CEO EI Industrial: Mở cửa đến hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam

Mục tiêu của Hồ Phi Ân - CEO EI Industrial là xây dựng hệ sinh thái riêng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ở Việt Nam. Tham vọng có phần điên rồ nay đã được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài để mắt đến và mong muốn đồng hành cùng.
GIA PHÚ
11, Tháng 02, 2022 | 07:00

Mục tiêu của Hồ Phi Ân - CEO EI Industrial là xây dựng hệ sinh thái riêng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ở Việt Nam. Tham vọng có phần điên rồ nay đã được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài để mắt đến và mong muốn đồng hành cùng.

1-332

Ông Hồ Phi Ân - CEO EI Industrial. Ảnh: Trọng Hiếu.

Phát triển trong tâm dịch

Theo thông tin từ Cocoon Capital và BEENEXT, cả hai đã đầu tư 670 nghìn USD trong vòng đầu tư hạt giống vào EI Industrial. Được biết, tiền thân của EI Industrial là đơn vị chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử và giải pháp kho tự động cho các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2018.

Năm 2020, nhận thấy thị trường thiếu các giải pháp thương mại điện tử cho doanh nghiệp trong ngành sản xuất, Hồ Phi Ân, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành công ty quyết định mở rộng sang lĩnh vực này.

Nhưng thương mại điện tử B2B vốn không là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam nên thời gian đầu việc gọi vốn của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Bốn tháng đầu năm 2020, Hồ Phi Ân cho biết đã tiếp cận khá nhiều quỹ đầu tư khác nhau nhưng phần lớn không tìm được tiếng nói chung.

Theo Hồ Phi Ân, thương mại điện tử B2B Việt Nam hiện nay đã khác với 10 năm trước, khi có rất nhiều công đoạn cần minh bạch thông tin và rút ngắn quy trình mua hàng trong nước nhưng chưa có giải pháp nào giải quyết được. “Tuy nhiên rất khó để thuyết phục nếu không có thành quả rõ ràng”, Phi Ân nói.

Người đứng đầu EI Industrial quyết định chứng minh nhận định của mình, anh nhượng mảng kinh doanh truyền thống của công ty và tập trung vào thương mại điện tử. Để hiểu rõ hơn về cách vận hành một công ty công nghệ và góc nhìn của các quỹ đầu tư, anh tham gia vào chương trình vườn ươm startup.

Trước khi khởi nghiệp EI Industrial, Phi Ân từng là nhân sự cao cấp của Ricoh, Phillips, Modula. Mười năm kinh nghiệm trong lĩnh vực B2B giúp anh có những mối quan hệ và hiểu biết nhất định về các nút thắt trong ngành.

Phi Ân cho biết có ba hoạt động mua bán mà các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên chi là máy móc thiết bị (10% chi phí), nguyên vật liệu (30% chi phí) và Maintainance Repair Operation - MRO, tạm dịch là vật tư tiêu hao hằng tháng (2,5% đến 3% chi phí).

Trong đó, MRO dù là khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên nhất của các doanh nghiệp với tần suất 3 đến 4 lần/tháng và cũng tốn kém thời gian nhất vì một lần họ mua rất nhiều mặt hàng, dẫn đến việc tìm nhà cung cấp, so sánh giá… rất phức tạp. Và đây cũng là thị trường hấp dẫn cho EI Industrial vì chưa có ai khai thác. Trong vòng 3 tháng, công ty đã kết nối được 500 khách hàng, trong đó có nhiều công ty toàn cầu sử dụng dịch vụ. Để tiết kiệm khoản đầu tư cho kho bãi và hệ thống giao nhận, Ei Industrial hợp tác với 10 hãng vận chuyển và thu phí từ 5% đến 25% trên mỗi đơn hàng thành công.

Thành quả đạt được trong thời gian ngắn đã giúp Công ty tìm được tiếng nói chung với các quỹ đầu tư, trong số đó có cả các quỹ đã từng từ chối Phi Ân trước đây. “Nhiều quỹ vẫn đang tiếp tục làm việc với chúng tôi, những gì trước đây chúng tôi nói với họ đã được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tìm kiếm các quỹ đầu tư chiến lược, tâm huyết với thị trường Việt Nam”, Phi Ân nói.

Những lần thất bại và bài học rút ra

Hồ Phi Ân sinh năm 1990 tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, trước khi khởi nghiệp EI Industrial anh cũng đã thử sức với nhiều ngành khác nhưng cái duyên vẫn chưa đến. Dự án đầu tiên là mô hình chuỗi cà phê ở TP.HCM, sớm thất bại vì đầu tư không tính toán đẫn đến rạn nứt nội bộ. Dự án kinh doanh thứ hai, hệ thống chuỗi nấu ăn và cung cấp suất ăn khép kín cũng không có kết quả tốt hơn vì bài toán tài chính không được tính toán kỹ càng.

Bài học thứ hai, anh rút ra được đó là chọn những người đồng hành tốt. Với Ân, nhóm sáng lập phải là tập hợp những thành viên có kinh nghiệm bán hàng, có kỹ thuật tốt và có tư duy về quản lý tài chính.

Lấy ví dụ với EI Industrial, Phi Ân hiểu rõ nhu cầu của các doanh nghiệp là gì nhưng anh cần một đồng sự giỏi về công nghệ để chuyển tải các nhu cầu đó một cách trực quan nhất và cần một người giỏi về tài chính để hãm anh lại những lúc quá “say” với đầu tư công nghệ dẫn đến không thể lường trước các khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

So với hai lần trước, điều làm Phi Ân hãnh diện nhất là tìm được các đồng đội “tâm đầu ý hợp” nhưng đổi lại áp lực của anh cũng rất lớn khi kéo họ ngồi chung thuyền vì những người giỏi thường mong muốn tạo ra các giải pháp mang tính đột phá. “Chúng tôi có một khát vọng là xây dựng một hệ sinh thái trong ngành công nghiệp, theo đó giúp các doanh nghiệp mua bán, trao đổi và thậm chí tiếp cận các giải pháp tài chính dễ dàng hơn bao giờ hết”, Phi Ân nói.

Khác với mô hình thương mại điện tử B2B những năm trước, vốn được dẫn dắt bởi Alibaba để đưa hàng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp cận thị trường thế giới. Thành công của Alibaba xuất phát từ lợi thế về chuỗi cung ứng, sản xuất của Trung Quốc và đây là điều không quốc gia nào có được nên thị trường thương mại điện tử B2B gần như là sân chơi độc quyền của doanh nghiệp này

EI Indsutrial không đi theo con đường đó mà tập trung phục vụ nhu cầu của mua bán của các doanh nghiệp trong nước. Sự phổ biến của thương mại điện tử cùng với áp lực chuyển đổi số từ COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng phải chuyển mình.

Quan trọng hơn, việc tìm kiếm hàng hoá, báo giá, duyệt nội bộ xuất hoá đơn rồi tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý hiện hành của doanh nghiệp vẫn đang được thực hiện thủ công. Quy mô công ty càng lớn, càng tốn nhiều nhân sự cho khâu này. “Chúng tôi nhận thấy xu hướng ở khu vực, các công ty hiện đang giảm nhân sự phòng mua hàng nhưng vẫn giữ nguyên hoặc tăng cường độ xử lý các đơn hàng. Nhưng nếu chỉ cung cấp website kết nối là chưa đủ”, Phi Ân nói.

Điều này cũng hé lộ bước tiếp theo của EI Industrial là cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất từ việc mua hàng đến tích hợp các hoá đơn vào hệ thống phần mềm hiện hành. Bên cạnh đó, đây cũng là cách EI Industrial tạo ra hàng rào bảo vệ mình trước sự xâm nhập của các doanh nghiệp trong tương lai.

Trên thực tế, đây cũng là điều các nhà đầu tư đang tìm kiếm ở các doanh nghiệp starutp B2B ở Việt Nam. Theo thông tin từ Cocoon Capital, thị trường thương mại điện tử B2B của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 13,2 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 43% vào năm 2025.

COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong cách các doanh nghiệp mua sắm hàng hóa. 98% công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhu cầu ngày càng tăng trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu của họ.

Theo ước tính của Phi Ân, có khoảng 140.000 doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam và công ty đang phục vụ chưa đến 5% nhu cầu mua sắm của mỗi doanh nghiệp. Sau khi nhận được đầu tư, nhân sự công ty hiện đã tăng gấp 5 lần để tiếp cận khách hàng. Mục tiêu là đơn hơn 1 triệu mã hàng trên website vào cuối năm nay. “Và mọi việc chắc chắn chưa dừng lại ở đó”, Phi Ân nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ