Bức tranh lợi nhuận ngân hàng dần lộ diện

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2017 đã được hé mở khi nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn về 6 tháng cuối năm, giới chuyên môn cho rằng vẫn có nhiều nhân tố tác động đến lợi nhuận ngân hàng.
NGÔ MINH
27, Tháng 07, 2017 | 07:30

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2017 đã được hé mở khi nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn về 6 tháng cuối năm, giới chuyên môn cho rằng vẫn có nhiều nhân tố tác động đến lợi nhuận ngân hàng.

ngan hang

 Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng đã khởi sắc nhưng vẫn có những áp lực đối với lợi nhuận 6 tháng cuối năm 

Các báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, hầu hết các ngân hàng có lợi nhuận nửa đầu năm 2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đều trải qua quá trình tái cấu trúc khá hiệu quả trong một vài năm trước.

Lợi nhuận tiếp tục khởi sắc

Cuối tuần qua, Sacombank đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017. Tại hội nghị, lãnh đạo Sacombank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động kinh doanh của Sacombank có nhiều chuyển biến tích cực, đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ 2016.

Trước đó, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 chưa kiểm toán với lợi nhuận trước thuế đạt 380 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51% kế hoạch năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đạt lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 trên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sát ngưỡng 2.000 tỷ đồng, cùng tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2017 đạt 262 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2016. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt hơn 477 tỷ đồng, tăng trưởng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm 2016.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), lợi nhuận trước thuế trong 6 antháng đầu năm ở mức 494 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước...

Trái ngược với sự lạc quan từ các ngân hàng trên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm, do chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí hoạt động khiến hoạt động kinh doanh trong quý 2/2017 thua lỗ ở mức 3,3 tỷ đồng, tăng gấp đối so với cùng kỳ năm 2016.

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 vừa được BIDV công bố, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 3.708 tỷ đồng, đạt gần 48% kế hoạch.

Ở ngân hàng khác là Vietinbank cũng công bố lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 54% kế hoạch cả năm.

Vietcombank lãi trước thuế trong 6 tháng đầu năm ở mức 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 53,2% kế hoạch năm...

Áp lực nửa cuối năm

Kết quả kinh doanh 6 tháng qua của các ngân hàng cho thấy, dù bức tranh lợi nhuận của ngành đã khởi sắc nhưng vẫn có những áp lực đối với lợi nhuận 6 tháng cuối năm.

Áp lực đầu tiên là việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên xuống thêm 0,5%/năm theo yêu cầu của ngân hàng nhà nước. Lãi suất cho vay giảm, trong khi lãi suất tiền gửi tiếp tục được giữ nguyên có thể sẽ khiến cho tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) co lại, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng có thể vì thế mà giảm đi.

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), quyết định giảm lãi suất điều hành vừa qua được ngân hàng nhà nước thực hiện sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, đây cũng là điều kiện để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đầu ra.

Tuy nhiên, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này là không cao do quy mô các khoản vay ngần hàng nhà nước khá khiêm tốn và mức giảm lãi suất còn thấp. So với 9 lần giảm từ năm 2011 đến nay, đợt giảm lãi suất điều hành ở mức 0,25%/năm vừa qua được đánh giá là thận trọng.

Do đó, các chuyên gia của BSC cho rằng, tác động giảm chi phí đầu vào từ đợt điều chỉnh lãi suất điều hành này là không cao, trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại phải đối mặt với áp lực giảm lãi suất đầu ra từ định hướng điều hành và chính sách của ngân hàng nhà nước.

Các tín hiệu trên, cộng với lãi suất huy động đầu vào khó giảm tương ứng do áp lực lạm phát và tỷ giá, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng có thể giảm trong thời gian tới.

Áp lực tiếp theo được dự báo là nợ xấu. Nhìn vào báo cáo quý 2/2017 được các ngân hàng, điều dễ thấy là tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng có dấu hiệu tăng lên.

Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu trong quý 2/2017 ở mức 2,59%, cao hơn so với tỷ lệ 2,19% trong quý 1/2017; tại NCB, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,48% trong đầu năm lên 2,21% trong quý 2/2017; tại TPBank, nợ xấu tăng từ mức 0,42% hồi đầu năm lên 0,54% trong quý 2/2017...

Nợ xấu tăng, đồng nghĩa ngân hàng thương mại sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung của cả ngân hàng.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nợ xấu sẽ khiến áp lực lãi suất tăng lên trong những tháng cuối năm. Bởi theo ông Hiếu, rất có thể từ nay đến trước ngày 15/8, nợ xấu trong hệ thống của ngành ngân hàng sẽ tăng cao nhằm được hưởng những quy định tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua.

Nợ xấu tăng sẽ đẩy chi phí hoạt động tăng, khiến áp lực lợi nhuận cuối năm tăng. Trái ngược với nhận định của ông Hiếu, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại lạc quan với triển vọng lợi nhuận cuối năm khi cho rằng, Nghị quyết nợ xấu không chỉ giúp các ngân hàng giải quyết các tài sản tồn đọng mà còn có thể mang lại các khoản lợi nhuận bất thường thông qua hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng.

(Theo Vneconomy)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ