như quy định hiện nay.

"Tuy nhiên, điểm g khoản 1 Điều 113 quy định nghỉ thêm 1 ngày thương binh liệt sĩ 27/7 dương lịch. Hiện, đang có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi cần phải đánh giá lại tác động khi nghỉ thêm 1 ngày, đồng thời phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân", vị đại biểu nêu quan điểm.

dao-ngoc-dung

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm. Ảnh: Bảo Lâm.

Tranh luận lại các đại biểu ủng hộ lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) phân tích trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã hy sinh nhiều thế hệ để đấu tranh chống ngoại xâm, dành độc lập dân tộc.

Đến nay, tuy chiến tranh đã lùi xa, hậu quả của nó vẫn còn đọng mãi với nhiều cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Công lao đó không chỉ có các thế hệ thời chống Pháp, chống Mỹ mà xuyên suốt khắp chiều dài lịch sử.

Theo ông, ngày 27/7 là ngày thương binh, liệt sỹ, gắn với cuộc chiến hào hùng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đây là giai đoạn rất đặc biệt, liên quan đến người Việt Nam ở các chế độ khác nhau, chiến tuyến khác nhau, nhưng nay đã và đang sống gắn kết bên nhau. Ngày 27/7 là ngày lễ, ngày tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công đã được thực hiện thường xuyên trong rất nhiều năm qua.

Vị đại biểu này cũng nhận định nếu lấy đó làm ngày nghỉ thì theo tôi cần phải cân nhắc kỹ, vì nó là tình cảm, niềm tin của người này thì có thể sẽ là nỗi bất an của người khác, sẽ động chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của rất nhiều người.

"Tôi đặt vấn đề nếu nghỉ ngày 27/7 để tổ chức hoạt động tri ân trong bối cảnh ấy thì có nên không? có tác động gì đến tư tưởng, tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc hay không? Xin trân trọng cảm ơn", đại biểu Thưởng nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội) với một số đại biểu phát biểu về tên gọi "ngày tri ân". Ông cho biết từ năm 1947, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/7 đã được chọn và mang tên là ngày thương binh liệt sĩ để tri ân sự hy sinh xương máu của các liệt sỹ, thương binh cho đất nước.

Đã hơn 70 năm nay, hoạt động tri ân của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã được Đảng, Nhà nước và toàn dân tổ chức long trọng, thành kính. Ngày 27/7 - ngày tri ân các thương binh, liệt sỹ đã in sâu trong ký ức, trí nhớ của mỗi người dân Việt.

Ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ, đổi tên thành "ngày tri ân" chung chung, không rõ đối tượng thì sẽ ảnh hưởng đến việc tri ân cụ thể, thiết thực đối với các thương binh, liệt sỹ và dễ tri ân sai đối tượng, kể cả gọi là ngày tri ân với người có công cũng chưa ổn vì bố mẹ, thầy cô giáo v.v... về phương diện nào cũng là người có công.

"Khi đó, ngày tri ân cho thương binh, liệt sỹ sẽ trở lên nhạt nhòa và không sâu sắc, thậm chí có thể bị người xấu lợi dụng để tổ chức những hoạt động tri ân không phù hợp. Tóm lại, ở một đất nước đã phải tốn rất nhiều xương máu mới có độc lập, tự do như chúng ta, xin cứ để ngày 27/7 là ngày thương binh, liệt sỹ, đừng đổi tên của ngày tri ân thiêng liêng đó", đại biểu TP. Hà Nội phân tích.

Giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng ban soạn thảo đưa ngày 27/7 là ngày nghỉ trong dự thảo đề cập nêu rõ vấn đề ý nghĩa, tính nhân văn.

"Tuy nhiên, qua ý kiến đại biểu phát biểu hôm nay và Chính phủ tiếp thu lắng nghe, Chính phủ xin Quốc hội chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo", ông Đào Ngọc Dung nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ