Cần nghiên cứu kỹ tác động trước khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng

Nhàđầutư
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất, Bộ Tài chính, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đặc biệt ở 2 nhóm vấn đề là dịch vụ xuất khẩu áp thuế 0% và nâng thuế suất một số mặt hàng từ 5% lên 10%.
N.THOAN
24, Tháng 04, 2024 | 21:46

Nhàđầutư
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất, Bộ Tài chính, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đặc biệt ở 2 nhóm vấn đề là dịch vụ xuất khẩu áp thuế 0% và nâng thuế suất một số mặt hàng từ 5% lên 10%.

Ngày 24/4, Diễn đàn VBF đã tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp FDI về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi)".

Chia sẻ thông tin tại hội thảo, bà Hương Vũ, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan VBF cho biết, 80-90% ý kiến của doanh nghiệp có ý kiến góp ý về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu quy định trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi).

Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn những cách hiểu khác nhau về "xác định thế nào là dịch vụ xuất khẩu?", cục thuế các địa phương thì gặp nhiều khó khăn khi định nghĩa "thế nào là tiêu thụ ngoài Việt Nam?". Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị, cần có một thông tư hướng dẫn đẻ có một định nghĩa đơn giản nhất để các đơn vị cùng thực hiện.

20240424_090838

Hội thảo Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp FDI về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Ảnh: NT.

Góp ý dự thảo luật, trước tiên về vấn đề xuất khẩu ra nước ngoài, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan VBF cho rằng, dự thảo đang thu hẹp đối tượng, chỉ áp dụng cho vận tải quốc tế, dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt nam, dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý.

Việc giới hạn loại hình dịch vụ hưởng thuế GTGT 0% được cho là không phù hợp với bản chất và mục tiêu của thuế GTGT, chưa đảm bảo tính bao quát theo bản chất của dịch vụ xuất khẩu. Quy định này cũng đồng thời làm gia tăng đáng kể chi phí mua dịch vụ từ các doanh nghiệp Việt Nam, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, không phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.

Đại diện VBF cũng nhấn mạnh rằng, việc áp dụng 0% với tất cả các dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam nhằm khuyến khích xuất khẩu dịch vụ (đặc biệt là các dịch vụ giá trị lớn liên quan đến hàng hóa xuất khẩu – hiện chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng giá trị dịch vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của ASEAN), đẩy mạnh xuất siêu, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ. 

Doanh nghiệp chế xuất thường đảm nhận các công đoạn chính của sản xuất xuất khẩu và ngày càng có xu hướng thuê gia công hàng hóa, linh kiện đầu vào để chuyên môn hóa sản xuất, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Vì vậy, nếu áp dụng 10% thuế GTGT đối với dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất sẽ làm tăng chi phí đầu vào, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, khiến các doanh nghiệp chế xuất chuyển hướng tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài. 

Về quy định thuế suất với dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cũng cho biết, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho các mặt hàng xuất khẩu rất cần chính sách để tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, một dịch vụ rất quan trọng là dịch vụ "tìm kiếm nguồn hàng trong xuất khẩu". Hiện nay, dự thảo luật sửa đổi bỏ dịch vụ này ra khỏi đối tượng được áp thuế 0% sẽ khiến chi phí hàng xuất khẩu tăng lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là một số nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đang áp dụng thuế 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu, trong đó, có dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm nguồn hàng, Phó Chủ tịch Amcham HaNoi đề xuất cơ quan soạn thảo và thẩm tra nên tiếp tục giữ quy định cũ, hoặc có 2 hướng tiếp cận khi sửa đổi.

Một là tiếp tục giữ mức thuế suất 0% với dịch vụ xuất khẩu nhưng phải làm rõ khái niệm thế nào là dịch vụ xuất khẩu, thế nào là tiêu thụ trong nước để có sự thống nhất. Hai là giữ như dự thảo hiện tại nhưng bổ sung thêm dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu để đảm bảo dịch vụ này tiếp tục được hưởng thuế suất 0%.

Bà Hà cũng đề xuất, một số loại mặt hàng tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp đang áp dụng thuế suất 5% khi tăng thuế lên 10% cần hết sức thận trọng và đánh giá đầy đủ tác động để đảm bảo không ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp và lạm phát.

Lấy ví dụ, vị này cho rằng, một số mặt hàng như đường, sử dụng rất nhiều trong công nghiệp thực phẩm, hiện đang hưởng thuế suất 5%. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đề xuất tăng lên 10%. Nếu tăng thuế, nhiều lo ngại rằng, không chỉ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp mía đường mà còn các ngành thực phẩm có sử dụng đường, đi sau đó là lạm phát cho cả nền kinh tế. Vì vậy, Đại diện Amcham HaNoi đề xuất, cần có đánh giá cụ thể với những mặt hàng được sử dụng nhiều khi đưa phương án thay đổi thuế suất.

Sửa Luật Thuế GTGT ảnh hưởng tới môi trường đầu tư - kinh doanh

Ông Kim Yong Sup, Phó tổng giám đốc Phụ trách Đối ngoại Samsung cho biết, Samsung bày tỏ quan ngại về dự kiến xoá bỏ quy định áp dụng mức thuế suất 0% với dịch vụ khu phi thuế quan. 

Giải thích lý do, vị này cho biết, thứ nhất sửa đổi đối tượng sẽ gây phân biệt đối xử, mất cân bằng trong thi hành chính sách ưu đãi xuất khẩu giữa doanh nghiệp chế xuất (EPE) và doanh nghiệp thông thường (non-EPE). Có nghĩa là, trong khi doanh nghiệp non-EPE được hưởng chính sách hoàn Thuế GTGT, thì các doanh nghiệp cần được khuyến khích như doanh nghiệp EPE lại không có chính sách hoàn thuế, phải nộp toàn bộ các khoản Thuế GTGT theo quy định pháp luật. Quy định tại dự thảo luật cũng chưa đưa ra được phương hướng giải quyết sự mất cân bằng nêu trên. Điều này có thể làm thay đổi căn bản chính sách khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ 2, theo giải thích của Bộ Tài chính, lý do bỏ áp dụng thuế suất 0% do khó xác định được dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam hay dịch vụ tại nước ngoài. Phó Tổng giám đốc đối ngoại Samsung cho rằng, loại bỏ toàn bộ dịch vụ trong khu phi thuế quan ra khỏi đối tượng áp dụng thuế 0% là không hợp lý. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý nên xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hoá địa điểm thưc hiện dịch vụ khu phi thuế quan.

"Tôi cảm thấy lo lắng khi thời gian qua đại diện nhiều doanh nghiệp FDI đã liên tục đưa ý kiến về vấn đề này lên cơ quan quản lý nhưng dự thảo vẫn đi theo phương án còn nhiều tranh cãi và chưa có giải pháp cho những vấn đề sẽ phát sinh", ông Kim Yong Sup chia sẻ.

Bổ sung thêm ý kiến về quy định mới trong dự thảo luật, đại diện Samsung nhấn mạnh, nếu bỏ áp dụng thuế suất 0% với dịch vụ xuất khẩu mà chưa có cơ chế hoàn thuế phù hợp cho doanh nghiệp EPE sẽ gây mâu thuẫn trong chính sách pháp luật. Quy định này không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của doanh nghiệp EPE mà còn tác động tiêu cực tới nỗ lực xây dựng hệ sinh thái lành mạnh cho hoạt động kinh doanh trong nước cũng như nước ngoài.

Nhằm đảm bảo chính sách khuyến khích nhất quán cho hoạt động xuất khẩu và tạo môi trường đầu tư lành mạnh, đại diện Samsung nhấn mạnh, Chính phủ cần xem xét 1 cách cẩn trọng các vấn đề được đưa ra liên quan tới Luật Thuế GTGT sửa đổi và nên giữ nguyên quy định đối tượng áp dụng thuế suất 0% như hiện hành.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) khuyến nghị, hoàn chỉnh, sửa đổi luật liên quan tới thuế trước hết là phải tạo điều kiện khuyến khích sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu quý I/2024, 74.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, đây là con số đáng báo động, cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn - đây là vấn đề mà khi sửa luật, các bộ ngành cần đặt lên bàn cân để tính toán nhằm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã đề ra.

Riêng với Luật Thuế GTGT, TS. Nguyễn Anh Tuấn đồng ý với đại diện của VBF, Amcham và Samsung. Thay mặt VAFIE, ông đề xuất 2 vấn đề.

Một là với doanh nghiệp chế xuất, khi xác định thuế suất cần dựa vào dịch vụ được tiêu dùng tại đâu để xem xét, đặc biệt là các dịch vụ logistic. Cuối cùng, dịch vụ đó được tiêu thụ tại nước ngoài, đó là căn cứ để tính thuế. The đó, cần giữ nguyên như quy định hiện hành.

Hai là khi đánh thuế 1 số mặt hàng đầu vào cho sản xuất cần đánh giá đầy đủ tác động của việc nâng thuế suất. Ví dụ như mặt hàng đường, các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn, rất nên cân nhắc, xem xét kỹ khi nâng thuế suất từ 5% lên 10%, xem tác động thế nào với các ngành sản xuất mà chúng ta đang cần phát triển, đặc biệt ngành nông nghiệp.

"Ít nhất ở thời điểm hiện nay hoặc 1-2 năm tới, chúng ta chưa nên có quy định gây khó cho doanh nghiệp, cần khuyến khích sản xuất, đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu", Phó chủ tịch VAFIE nêu đề nghị.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ