Cân nhắc xóa nợ thuế

Xóa nợ thuế khó thu hồi cần được xem xét thận trọng nếu không sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chây ì đến trốn thuế.
NGUYÊN NGA
15, Tháng 03, 2019 | 11:06

Xóa nợ thuế khó thu hồi cần được xem xét thận trọng nếu không sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chây ì đến trốn thuế.

xoa-no-thue_eyin

Bộ Tài chính đề xuất ra nghị quyết xóa gần 28.000 tỷ đồng nợ thuế. ẢNH: NGỌC THẮNG

Đề xuất xóa gần 28.000 tỷ đồng tiền thuế

Nghị quyết về xóa nợ thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến với dự kiến xóa 27.753 tỷ đồng nợ thuế.

Theo bộ này, dù tổng nợ thuế trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, song nợ đọng thuế vẫn còn cao do nhóm nợ không có khả năng thu hồi được tính cộng dồn năm này qua năm khác. Năm 2018, tổng số thuế nợ trên toàn quốc lên đến 82.000 tỷ đồng, trong đó nợ không có khả năng thu hồi chiếm hơn 42%. Tuy không thể thu hồi, nhưng số nợ này vẫn tiếp tục tính tiền phạt nộp chậm 0,03% mỗi ngày nên hiện tổng số tiền phạt chậm nộp lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.

Để giải quyết gánh nặng thuế này, Bộ Tài chính đề xuất xóa vĩnh viễn gần 28.000 tỷ đồng tiền thuế không còn khả năng thu hồi nói trên. Cụ thể, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự... chiếm 0,3% tổng số nợ đọng, tương đương 247,5 tỷ đồng; gần 15.000 doanh nghiệp (DN) đã tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể theo quy định gần 1.500 tỷ đồng; 256 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định, nợ đọng thuế 688 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 620.000 hộ kinh doanh cá thể không còn hoạt động kinh doanh, bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế có nợ đọng lên đến gần 22.000 tỷ đồng. Bộ này cho rằng, việc xóa nợ thuế này sẽ giúp làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách và đặc biệt giảm chi phí cho nhà nước.

Bà Đàm Hồng Thắm, Công ty TNHH tư vấn Minh Luật, nhận định việc xóa các khoản nợ không có khả năng thu hồi là cần thiết, bởi càng để lâu càng gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách nhà nước. Nguyên tắc kế toán trích lập dự phòng một thời gian nào đó cũng phải xóa. Giả sử Chính phủ như một DN lớn, trong nghiệp vụ kế toán phải có trích lập dự phòng, khoản thu trả, nếu giải thể phải thu hồi, sau một thời gian không thu hồi được phải xóa để đi làm việc khác. Với công tác thu thuế cũng vậy, khoản nợ này gọi là tồn tại, nhưng không có đối tượng để thu song hằng năm ngành thuế vẫn phải tính toán cộng dồn rồi để treo lơ lửng đó mà không giải quyết được gì, rất mất thời gian. Nhiều khi chi phí thu lại cao hơn số nợ thuế.

Cổ súy chây ì thuế?

Tuy nhiên, bà Đàm Hồng Thắm lưu ý: Nghị quyết xóa nợ thuế cần cẩn trọng trong công tác sàng lọc, phân loại, xác định đúng đối tượng nằm trong diện xóa nợ, tránh trường hợp lợi dụng chính sách này để đẩy món nợ khác vào khu vực được xóa bỏ. Hoặc có sự liên thông giữa cán bộ thuế với DN trong việc ra thông báo DN phá sản, không theo dõi các khoản thu nữa...

Không đồng tình với việc xóa nợ thuế, luật sư Trần Xoa (TP.HCM) đặt vấn đề nếu cứ bảo khó đòi, không thu được rồi xóa, vậy chúng ta có đang cổ súy cho tình trạng chây ì trong nghĩa vụ thuế? Việc này như bồi thường giải tỏa đất đai vậy, “ông” nào ở lì không chịu di dời thường được thỏa thuận bồi thường cao hơn mấy ông chấp hành nghiêm túc đi trước. Xóa nợ thuế kiểu này vô hình trung đang khuyến khích cho cá nhân, DN chây ì không đóng thuế cuối cùng cũng được xóa.

“Đồng ý nhiều trường hợp xóa thuế là cần thiết nhưng cần quy trách nhiệm cá nhân cho từng trường hợp cụ thể. Nếu cá nhân chết, con cái thừa hưởng tài sản phải chịu mọi nghĩa vụ thuế của người chết trước khi được xác nhận thừa hưởng khối tài sản người chết để lại nếu có. Nếu DN phá sản theo luật phá sản thì thuế được xóa ngay khi được tuyên bố phá sản. DN muốn đăng ký giải thể với phòng đăng ký kinh doanh phải nộp giấy cơ quan thuế thông báo không còn nợ thuế. Trường hợp còn nợ thuế mà vẫn cho giải thể phải quy trách nhiệm cơ quan/cá nhân nào cho DN giải thể khi chưa làm xong nghĩa vụ thuế. Trường hợp thứ 2 là DN tự ý giải thể, biến mất khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh thì trách nhiệm của người đại diện pháp luật của DN đó thế nào”, ông Xoa nêu cụ thể và cho rằng, nếu làm sáng tỏ, minh bạch, công khai, hạn chế tối đa tiêu cực thì việc xóa nợ thuế không thể thu hồi có thể sẽ khác rất nhiều.

Đồng quan điểm, bà Thắm lưu ý việc DN cũ nợ thuế, lại lập DN mới để hoạt động, đẩy nợ nần thuế cho DN cũ cũng khá phổ biến. Vì vậy, ngoài yếu tố công khai minh bạch, công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý nợ thuế của các cơ quan có thẩm quyền ngoài cơ quan thuế cũng cần được đề cập đến trong nghị quyết, nếu có.

Theo Thanh Niên

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ