Các 'ông lớn' rầm rộ tái cấu trúc sau dịch

Dịch Covid-19 tác động không nhỏ lên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tuy nhiên cũng là khoảng lặng cần thiết để họ tính toán kỹ hơn cho việc tái cấu trúc. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh đã phần nào thoái trào thì một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu tiến trình này.
V.DŨNG
04, Tháng 10, 2020 | 06:59

Dịch Covid-19 tác động không nhỏ lên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tuy nhiên cũng là khoảng lặng cần thiết để họ tính toán kỹ hơn cho việc tái cấu trúc. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh đã phần nào thoái trào thì một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu tiến trình này.

Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) của nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh đã bước đầu thực thi quyết liệt kế hoạch tái cấu trúc ngành nghề thông qua một công ty con mới thành lập gần đây. HAGL cũng đã cơ cấu lại các tỷ lệ cổ phần tại công ty nông nghiệp, KIDO, Lộc Trời… cũng đã có những nhận thức mới về quy mô và hoạt động doanh nghiệp sau dịch. Tiến trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu được khởi động.

60bc8_ree_1

REE là một trong những đơn vị có động thái tái cấu trúc quyết liệt và toàn diện nhất sau dịch. Ảnh minh họa: website REE

Cuộc “đại phẫu” của  REE

REE là đơn vị có động thái sớm và toàn diện nhất trong tiến trình này khi chuyển quyền sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp điện, nước và bất động sản sang công ty con thay vì để công ty mẹ quản lý trực tiếp.

Cụ thể, mới đây doanh nghiệp này thông báo sẽ thành lập Công ty TNHH Năng lượng REE (REE Energy) trong quí 4 với vốn điều lệ 6.380 tỉ đồng, REE sẽ sở hữu 100% vốn điều lệ. Sau khi thành lập REE Energy, tập đoàn này sẽ thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phần tại 14 công ty trong lĩnh vực năng lượng điện sang cho công ty con này với tổng giá trị sổ sách 6.200 tỉ đồng. Công ty mẹ đồng thời góp vốn thêm 179 tỉ đồng bằng tiền mặt vào REE Energy.

Song song với việc thành lập mới REE Energy, doanh nghiệp này cũng chuyển hai doanh nghiệp thành viên là Công ty Cổ phần Nước sạch REE (REE Water) và Công ty Cổ phần Bất động sản REE (REE Land) sang hình thức công ty TNHH MTV để sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện cũng trong quí 4 năm nay.

Sau khi chuyển đổi mô hình của REE Water và REE Land, REE sẽ chuyển quyền sở hữu cổ phần tại các công ty nước và bất động sản sang cho hai công ty con này. Dự kiến REE Water sẽ nhận quản lý cổ phần của REE tại 8 công ty nước với giá trị sổ sách 1.610 tỉ đồng. Còn REE Land sẽ tiếp quản cổ phiếu của công ty mẹ ở 2 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị 260 tỉ đồng.

Đây là bước đầu trong quá trình tái cấu trúc tập đoàn, hiện tại công ty mẹ REE quản lý trực tiếp 12 công ty thành viên và các khoản đầu tư tại 19 công ty liên kết. Doanh nghiệp này cho rằng mô hình này không phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh, hiệu quả, tiềm năng sinh lời của từng lĩnh vực. Điều này dẫn đến hạn chế về huy động vốn cũng như phát triển đầu tư.

Do đó, đại hội cổ đông thường niên 2020 thông qua chủ trương của HĐQT là tái cấu trúc tập đoàn thành 4 nhóm hoạt động riêng biệt theo từng lĩnh vực gồm cơ điện lạnh, năng lượng điện, nước sạch, bất động sản. Mỗi mảng kinh doanh sẽ do một công ty con của  quản lý để hoạt động hiệu quả hơn.

Tháng 8 vừa qua, vị trí tổng giám đốc của REE được bà Mai Thanh chuyển giao cho ông Huỳnh Thanh Hải để thực hiện đúng quy định về quản trị doanh nghiệp đại chúng. Tại thời điểm này, bà Mai Thanh cho rằng, việc thận trọng quá mức trong quá khứ khiến cho doanh nghiệp bỏ qua nhiều cơ hội để tăng trưởng. Vì vậy thông qua việc tái cấu trúc và đưa người trẻ vào điều hành có thể sẽ tận dụng được tối đa các cơ hội tăng trưởng.

Sau 30 năm phát triển, từ một xí nghiệp nhỏ REE trở thành doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thi trường chứng khoán và quy mô vốn hiện nay hơn 560 triệu đô la. Với diện mạo mới sau khi tái cấu trúc, ông lớn trong ngành cơ điện này kỳ vọng vào một bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức về sự thay đổi

Sự thay đổi là quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nếu muốn đưa doanh nghiệp lên một tầng nấc phát triển mới hay để vượt qua khủng hoảng. Dịch covid-19 vừa qua có thể là chất xúc tác giúp cho nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự thay đổi đóng vai trò quan trọng ra sao để họ quyết định bước vào một cuộc “cải tổ”.

Chia sẻ với cổ đông mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nhận định dịch Covid-19 diễn ra là "điều đáng mừng", bởi chính dịch dạy cho Lộc Trời một bài học: “chỉ có chuyển đổi tập đoàn sang công nghệ số, phải thay đổi thật nhanh, mạnh mới có thể theo kịp thay đổi của thời đại mới”.

Đồng thời, tập đoàn định hướng trở thành công ty dịch vụ nông nghiệp và đầu tư phát triển toàn diện các khâu cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Theo đó, trong thời gian qua, tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện và chuyên môn hóa các đơn vị kinh doanh theo 4 ngành gồm dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, lương thực, sản xuất và kho vận.

e6a07_lt_1

Lộc Trời ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: LTG

Theo ông Thòn, đơn vị chuyển sang làm dịch vụ để tránh những khó khăn mà doanh nghiệp nông nghiệp phải đối mặt như dịch bệnh, thời tiết… Tuy nhiên, việc giành thời gian để tái cấu trúc khiến tập đoàn phải trả giá là tình hình kinh doanh chững lại (lỗ trong quí 1) khi các bộ phận chưa khớp, chưa vận hành trơn tru.

Doanh nghiệp bắt đầu tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch vụ nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật với chi phí thấp hơn thuê nhân công thông thường, tiết kiệm vật tư.

Tân Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận chia sẻ lợi nhuận Lộc Trời giảm trong nhiều năm gần đây kéo theo cổ tức giảm do thị trường thuốc bảo vệ thực vật bão hòa, nhiều năm không tăng trưởng. Nhận thức được điều này, công ty đã quyết định rút ra khỏi thị trường bảo vệ thực vật bằng cách tham gia chuỗi cung ứng, đặt hàng theo nhu cầu. Đầu năm 2020, những thay đổi này đã có kết quả khi lần đầu tiên tập đoàn có dòng tiền dương.

Trong khi đó, ông lớn ngành hàng tiêu dùng như Tập đoàn Kido cũng bắt đầu thay đổi về tư duy kinh doanh sau khi sắp xếp lại toàn bộ hệ thống công ty con cũng như triển khai M&A. Kế hoạch trước mắt là năm 2020 sẽ là năm Kido "quy tụ" tất cả các đơn vị độc lập hiện nay tại ngành hàng lạnh - Kido Foods (KDF) và mảng dầu gồm Vocarimex (VOC) và Dầu Thực vật Tường An (TAC) về Tập đoàn.

Cùng với đó, Kido cũng tiến đến bắt tay với Vinamilk để tiến sâu hơn vào ngành tiêu dùng, mở rộng sang ngành nước giải khát (không gas), sữa… với thương hiệu Vibev. TheoTổng giám đốc Trần Lệ Nguyên, đây là bước đi cần thiết nhằm gia tăng thương hiệu, củng cố thế mạnh phân phối, đối tác (đặc biệt thị trường xuất khẩu), quy mô vốn, tài chính…

Mặt khác, Kido cũng đã quay về mảng truyền thống bánh kẹo trong quí 3-2020, đồng thời mục tiêu lấy lại vị thứ 2 trong thời gian không xa, song song mở rộng hơn nữa ra ngành hàng Snacking (đồ ăn vặt).

"Ngành cốt lõi sau 5 năm có sự thay đổi rất nhiều, đặc biệt tại mảng quà biếu quy mô tăng rất mạnh, trong đó Việt Nam có 2 dịp lễ lớn là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Từng thành công với mảng truyền thống này, tuy nhiên nay Kido quay lại ngành cốt lõi với quy mô hiện nay tăng mạnh hơn nhiều lên đến 51.000 tỉ đồng, trong đó Công ty sẽ chọn phát triển những sản phẩm hiện nay đang "hot" trên thị trường", Phó Tổng giám đốc Bùi Thanh Tùng cho hay.

Không chỉ tái cấu trúc, sắp xếp,thay đổi mô hình doanh nghiệp mà Covid-19 cũng phần nào tác động khiến nhiều doanh nghiệp lớn cơ cấu lại nguồn vốn, các khoản nợ hay các dự án đầu tư.

Chỉ trong vòng một 2 tháng qua lần lượt các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Vinaconex, Him Lam liên tiếp rút khỏi các dự án đã nghiên cứu đầu tư. Lý do được các doanh nghiệp này đưa ra là cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sau nhiều năm miệt mài thanh lý tài sản để cân đối lại các khoản nợ cùng cơ cấu sở hữu tại các công ty con. Mới đây, nhóm cổ đông HAGL chỉ còn sở hữu 44,8% cổ phần HAGL Agrico sau khi Hưng Thắng Lợi Gia Lai thoái bớt vốn tại công ty nông nghiệp này. Việc bán cổ phần, cơ cấu lại các khoản nợ, kinh doanh bắt đầu có lãi trong thời gian qua giúp cho cổ phiếu của doanh nghiệp này thoát khỏi diện kiểm soát.

Không chỉ các doanh nghiệp trên, có nhiều doanh nghiệp khác cũng đã bắt đầu sắp xếp lại doanh nghiệp của mình để hoạt động kinh doanh của mình hiệu quả hơn sau dịch. Có thể thấy, dịch Covid-19 không chỉ là màng lọc các doanh nghiệp yếu kém mà còn tạo cho cọng đồng doanh nghiệp một diện mạo mới hơn.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ