Bài học đắt giá cho Yeah1 và sự đơn độc của start-up Việt

Nhàđầutư
Trong hành trình vươn mình ra thế giới của người Việt, phải rất khó khăn mới gây dựng được một thương hiệu có sức ảnh hưởng như Yeah1. Có chăng chúng ta cần thay đổi tư duy, cách ứng xử để tránh cho Yeah1, và nhiều start-up sau này nữa rơi vào số phận như của Flappy Bird hay BPhone.
NGHI ĐIỀN
11, Tháng 03, 2019 | 07:08

Nhàđầutư
Trong hành trình vươn mình ra thế giới của người Việt, phải rất khó khăn mới gây dựng được một thương hiệu có sức ảnh hưởng như Yeah1. Có chăng chúng ta cần thay đổi tư duy, cách ứng xử để tránh cho Yeah1, và nhiều start-up sau này nữa rơi vào số phận như của Flappy Bird hay BPhone.

yeah1-nhadautuvn-0034-1522

Yeah1 đang phải đối mặt với cuộc khủng hoàng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Ảnh: NGHI ĐIỀN

Start-up công nghệ Yeah1 suốt một tuần qua chìm trong khủng hoảng, với thông tin bị YouTube chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung, nói tóm gọn là "nghỉ chơi".

Dù Yeah1 đã lên tiếng khẳng định sự cố đang được xử lý, và không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình kinh doanh của tập đoàn này, song không thể phủ nhận đây là sự cố nghiêm trọng đối với Yeah1.

Không nghiêm trọng sao được khi mà giá cổ phiếu nằm sàn cả 5 phiên giao dịch trong tuần, cuốn bay hơn 1/3 giá trị vốn hoá, đâu đó cỡ vài nghìn tỷ đồng.

Cơn hoảng loạn của nhà đầu tư được "tiếp sức" bởi nhiều cơ quan truyền thông - tường thuật lẫn phán đoán, thậm chí cả suy diễn về viễn cảnh kinh doanh u ám của Yeah1.

Trong trường hợp này, cần tách bạch hai vấn đề. Một, là Yeah1 thực sự bị ảnh hưởng đến mức độ nào. Hai là về cách thức ứng xử của các bên.

Bài học đắt giá

Như đã nói, đây là sự cố nghiêm trọng đối với Yeah1. Năm ngoái, tổng cộng hơn 3.400 kênh được Yeah1 quản lý mang về 94 tỷ lượt xem, mục tiêu tăng lên 120-130 tỷ trong năm nay và trở thành doanh nghiệp có mức tăng trưởng số 1 châu Á.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng một phần đến từ chiến lược mở rộng theo chiều ngang của Yeah1. Họ có phần "tham lam", liên tục thông qua các MCN, nhận gia nhập các kênh nội dung YouTube tiềm năng. Bên cạnh ăn phần trăm hoa hồng quảng cáo, thì mục tiêu lớn hơn của Yeah1 là mở rộng ảnh hưởng và thương hiệu trên phạm vi toàn cầu.

Dù vậy, đây lại là phương thức có hiệu quả không cao. Bởi Yeah1 thông thường chỉ được cắt lại 5% hoa hồng, trong khi họ phải hỗ trợ các kênh nội dung về cả nhân lực lẫn công nghệ, kỹ thuật, thậm chí cả ý tưởng.

Việc đẩy quá nhanh mảng YouTube Adsense là con dao hai lưỡi, dù chỉ mang về 1 triệu USD, tương đương 13% tổng lợi nhuận cả tập đoàn trong năm ngoái, song Yeah1 phải tốn rất nhiều nhân sự và nguồn lực để kiểm duyệt trung bình 400 giờ video mỗi ngày, và rủi ro là chắc chắn xảy ra, bởi "không ai nắm tay từ sáng đến tối".

Đây cũng chính là mảng kinh doanh mà YouTube đang muốn "truất quyền thi đấu" của Yeah1, với cáo buộc vi phạm của một công ty liên kết gián tiếp do Yeah1 sở hữu 16% ở Thái Lan.

Mảng thứ hai, không quá nổi bật, nhưng mới là lĩnh vực cốt lõi mà Yeah1 đang theo đuổi. Đó là các kênh YouTube tự phát triển, dù tốc độ tăng trưởng không nhanh bằng nhưng hoàn toàn "sạch" với biên lợi nhuận lên tới 50%. Trên thực tế, Yeah1 đã nhìn trước được những khó khăn khi phụ thuộc lớn vào mảng Adsense (bản cáo bạch 2018 thể hiện) và đang phân tán rủi ro sang các lĩnh vực khác.

Bên cạnh mảng truyền thống (kênh truyền hình, mua bán quảng cáo truyền hình, làm phim), thì ở mảng phi truyền thống, Yeah1 cho biết sẽ giảm dần tỷ lệ doanh thu, không những từ YouTube Adsense, mà còn cả Google Adsense và Facebook Adsense; đồng thời phát triển những kênh nội dung của riêng mình, có thể thông qua xây dựng từ đầu hoặc M&A. Đây mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Yeah1.

Nhìn từ góc độ này, phải chăng nốt trầm vừa qua là một sự chững lại, là bài học đắt giá nhưng cần thiết để Yeah1 nhìn lại chặng đường đã đi cũng như đánh giá toàn bộ hoạt động của cả tập đoàn. Tiềm năng thị trường số ở Việt Nam, mở ra khu vực và thế giới là vô tận. Các founder của Yeah1 cùng những ý tưởng, tham vọng của họ có chăng đã bước đi quá nhanh so với tốc độ chuyển động của cả guồng máy.

Và cả trong trường hợp đàm phán với YouTube không thành, thì đó vẫn không phải là thảm hoạ đối với Yeah1, khi hàng trăm nhân sự mảng này sẽ được chuyển sang phát triển các kênh nội dung chính thống. Như đã nói, đó mới là nền tảng bền vững cho sự phát triển của start-up này.

Sự đơn độc của start-up Việt

Lên sàn chứng khoán chưa đầy một năm, nhưng Yeah1 đã và đang phải trải qua nhiều đợt sóng gió liên tiếp từ truyền thông. Không mấy băn khoăn khi các founder của Yeah1 đều là "dân" công nghệ, với xuất phát điểm là "admin" của một diễn đàn website. Họ làm sao thành thạo được cách thức, cũng như chiêu bài PR (quan hệ công chúng), hay IR (quan hệ nhà đầu tư).

Dù sao, giờ đây đã là một công ty niêm yết có vốn hoá lớn, không để công chúng, nhà đầu tư thấu hiểu được giá trị cốt lõi của mình, thì đó chắc chắn là phần trách nhiệm của lãnh đạo Yeah1.

Nhưng, đứng ở góc độ dư luận, các cơ quan truyền thông, nên áp dụng góc nhìn nào cho hợp lý?

Để ý rằng sự cố vừa qua của Yeah1 chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi họ là người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh số. Người đi đầu khó tránh sai lầm, quan trọng là họ nhận thức được và vượt qua để ngày càng thêm mạnh mẽ.

Vài năm trước khi lên sàn, Yeah1 từng bị một tổng công ty truyền hình cáp ép giá gấp vài lần, rồi cắt mất kênh vì không tìm được tiếng nói chung, bắt nguồn từ việc họ phát triển quá nhanh. Năm đó, doanh thu giảm tới 70%, Yeah1 tưởng chừng phải nộp đơn phá sản. Quá trình vực dậy và vươn lên từ đó tới nay cho thấy năng lực của đội ngũ lãnh đạo lẫn 500 thành viên của Tập đoàn.

Với tốc độ phát triển số 1 châu Á, Yeah1 hiện nắm thị phần lớn ở khu vực Asean và đang mở rộng sang Nhật Bản, Singapore, Mỹ, doanh thu 1.600 tỷ năm ngoái.

Có mấy thương hiệu Việt làm được điều tương tự!

Trong cuộc đàm phán với gã khổng lồ YouTube, Yeah1 đang đơn độc và yếu thế, không nhận được sự ủng hộ của dư luận lẫn các cơ quan truyền thông, thậm chí cả các cơ quan chức năng, dù đơn vị này đang góp phần làm sạch mạng xã hội (một kênh nội dung muốn vào hệ sinh thái của Yeah1 phải tuân thủ các quy định chặt chẽ).

Trong hành trình vươn mình ra thế giới của người Việt, phải rất khó khăn mới gây dựng được một thương hiệu có sức ảnh hưởng như Yeah1. Nếu chúng ta tiếp tục cách ứng xử bấy lâu, các doanh nghiệp kiểu Yeah1 sẽ tiếp tục bị "bóp nghẹt" từ ngay trên sân nhà, phải quy phục hoàn toàn trước những YouTube, Google, Facebook.

Đã đến lúc cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của một bộ phận người Việt, để tránh cho Yeah1, và nhiều start-up sau này nữa rơi vào số phận như của Flappy Bird hay BPhone...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ