Cách mà Phúc Sinh liên tục 'làm mới' mình để nâng tầm nông sản Việt

Nhàđầutư
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp liên tiếp gặp khó khi sụt giảm đơn hàng nội địa lẫn xuất khẩu thì Phúc Sinh của "ông vua xuất khẩu nông sản" Phan Minh Thông lại liên tục có những đầu tư quy mô trong sản xuất chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời mở rộng đa dạng thị trường.
THIÊN KỲ
21, Tháng 12, 2023 | 10:14

Nhàđầutư
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp liên tiếp gặp khó khi sụt giảm đơn hàng nội địa lẫn xuất khẩu thì Phúc Sinh của "ông vua xuất khẩu nông sản" Phan Minh Thông lại liên tục có những đầu tư quy mô trong sản xuất chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời mở rộng đa dạng thị trường.

Chế biến sâu là xu thế tất yếu 

Nhận định Việt Nam có rất nhiều nông sản có sản lượng và giá trị cao hàng đầu trong bản đồ xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Tuy nhiên đa phần chỉ mang lại giá trị rất thấp bởi hầu hết chỉ xuất thô chứ chưa chú trọng vào chế biến sâu. Công ty Cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) đã liên tục làm mới mình trong quá trình kinh doanh với những hướng đi được cho là đặc biệt và có tính tiên phong khi liên tục đầu tư quy mô về nhà máy sản xuất chế biến sâu trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay.

bienvocaphe22233365

Thời gian gần đây, "ông vua xuất khẩu nông sản" Phan Minh Thông liên tục tung ra các sản phẩm cà phê giá trị cao ra thị trường tiêu dùng xuất khẩu lẫn nội địa. Ảnh: Phúc Sinh

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết thời gian qua nhận thấy rõ nhu cầu của các thị trường quốc tế cũng như tiềm năng của nông sản Việt nhất là các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cây gia vị...doanh nghiệp này liên tục "đổ vốn" vào đầu tư các nhà máy quy mô phục vụ chế biến sâu vì cho rằng đây là xu thế bắt buộc để tấn công vào các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, EU.

"Trong năm 2023 công ty chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện một nhà máy chế biến với các thiết bị nhập khẩu từ Pháp chủ yếu phục vụ cho công tác chế biến sâu là khâu nghiền không những hạt tiêu mà tất cả các loại gia vị khác", ông Thông cho biết.

daklakfactory2

Nhà máy sản xuất tiêu và cà phê quy mô của Phúc Sinh Đắk Lắk. Ảnh: Phúc Sinh

Bên cạnh đó, theo Nhadautu.vn từng thông tin Phúc Sinh Đắk Lắk (thuộc Phúc Sinh Group) được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tiêu và cà phê công suất 10 tấn tiêu xanh/tháng, 75 tấn cà phê nhân/tháng, 20 tấn tiêu lép/tháng (tỉnh Đắk Lắk); còn Phúc Sinh Sơn La nắm Nhà máy cùng tên có tổng quy mô 45ha, giai đoạn I với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng (hoạt động từ tháng 11/2018), năng suất 20.000 tấn cà phê tươi/năm, phục vụ cho thị trường xuất khẩu, tiêu dùng Việt Nam.

Được biết khi mọi người còn sử dụng tiêu lẫn nhiều tạp chất, Phúc Sinh đã có nhà máy chế biến sạch. Và khi các doanh nghiệp tiếp cận với chế biến sạch, thì doanh nghiệp này đã có nhà máy chế biến tiệt trùng.

Bởi vì "vua tiêu" nhận thấy xanh hóa là xu thế tất yếu không thể cưỡng lại của thị trường "ai đi trước sẽ thành công trước và đi sau sẽ rất vất vả", nên với những đầu tư của mình hiện nay Phúc Sinh đã có nhiều sản phẩm mới và chất lượng như cà phê, trà bán ra thị trường với giá trị cao.

Cụ thể như hệ thống 5 quán cà phê thương hiệu KCOFFEE với không gian rộng và vị trí đắc địa ở các quận trung tâm TP.HCM đồng thời Phúc Sinh Consumer cũng vừa đưa sản phẩm này phân phối tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản thông qua ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation hồi tháng 11 vừa qua.

Hay mới đây nhất Phúc Sinh cũng cho ra mắt trà Cascara túi lọc được làm từ vỏ cà phê arabica với giá bán lên đến 1,5 triệu đồng/kg với 90% sản lượng cung ứng xuất khẩu nhưng cũng liên tục quảng bá rầm rộ tại nội địa nhắm nâng cao nhận thức dùng sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe người dùng.

"Đây cũng là những mặt hàng mở ra cho chúng tôi những chân trời mới về chế biến sâu cũng như làm các sản phẩm chuyên nghiệp đặc biệt. Các sản phẩm này hỗ trợ rất nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất của chúng tôi và cũng là hướng đi riêng biệt, tiên phong mà Phúc Sinh lựa chọn", ông Thông nói.

"Ông vua xuất khẩu nông sản" cũng chỉ rõ với Phúc Sinh dù có khá nhiều kinh nghiệm về làm sản phẩm chế biến sâu tuy nhiên không phải sản phẩm nào ra mắt cũng bán được ngay lập tức. Dù vậy, người đứng đầu Phúc Sinh khẳng định vẫn phải kiên trì vì điều này tạo ra nhiều nhu cầu, định hướng mới cũng như tạo ra cho khách hàng sự lựa chọn tốt.

"Phúc Sinh cũng gặp nhiều thách thức khi đầu tư vào nhiều sản phẩm đa dạng và khác biệt thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền và cũng không hề dễ dàng trong phân phối sản phẩm giá trị cao nhất là ở thị trường nội địa. Nhưng tôi tin đây là xu hướng tất yếu và trước đó chúng tôi cũng có nhiều sản phẩm tương tự và đã thành công, điều này sẽ là tiền đề cho những đầu tư tiếp tục của Phúc Sinh ở hiện tại và tương lai", người đứng đầu Phúc Sinh cho hay.

Hơn thế nữa, Phúc Sinh còn thể hiện "tham vọng" của mình trong việc trở thành niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp cà phê nói riêng, nông sản nói chung ở Việt Nam quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào mảng này.

Đa dạng thị trường - "tăng cơ giảm nguy"

Được biết các sản phẩm của Phúc Sinh Group đã được xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Trung Đông, Úc, châu Á…với sản lượng và giá trị luôn ở top đầu.

Qua 22 năm kinh doanh với vị thế liên tục là doanh nghiệp đứng đầu trong xuất khẩu hồ tiêu (chiếm 8% thị phần tiêu toàn cầu) và cũng nằm trong top đầu các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay, ông Thông rút ra một bài học kinh nghiệm là bên cạnh đầu tư chế biến sâu cần "mạnh dạn" mở rộng thị trường để hạn chế bị phụ thuộc.

Vì thế, dù là doanh nghiệp có tới 99% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu bên cạnh chú trọng phân khúc này hiện nay Phúc Sinh đã có sự quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. 

"Bởi vì khi chúng ta gặp khó khăn thì chúng ta có thể không phụ thuộc vào 1 hay 2 thị trường mà chúng ta có đa dạng thị trường để thay đổi cơ cấu kinh doanh. Mạnh dạn đi ra nước ngoài nhưng cũng không bỏ quên thị trường nhiều tiềm năng tại nội địa", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Như vậy, theo ông Thông việc đầu tư vào chế biến sâu và mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, tăng thời hạn bảo quản của sản phẩm nông sản, tránh được tình trạng bị ép giá, rớt giá mà còn nâng cao sản lượng, giá trị xuất khẩu.

Doanh thu 10 tháng đầu năm 2023 của Phúc Sinh tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. 

Ông Phan Minh Thông sinh năm 1975, ông từng tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản ông Thông đã có hơn 22 năm hoạt động với số vốn tiết kiệm ban đầu là 60 triệu đồng.

Phúc Sinh Group được thành lập vào năm 2001 là công ty làm thay đổi tư duy kinh doanh ngành nông nghiệp và đưa ngành nông sản vươn ra thế giới, đặc biệt thành công trong ngành hồ tiêu, cà phê với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ