[CAFÉ cuối tuần] Xem có ‘tề gia’ được không đã

Nhàđầutư
​“Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ!”. Điều gì mà tiền nhân đã tổng kết thành những thành ngữ, thành danh ngôn, thành tục ngữ, để truyền dạy cho đời sau, thảy đều rất có ý nghĩa. Hơn nữa, “tề gia” ở đây lại liên quan đến việc “trị quốc”, đến “bình thiên hạ”, thì càng hết sức quan trọng. ​ ​ ​ ​
NGUYỄN THÀNH PHONG
12, Tháng 01, 2019 | 09:26

Nhàđầutư
​“Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ!”. Điều gì mà tiền nhân đã tổng kết thành những thành ngữ, thành danh ngôn, thành tục ngữ, để truyền dạy cho đời sau, thảy đều rất có ý nghĩa. Hơn nữa, “tề gia” ở đây lại liên quan đến việc “trị quốc”, đến “bình thiên hạ”, thì càng hết sức quan trọng. ​ ​ ​ ​

Đây là vấn đề tiên quyết cho những người có cung số làm quan, có ước vọng và điều kiện làm quan, xưa cũng thế, mà nay càng như thế…

​Tề gia là duy trì nếp nhà, là ứng xử, thậm chí là dạy bảo theo nhiều cách, để các thành viên trong gia đình, như vợ, con, anh, em, thậm chí đến cả tứ thân phụ mẫu của mình, phải theo gương vào nếp mà phát huy gia phong, vun đắp cho sự phương trưởng và danh tiếng của người trong gia đình có cơ hội đóng góp vào xã hội, từ làng thôn đến quốc gia, đến đối nội, đối ngoại trong, ngoài nước. Người chủ gia đình “tề gia” lúc thanh bần, đã không dễ. Càng khó hơn khi đã sở đắc, đã có vai vế với xã hội. Đặc biệt, càng cực kỳ khó khi đã được ở vào ngôi cao, có quyền thế khuynh loát thiên hạ.

​Thường thì câu chuyện “tề gia” chưa thành vấn đề khi chưa vươn tới nghiệp lớn. Nhưng khi đã thành nghiệp, xã tắc ổn định và phát triển, thì việc “tề gia” mới hay được nói đến. Sau quá trình ổn định, phát triển, dễ là đến thời thoái, thời suy. Lúc này, những hậu quả của việc tề gia kém của các bậc đứng ở ngôi cao mới phát tác, mới thành “nội xâm”, nhiều khi là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sụp đổ nhiều vương triều lừng lẫy…

​Ngô vương Phù Sai khởi nghiệp gian nan, lên ngôi vững vàng, rồi đổ sụp vì nuông chiều người đẹp Tây Thi. Đường Minh Hoàng tan nát nghiệp lớn vì Dương Quý Phi. Rồi bao câu chuyện nữa, như Điêu Thuyền làm hai bố con Đổng Trác và Lã Bố ra tay tỉ thí giết nhau khiến bánh xe lịch sử đổi hướng, Đát Kỷ làm cho triều Thương thời Đế Tân huy hoàng thành hỗn loạn rồi tự diệt vong…

​Ở Việt Nam ta, vở tuồng cổ nổi tiếng mang tên “Đào Tam Xuân” do Nhà hát Tuồng Đào Tấn dựng, kể một bi kịch rất hay và thấm thía: Triệu Khuông Dẫn, Cao Hoài Đức, Trịnh Ân là ba anh em kết nghĩa, sau bao năm chiến trận, đã lập nên cơ nghiệp. Khi thành vua rồi, Triệu Khuông Dẫn nghe nàng phi Hàn Tố Mai, cho xa giá của mình chở chú già Hàn Phụng dạo chơi, rồi sai lầm tiếp, để Hàn Tố Mai chuốc rượu say, làm giả chỉ dụ của vua để trả thù vặt, từ đó dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn, máu lửa ngợp trời…

​Vậy nên, xưa nay, những câu chuyện răn dạy nghiêm cẩn việc tề gia đối với vua, quan ở ta vẫn cứ luôn thời sự.

Tề gia có nhiều khía cạnh lắm, từ việc dạy vợ, xử con, nghiêm khắc với cha mẹ mình…

Như việc dạy vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, quyền thế ngợp trời, phàn nàn với Thái sư việc lính quân hiệu ngăn không cho kiệu bà đi qua thềm cấm Cửa Bắc, Thái sư nghe rồi, đã không xử phạt, mà còn thưởng vàng lụa cho người lính trơn biết giữ nghiêm phép nước. Theo lời vợ xin bổ người nhà làm chức câu đương (chức nhỏ có quyền bắt giữ người ở làng), nhưng ra công đường, Thái sư đã lệnh phải chặt ngón tay hoặc ngón chân người ấy để phân biệt với người không xin xỏ, làm họ sợ xanh mặt mà xin thôi.

Hay việc xử con, là chuyện Tể tướng Nguyễn Văn Giai, Tam nguyên Hoàng giáp, tước Thái bảo Quận công, công thần khai quốc thời Lê Trung hưng. Người con thứ ba của ông là Hùng Lĩnh Hầu ỷ thế cha làm nhiều điều xằng bậy, gây tai họa oan khuất cho dân lành. Nguyễn Văn Giai từ Thăng Long cấp tốc về quê lập tòa xét xử. Thấy tội trạng của con rõ ràng, phải lĩnh án tử, ông đau lắm, nhưng vẫn duyệt án. Khi tâu lên, vua biết tính ông, không can ngăn mà chuẩn y. 

Ứng xử với cha mẹ, thì là chuyện vua Trần Minh Tông. Khi triều đình làm lễ rước Hoàng tộc trên sông, theo phép tắc, thuyền của Hoàng thái hậu Bảo Từ (mẹ cả, không sinh ra vua) được buộc tám dây kéo đi, thuyền của Hoàng thái phi Huy Tư (mẹ đẻ của vua) theo phép, chỉ được buộc hai dây kéo, bọn lính muốn nịnh vua, cũng buộc 8 dây kéo. Tướng quân Trần Hựu thấy thế, rút gươm chặt đi 6 dây để giữ đúng phép. Vua Trần Minh Tông nghe bẩm báo lại, đã ban khen Trần Hựu trung thực, làm thế để giữ đúng pháp chế. Vua Trần Minh Tông còn có nhiều việc để giữ việc tề gia như cấm cha con, vợ chồng, gia nhân không được kiện nhau…

Còn nhiều chuyện nữa, đã được truyền tụng. Nếu người nào đã chọn con đường làm quan, chọn nghiệp làm phụ mẫu chi dân, không thể không đọc, không thể không biết. Vậy mà gần đây, có nhiều chuyện làm ta phải ngẫm nghĩ…

Tôi đã chứng kiến nhiều chuyện quan thời nay rất kém về tề gia. Xin kể hai chuyện: Khi tôi làm lãnh đạo báo, có sếp mới về, tôi cử một nữ phóng viên còn son rỗi, giỏi nghiệp vụ, có hình thức để theo. Phóng viên làm tốt, sẵn sàng lên đường khi có sự kiện, phản ánh ngon lành, còn tham gia giao tiếp không đến nỗi nào, sếp khen lắm. Bỗng có ý kiến xuống: “Vợ sếp đến, nói không được cử nữ phóng viên đi theo sếp nữa”. Thì thôi! Nhưng chuyện cứ lan khắp các cục, vụ. Người ta kể, vợ sếp trước đây đã từng ném cả bình rượu thuốc vào mặt sếp vì thấy sếp cho cán bộ nữ đi cùng xe, sếp thương tích, phải cáo nghỉ ốm mấy ngày, rồi cười khơ khơ… Làm sếp thế, anh em ngoài mặt thì im thin thít, nhưng trong bụng chả tôn trọng, lấy đâu ra nhiệt huyết, sáng kiến…

Chuyện thứ hai là chuyện một quan cỡ “thái tử”. Ông già nghỉ hưu, vợ mất, nên lấy vợ mới, hôn nhân không “thuận” lắm. Anh trai không bảo được em gái, để cô này viết đơn kiện bố, ầm ĩ cả lên. Tôi nói chuyện với “thái tử”, thế là ông “tề gia” kém, sẽ mất uy tín. Y như rằng, nhiệm kỳ sau, “thái tử” rớt đài…

Mới đây nhất, suốt tuần này, là chuyện xe biển xanh vào khu VIP đón vợ một sếp, rồi chuyện vợ một sếp khác khoe nhiều vé bóng đá trên mạng trong cơn sốt vé AFF Cup, chuyện “anh ấy hai bàn tay trắng”. Đằng sau các câu chuyện này, có thể có nhiều chuyện khác. Nhưng nếu “tề gia” tốt thì đã chẳng có chuyện…

Thời nay không phải là loạn lạc, bổ quan lên ngôi cao, chả phải vì có công tích lớn, cũng như từ chúng dân mà lên thôi, vì thế nên càng cần soi xét kỹ, tránh hậu họa về sau… “Tề gia” là việc khó. Mọi thứ như ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, có thể dễ dàng học được, nhưng “tề gia” là khó học nhất.

Đã có quy định, cán bộ phải gương mẫu, phải chịu trách nhiệm, không để vợ, con và người thân vi phạm pháp luật. Quy định này rất chuẩn.

Nhưng để đưa cán bộ vào vị trí cao liên quan đến quốc kế dân sinh, thiết nghĩ, phải xem xét thật kỹ, xem họ có “tề gia” được không đã, thì hãy quy hoạch, rồi mới đào tạo, bồi dưỡng tiếp các lĩnh vực cần thiết khác. Cán bộ có thể tốt, nhưng “tề gia” không tốt thì không những không làm việc tốt, mà có khi lại “diễn biến” rất xấu. Việc này liên quan đến đại thành, đại bại đấy!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ