[CAFÉ cuối tuần] Thị trường nước mắm: Cuộc chiến trăm năm và đòi hỏi minh bạch

Nhàđầutư
Những diễn biến trên thị trường nước mắm trong thời gian qua cho thấy, cuộc cạnh tranh trên thị trường này là vô cùng khốc liệt vì nguồn lợi quá lớn. Lần giở lại lịch sử, “cuộc chiến nước mắm” đã có tuổi đời trăm năm…
NGHỆ NHÂN
16, Tháng 03, 2019 | 07:34

Nhàđầutư
Những diễn biến trên thị trường nước mắm trong thời gian qua cho thấy, cuộc cạnh tranh trên thị trường này là vô cùng khốc liệt vì nguồn lợi quá lớn. Lần giở lại lịch sử, “cuộc chiến nước mắm” đã có tuổi đời trăm năm…

0AF61B79-81C8-4197-9A20-A7C5A41FA3DC

 

Nước mắm đã được người Việt sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Nhưng cho đến năm 1922, khi hãng Liên Thành lần đầu tiên đưa nước mắm truyền thống của Việt Nam giới thiệu tại hội chợ Marseille - Pháp, nước mắm Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn.

Thập niên 1920, hãng nước mắm Liên Thành chiếm lĩnh thị trường Nam - Trung kỳ, trong khi thị trường Bắc kỳ nước mắm Vạn Vân - Cát Hải chi phối. Sự phân chia về thị trường đã được các bên xác nhận ngầm với nhau.

Nhận thấy nguồn lợi hấp dẫn từ nước mắm, giới tư bản Pháp đã lên kế hoạch cấu kết với nhà cầm quyền để được độc quyền mặt hàng béo bở này. Thậm chí, công ty thủy tinh của Pháp còn sản xuất sẵn chai, lọ để chuẩn bị cho hãng độc quyền.

Tình hình trở nên nghiêm trọng. Nếu tư bản Pháp độc quyền đồng nghĩa với việc đẩy hàng loạt các thương hội nước mắm trong nước như Vạn Vân, Liên Thành, Long Hải bên bờ phá sản, hàng ngàn hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống lâm vào bước đường cùng.

Trước tình hình này, các thương hội người Việt không cam chịu. Ban đầu sự phản đối chỉ giới hạn trong các thương hội sản xuất nước mắm, sau lan rộng tạo thành phong trào đấu tranh chống độc quyền mạnh mẽ. Thậm chí, những chủ thương hội người Việt gửi đơn lên báo chí để yêu cầu can thiệp. Báo Lục Tỉnh tân văn thậm chí còn đưa thông điệp đầy cương quyết: “Ai độc quyền rượu nho với sữa bên Pháp quốc đặng thì mới độc quyền nước mắm trong cõi Đông Pháp này”.

Phong trào đấu tranh chống độc quyền nước mắm mạnh mẽ đến nỗi các Nghị viên người Việt trong Bắc kỳ - Trung kỳ và Nam kỳ nhân dân đại biểu buộc phải có đơn yêu cầu chính phủ bảo hộ không được phép cho công ty nào được độc quyền nước mắm.

Đọc lại lịch sử để thấy cuộc chiến nước mắm là chuyện không mới, khi mà giới “tư bản cá mập” luôn tìm cách để giành lợi thế, thậm chí độc quyền, còn các nhà sản xuất và người tiêu dùng muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh nhằm minh bạch thị trường.

Cùng với sự phát triển kinh tế, thị trường nước mắm cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Theo thống kê, thị trường nước mắm Việt Nam ước tính có quy mô 11.300 tỷ đồng mỗi năm và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016-2021.

Quy mô thị trường lớn khiến cho sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt và nước mắm công nghiệp đã ra đời. Năm 2002, Unilever khánh thành nhà máy sản xuất và đóng chai Quốc Dương, đặt tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Chưa đầy 1 năm sau, Masan bước vào cuộc đua trên thị trường nước mắm bằng việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương, Nghệ An và nhà thùng tại Phú Quốc có sức chứa khoảng 10.000 tấn cá, công suất 8 triệu lít nước mắm cốt/năm. Masan đồng thời thu mua nước mắm cốt của Liên Thành (TP. HCM), Khải Hoàn (Phú Quốc)... để sản xuất nước mắm.

Năm 2009, Công ty Ngọc Nghĩa - một doanh nghiệp giàu lên nhờ sản xuất bao bì cho các tên tuổi hàng đầu trong ngành đồ uống, thực phẩm… cũng quyết định đầu tư vào ngành hàng nước mắm. Một đại gia khác trong làng thực phẩm là Công ty Acecook với đầy đủ nguồn lực từ công nghệ, tài chính, sự am hiểu thị trường, hệ thống phân phối… đầu năm 2010 cũng quyết định tham gia thị trường với nhãn hàng nước mắm Đệ Nhất, còn Micoem thì cho ra mắt nước mắm Ông Tây... Gần đây nhất, tháng 7/2018, Nestlé Việt Nam đã tung ra sản phẩm nước mắm Maggi. Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết Việt Nam là một thị trường khá lớn và nhiều tiềm năng để Nestlé tham gia vào cuộc đua nước mắm.

Theo thông tin từ Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, lượng nước mắm tự nhiên truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít, còn nước chấm công nghiệp (nước mắm tự nhiên pha loãng và thêm hương vị) chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.

Cái tên bị chỉ trích, dè bỉu nhiều nhất trong thời gian qua (dù chưa có căn cứ) là Masan ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức tích cực. Năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE:MSN), doanh thu từ nhóm hàng gia vị đạt 6.958 tỷ đồng, tăng 35% so với 2017 (chủ yếu đến từ các sản phẩm nước mắm Nam Ngư, nước tương Chin Su), sản lượng tiêu thụ tăng 30% và giá bán tăng 3,8% trong năm 2018.

Gần đây, cuộc chiến nước mắm đang đi vào một “giai đoạn” mới, theo đó đang có những cuộc vận động để đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật qua đó có thể ảnh hưởng đến các nhóm nhà cung cấp khác nhau trên thị trường. Đây chính là lúc cần một vai trò “trọng tài” rõ nét hơn của nhà nước nhằm đưa thị trường phát triển lành mạnh, và để làm được điều đó thì nhất thiết phải minh bạch thị trường để các bên liên quan có thể giám sát lẫn nhau.

Sau khi nghiên cứu toàn cảnh thị trường nước mắm Việt Nam, một nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài cho rằng, trong kinh tế học, có 2 cách kiếm tiền: profit-seeking và rent-seeking. Profit-seeking là bạn tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và được hưởng một phần trong đó. Trong khi đó rent-seeking là bạn không tạo ra bất kỳ giá trị nào mà sử dụng các lợi thế không lành mạnh để lấy tiền từ người khác.

Profit-seeking thì mang lại giá trị cho xã hội, còn rent-seeking chỉ là hành vi “móc túi” xã hội. Tuy chẳng tạo ra giá trị gì, nhưng rent-seeking lại dễ làm nếu được phép làm.

Để xã hội phát triển, các nhà nước phải hạn chế rent-seeking. Tuy nhiên, khi tham nhũng quá nhiều, những người nhiều tiền có thể "mua" được chính sách để làm rent-seeking và rent-seeking giúp họ có thêm nhiều tiền nhanh chóng, lại mua được nhiều chính sách để tiếp tục rent-seeking. Đó là cái vòng xoáy đưa một số người ngày càng giàu nhanh hơn, tham nhũng ngày một nhiều hơn, và đất nước ngày 1 nghèo đi vì tiền chỉ đi từ túi của nhân dân sẽ vào túi của nhóm lợi ích chứ không có giá trị được tạo ra.

Câu chuyện BOT và câu chuyện nước mắm có thể coi là những ví dụ điển hình cho câu chuyện rent-seeking. Doanh nghiệp không nhất thiết phải làm ra nước mắm ngon, bổ, an toàn nếu có thể "mua" chính sách để chiếm hết thị phần, đưa nước hoá chất lên thành nước mắm. Cũng như nhà đầu tư BOT không nhất thiết phải cải tiến công nghệ làm đường sao cho tốt, cho rẻ nếu có thể đặt BOT thu phí vô tội vạ?

Với cách nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy được, trong thời điểm hiện nay, việc đưa ra quy chuẩn về nước mắm là cần thiết, song việc minh bạch thông tin về thị trường nước mắm còn cần thiết hơn rất nhiều. Người tiêu dùng cần có được những thông tin, kiến thức căn bản nhất về nước mắm và nước mắm (chấm) công nghiệp để đưa ra quyết định cuối cùng của mình.

Từ phía nhà nước, thiết kế cuộc chơi làm sao để chính các nhà sản xuất có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhau là điều quan trọng nhất. Mà để có được điều đó, sẽ cần đến vai trò của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, giới truyền thông cũng như chính các nhóm nhà sản xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ