[CAFÉ cuối tuần] Lịch sử đi ngang qua trước mặt

Nhàđầutư
Ngày cuối tuần thong thả. Hà Nội đã yên tĩnh trở lại. Ngồi trên quầy cao quán café nhìn ra Văn Miếu trầm mặc, dường như thấy nhộn nhịp hơn những bóng khách nước ngoài.
NGUYỄN THÀNH PHONG
02, Tháng 03, 2019 | 08:42

Nhàđầutư
Ngày cuối tuần thong thả. Hà Nội đã yên tĩnh trở lại. Ngồi trên quầy cao quán café nhìn ra Văn Miếu trầm mặc, dường như thấy nhộn nhịp hơn những bóng khách nước ngoài.

4AC776C3-B6C6-4010-91D7-D4441AF21950

Cú bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Trump và  Chủ tịch Kim vào tối 27/2 tại Hà Nội.

Có thể trong đó có vài người từ mấy ngàn phóng viên quốc tế đến Hà Nội phản ánh sự kiện, giờ nán lại để chiêm ngưỡng thêm văn hóa Việt Nam…

Hà Nội đã có một tuần cực kỳ sôi động, thành trung tâm chú ý của cả thế giới. Việt Nam đã từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của thế giới. Và lần đầu tiên, một cuộc đàm phán cấp thượng đỉnh quốc gia về hòa bình diễn ra trên mảnh đất đã từng nóng bỏng chiến tranh, đầy bom rơi đạn nổ mấy chục năm trước đây.

Nhớ hồi thập kỷ 70 thế kỷ trước, một đàn anh về thơ ca và dịch thuật, đã đọc cho tôi nghe câu thơ anh dịch của một thi sỹ lớn, đến giờ tôi vẫn cứ ám ảnh: “Lịch sử đi ngang qua đời tôi/Vừa đi vừa khóc vừa sinh sôi”. Anh bảo, đó là thơ của Pablo Neruda, nhà thơ, nhà chính trị, người Chile, đã được trao giải Nobel Văn học.

P. Neruda đã chứng kiến chiến tranh, đau khổ trên đất nước mình, và đã viết: “Ôi Chile như một cánh hoa dài/Lại giống mũi gươm trần tuốt lạnh”. Lịch sử đi qua con mắt của nhà thơ, vừa đau khổ, buồn bã, vừa bền bỉ phát triển và sinh sôi. Và từ câu thơ này, chứng kiến Hà Nội với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, tôi cũng có cảm giác lịch sử đang đi qua trước mặt mình.

Không chỉ đi ngang qua trước mặt, mà lịch sử còn “trình diễn” hết sức sinh động và đầy bất ngờ trước chúng ta. Chưa có một cuộc đàm phán nào có màu sắc như vậy. Từ cách thức hai nhà lãnh đạo quốc gia đến Hà Nội. Từng ánh mắt, cái nhíu mày, vẻ căng thẳng hay nụ cười thư giãn của các nhân vật chính đã đều bày ra trước thế giới. Thế mà vẫn có những bất ngờ đến choáng váng, vẫn có những bí ẩn và chiều sâu thăm thẳm chưa hẳn đã dễ giải tỏa và có thể lấp đầy ngay được.

Không chỉ chứng kiến lịch sử, mà mỗi người chúng ta còn đang tham gia, đóng góp vào lịch sử. Không kể những người có trọng trách và các công việc lớn lao. Mỗi người dân kiên nhẫn trước đường tắc, với nụ cười trên môi để đón khách, thân thiện chào hỏi và tận tình giúp đỡ khi khách cần, là đã đóng góp vào sự kiện, làm nên vẻ đẹp văn hóa của đất nước này. Việt Nam được cả thế giới quan sát, đã thể hiện rõ vị thế một nước chủ nhà thành công, là xứ sở an toàn, yên bình, tin cậy và hiếu khách.

Hà Nội được quốc tế vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Hai phái đoàn cao cấp đến đây, và gặp nhau ở ngay cạnh Hoàn Kiếm, cái hồ tuyệt đẹp, mang một truyền thuyết cũng là về hòa bình, truyền thuyết trả gươm, hoàn lại kiếm thần sau khi đuổi giặc để vun đắp hòa bình. Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, từ những nhân vật chính của cuộc đàm phán, các chính khách lớn cho đến những nhà ngoại giao, các chuyên gia bình luận quốc tế, đều khẳng định, Hội nghị đã có những tiến bộ, để hướng tới hòa bình…

Lịch sử đàm phán vì hòa bình không dễ dàng. Đây thường là một quá trình căng thẳng, tổn hại trí não và kéo dài nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm. Người Việt Nam đã mất nhiều thời gian ở Genève để đàm phán với Pháp để lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954. Người Việt Nam cũng phải mất nhiều năm ở Paris để đàm phán với Mỹ để lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Lịch sử thế giới, còn rất nhiều những cuộc đàm phán như vậy.

Hai đối phương trong cuộc đàm phán này đã từng là kẻ thù không đội trời chung hơn nửa thế kỷ. Đằng sau họ là thể chế, là ý thức hệ đối nghịch nhau, là một hệ thống các quốc gia có cùng các lợi ích chiến lược gắn kết với nhau.

Trước cuộc đàm phán này, đã diễn những chuyển động hết sức khó khăn, gian nan.

Các nhân viên An ninh quốc gia, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thời gian gần đây thường mặc những chiếc áo khoác màu xanh có dãy số 615104427919 đằng sau lưng. Dãy số này nhắc đến lịch sử, là những ngày mà hai miền trên bán đảo Triều Tiên ký tuyên bố chung hướng tới hòa bình. Con số 615 nói đến Tuyên bố chung Bắc - Nam vào ngày 15/6/2000, 104 là Tuyên bố chung Bắc - Nam ngày 4/10/2007, 427 là Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018 và số 919 tượng trương cho Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. Họ làm thế để nhắc nhở mình và đồng bào mình về quá trình hướng đến hòa bình, là một cách xây dựng lòng tin với nhau.

Tổng thống Donal Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã gọi nhau là bạn, đã chia tay nhau với nụ cười ở Hà Nội.

Nên nhớ, họ mới gặp nhau vào tháng 6/2018, cách đây 8 tháng, mà trước đó, ngày 24/5/2018, Nhà trắng đã công bố bức thư của Donal Trump thông báo hủy cuộc gặp Kim Jong-un.

Gọi nhau là bạn, đề cao nhau bằng lời nói, dễ thôi. Nhưng xây dựng lòng tin, nhất là lòng tin chính trị đối với nhau, thì cần phải làm rất nhiều việc và cần rất nhiều thời gian để trải nghiệm thực tế. Vì thế, tiến bộ từ cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội, là một bước đi dài để cho cả Mỹ, Triều Tiên và thế giới hy vọng.

Hà Nội rất đáng tự hào là nơi tham gia và kiến tạo cho tiến bộ này. Bài học về đàm phán chấm dứt chiến tranh với nhau để làm bạn bè, tin cậy hợp tác với nhau giữa Việt Nam với Pháp, với Mỹ, cũng là một hình mẫu cho cuộc đàm phán này tiếp tục hướng tới mục tiêu tốt đẹp trong tương lai.

Nhà thơ Xuân Diệu của Việt Nam có một câu thơ về thế giới rất ấn tượng: “Trái đất ba phần tư nước mắt/Đi như giọt lệ giữa không trung”. Hơn bao giờ hết, bây giờ thế giới đã trưởng thành hơn. Khi hòa bình được lan tỏa bền vững, trái đất sẽ ít bị ám ảnh hơn những giọt nước mắt đau khổ. 

Lại phải nhắc đến một bài báo mới, rất hay của nhà báo Trần Đăng Tuấn mới đây, có tiêu đề: “Dưới chân cột đèn đường Bình Nhưỡng”. Anh kể về việc đã được chứng kiến những sinh viên ở Bình Nhưỡng của Triều Tiên, trong khó khăn, thiếu thốn đủ bề, vẫn chăm chú và say mê học bài trong đêm dưới ánh sáng mờ tỏ rọi xuống chân cột đèn đường. Một đất nước của những thanh niên như thế thì sớm muộn gì cũng có tương lai, sẽ phải phát triển trong hòa bình và bình đẳng giữa thế giới hiện nay…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ