Các tỉnh, thành miền Trung bắt tay nhau nhằm phục hồi nhanh du lịch

Nhàđầutư
Trong thời gian qua, các tỉnh thành miền Trung liên tục hợp tác, liên kết du lịch cùng nhau nhằm làm tăng sức hút của các điểm đến, kết nối giữa các địa phương là cách làm hiệu quả để mở rộng tour, tuyến và làm đa dạng các sản phẩm du lịch.
THÀNH VÂN
26, Tháng 12, 2021 | 14:53

Nhàđầutư
Trong thời gian qua, các tỉnh thành miền Trung liên tục hợp tác, liên kết du lịch cùng nhau nhằm làm tăng sức hút của các điểm đến, kết nối giữa các địa phương là cách làm hiệu quả để mở rộng tour, tuyến và làm đa dạng các sản phẩm du lịch.

Để tạo không gian du lịch rộng lớn, gắn kết và phong phú, nhiều địa phương ở khu vực miền Trung đã có nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch. Bước đầu, việc liên kết đã tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, sau hai năm bão COVID-19 càn quét, du lịch duyên hải miền Trung đứng trước thách thức lớn. Do đó, việc liên kết phát triển du lịch vùng là yếu tố quan trọng để phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới.

Ngày 25/12, tại Đà Nẵng, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch Bình Định tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa hai địa phương trong giai đoạn bình thường mới.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến không thể thiếu của du lịch Nam Trung bộ, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. 

Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và dần khẳng định thương hiệu Bình Định là điểm đến an toàn - trải nghiệm hấp dẫn.

du lich

Ngành du lịch Đà Nẵng - Bình Định ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển trong tình hình mới.

“Hiện ngành du lịch Bình Định đang triển khai kế hoạch phục hồi các hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 với mục đích tiếp tục đẩy mạnh hưởng ứng các chương trình kích cầu: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Bình Định đi du lịch Bình Định”… Đặc biệt, tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức các chương trình liên kết giới thiệu du lịch với các địa phương liên kết”, ông Thanh cho hay. 

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, giai đoạn vừa qua, 3 tỉnh thành miền Trung là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã liên kết phát triển ngành du lịch liên vùng đem lại nhiều kết quả tích cực. Với thành công này, ngành du lịch 3 địa phương tiếp tục mở rộng liên kết thêm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị trong năm 2022.

“Việc tỉnh Bình Định cùng tham gia liên kết phát triển du lịch với TP. Đà Nẵng sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn cho việc mở rộng không gian du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Từ nay, không gian du lịch miền Trung không còn gói gọn trong từng địa phương, mà trải dài từ Quảng Bình đến Bình Định. Điều này rất thuận lợi cho việc quảng bá và thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thị trường miền Trung”, ông Bình thông tin. 

khach-quoc-te

Đoàn khách quốc tế đầu tiền đến miền Trung sau hai năm vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hay trước đó, đầu tháng 12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch cho phép hai địa phương này kết nối đón khách quốc tế.

Theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng về việc phối hợp triển khai thí điểm đón khách quốc tế cũng như căn cứ nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến khu vực miền Trung, tạo lợi thế của điểm đến Quảng Nam và Đà Nẵng.

Về phía Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL thống nhất chủ trương cho phép Quảng Nam và Đà Nẵng kết nối các cơ sở cung ứng dịch vụ đủ điều kiện đón, phục vụ khách du lịch quốc tế đã được hai địa phương phê duyệt để các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế đủ điều kiện đưa vào khai thác phục vụ khách theo chương trình du lịch khép kín dưới 7 ngày.

UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp chặt chẽ đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai phương án phối hợp, thời gian thực hiện từ 1/1/2022.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành du lịch cả về lữ hành, lưu trú, ẩm thực, đa dạng hóa sản phẩm, không gian du lịch, loại hình du lịch và thị trường khách để bảo đảm phục hồi và phát triển bền vững.

“Triển khai Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; triển khai liên kết phát triển du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Bình để xây dựng các sản phẩm phù hợp cho khách nội địa và khách quốc tế”, ông Thanh nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản giúp phục hồi là nhanh chóng triển khai các liên kết về định vị nguồn khách, tạo sản phẩm và triển khai công tác quảng bá, quảng cáo, xúc tiến. Lãnh đạo các địa phương vùng Duyên hải Miền Trung cần tiếp tục kích hoạt cơ chế hợp tác vùng đã hình thành trước đây, lấy liên kết phát triển du lịch làm trọng tâm cho các hoạt động phối hợp.

Đồng thời, huy động thêm nhiều nguồn lực, quan tâm và đầu tư thích đáng cho hoạt động xúc tiến du lịch địa phương, tạo ra các liên kết vùng để phối hợp sản phẩm và triển khai các hoạt động xúc tiến. Đặc biệt, có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, các doanh nghiệp trong công tác quảng bá thu hút khách và giới thiệu điểm đến, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ cho các đường bay quốc tế trực tiếp. 

Ngoài liên kết vùng, 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã mạnh dạn phối hợp với TP. Hà Nội và TP.HCM mở rộng liên kết phát triển du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm mới, góp phần khôi phục ngành kinh tế này sau đại dịch.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ