'Chính phủ phải có trách nhiệm với khoản vay hơn 2,6 tỷ USD làm sân bay Long Thành'

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV huy động đầu tư vào dự án sân bay Long Thành, dự kiến phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD, thì Chính phủ phải có trách nhiệm với khoản vay này.
THẮNG QUANG
12, Tháng 11, 2019 | 11:36

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV huy động đầu tư vào dự án sân bay Long Thành, dự kiến phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD, thì Chính phủ phải có trách nhiệm với khoản vay này.

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đa số các đại biểu ủng hộ việc sử dụng vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước, kết hợp nguồn xã hội hóa dưới hình thức công tư.

Băn khoăn khả năng huy động hàng tỷ USD

Cho ý kiến về phương án huy động vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV huy động đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế hoặc trong nước, giải ngân trong giai đoạn 2021-2025.

Theo ông, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối (chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu), nên dù doanh nghiệp này huy động vốn dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam. Theo con mắt của nhà đầu tư quốc tế, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, Chính phủ vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.

Tuy nhiên, đại biểu Đồng cũng nhận định do tầm quan trọng quốc gia của dự án đầu tư, cũng như do vị thế và tiềm lực của ACV ở Việt Nam, khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV (cụ thể là vay kỳ hạn 15 năm, ân hạn 5 năm, với lãi suất tầm 5 tới 5,5%/năm) là có tính khả thi.

long-thanh

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV.

"Một dự án quan trọng quốc gia được ACV làm chủ đầu tư do Chính phủ chỉ định thầu, giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế", vị đại biểu nói.

Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng lo ngại phương án tài chính trong báo cáo được tính toán dựa trên cơ sở dự kiến khả năng khai thác dự án khi đưa vào sử dụng, chứa đựng nhiều yếu tố bất định và rủi ro cho ACV. Măt khác, tiến độ thực hiện không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và kế hoạch hoàn vốn đầu tư, vì thế cần được xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ chỉ rõ hơn về khả năng huy động vốn đối với các tổ chức đã cam kết hoặc thỏa thuận; tác động của việc huy động vốn này đến các hoạt động cho vay khác trong phát triển kinh tế cũng như tác động đến trần nợ công đối với các khoản vay yêu cầu Chính phủ bảo lãnh.

Ông Thành phân tích, theo tờ trình thì ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không, để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi. Điều này đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần.

Vốn đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành xác định trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỷ USD. Trong giai đoạn 1 xác định là 4,779 tỷ USD, hiện có chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu.

"Với số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD có thể huy động được từ các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo, khả năng huy động sẽ như thế nào? Đề nghị làm rõ hơn vấn đề này. Nếu không thu xếp được vốn, đồng nghĩa với việc triển khai hoàn thành cả công trình sẽ chậm tiến độ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình. Tôi cho rằng cần được xem xét so sánh kỹ lưỡng hơn trong tính toán hiệu quả tài chính", đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị.

Tập đoàn tư nhân và ACV cần ngồi lại với nhau làm sân bay Long Thành

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá rất cao chủ trương của Chính phủ không mời thầu quốc tế đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội phân tích nếu như giao trực tiếp cho ACV không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được khoảng 1,5 năm triển khai dự án. Tuy nhiên, nếu đứng trên góc nhìn tổng thể toàn bộ quá trình triển khai dự án, thời gian chưa chắc được rút gọn.

Cũng theo ông, bản thân ACV là một doanh nghiệp cổ phần nhưng Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Như vậy, về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào khi triển khai đều phải thông qua đấu thầu. Với tổng mức đầu tư cả dự án là 330.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 110.000 tỷ đồng, sẽ có rất nhiều gói thầu phải triển khai đấu thầu trong giai đoạn thực hiện. Trong khi đó, nếu giai đoạn thực hiện này là nhà đầu tư tư nhân, sẽ không mất thời gian đấu thầu nữa.

hoang-van-cuong

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Một trong những lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là vì mất nhiều thời gian cho việc thực hiện chuẩn bị những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án. Trong khi đó, mới đây tư nhân có thể xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm. Đấy là nhờ không phải thực hiện các thủ tục về đấu thầu như đầu tư công", ông Cường dẫn chứng.

Đại biểu Cường cho rằng cần đề xuất cần thuê đơn vị tư vấn để thiết kế và thẩm định dự án này thật sự chi tiết từ phương án thiết kế đến tổng mức đầu tư cho cả dự án. Từ hạng mục dự án, cơ chế vận hành dự án để kêu gọi những nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào, đồng thời cũng là cơ sở để sau này chúng ta sẽ giám sát xem những nhà đầu tư thực hiện theo đúng chủ trương cũng như mục tiêu xây dựng lên sân bay hiện đại hay không.

“Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng quan tâm đầu tư các hạng mục cùng ngồi lại với nhau. Trong đó, ACV là hạt nhân để liên kết những nhà đầu tư này, hình thành một tập đoàn đầu tư theo dạng một tổ hợp đầu tư như mô hình công suất chung, mà trên thế giới hiện nay đang phát triển khá phổ biến. Với mô hình tổ hợp này sẽ khai thác được sức mạnh của các tập đoàn tư nhân, đồng thời phát huy được vị thế của ACV là trụ cột trong việc quản lý điều hành hệ thống này", đại biểu Cường góp ý.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD). Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4.000 m; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Chính phủ dự kiến giao VATM xây dựng khu bay, còn ACV xây dựng cảng và các công trình phụ trợ. Theo báo cáo, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu mà ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt trước ngày 31/12/2018 là 24.268 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ