Câu chuyện thể thao: Đứng bên những tượng đài

Trong bóng đá Việt Nam, không có đội bóng nào có thành tích lừng lẫy và được người hâm mộ yêu mến nhiều như đội Thể Công. Đội bóng đá Quân đội ấy có lịch sử lâu đời, được thành lập ngày 23/09/1954. Cái tên Thể Công là gọi tắt từ cụm từ 'Thể dục thể thao công tác Đội'.
HOÀNG NHẬT
16, Tháng 02, 2021 | 07:16

Trong bóng đá Việt Nam, không có đội bóng nào có thành tích lừng lẫy và được người hâm mộ yêu mến nhiều như đội Thể Công. Đội bóng đá Quân đội ấy có lịch sử lâu đời, được thành lập ngày 23/09/1954. Cái tên Thể Công là gọi tắt từ cụm từ 'Thể dục thể thao công tác Đội'.

Trong lịch sử hơn 50 năm tồn tại, Thể Công là đội bóng giàu thành tích nhất với 19 lần vô địch V-league, trong đó là 13 lần vô địch giải hạng A quốc gia và nhiều giải thưởng khác. Thể Công đã từng đá thắng đội Bát Nhất mạnh nhất Trung Quốc và thắng cả đội tuyển Cu Ba...

Thể Công trải qua nhiều thế hệ cầu thủ. Thế hệ cầu thủ Thể Công thứ nhất được hình thành thời gian đầu thành lập với các tên tuổi: Ngô Xuân Quýnh, Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Bưởi, Lê Nhâm, Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Ngọc Quế, Tý Bồ, Tý Đường, Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Thành Đô, Hoàng Ngọc Minh... Thế hệ thứ hai có các tên tuổi: Văn Sỹ Chi, Nguyễn Ngọc Chi, Nguyễn Thanh Tiền, Nguyễn Văn Nhi, Nguyễn Văn Vinh, Hà Hiển, Nguyễn Đình Hán, Nguyễn Thành Út… Thế hệ thứ ba được hình thành năm 1961, gồm các cầu thủ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp như: Nguyễn Sỹ Hiển, Thái Nguyên Bền, Nguyễn Quý Thiêm, Vũ Thế Luân, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Ngọc Sơn, Phạm Ngọc Khánh, Đỗ Hải Bình, Nguyễn Bính… Thế hệ thứ tư, có các cầu thủ như: Trịnh Minh Huế, Triệu Tiến Lực, Vũ Huy Hùng…

image (1)

Trong bóng đá Việt Nam, không có đội bóng nào có thành tích lừng lẫy và được người hâm mộ yêu mến nhiều như đội Thể Công. Ảnh: PV

Năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của Mỹ lan ra khắp miền Bắc, thì Đoàn Thể dục thể thao quân đội có kế hoạch tuyển chọn các vận động viên trong độ tuổi từ 15-17 tuổi để rèn luyện và đào tạo, chuẩn bị làm nhiệm vụ khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Các vận động viên ấy được phiên vào 4 đội thuộc 4 môn thể thao Olympic: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và thể dục dụng cụ. Đội Thể Công trẻ thời điểm ấy được đặt tên là Đội bóng đá II Thể Công, ban đầu có 18 cầu thủ, đến năm 1966, 1967, dần dần được bổ sung thêm và có tổng cộng 35 cầu thủ. Đây là thế hệ cầu thủ Thể Công thứ năm, đa số nhập ngũ vào năm 1965. Một thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản, thi đấu trong thời gian dài, trong bối cảnh từ chiến tranh sang đất nước thống nhất, hòa bình, vì thế đã tạo nên nhiều ấn tượng để ghi nhớ trong lòng người hâm mộ với nhiều trận đấu đặc biệt, với nhiều tên tuổi cầu thủ nổi bật như: Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Cao Cường, Trần Văn Khánh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật…

Tiếp theo đó, trong những năm sau khi thống nhất đất nước, Thể Công vẫn luôn là đội bóng đá mạnh nhất nước. Các cầu thủ Thể Công luôn là nòng cốt trong đội tuyển bóng đá quốc gia, làm nên tên tuổi của một thế hệ vàng bóng đá hội nhập với khu vực và châu lục như: Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Trần Tiến Anh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Như Thuần, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền...

Cái tên bài báo này là có từ cảm xúc của tôi khi được tham dự cuộc gặp tháng 11/2020 của các cầu thủ bóng đá Thể Công thế hệ thứ năm. Họ là tượng đài ngưỡng mộ trong tâm trí bao nhiêu người của lớp chúng tôi. Những cầu thủ lừng lẫy một thời nay đã bước vào tuổi bảy mươi. Hàng năm, vào ngày 8/11, họ thường tổ chức gặp gỡ nhau, hàn huyên, 'ôn cố tri tân' và cuộc gặp gỡ nào cũng sôi nổi, dào dạt và đầm ấm. Cuộc gặp mặt năm nay tại Hà Nội, đã là kỷ niệm 55 năm thế hệ cầu thủ Thể Công 1965. Bài hát 'Thời thanh niên sôi nổi' là bài hát tủ của đội lại được hát vang lên. Những kỷ niệm trong chuyến đi tập huấn và học tập dài ngày tại Triều Tiên, chuyến đi tập huấn ở Hunggari, câu chuyện những ngày đầu tiên có mặt tại trại David ở Sài Gòn sau giải phóng để thi đấu ra mắt đồng bào miền Nam, được kể lại... Tất cả cùng bồi hồi nhớ lại những người thầy, người anh của đội như đội trưởng Ngô Xuân Quýnh, các huấn luyện viên Nguyễn Văn Tiền (Mười Tiền), Nguyễn Minh Cảnh và các đồng đội. Nhân dịp này, cuốn sách mang tên 'Thể Công 65 ký ức sông mãi' đã được xuất bản, trong đó là nặng đầy bao nhiêu hình ảnh, ký ức và kỷ niệm...

Trong cuộc gặp gỡ này, tôi được nghe cầu thủ huyền thoại Ba Đẻn đọc thơ tình. Ông viết nhiều thơ tình và có lẽ sẽ sắp cho ra mắt tập thơ của mình. Người ta còn giữ mãi vẻ đẹp trong những bước chạy lắt léo, những đường bóng kỳ ảo của tiền đạo Ba Đẻn, rồi sẽ thêm thú vị khi đọc thơ của Nguyễn Thế Anh.Thủ môn Trần Văn Khánh chưa có vẻ gì đã lên lão, vẫn cao to lừng lững nhưng lại thật mềm mại và ga lăng. Cựu tiền đạo Vũ Mạnh Hải, sau khi rời sân cỏ, đã trở thành một nhà báo, một bình luyện viên bóng đá nhiều ấn tượng. Vũ Mạnh Hải là một trong những người sáng lập, rồi làm tổng biên tập tờ báo 'Bóng đá' có số lượng phát hành kỷ lục ở Việt Nam. Trong các cuộc gặp gỡ như thế này, ông thường là người kết nối và dẫn chương trình rất thân tình và ấm áp...

Cái tên đội bóng đá Thể Công không còn hiện diện nữa. Hậu duệ của Thể Công bây giờ chính là Câu lạc bộ bóng đá Viettel do chủ sở hữu là Tập đoàn viễn thông quân đội quản lý. Đã có lần, nhiều người cùng yêu mến và hoài nhớ Thể Công đã mở cuộc vận động để đội bóng đá Viettel lấy lại tên là Thể Công, nhưng việc đó chưa thành. Tuy vậy, là hậu duệ của Thể Công, thì tinh thần Thể Công vẫn còn sống động trong đội bóng đá mang sắc áo đỏ này. Đội bóng đá Viettel vẫn được gọi với biệt danh là 'Cơn lốc đỏ' đã có từ thời Thể Công.

Và thật vui, ngay trước buổi tối diễn ra cuộc gặp gỡ của Thể Công 65, qua màn hình truyền hình trực tiếp, các cựu cầu thủ Thể Công hết sức vui mừng chứng kiến giây phút đội bóng đá Viettel lên ngôi Vô địch V-league 2020 với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trương Việt Hoàng, một cựu cầu thủ Thể Công.

Chưa hết, chỉ hơn một tháng sau đó, đội bóng đá U21 Viettel dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Thạch Bảo Khanh, cũng là một cựu cầu thủ Thể công, đã lên ngôi vô địch Giải bóng đá U21 quốc gia năm2020...

Bóng đá Việt Nam đã có nhiều tiến bộ ngoạn mục trong đấu trường khu vực và châu lục. Đội bóng đá Viettel cũng có nhiều cầu thủ trong đội hình đội Tuyển quốc gia. Với những thành tích như vừa qua, tinh thần từ những tượng đài bóng đá một thời của Thể Công sẽ còn tiếp tục là động lực cho màu áo đỏ trong những cuộc chinh phục mới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ