Báo chí với doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh

“Nguyên tắc cơ bản của đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp là khen phải đúng và chê cũng phải đúng, mang tính xây dựng để vừa hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa có điều kiện để phát triển vươn lên vì lợi ích của chính họ và vì sự phồn thịnh của đất nước”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
NGUYỄN HỒNG (thực hiện)
21, Tháng 06, 2018 | 11:59

“Nguyên tắc cơ bản của đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp là khen phải đúng và chê cũng phải đúng, mang tính xây dựng để vừa hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa có điều kiện để phát triển vươn lên vì lợi ích của chính họ và vì sự phồn thịnh của đất nước”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

ts.nguyen-anh-tuan

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư

Trước đây, khi còn làm TBT nhóm báo Đầu tư, ông đã nhiều lần đề cập mối quan hệ đồng hành báo chí với doanh nghiệp. Nay từ góc nhìn của một TBT tạp chí, ông có suy nghĩ gì khác trước về mối quan hệ này không?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong các tham luận và phát biểu của mình trước đây, tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với báo chí.

Cụm từ “báo chí” ở đây được hiểu là cả báo và tạp chí, vì vậy về cơ bản những ý kiến trao đổi của tôi trước đây không khác gì hiện nay. Tuy nhiên, khi bàn sâu về phương thức đồng hành giữa báo và tạp chí với doanh nghiệp, có thể thấy có những điểm khác nhau nhất định. Các tạp chí phải có các bài viết chuyên sâu của các chuyên gia, thể hiện rõ quan điểm, có cơ sở lý luận về thực tiễn và giải pháp giải quyết vấn đề thay vì chỉ trích dẫn ý kiến của các chuyên gia.

Ông có thể cho biết một vài ví dụ cụ thể?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chẳng hạn đối với chủ đề hội nhập quốc tế, nếu như các báo thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung cấp thông tin về tiến trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do, lộ trình cắt giảm thuế quan, chỉ ra những cảnh báo, những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam qua ý kiến của chuyên gia, thì các tạp chí lại phải có các bài viết của các chuyên gia phân tích sâu, dựa trên lý luận và thực tiễn mang tính khoa học về những cơ hội và thách thức đó.

Hay như khi bàn đến người giàu tại Việt Nam, các báo thông tin kịp thời vè các kết quả xếp hạng, trích dẫn ý kiến đánh giá của các chuyên gia về nguồn gốc sự giàu có và không phải ý kiến nào cũng khách quan. Nhiệm vụ của Tạp chí là phải có các bài viết sâu dựa trên cơ sở khoa học để chỉ ra nguồn gốc cửa sụ giàu có. Những đánh giá nhận định đúng, khách quan có ý nghĩ,a rất lớn trong việc cổ vũ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, làm giàu chân chính, đồng thời là cơ sở để hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư kinh doanh nhằm ngăn chặn việc làm giàu bất chính.

Tôi muốn nói thêm là trước Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí về chủ đề này và những bài viết đó đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành quyết sách quan trọng này của Đảng. Đó cũng là sự đồng hành mang tính “gốc rễ” của tạp chí đối với doanh nghiệp.

Trở lại với khái niệm “đồng hành”, ông từng nói, báo chí phê phán đúng, chỉ ra những cái sai cũng chính là đồng hành cũng doanh nghiệp. Nhưng liệu doanh nghiệp có đồng hành cùng báo chí khi báo chí đăng tải những điều họ không mong muốn?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết phải thấy rằng, phần lớn doanh nghiệp cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có ý thức tuân thủ pháp luật. Do vậy nói “báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” là nói đến việc đồng hành cùng số đông đó.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy cũng có những trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật không hẳn do họ cố tình mà do thiếu am hiểu pháp luật, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những trường hợp đó, nếu báo chí chỉ đúng cái sai và gợi mở giải pháp khác phục trên tinh thần xây dựng thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ không quay lưng với báo chí.

Tôi cho rằng, nguyên tắc cơ bản của đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp là khen phải đúng và chê cũng phải đúng, mang tính xây dựng để vừa hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, vừa có điều kiện để phát triển vươn lên vì lợi ích của chính họ và vì sự phồn thịnh của đất nước.

Vậy theo ông báo chí của chúng ta đã làm được điều như ông nói chưa?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Bên cạnh những điều báo chí đã làm rất tốt với vai trò phản biện chính sách và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cầu nối doanh nghiệp với thị trường và với đối tác, thì vẫn còn những biểu hiện gây cản trở đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn như vẫn còn tình trạng thông tin sai sự thật hoặc thổi phồng khiếm khuyết, thông tin một chiều, chỉ xoáy vào yếu tố tiêu cực mà lờ đi tổng thể tích cực,…Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ đạo đức nghề nghiệp và năng lực trình độ của một bộ phận phóng viên, biên tập viên còn hạn chế, thiếu sự định hướng đề tài một cách chặt chẽ của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Để khắc phục tình trạng nói trên, đòi hỏi phải không ngừng đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ báo chí và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Mặt khác, phải coi trọng phát triển kinh tế báo chí để đảm bảo đời sống cho người làm báo vì một cơ quan báo chí chuyên nghiệp phải là cơ quan báo chí mà ở đó người làm báo phải sống được bằng chính nghề của mình.

Và một khi đã nói đến phát triển kinh tế báo chí thì không thể không nói đến doanh nghiệp, vì họ không chỉ là nguôn tin mà còn là nguồn cung cấp tài chính lớn nhất  cho báo chí. Như vây, quan hệ báo chí doanh nghiệp, doanh nghiệp - báo chí không chỉ là mối quan hệ đồng hành mà còn là mối quan hệ cộng sinh.

Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Trần Nguyên Huy - Tổng biên Tập Báo Nhà báo và Công luận: “Đồng hành, tương sinh, tương hỗ vì nền kinh tế”

ong-tran-le-huy-1501045651

Ông Lê Trần Nguyên Huy - TBT Báo Nhà báo và Công luận

“Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã là chủ đề của rất nhiều các cuộc hội thảo, tọa đàm, bàn tròn. Đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau về mối quan hệ này. Đã có không ít những hoài nghi, băn khoăn trăn trở về cái gọi là sự “lợi dụng lẫn nhau” trong mối quan hệ đó, khi doanh nghiệp “lợi dụng” báo chí để được PR ca tụng lên tận mây xanh, để làm lá chắn che đỡ trước những luồng thông tin bất lợi, còn báo chí thì bị cho là “dựa hơi” vào doanh nghiệp, coi đó là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, để tận dụng, lúc vừa lòng thì hết lời ca ngợi, lúc phật ý hoặc khi được chăm sóc “không đủ đô” thì quay sang sách nhiễu, làm khó, thậm chí “đánh hội đồng”.

Trên thực tế, không thể phủ nhận những hoài nghi ấy là không có cơ sở. Nhưng phải khẳng định rằng, nhìn một cách xuyên suốt, toàn diện lại mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, mới thấy những “vấn nạn” ấy vẫn chỉ là thiểu số, thứ yếu. Báo chí và doanh nghiệp Việt vẫn đến nhau bằng tình cảm chân thành, với tâm thế đồng hành, tương sinh, tương hỗ lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển. Báo chí phát triển được một phần rất quan trọng nhờ doanh nghiệp. Báo chí muốn sống khoẻ, nhuận bút khá hơn, lương cho biên tập viên, phóng viên tốt hơn thì phải có một nguồn tài chính, dựa chủ yếu vào nguồn quảng cáo, tài trợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì coi báo chí là kênh quảng bá hữu hiệu, góp phần đưa sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua báo chí, giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh các chủ trương cho doanh nghiệp. Hơn thế trong nhiều trường hợp, báo chí chí còn “cứu nguy” cho doanh nghiệp, “gỡ thế khó” và lấy lại hình ảnh cho doanh nghiệp vốn đôi khi vì lý do nào đó bị sai lệch trong mắt người tiêu dùng. Tóm lại, đó hoàn toàn là một mối quan hệ cộng sinh, khăng khít, gắn bó mật thiết với nhau.

Đất nước đang đà phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam đang được xem là động lực phát triển kinh tế của đất nước, được tháo gỡ mọi rào cản, được tạo mọi điều kiện để phát triển. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của các cấp chính quyền mà còn có vai trò, trách nhiệm của báo chí. Chính vì vậy, dù đâu đó vẫn còn những khoảng cách, những hiểu nhầm… nhưng tất cả sẽ được xóa nhòa, sẽ trở nên nhỏ bé nếu cả doanh nghiệp và báo chí đều nhận thức rõ được rằng nếu cả hai bên thực sự đồng hành, thực sự tương hỗ lẫn nhau, vì một nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ.

Ông Phạm Nguyễn Toan - TBT Tạp chí Bất động sản Việt Nam: “Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh”

pham-nguyen-toan

Ông Phạm Nguyễn Toan - TBT Tạp chí Bất động sản Việt Nam

Cách đây không lâu, Chủ tịch một tập đoàn BĐS lớn có mời tôi ăn tối để tư vấn về giải pháp truyền thông doanh nghiệp. Anh kể rằng, tập đoàn mình, hàng năm đã chi một khoản tiền rất lớn để “quan hệ” và hợp tác truyền thông với báo chí nhưng vẫn bị đánh te tua. Trong khi đó, một tập đoàn khác, cùng ngành (theo anh biết là chi ít tiền hơn) thế mà lúc nào cũng được báo chí ưu ái “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”.

Tôi bảo, anh có muốn nghe nói thật không? Anh bảo có. Và tôi chỉ nói vui với anh rằng: “Chung quy là do ăn ở”. Khi anh đo mối quan hệ bằng tiền và dùng tiền để quan hệ thì anh cũng sẽ nhận lại cách ứng xử tương tự.

Đành rằng, “sách trắng” ra mà nói, ngoại trừ một số ít tờ báo được “bao cấp” thì hầu hết nguồn thu của báo chí giờ đây phụ thuộc vào hợp tác quảng cáo, truyền thông của doanh nghiệp. Nhưng báo chí, bên cạnh cái phần đời “cơm áo gạo tiền” tương tự như doanh nghiệp thì họ còn cái phần “đạo” phải theo. Có của để cho là tốt nhưng bên cạnh đó cũng còn cần phải biết cách cho. Cái mà báo chí cần ở doanh nghiệp không chỉ là tiền mà còn là thông tin, là văn hóa ứng xử (bao gồm cả ứng xử nội bộ, ứng xử truyền thông, ứng xử khách hàng và dịch vụ...).

Về lý thuyết, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, win – win. Doanh nghiệp cần báo chí để quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm/dịch vụ; để quản trị khủng hoảng truyền thông... Báo chí cũng cần thông tin doanh nghiệp để phản ánh và được làm dịch vụ truyền thông cho doanh nghiệp để có “thực” mà vực “đạo”. Thế nhưng ở khía cạnh khác, đó cũng còn là mối quan hệ thuộc quy luật “thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”. Để hài hòa mối quan hệ ấy chẳng dễ chút nào.

Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề không tích cực, đòi hỏi cả hai bên cần thiện chí giải quyết. Doanh nghiệp cần dẹp bỏ “nỗi sợ” báo chí bằng cách phát triển minh bạch hơn, làm ăn nghiêm túc hơn. Còn báo chí, cũng cần nhìn lại mình và có cái nhìn công bằng hơn về doanh nghiệp.

Trong 20 năm làm việc kể từ khi ra trường, tôi có khoảng 10 năm làm lãnh đạo truyền thông doanh nghiệp và 10 năm làm báo. Nằm trong cả hai “tấm chăn” ấy, tôi nghĩ mình khá hiểu để “cảm thông và chia sẻ” với nỗi khó khăn trong việc duy trì quan hệ của cả 2 bên. Và từ khóa mà tôi rút ra là sự minh bạch, chia sẻ với một tấm chân tình!

YÊN BÌNH (ghi)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ