'Cần quy định rõ hơn xác định số vốn đầu tư thực tế hoàn thành giải ngân, áp dụng ưu đãi thuế'

Nhàđầutư
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro đề nghị Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về phương pháp xác định số vốn đầu tư thực tế hoàn thành giải ngân làm cơ sở hưởng ưu đãi đầu tư.
LUẬT SƯ NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH
15, Tháng 10, 2019 | 10:49

Nhàđầutư
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro đề nghị Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về phương pháp xác định số vốn đầu tư thực tế hoàn thành giải ngân làm cơ sở hưởng ưu đãi đầu tư.

Tại hội thảo "Góp ý dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà Đầu tư\Nhadautu.vn tổ chức sáng 15/10, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro, cho ý kiến về cách xác định số vốn đầu tư đã thực hiện giải ngân làm cơ sở xác định ưu đãi thuế.

Theo bà, trong quy định tại Luật Đầu tư số 67 và Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư số 67, trường hợp dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân trong thời hạn 3 năm, được áp dụng ưu đãi đầu tư.

Tuy nhiên, Luật đầu tư hiện tại đều không nêu rõ cách xác định số vốn đầu tư đã thực hiện giải ngân làm cơ sở áp dụng ưu đãi thuế. Vì vậy, trên thực tế, trong quá trình thực hiện dự án, các doanh nghiêp gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi xác định tiêu chí này.

Đồng thời, Luật Đầu tư số 67 cũng không đề cập cụ thể đến thời gian doanh nghiệp cần duy trì vốn này để được hưởng những ưu đãi đầu tư đã được phê duyệt. 

Bà đề nghị quy định rõ hơn về phương pháp xác định số vốn đầu tư thực tế hoàn thành giải ngân làm cơ sở hưởng ưu đãi đầu tư. Ví dụ, có thể cân nhắc phương án xác định như sau: Trên nguyên tắc: Tổng vốn đầu tư bằng (=) Vốn cố định cộng (+) Vốn lưu động.

Quynh-Anh

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Hiếu.

Trong đó, vốn cố định có thể xác định dựa vào tổng giá trị lũy kế mua sắm TSCĐ. Vốn lưu động có thể xác định theo một tỷ lệ tương ứng với vốn cố định. "Ví dụ, mức vốn lưu động được xác định bằng 20% vốn cố định (tổng giá trị tài sản cố định đã đầu tư). Tỷ lệ này có thể căn cứ trên số liệu thống kê theo từng ngành để quy định cụ thể tỷ lệ cho từng ngành. Ví dụ ngành dịch vụ khác với ngành sản xuất,…", luật sư Quỳnh Anh nói. 

Đồng thời, luật cũng nên quy định rõ khi doanh nghiệp phải hoàn thành việc đầu tư theo quy mô vốn cam kết có thể hưởng ưu đãi. Trong thời gian hưởng ưu đãi, nếu có năm nào không đạt mức vốn này doanh nghiệp sẽ không được hưởng mức ưu đãi theo quy định.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng góp ý về nguồn vốn đầu tư. Bà cho rằng trên thực tế, trong trường hợp một công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành lập ở Việt Nam có nhu cầu đăng ký mở rộng dự án đầu tư hiện tại hoặc đăng ký dự án đầu tư mới có những tình huống khác nhau về việc huy động nguồn vốn cho dự án như sau:

Trường hợp 1: Công ty có lợi nhuận để lại và chủ sở hữu quyết định sử dụng lợi nhuận cho mục đích tái đầu tư dưới dạng vốn góp.  rong trường hợp này về mặt kế toán công ty cần chuyển phần lợi nhuận giữ lại lên thành vốn góp. Về thủ tục cấp phép chúng tôi hiểu rằng công ty có thể phải phải sửa đổi bổ sung vốn điều lệ thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thống nhất thể hiện phần vốn góp của chủ sở hữu.

Trường hợp 2: Công ty có lợi nhuận để lại và chủ sở hữu quyết định sử dụng lợi nhuận cho mục đích tái đầu tư dưới dạng vốn vay.  Trong trường hợp này về mặt kế toán công ty cần chuyển phần lợi nhuận giữ lại lên thành vốn vay. Về thủ tục cấp phép chúng tôi hiểu rằng công ty không cần sửa đổi bổ sung vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Phần vốn vay tăng lên sẽ được thể hiện tương ứng trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho dự án đầu mở rộng hoặc dự án đầu tư mới đăng ký.

Trường hợp 3: Chủ sở hữu không ban hành quyết định chia lợi nhuận và tái đầu tư. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự quyết định dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tiếp tục đầu tư mở rộng dự án hoặc đầu tư dự án mới và không nhất thiết phải tăng vốn điều lệ. Trong trường hợp này, thực tế nhiều cơ quan cấp phép địa phương có xu hướng nhìn nhận vốn đầu tư hình thành từ vốn kinh doanh nên phát từ lợi nhuận của nhà đầu tư.

Và theo đó yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tăng vốn điều lệ tương ứng với phần vốn góp cho dự án mở rộng/dự án mới trong khi thực tế nhà đầu tư không có quyết định chia lợi nhuận hay góp thêm vốn vào doanh nghiệp. Yêu cầu như vậy là không hợp lý với thực tế đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và làm mất đi quyền chủ động trong hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Do quy định về nguồn vốn trong các văn bản pháp luận hiện tại không thể hiện rõ nguồn vốn của dự án đầu tư có thể từ các nguồn khác nhau như: vốn góp của công ty mẹ, vốn vay (từ công ty mẹ hoặc công ty khác), vốn tự có từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên có sự không thống nhất trong cách hiểu của cơ quan cấp phép địa phương.

Nữ luật sư kiến nghị, quy định của Luật Đầu tư số 67 không làm rõ về các nguồn vốn đầu tư. Chúng tôi thấy rằng tại Thông tư 16 quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nguồn vốn hình thành vốn đầu tư bao gồm vốn góp, vốn huy động và vốn khác nhưng cũng không quy định rõ và cụ thể về các loại nguồn vốn này.

"Chúng tôi đề nghị Luật Đầu tư số 67 hoặc Nghị định mới sẽ quy định rõ hơn nội dung về các loại nguồn vốn để phù hợp với nhu cầu thực tế", bà cho ý kiến.

Về tỷ giá quy đổi vốn góp/vốn điều lệ của nhà đầu tư, luật sư Quỳnh Anh phân tích thực tế khi làm thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ áp dụng tỉ giá ngân hàng vào thời điểm làm thủ tục để quy đổi vốn góp/vốn điều lệ của Nhà đầu tư.

Khi nhà đầu tư chuyển tiền góp vốn bằng ngoại tệ, theo quy định trên, công ty được thành lập để quản lý dự án đầu tư sẽ áp dụng tỉ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn góp của nhà đầu tư tại ngày góp vốn để hạch toán kế toán.

Như vậy, thực tế luôn có sự chênh lệch giữa giá trị vốn góp trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và trên sổ sách kế toán của công ty. "Trên thực tế quan sát, chúng tôi thấy rằng các cơ quan cấp phép thông thường vẫn chấp nhận có sự khác biệt, khi có cơ hội điều chỉnh giấy phép, doanh nghiệp có thể cân nhắc điều chỉnh số vốn bằng tiền VND trên giấy phép phù hợp với số vốn góp được ghi nhận chính xác trên sổ sách kế toán", luật sư Quỳnh Anh lý giải.

Tuy nhiên gần đây, tại Công văn 5587/BKJĐT-ĐTNN ngày 09/08/2019 trả lời trường hợp cụ thể của một nhà đầu tư, bà thấy rằng Bộ KH&ĐT có quan điểm cho rằng doanh nghiệp phải góp đủ số vốn bằng VNĐ chính xác như số tiền đã đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, có sự mâu thuẫn với nguyên tắc góp vốn quy định trong Thông tư 200 về kế toán.

"Chúng tôi đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét lại vấn đề này và có hướng dẫn cụ thể trong văn bản pháp luật phù hợp và thống nhất với các quy định về kế toán doanh nghiệp", chuyên gia luật nói.

Về hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên/cổ đông của công ty khi giảm vốn điều lệVấn đề, mặc dù, Luật Doanh Nghiệp có quy định về việc doanh nghiệp có thể hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên/cổ đông nếu công ty đã hoạt động 2 năm liên tục và sau khi hoàn trả vốn góp, công ty vẫn đảm bảo đủ thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định này, đã không hoàn trả được vốn góp cho nhà đầu tư.

Cụ thể, khi yêu cầu hoàn trả vốn từ tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, các Ngân hàng thương mại lại yêu cầu doanh nghiệp ngoài việc có GCNĐKDN đã điều chỉnh giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp còn phải điều chỉnh cả vốn góp/vốn đầu tư trên GCNĐKĐT đã được cấp.

Trên thực tế, nhà đầu tư đã góp đủ và thực hiện đủ các khoản vốn đầu tư như ghi nhận trên GCNĐKĐT và nhà đầu tư cũng không có nhu cầu giảm vốn đầu tư của dự án.  Do vậy, cũng không có căn cứ để thực hiện điều chỉnh vốn đã đăng ký tại GCNĐKĐT.

Thực tế, sau một thời gian hoạt động ổn định các công ty phát sinh tiền dư thừa từ hoạt động kinh doanh nên có nhu cầu giảm vốn và chuyển vốn về nước. Việc giảm vốn là quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Nhưng do các quy định về đầu tư và doanh nghiệp chưa thể hiện rõ ràng quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp này, nên các ngân hàng thường căn cứ vào các quy định về tài khoản vốn đầu tư để hạn chế việc chuyển tiền này.

Đề nghị, Luật Đầu tư số 67, luật doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn nên bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền chính đáng của doanh nghiệp.

Về tỷ lệ vốn chủ sở hữu/ vốn đầu tư, Điều 14, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai quy định chi tiết về “điều kiện đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư:

Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau: Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

”Chúng tôi hiểu rằng việc quy định tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn đầu tư đối với những dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như trên nhằm đảm bảo khả năng thực hiện dự án đầu tư, tránh tình trạng đất đã được giao, cho thuê nhưng nhà đầu tư lại không có khả năng thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất của Nhà nước.

Theo Điều 14 nêu trên có thể có hai cách hiểu khác nhau về điều kiện giao đất, cho thuê đất:

Cách hiểu thứ nhất: Để được giao đất/cho thuê đất doanh nghiệp phải đảm bảo góp đủ tỷ lệ vốn chủ sở hữu đạt 20% hoặc 15% trên tổng mức đầu tư dự án phù hợp với tiến độ thưc hiện dự án. Tức là tại mọi thời điểm thưc hiện dự án theo tiến độ đăng ký, doanh nghiệp phải đảm bảo tý lệ vốn nói trên. Cách hiểu thứ hai: Để được giao đất/cho thuê đất doanh nghiệp phải đảm bảo góp đủ luôn từ ban đầu toàn bộ số vốn chủ sở hữu đạt 20% hoặc 15% trên tổng mức đầu tư.

Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng có nhiều trường hợp các nhà đầu tư đã đăng ký dự án có quy mô lớn trong đó cơ cấu vốn chủ sở hữu hoàn toàn đảm bảo tỷ lệ trên 20% tổng vốn đầu tư nhưng đăng ký thực hiện với tiến độ góp vốn cụ thể. Vì dự án có quy mô lớn nên việc triển khai theo tiến độ là nội dung quan trọng để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đất đai có xu hướng hiểu theo cách hiểu thứ 2 theo đó yêu cầu nhà đầu tư góp toàn bộ phần góp của chủ sở hữu ngay từ thời điểm ban đầu và gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư.

Nếu theo cách hiểu này việc đăng ký tiến độ của dự án đầu tư theo Luật Đầu tư số 67 trở nên vô nghĩa do sự mâu thuẫn với Luật đất đai và theo đó ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án đầu tư lớn. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Đầu tư số 67 hoặc Luật đất đai để có hướng dẫn đồng bộ thống nhất về nội dung này đảm bảo tính khả thi của các dự án đầu tư.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ